Tranh luận: “Lạm phát” danh hiệu Nhân dân, Ưu tú?

Việc mở rộng đối tượng trao danh hiệu NSND, NSƯT sẽ thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những người lao động nghệ thuật. Tuy nhiên, có không ít băn khoăn của giới văn nghệ sĩ về đề xuất này.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, kiến nghị về việc nghiên cứu, mở rộng diện được xét danh hiệu NSND, NSƯT sang lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học... đã được đưa ra thảo luận.

Theo đó, đại biểu cho rằng, bên cạnh việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thì cũng nên mở rộng việc phong tặng danh hiệu này cho chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.

Arttimes.vn ghi nhận những ý kiến từ những nhà biên kịch, nhà thơ, nhà phê bình văn học xung quanh vấn đề còn tranh luận này.

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng:

Không nên “lạm phát” danh hiệu Nhân dân, Ưu tú

Tranh luận: “Lạm phát” danh hiệu Nhân dân, Ưu tú? - 1

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng

Tôi không đồng tình, ủng hộ việc mở rộng đối tượng xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT cho nghệ sĩ sáng tác vì gọi nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ…là đủ. Các danh hiệu này chỉ nên đặc biệt dành cho giới nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật.

Với lĩnh vực văn học càng không nên vận dụng xét tặng danh hiệu Nhân dân, Ưu tú. Khi một nhà văn có tài năng thực sự thì tự khắc được định danh là “tác gia”, cao hơn là “văn hào”, “đại thi hào”. Nhà văn chân chính và tài năng thuộc về nhân dân. Nếu phong danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú thì cũng không có tác dụng thực sự, vì y phục phải xứng với kì đức, bộ quần áo không làm nên thầy tu.

Nếu vẫn khăng khăng (thì đành lòng vậy, cầm lòng vậy) xét phong danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú thì tiêu chí phải là cả tâm, cả tầm với nghệ sĩ ngôn từ. Tác phẩm phải hay, phải nằm lòng trong kí ức độc giả. Tác phẩm của họ có thể “xuất khẩu” vào thị trường văn học thế giới.

Để tránh tốn kém ngân sách (thuế của dân đóng), nên bỏ việc xét duyệt các danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú. Các danh hiệu này trước đây ta học theo mô hình Liên Xô, nay không nên lạm phát!

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền:

Danh hiệu không phải “quả thực” để chia phần

Tranh luận: “Lạm phát” danh hiệu Nhân dân, Ưu tú? - 2

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền

Không nên biến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân thành ra sự so bì, tị nạnh mà nên đòi hỏi cho đúng với mục đích của Giải thưởng và Phong tặng.

Nhiếp ảnh gia tuy là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh nhưng công việc của họ là sáng tác ra tác phẩm. Tôi cũng là hội viên hội Nghệ sĩ Sân khấu nhưng công việc là sáng tác mà giả dụ được phong là Nhà viết kịch Ưu tú hay Nhân dân thì quá kỳ ! Bản thân công chúng chả theo Quyết định nào, chỉ qua tác phẩm mà gọi ai là Nhà văn, Nhạc sĩ, Hoạ sĩ, Nhà viết kịch …cũng đủ rồi, đâu cần thêm nhân dân hay ưu tú đi kèm.

Khi loạn chuẩn, xa rời mục đích cao cả mà Nhà nước và Nhân dân đặt ra vì những so bì thiếu khoa học nên dư luận xã hội lo và đã nổi sóng rằng cứ đà này, thì các nhân viên hành chính cũng có thể được phong tặng danh hiệu Công chức, Viên chức Nhân dân hay Công chức, Viên chức Ưu tú? Giữa Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSND, NSƯT giờ thay đổi, liệu có loạn chuẩn chăng?

Tôi cho rằng, nhân dân và người được phong thưởng rất cần sự trao thưởng chính xác, đâu cần hình thức, phong trào hay “nâng cấp” như sách giáo khoa, cứ phải nâng khổ, giấy đẹp thay cho chất lượng trong đó.

Đối với những người sáng tác, vinh quang nhất là sự ghi nhận của công chúng đối với tác phẩm của họ. Những danh hiệu như “nhà văn nhân dân”, “nhà văn ưu tú”... theo tôi, là sai với mục đích của Đảng và Nhà nước đặt ra. Đừng bao giờ biến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân thành “miếng bánh”, thành quyền lợi để chia nhau!

Nhà văn Nguyễn Hiếu:

Danh hiệu chồng danh hiệu vô hình chung hạ thấp, nghiệp dư hoá danh hiệu

Tranh luận: “Lạm phát” danh hiệu Nhân dân, Ưu tú? - 3

Nhà văn Nguyễn Hiếu 

Tôi hoàn toàn không tán thành việc tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho người sáng tác ( tôi không muốn dùng từ Nghệ sĩ sáng tác). Vì sáng tác và biểu diễn là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

Một đằng là thể hiện sự sáng tạo bằng hình thể, đài từ, chất giọng hoặc như ở vai trò của đạo diễn nói như kịch tác gia Lộng Chương là “người sáng tạo thứ hai trền nền kịch bản”. Còn các nhà văn, tác gia là sự sáng tạo mang tính chủ thể bắt đầu từ trí tuệ, năng lực tư duy, kinh lịch cuộc sống trong đó không thể thiếu yếu tố năng khiếu bẩm sinh và cuối cùng là vốn kiến thức được đào tạo.

Cách đây gần hai thập niên, nhà nước đã có phân định rõ ràng: danh hiệu NSƯT, NSND là dành cho những người ở lĩnh vực biểu diễn; Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh cho những người ở lĩnh vực tác giả. Thời gian qua, tuy còn nhiều dư luận trong những đợt phong tặng nhưng dù sao cũng tạm mặc định được danh hiệu cho hai lĩnh vực này.

Nay đưa thêm danh hiệu “Nhà văn ưu tú”, “Nhà văn nhân dân “ chỉ làm rắc rối thêm theo kiểu danh hiệu, tặng thưởng chồng lên danh hiệu, tặng thưởng. Đó là điều hoàn toàn không cần thiết, chưa kể nếu diễn ra sự rắc rối này, vô hình chung đã hạ thấp, nghiệp dư hoá các danh hiệu, phần thưởng.

Tranh luận: “Lạm phát” danh hiệu Nhân dân, Ưu tú? - 4

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh 

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh:

Danh hiệu nhân dân nhân dân. Tại sao không?

Quốc hội đang luận bàn việc mở rộng đối tượng phong tặng danh hiệu “nhân dân”, “ưu tú” tới nhà văn và kiến trúc sư. Dù có liên quan đến “ đối tượng mở rộng” này, tôi tuyệt nhiên không mơ ước một ngày nào đó sẽ được khoác “nhân dân “ trên vai và cũng không dám lạm bàn chuyện phong tặng.

Với hiểu biết hạn hẹp của một người làm công việc liên quan đến chữ nghĩa, tôi chỉ lăn tăn chuyện đặt 2 chữ nhân dân vào danh hiệu một cách… tù mù và tăm tối, khiến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt “như gìn con ngươi của mắt mình” trở nên hài hước.

Về mặt ngữ nghĩa, “nhân dân” là danh từ chung để chỉ tập hợp đông đảo mọi người thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng đang sống trong một khu vực địa lý nhất định. Vì vậy “phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước" mà dùng từ “nhân dân“ để gọi tên thì chắc chắn không đúng với tiếng Việt.

Trên thực tế, sau năm 1945, khi thành lập nước, tên gọi của chính quyền, lực lượng vũ trang và các cơ quan tư pháp đều gắn liền với hai chữ nhân dân: Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Toà án nhân dân… Danh xưng gắn với chữ nhân dân để xác định các cơ quan và lực lượng này là của dân, do dân và vì dân. Nhưng nếu đặt ra một danh hiệu mang tên “nhân dân“ để phong tặng một số cá nhân xuất sắc và có nhiều đóng góp trong một số lĩnh vực thì rất vô nghĩa.

Nếu hiểu theo nghĩa của dân, do dân, vì dân thì chả lẽ những nghệ sĩ-thầy thuốc- nhà giáo không được phong tặng danh hiệu sẽ là những người không phải “của dân, do dân và vì dân”? Tôi cũng không lý giải được tại sao chỉ có nghệ sĩ (biểu diễn), nhà giáo, thầy thuốc được tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, còn các ngành nghề khác như không có “danh hiệu vinh dự”, dù sự cống hiến cho xã hội chưa chắc nghề nào thua kém nghề nào.

Có lẽ nhiều người khác cũng có suy nghĩ như tôi, vậy nên mới có chuyện Quốc hội luận bàn việc mở rộng đối tượng phong tặng danh hiệu. Vậy là trong tương lai biết đâu sẽ có danh hiệu nhà văn nhân dân, nhà thơ nhân dân, kiến trúc sư nhân dân, thậm chí nhà báo nhân dân, kỹ sư nhân dân, công nhân nhân dân, nông dân nhân dân…Và đến khi danh sách mở rộng đến hết biên độ, sẽ có danh hiệu nhân dân nhân dân. Tại sao không?

Phạm Hằng - Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất