Fansipan trong những chiếc gùi H'mông (Tiếp và hết)

Vui câu chuyện, Mã A Ly còn kể cho tôi nghe những điều vui buồn xảy ra xung quanh công việc gùi hàng du lịch của bố con bác. Bác bảo nghề của mình là phục vụ khách thì chỉ biết gùi cho khoẻ, nấu nướng cho khách ăn ngon, còn vui hay buồn đều do khách mà ra cả thôi. Nhiều người có cái bụng tốt thì làm cho chúng mình vui, nhưng cũng có người không dễ tính đâu...

Fansipan trong những chiếc gùi H'mông phần 1

Bác kể, có một lần A Giáy và A Dín gùi hàng cho hai vợ chồng với một đứa con trai người Hải Phòng. Chỉ có ba người mà phải hai potơ gùi nặng mới hết được hàng. Lúc lên gần đến đỉnh, A Giáy trượt chân ngã làm vỡ chai nước sâm của ông bà chủ, họ chửi A Giáy nhiều lắm, còn doạ trừ tiền công ty bốn trăm nghìn đồng. A Giáy xin thế nào họ cũng không tha, thế là chuyến đó hai đứa đi ba ngày đem về chỉ có hơn ba trăm.

Lại một lần đội potơ 5 người nhà bác giống như hôm nay đi gùi hàng cho một đoàn Hà Nội, cũng nghỉ qua đêm ở Lán Hai này. Họ uống bia đến mười giờ thì hết tất cả bia trong quầy hàng, bác Ly bảo hết rồi, sáng mai mới có người mang lên bán, nhưng họ bắt phải xuống núi lấy đem lên để uống tiếp. Thế là bác Ly và A Vàng phải đi ngay về Lán Một, may mà dưới đó vẫn còn, gần một giờ sáng khi hai bố con gùi bốn thùng bia về tới nơi thì họ đã đi ngủ hết cả rồi, không ai chịu uống nữa, mất công quá!

Mã A Ly cười buồn rồi nét mặt bỗng trở lại tươi tỉnh bảo tôi, nhưng mà những người như thế không nhiều lắm đâu, có nhiều người khác tốt hơn, sau khi xuống núi ăn cơm chia tay, ai cũng biết cảm ơn cu tỉ potơ, lại còn cho cả tiền típ nữa. Bác kể, có lần đội của bác phục vụ một đoàn người Tây, lúc xuống núi trở về, có một bà bị sai khớp chân không đi được, cu tỉ phải chặt cây buộc túi ngủ thành cáng thay nhau khiêng bà Tây xuống tới Trạm Tôn. Họ cảm ơn nhiều lắm, lại còn cho một chai rượu Tây với 100 Đôla tiền típ, nhiều quá!

Tôi bảo tiền nhiều thế uống rượu sao cho hết? Bác cười khà khà mà rằng, con trai H'Mông bây giờ không uống rượu nhiều như trước nữa. Con bác đứa nào cũng dành tiền mua được xe Minskơ, xe Honda, đến mùa mưa không có khách leo núi thì lại chở xe ôm cho khách đi thăm bản, đi Tả Van, Tả Phìn, Thác Bạc, Cổng Trời. Cái du lịch phát triển nó hay thế đấy, quanh năm có việc kiếm tiền, còn có lúc nào mà uống rượu nữa đâu!

Fansipan trong những chiếc gùi H'mông (Tiếp và hết) - 1

Tác giả Nguyễn Đắc Như cùng ông Mã A Ly uống rượu thổi kèn lá đêm lửa trại giữa rừng đại ngàn Fansipan

Cơm nước xong, anh em chúng tôi với tất cả cu tỉ hai đội potơ và tua gai, không trừ một ai, cùng nhau tổ chức đốt lửa trại, uống rượu, hát hò và trò chuyện cho tới mười giờ khuya mới đi ngủ. Sáng hôm sau dậy sớm, trời lạnh buốt và sương mù bao phủ. Các cu tỉ dọn dẹp giường phản, cuộn túi ngủ vào bao cho cả đoàn rồi phục vụ mọi người ăn uống đâu đấy, bảy giờ lại lên đường.

Đúng như phổ biến của Thiện sáng qua, từ lúc rời khỏi Lán Hai, hơn một giờ đồng hồ sau đó, chúng tôi luôn trong tư thế tụt dốc. Càng xuống sâu sương mù càng dày đặc, có lúc cách nhau hai, ba mét đã không trông thấy người mà chỉ nghe thấy tiếng. Xuống đến chân khe của đỉnh Fansipan, gió bỗng thổi mạnh hơn và cuốn đi tất cả mây mù, phút chốc trời trở lại quang quẻ, mặt trời le lói chếch từ phía Đông hẻm núi, những tia nắng đầu tiên rọi lại xuyên qua tán lá rừng, toả ra thành một chùm sáng hình rẻ quạt, óng ánh cả một vạt rừng nơi đoàn người đi qua. Chúng tôi ngồi nghỉ lại dưới chân khe, chấn chỉnh đội hình trước lúc bước vào chặng đường khó khăn và nguy hiểm nhất của cả cuộc hành trình.

Tôi xin phép không phải kể lại công việc leo núi của chặng cuối cùng này. Chỉ biết rằng, khi lên đến đỉnh, mọi người đều có chung một cảm giác là rất tự hào, rất mãn nguyện vì mình vừa làm được một việc mà trước đó đã nhiều lúc tưởng chừng như muốn bỏ dở giữa chừng.

Thế là sau bảy tiếng đồng hồ xuất phát từ Lán  Hai, hai giờ chiều ngày hôm sau đoàn leo núi 9 người chúng tôi, cùng với 9 tua gai và cu tỉ potơ, kẻ trước người sau, đã lần lượt đặt chân lên được điểm cao nhất của đỉnh Fansipan. Đinh Văn Thiện nói, nếu lên đến đây trước lúc 12 giờ trưa thì may ra trời còn quang đãng không sương mù, và như thế mới hy vọng nhìn thấy được thị xã Sapa và toàn cảnh các ngọn núi khác cao trên ba nghìn mét quây quần quanh ngọn núi Chúa này.

Đúng là như vậy! Trời đã ngả về chiều, và tất cả những sự tưởng tượng về một không gian kỳ vĩ, hoành tráng đến mức huy hoàng của Fansipan đã không mở ra trước mắt chúng tôi. Lúc này tầm nhìn như bị khoá chặt. Tất cả đều chìm trong một bầu trời mù mịt mây giăng và một không gian hồng hoang gió núi. Ở đây không có bất cứ một vật nào lại không mang dấu ấn của gió. Rừng trúc lùn bao phủ sườn núi nằm rạp một chiều sóng lượn theo hướng đi của gió chẳng khác nào một cánh đồng lúa đang thì con gái ở dưới xuôi kia. Những dải áo khoác tứ thân của các chàng trai H'Mông phần phật múa lượn trong gió.

Fansipan trong những chiếc gùi H'mông (Tiếp và hết) - 2

Chặng khó khăn cuối cùng phải vượt qua trước khi lên đỉnh Fansipan

Những chiếc áo khoác đồng phục của chúng tôi đã được buộc sát vào người bởi những quai và dây ba lô, cũng bị gió lùa và cứ căng phồng lên từng khúc. Tấm băng đỏ ghi dòng chữ "Đoàn chinh phục đỉnh Fansipan" được trương lên, cứ căng phồng như cánh buồm no gió. Tóc tai mọi người đều tung bay và rối bời trong gió, ngay đến mái đầu húi cua của Duy Hưng cũng còn bị gió chia cắt và xoắn lên từng mảng như tóc bò liếm. Và đặc biệt là mây, chưa bao giờ và ở đâu mà bằng mắt thường, tôi lại thấy tầng tầng lớp lớp những đám mây dày đặc, cuồn cuộn và miệt mài bay đi với tốc độ của gió nhanh đến thế, như ở đây, trên đỉnh Fansipan lúc này.

Tôi ngồi trên tảng đá cao nhất có gắn cột mốc hình khối chóp bốn cạnh bằng thép không gỉ trên đó có dập nổi dòng chữ "Fansipan - 3143 m"  để ngắm cảnh mây bay gió thổi. Cách chỗ ngồi chỉ vài ba mét là sườn núi dốc đứng với độ sâu cả nghìn mét đá lăn. Trong khoảnh khắc tôi như bị rơi vào trạng thái nghẹt thở. Cảm giác về sự quá nhỏ nhoi và mỏng manh của con người trước thiên nhiên hoang dã dễ làm người ta thấy choáng ngợp. Tôi lấy lại bình thản và tự nhủ lòng, như thế mà lại hay, có khi cái cảm giác này sẽ còn lưu lại trong mình ấn tượng mạnh mẽ và lâu dài hơn, nếu trước mặt lúc này lại là cảnh êm đềm trời xanh núi biếc và mây trắng nhởn nhơ bay như trong một bức ảnh đẹp!

Mọi người háo hức quay phim chụp ảnh. Chụp cá nhân, chụp đôi, chụp tập thể, chụp ôm cột mốc, chụp đứng dang tay... Rồi gọi điện, rồi nhắn tin cho bạn bè, cho người thân yêu để đánh dấu tại chỗ cái thời khắc đáng tự hào này. Có người còn đứng nép vào một góc, thành kính chắp tay, mặt hướng vào khoảng không vô cùng vô tận như muốn gửi tới chốn vô thường lời nguyện cầu về một điều ước muốn ...

Lúc này tôi còn thấy Duy Linh ngồi bên cột mốc 3143 mét loay hoay với chiếc máy GPS mang theo, một lúc sau anh thông báo cho mọi người biết, theo đo đạc của máy thì tổng chiều dài tuyến đường độc đạo từ Trạm Tôn lên đến đỉnh Fansipan mà đoàn đã đi trong hơn một ngày qua dài 8365 mét, và chênh lệch độ cao từ Trạm Tôn lên đến đây là 1903 mét. Những con số chính xác như thế đã cho mọi người hình dung ra cái kỳ tích mà mọi người đã lập được trong hai ngày leo núi.

Fansipan trong những chiếc gùi H'mông (Tiếp và hết) - 3

Đoàn leo núi 9 người đã lên tới đỉnh núi Fansipan 3143 mét 

Trong khi chúng tôi còn đang say sưa với những niềm vui không dứt, thì đội trưởng tua gai Đinh Văn Thiện đã kịp nhắc nhở mọi người cần khẩn trương ăn uống để còn xuống núi, nếu không sẽ không kịp về tới Lán Một trước khi trời tối. Ngay lúc đó, bữa ăn đã được cu tỉ potơ dọn ra. Tất cả được bày la liệt trên khoảng đất trống mặt bằng đỉnh núi, đều là đồ ăn nguội cho những chuyến đi xa, bánh mì gối, thịt hộp, bơ, pho mát, xúc xích, trứng luộc, bia, nước ngọt và hoa quả. Thật là một bữa tiệc no đủ về số lượng, dư thừa về chất lượng, và vô cùng ấn tượng về địa điểm, thời gian và không gian.

Nhìn những người bạn H'Mông đang rụt rè ăn uống xung quanh, tôi chạnh nghĩ thầm, chẳng phải là ai khác, mà chính những người đàn ông H'Mông này mới là những nhân vật chính làm nên sự thành công cho các chuyến du lịch leo núi Fansipan. Không có họ, không biết điều gì sẽ xảy ra với những ai có ý tưởng muốn chinh phục ngọn núi kỳ vĩ này?

Chúng tôi rời đỉnh núi lúc ba giờ chiều khi gió bắt đầu trở lạnh. Mọi người đều im lặng và mải miết bước đi như muốn tranh thủ lúc trời còn sáng mà nhanh chóng rút ngắn chặng đường phía trước. Đường về sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có chuyện đoàn người đi theo con đường mới. Theo chương trình đã định, chúng tôi sẽ đi theo con đường "Sống lưng", tức là đường phân thuỷ của sườn phía Đông dãy Hoàng Liên Sơn.

Con đường này nối từ đỉnh Fansipan về thẳng Lán Một, giống như là một đường huyền. Trong khi đó đường từ Lán Một qua Lán Hai lên đỉnh núi, tương tự như hai cạnh của tam giác vuông vậy. Con đường mới tuy có ngắn hơn nhưng nguy hiểm vì có rất nhiều đoạn dài hàng cây số, người ta chỉ có thể đi trên đỉnh sống lưng núi đá hẹp, còn hai sườn Đông Tây của dãy núi thì dốc đứng xuống độ sâu hàng nghìn mét. Tuyến đường này trước đây chỉ có người H'Mông địa phương và cán bộ kiểm lâm dám qua lại.

Cách đây hơn ba năm, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho xây dựng hệ thống hàng rào tay vịn bê tông cốt thép hình cây tre, trông thật mềm mại mà lại rất vững chãi. Tổng chiều dài hệ thống hàng rào này lên tới hơn hai cây số. Từ đấy, tuyến đường mới được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch.

Về đến Lán Một, cơm nước xong mọi người tranh thủ đi ngủ sớm. Đêm hôm đó không hiểu sao trằn trọc mãi mà tôi vẫn không sao chợp được mắt, và có lẽ trong đoàn cũng có người như thế khi thỉnh thoảng lại có tiếng trở mình hoặc tiếng ngáp khan đâu đó vọng sang. Trong khi đó tiếng ngáy của cánh potơ và tua gai cứ đều đều vang lên ở gian bên với đủ cung bậc cao thấp.

Trong cái đêm không ngủ giữa trùng điệp núi rừng Hoàng Liên ấy, sự suy nghĩ miên man từ cảnh này sang cảnh khác của chuyến leo núi, cuối cùng lại đưa tôi về với hình ảnh những người đàn ông H'Mông áo chàm, trong một dáng vẻ mới mẻ và có phần khác lạ so với những gì thường nhật vốn có ở họ mà tôi vẫn biết lâu nay. Thì các bạn cứ thử tưởng tượng, những tốp người H'Mông đang thoăn thoắt gùi những gùi hàng đầy ắp theo những đoàn khách du lịch lên cao. Tiếng bước chân họ đánh thức những cánh rừng ngái ngủ, bóng hình họ chuyển động những triền núi nguyên sơ trong những tua du lịch leo núi triền miên. Hình ảnh đó mới khác lạ làm sao so với tình cảnh họ phải lang thang vật vờ từ cánh rừng này sang cánh rừng khác đi đào củ mài chống đói, hoặc chặt phá cây rừng kiếm kế sinh nhai.

Fansipan trong những chiếc gùi H'mông (Tiếp và hết) - 4

Nụ cười chiến thắng trên đỉnh núi Fansipan 

Trên thế giới cũng có những chuyện tương tự, và tôi muốn đưa ra một so sánh. Núi Phú Sĩ, biểu tượng của nước Nhật, hàng năm thu hút trung bình khoảng 25 triệu du khách tham quan, trong đó khoảng 10% là khách leo núi. Du lịch núi Phú Sĩ đã đem về cho người Nhật mỗi năm 1,5 tỷ Đôla tiền lời và hàng chục nghìn lao động có việc làm. Trong khi đó ở ta, số du khách leo núi Fansipan hiện mỗi năm chỉ khoảng trên dưới năm nghìn người, tức là khoảng 500 lần ít hơn Phú Sĩ.

Khiêm tốn vậy mà du lịch leo núi Fansipan cũng đã tạo ra việc làm và thu nhập cho không ít doanh nghiệp, không ít người lao động. Chẳng phải nói đâu xa, trong tổng số trên 1100 hộ với khoảng 7500 nhân khẩu thuộc 6 xã vùng lõi phân bố rải rác trong vườn Quốc gia Hoàng Liên, quần tụ quanh ngọn Fansipan, thì người H'Mông chiếm trên 70% dân số, tức là khoảng 5000 người. Thế mà số người đi làm potơ trong mùa leo núi ở đây chủ yếu là đàn ông H'Mông, có lúc lên tới vài trăm người, chiếm phần quan trọng trong số lao động H'Mông đang đói việc ở địa phương. So sánh thế để thấy, nếu như du lịch leo núi Fansipan chỉ cần phát triển lên gấp vài lần như hiện nay thôi, hẳn là các lao động dư thừa ở đây sẽ được hút hết vào cái nghề mới mẻ này, thậm chí nó còn đủ sức lôi kéo về đây không ít những người đàn ông H'Mông thất nghiệp, đang ngày đêm oằn oại với cần sa thuốc phiện ở những vùng sâu, vùng xa trên tít cao nguyên đá heo hút miền biên cương.

Nếu lại biết thêm rằng Phú Sĩ là một ngọn núi có độ dốc thoai thoải, dễ chinh phục hơn nhiều so với Fansipan, trong khi đó, Fansipan là một ngọn núi trẻ, độ dốc lớn, giao động từ 25 đến 35 độ, chênh lệch giữa các đỉnh với thung lũng và chân khe cũng rất cao, nhiều nơi sâu đến trên dưới 1500 mét. Chính sự phức tạp và hiểm trở địa hình này đã khiến Fansipan nhanh chóng gây được sự chú ý đặc biệt cho khách du lịch leo núi nước ngoài. Trong số khách du lịch leo núi Fansipan hàng năm, trung bình có tới 60, 70% là người nước ngoài. Thực tế này giúp ta giải thích được một hiện tượng lạ, vì sao mà không ít người nước ngoài đang rất say sưa cổ xuý vận động bầu cho Fanxipan trở thành di sản thiên nhiên thế giới?

Ngần ấy thứ kể ra cũng chỉ là để muốn nói lên một điều, không dám mong du lịch leo núi Fansipan sẽ phát triển ngang tầm với Phú Sĩ, nhưng tin vào những tiềm năng quý hiếm và có thật của mình, hy vọng rằng trong một tương lai không xa, số khách du lịch leo núi Fansipan vươn lên con số vài chục nghìn người mỗi năm, sẽ không phải là điều gì quá xa vời. Và khi đó, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên là nghề potơ của các cu tỉ H'Mông sẽ phát triển thành một nghề mới, có tên chính thức trong danh mục những công việc được cấp chứng chỉ hành nghề ở nước ta, nhưng lại là một nghề đặc hữu của vùng núi rừng Hoàng Liên, giống như hoa đỗ quyên lâu nay cũng được coi là loài hoa đặc hữu của vùng này vậy.

Cũng trong dòng suy tưởng miên man trong cái đêm không ngủ đó, tôi lại nghĩ thêm, đến một lúc nào đấy, biết đâu lại có một cuộc thi sáng tác biểu tượng logo cho ngành du lịch leo núi Fansipan, có thể tôi sẽ tham gia dự thi với ý tưởng thể hiện như sau: Trên miệng của một chiếc gùi H'Mông được cách điệu, tôi sẽ vẽ một dãy núi với ba ngọn cao thấp khác nhau, một dải mây trắng vắt ngang đỉnh của ngọn cao nhất, như muốn kể ra đó là đỉnh Fansipan, nóc nhà của toàn cõi Đông Dương. Và cũng chính từ cái ý tưởng ấy mà khi kết thúc bài viết này, tôi đã không ngần ngại đặt tên cho nó là Fanxipan trong những chiếc gùi H'Mông.

*

Nhưng rồi giấc mơ của tôi về cuộc thi tìm kiếm logo biểu tượng cho Du lịch leo núi Fansipan, về nghề potơ thu hút hàng nghìn cu tỉ H’Mông đã không bao giờ trở thành sự thật nữa. Kể từ khi người ta tổ chức đại lễ cắt băng khánh thành tuyến cáp treo từ thị xã Sapa lên tới đỉnh núi chúa Fansipan phục vụ khách du lịch, thì không còn mấy ai nghĩ tới con đường độc đạo cheo leo đầy thử thách men theo sườn núi khi xưa. Và hôm nay đây, ngồi trong chiếc ca bin cáp treo lên đỉnh Núi Chúa, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến nhớ tới những người bạn H’Mông cu tỉ năm xưa, bác Mã A Ly rồi các bạn A Giô, A Dín, A Giáy, A Vàng… các bạn đang ở đâu và làm công việc gì kiếm sống?

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024

Bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024

Tổ chức bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024 là hoạt động nhằm đánh giá, tôn vinh các sự kiện tiêu biểu trên lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Thông qua bình chọn và công bố các sự kiện tiêu biểu góp phần tăng cường tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của ngành ở trong nước và quốc tế; thúc đẩy sự phát triển trong tiến trình công nghi

Dòng chảy tiến hóa: Cách các ý tưởng mới khởi phát trong tiến trình lịch sử loài người

Dòng chảy tiến hóa: Cách các ý tưởng mới khởi phát trong tiến trình lịch sử loài người

Từ “tiến hóa” (evolution) nguyên gốc có nghĩa là “mở ra”. Tiến hóa là một câu chuyện, một sự tường thuật về cách mọi thứ thay đổi. Nó cho thấy sự thay đổi đến từ bên trong, thay vì chịu định hướng từ bên ngoài. Cuốn sách này lập luận rằng sự tiến hóa đang diễn ra xung quanh chúng ta. Đó là cách tốt nhất để hiểu phương thức mà thế giới loài người cũng như thế giới tự nh