Hải Vân - Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Đèo Hải Vân nằm trên vùng đất khi xưa thuộc địa phận Vương quốc Chiêm Thành. Năm 1306 vua Chiêm là Chế Mân cầu hôn công chúa Trần Huyền Trân, con gái của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông. Được Nhân Tông chấp thuận, Chế Mân đã dâng cho nhà Trần hai châu Ô và Lý làm đồ sính lễ (hai châu này là vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra cho tới phía Bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay). Biên giới phía Nam của nước Đại Việt từ đây đã được mở cõi tới đèo Hải Vân. Khi thu nạp miền đất mới, vua Trần đã cho xây dựng một đồn biên phòng trấn thủ trên đỉnh đèo Hải Vân, đó chính là Hải Vân Quan, một công trình quân sự tồn tại cho đến ngày nay.
Những năm trước đây, khách bộ hành muốn di chuyển từ Huế ở phía Bắc vào Đà Nẵng ở phía Nam và ngược lại, chỉ có một con đường duy nhất mọi người phải vượt qua, con đường đó chính là đèo Hải Vân. Đường bộ đèo Hải Vân dài khoảng 25km, tuy không phải là đèo dài nhất Việt Nam, nhưng được đánh giá là con đèo hiểm trở nhất, kỳ vĩ bậc nhất của Việt Nam.
Nửa đèo phía Bắc thuộc địa phận quản lý hành chính thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, nửa đèo phía Nam nằm trên địa phận phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Hải Vân Quan được xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 496 mét so với mực nước biển, nằm trên đường ranh giới hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng ngày nay.
Núi Bạch Mã là một dải núi cao chạy ngang theo hướng Đông Tây từ biên giới Việt Lào vươn ra tận sát mép nước Biển Đông. Đèo Hải Vân khởi thủy chỉ là một con đường mòn nằm vắt ngang đỉnh núi Bạch Mã. Con đường độc đạo phải băng qua biết bao núi cao vực sâu và những cánh rừng nguyên thủy âm u rậm rạp với đủ loại thú dữ và những toán cướp hung dữ ngày đêm rình rập. Con đường xuyên sơn đó trên thực tế chỉ được sử dụng cho công việc quân sự của binh lính triều đình, thường dân riêng lẻ không mấy ai dám liều thân đi lại con đường này.
Du khách trên Hải Vân Quan
Nhiều thế kỷ đi qua, do yêu cầu của công cuộc phòng thủ bảo vệ biên cương và những cuộc chiến mở cõi phương Nam mà con đường mòn đèo Hải Vân đã dần dần được mở rộng nâng cấp thành con đường thiên lý quốc gia. Tuy vậy cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, đường đèo Hải Vân vẫn còn là một con đường mòn chỉ có người, ngựa và súc vật là có thể di chuyển trên đó.
Cho mãi tới những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đã bình định xong công cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ nhất, họ bắt đầu cho xây dựng những công trình giao thông lớn để tiện bề khai thác tài nguyên, trong đó có đại công trình đường sắt xuyên Việt, cùng với đó, những công trình hầm đường sắt Hải Vân và đường bộ vượt đèo Hải Vân cũng đồng thời được xây dựng. Tháng 10 năm 1936, hầm đường sắt Hải Vân khai trương đưa vào sử dụng đánh dấu thời điểm khai thông tuyến đường sắt xuyên Việt từ Lạng Sơn cho tới Sài Gòn. Và trước đó không lâu, tuyến đường bộ vượt đèo Hải Vân cũng được đưa vào sử dụng.
Hầm đường sắt và đường bộ vượt đèo Hải Vân là hai công trình đã cùng nhau hợp sức làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt giao thông lạc hậu, chia cắt hai miền Nam Bắc nước ta, mở ra một trang sử mới, một cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả toàn cõi Đông Dương. Hai công trình khi ra đời đưa vào khai thác đã được báo chí trong nước và thế giới đánh giá là những công trình giao thông to lớn và hiện đại nổi tiếng châu Á và cả trên thế giới.
Tuy vậy riêng với công trình đường bộ vượt đèo Hải Vân, mặc dù đã được thiết kế và thi công theo một yêu cầu tích cực, giảm thiểu tối đa sự nguy hiểm của những độ dốc và những khúc cua gấp, cua tay áo, cùng với đó là suất đầu tư trên một cây số cầu đường đã tăng lên đến mức cao nhất, nhưng vì xây dựng trên một địa hình quá hiểm trở, nên cuối cùng con đèo này khi đi vào sử dụng vẫn khét tiếng là con đèo tử thần, thử thách sự dũng cảm và tài năng của các tay lái đường trường suốt từ trong Nam cho tới ngoài Bắc.
Các lái xe cự phách tuyến đường này thường tâm sự, kể từ lúc khởi hành tại Liên Chiểu chân đèo phía Nam cho tới khi dừng lại ở Lăng Cô chân đèo phía Bắc, thì thần kinh tai mắt mũi mồm chỉ còn biết tập trung vào mấy chục mét mặt đường trước mũi xe, bởi chỉ nhãng đi một vài giây đồng hồ là tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào. Mà tai nạn ở đây khi đã xảy ra thường đồng nghĩa với cảnh xe lăn xuống vực, người chết xe bị vò nát, vô phương cứu chữa!
Nếu các bạn có lần nào đi xe đò hoặc xe con vượt con đèo này, các bạn sẽ được chứng thực rằng chuyện các bác tài kể đều là những câu chuyện có thật. Chỉ cần nhìn sang mép đường nơi miệng vực, bạn sẽ thấy liên tiếp những ngôi miếu nhỏ được xây cất. Hỏi ra mới biết miếu được xây lên là để thờ phụng cô hồn những người xấu số bị chết trong các tai nạn giao thông trên đèo, tai nạn xảy ra chỗ nào thì miếu thờ mọc ngay nơi đó.
Những người lái xe sẽ kể cho bạn nghe, mỗi ngôi miếu ở đây là một vụ tai nạn, mà các vụ tai nạn ở đây đa phần đều có người tử vong, có thể chỉ một vài người, cũng có thể là cả chuyến xe vài chục người. Hàng trăm ngôi miếu rải rác từ chân đèo bên này sang chân đèo bên kia đều do những người từ tâm vô danh xây cất như mang một tâm nguyện, tạo ra những nơi trú ngụ cho những linh hồn bất hạnh còn đang lang thang đâu đó trên những nẻo đường heo hút đèo mây dốc gió..
Giữa hoang tàn đổ nát Hải Vân Quan
Xin được quay lại chủ đề Hải Vân Quan.
Nhận ra vị trí hiểm yếu của mảnh đất trấn thủ địa đầu phía Nam đất nước, vua nhà Trần đã cho xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân một đồn biên phòng kiên cố ngày đêm lúc nào cũng có binh lính thường trực canh gác. Kể cả hàng trăm năm sau khi cương thổ của nước Đại Việt đã được mở mang sâu rộng về phương Nam cách đèo Hải Vân cả trăm dặm đất, thì đồn binh Hải Vân Quan vẫn không ngừng được xây đắp củng cố để trở thành tuyến phòng thủ vững mạnh, bảo vệ kinh thành Huế từ phía Nam.
Chúa Nguyễn Ánh sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất thiên hạ, lên làm vua tự xưng là Gia Long hoàng đế, đặt tên nước là Việt Nam, lấy Huế làm kinh đô của nhà nước Việt Nam thống nhất trải dài từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau giống như cương thổ ngày nay. Dưới triều đại nhà Nguyễn, Hải Vân Quan càng có vai trò quan trọng, đó là cửa ải chiến lũy bất khả xâm phạm trấn giữ cửa ngõ đi vào kinh đô Huế từ phía Nam, cùng với thành Quảng Trị là cửa ải trấn thủ kinh thành Huế về phía Bắc và xa hơn nữa là Lũy Thầy, thành lũy trấn ải bờ Nam sông Gianh Quảng Bình.
Khoảng đầu thế kỷ XIX dưới triều đại vua Minh Mệnh, một đấng minh quân văn võ song toàn, đồn biên phòng Hải Vân Quan đã được tiến hành một đợt đại trùng tu và mở mang xây mới trên một quy mô lớn. Sau khi trùng tu và xây dựng mới, Hải Vân Quan đã trở thành một cụm quân sự liên hoàn bố phòng vững chãi bao gồm tháp canh, pháo đài thần công, hệ thống thành lũy cao dày vững chãi bao quanh, trại lính, nhà kho dự trữ lương thực thực phẩm, nhà quân khí dự trữ vũ khí súng đạn và thuốc súng, nhà Trú sở và Vũ khố là nơi làm việc của những người chỉ huy…
Hai cổng thành Bắc và Nam trấn ải hai mặt thành, mỗi cổng thành là một tháp canh hình vuông mỗi cạnh dài 7,9 mét, cao 6,5 mét, vòm cổng ra vào rộng 3,5 mét và cao 4,5 mét. Bên trên vòm tháp cổng thành phía Bắc hướng về kinh đô Huế có gắn một tấm phù điêu lớn bằng đá xanh khắc nổi ba chữ Hải Vân Quan. Tấm phù điêu lớn hơn gắn trên vòm tháp cổng thành phía Nam hướng về thành phố Đà Nẵng được khắc 6 chữ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, kèm theo dòng lạc khoản: Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo (xây dựng vào ngày lành tháng tốt năm Minh Mệnh thứ bảy - 1826).
Kể từ lần đại trùng tu năm 1826 kéo dài hơn một thế kỷ tiếp theo, trải qua hơn một chục triều vua Nhà Nguyễn, Hải Vân Quan không được trùng tu lần nào nữa. Năm 1945, cách mạng Tháng 8 nổ ra, triều đại cuối cùng Nhà Nguyễn sụp đổ, vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho cách mạng, chính quyền về tay nhân dân. Hải Vân Quan từ nay đã không còn sứ mệnh lịch sử là tiền đồn trấn thủ bảo vệ kinh thành Huế từ phía Nam nữa.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, hiểu rõ giá trị chiến lược quân sự của Hải Vân Quan, chúng đã cho xây dựng cải tạo và củng cố đồn binh này thành một tổ hợp quân sự với hệ thống công sự bê tông cốt thép dày 1 mét bao quanh. Hai boong ke bê tông cốt thép kiên cố trấn thủ hai đầu Nam Bắc với chi chít lỗ châu mai tỏa về mọi phía. Chúng đặt tên cho tổ hợp quân sự án ngữ trên đỉnh đèo Hải Vân này là Đồn Nhất và luôn được biên chế 2 trung đội lính Âu Phi canh giữ ngày đêm.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Đồn Nhất trở thành một cứ điểm quân sự lợi hại, gây cho bộ đội chủ lực quân đội nhân dân cũng như du kích địa phương không ít khó khăn và thiệt hại. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy quân sự Liên khu 5 đã có chủ trương tiêu diệt cụm quân sự này. Trong chiến dịch Hè Thu năm 1952, vào lúc rạng sáng ngày 25/9, Đồn Nhất đã bị lực lượng bộ đội đại đội 6 tăng cường của tiểu đoàn 59, trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5 tấn công. Trận đánh bí mật bất ngờ và chớp nhoáng đã tiêu diện và bắt sống một số lính và sĩ quan, trong đó viên trung úy đồn trưởng người Pháp đã bị chết ngay tại trận. Quân ta đã thu hồi toàn bộ vũ khí quân trang quân dụng và an toàn rút về căn cứ.
Ngày 6/7/1954, các chiến sĩ công binh của bộ đội địa phương quân Trị Thiên Huế đã đặt mìn làm nổ tung một đoàn tàu hỏa chở 400 lính Pháp được tăng cường bổ sung vừa đặt chân tới Việt Nam, trận đánh làm cho già nửa số quân trên tàu chết và bị thương.
Thời Mỹ chiếm đóng miền Nam Việt Nam, chúng đã cho xây dựng bổ sung 3 lô cốt bê tông kiên cố cho Đồn Nhất và tăng cường bổ sung hỏa lực mạnh cho tổ hợp quân sự Hải Vân Quan, trong đó có cả dàn tên lửa Tomahawk hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ. Đêm 30 rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, tiểu đoàn Đặc công 487 Quảng Đà đã tập kích Đồn Nhất Hải Vân Quan, phá hủy và thu hồi nhiều vũ khí, đánh sập dàn tên lửa Tomahawk, gây ra nhiều tổn thất về người và vũ khí, quân trang quân dụng cho tổ hợp quân sự này.
Sau 5 thập kỷ bỏ hoang, Hải Vân Quan nay đã xuống cấp nghiêm trọng và trở thành hoang phế. Mãi cho tới tháng 4 năm 2017, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch mới có quyết định công nhận Hải Vân Quan là Di tích quốc gia. Nhưng nhiều năm sau đó, trên thực địa vẫn chưa có một biểu hiện nào thể hiện ý tưởng cải tạo, trùng tu hay dọn dẹp cho phong quang sạch sẽ. Tất cả vẫn chỉ là một cảnh đổ nát điêu tàn, rác rưởi vật phóng uế ngập tràn khắp nơi. Có lẽ vì nằm trên đúng vạch ranh giới hai địa phương nên hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng chưa bên nào muốn nhận về mình phần trách nhiệm gánh vác cải tạo và quản lý công trình Thiên hạ đệ nhất hùng quan này.
Nhưng cũng thật may mắn, kể từ tháng 6/2005, thời điểm hầm đường bộ xuyên núi Hải Vân hoàn thành đưa vào sử dụng thì tất cả các loại xe tải và xe con đã đều đi qua đường hầm mà không phải vượt đèo như trước. Qua đường đèo bây giờ chỉ có các loại xe máy và một phần nhỏ xe con và xe chở khách du lịch. Con đường đèo vì thế trở nên vắng vẻ và an toàn hơn ngày trước. Cũng nhờ vậy mà Hải Vân Quan mau chóng tự phát trở thành điểm du lịch hấp dẫn của nhân dân và du khách hai đầu Huế và Đà Nẵng, trong đó chủ yếu là dành cho lớp người trẻ tuổi.
Vào những ngày nghỉ từ sáng tới chiều muộn, nườm nượp từng đoàn xe máy và lác đác là những chiếc xe du lịch đưa hàng nghìn người hội tụ trên Hải Vân Quan. Du khách đi đến đâu thì những hình thức dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm phát sinh tới đó. Một không khí sống động dần dần trở lại với đỉnh đèo hoang vu này. Nhu cầu được sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của người dân, kể cả khi nó hình thành một cách tự phát thì điều đó đã giống như một cú hích mạnh, đánh thức những tiềm năng kinh tế và văn hóa ở mọi miền đất nước, mà ở không ít địa phương, với những lí do này nọ, những người lãnh đạo chính quyền các cấp chưa đủ tâm đủ tầm, vẫn quay lưng làm ngơ hoặc đùn đẩy trách nhiệm trước những đòi hỏi cấp bách đặt ra trước cuộc sống. Giống như một câu ca dao đã lên tiếng nhắc nhở:
Dân cần nhưng quan không vội.
Dân mà vội, dân lội dân đi!
Đi theo bước chân những người du lịch trẻ tuổi, bước qua những hoang tàn đổ nát rậm rạp cây rừng hoang dại và đồ phế thải ngổn ngang khắp chốn, ta sẽ lần lượt di chuyển qua vòm cửa cổng thành phía Nam rồi cổng phía Bắc. Lần theo những bức tường thành còn sót lại là đã có thể đứng trên đỉnh những lô cốt của lũ giặc khi xưa. Trước mắt ta lúc này hiện ra toàn cảnh kỳ vĩ và tráng lệ của biển trời và rừng núi Hải Vân. Tất cả như được tái hiện một khoảnh khắc không gian đượm màu lịch sử và cổ tích.
Nhìn ra phía biển, một màu lam biếc mênh mông, những con sóng bạc đầu lớp lớp nối đuôi nhau cuộn bọt lóng lánh, khác nào những đoàn chiến mã đang phi nước đại tung bờm trắng xóa, châu tuần về đây hợp thành một đạo hùng binh trấn thủ biên cương đất nước. Quay lại phía sau, trập trùng giữa cảnh rừng núi bao la, những tầng mây nõn như bông như tuyết giăng giăng khác nào một biển mây trời. Văng vẳng trong tiếng gió ngàn vi vút và tiếng sóng biển dạt dào, tâm thức ta như bỗng nhận ra những lời nhắn gửi tâm huyết thừa truyền từ những bậc tiền nhân dựng nước và mở cõi năm xưa, Hải Vân đây mới đích thị là đệ nhất hùng quan của non sông gấm vóc Đại Việt ta vậy!
Nhưng rồi cái gì đến thì sớm muộn nó cũng phải đến! Dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã phối hợp thành công trong việc thông qua một dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan. Riêng về mặt kiến trúc và xây dựng, dự án tập trung vào một số hạng mục sau:
- Phục hồi toàn bộ di tích Hải Vân Quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nhà Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc hai cổng thành cũng như các công trình bên trong khu di tích.
- Phục dựng hệ thống tường thành, các ụ súng thần công, bậc cấp, đường đi qua hai cổng.
- Nghiên cứu phục hồi kiến trúc nhà Trú sở và Vũ khố làm nơi đón tiếp khách tham quan.
- Thiết kế xây dựng nhà bảo tàng giới thiệu lịch sử Hải Vân Quan.
- Nghiên cứu bảo tồn các lô cốt thời Pháp và Mỹ.
- Tổng diện tích mặt bằng khu di tích bảo tồn Hải Vân Qua là 6.500 m2.
*
Và rồi vào ngày 19/12/2021, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi Hải Vân Quan đã được khởi công xây dựng. Thời gian triển khai dự án đặc biệt này theo kế hoạch là 2 năm. Việc thi công tính đến nay đã đi qua 3/4 thời gian. Người dân hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước có quyền hy vọng, không bao lâu nữa, trên mảnh đất có khung cảnh hùng vĩ bậc nhất nước Nam này sẽ được tái hiện một công trình di tích lịch sử hoành tráng và bền chắc vĩnh cửu, xứng đáng với tước hiệu Thiên hạ đệ nhất hùng quan mà lịch sử đã vinh danh.
Từ đảo đèn Đá Tây B con xuồng quân dụng cao tốc chở chúng tôi, sức vóc vạm vỡ tựa như một con hải mã, tăng tốc dần...
Bình luận