Đau đớn sảy thai khi đang đi vệ sinh, bà mẹ còn bị kết án 50 năm tù

Giới chức trách cho rằng bà mẹ này đã giấu chuyện mang thai và cố tình tước đi tính mạng đứa trẻ sau sinh.

Sảy thai là tình trạng thai nhi bị mất trước tuần 20 của thai kỳ (sau tuần 20, người ta gọi là lưu thai). Đây chắc hẳn là nỗi đau đớn khó nguôi về cả sức khỏe lẫn tinh thần đối với người phụ nữ. Vậy nhưng bà mẹ dưới đây sau khi sảy thai còn phải đối mặt với nguy cơ phải đi tù đến 50 năm. 

Vào tháng 6/2020, Lesly Lisbeth Ramirez Ramirez, 21 tuổi (sống tại Cộng hòa El Salvador) sau khi đi vệ sinh đã bất ngờ bị "tuột" thai ra ngoài. Cô cho biết mình không hề biết chuyện mang thai cho đến khi sự việc xảy ra. Sau đó, cô được họ hàng đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng em bé thì không qua khỏi. 

Sau đó, ngay khi đang nằm viện chờ hồi phục sức khỏe, Lesly đã bị ra lệnh tạm giam. "Các bà mẹ là người bảo vệ cho con cái mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, nhưng bị cáo thì không", thẩm phán nói khi đưa ra phán quyết Lesly phải ngồi tù 50 năm hôm 29/6.

Đau đớn sảy thai khi đang đi vệ sinh, bà mẹ còn bị kết án 50 năm tù - 1

Bà mẹ 21 tuổi bị kết án 50 năm tù sau cái chết của con gái.

Theo tuyên bố này, Lesly đã giấu họ hàng, người thân mình mang thai và không sinh đứa trẻ ở bệnh viện. Bé gái được cho là còn sống khi chào đời và theo kết quả giám định pháp y, thai nhi khoảng trên 37 tuần tuổi.

"Cô ta gây ra vết thương cho cháu bé rồi bỏ con nằm ngoài hiên nhà. Khi người thân của cô ta biết về những điều không may này, họ đã giúp bị cáo và chuyển cô ấy đến Bệnh viện Quốc gia San Miguel - nơi cô ấy bị các đặc vụ của Cảnh sát Dân sự Quốc gia giam giữ. Quá trình xử lý hiện trường, nơi con dao gây án được tìm thấy và thi thể đứa bé được chuyển đi, diễn ra rạng sáng 18/6/2020", tuyên bố ghi rõ.

Phán quyết làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình ở El Salvador. Các nhóm nhân quyền cho hay đây là lần đầu tiên một mức án tối đa được đưa ra từ khi phá thai được hình sự hóa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào ở nước này vào năm 1998.

Đau đớn sảy thai khi đang đi vệ sinh, bà mẹ còn bị kết án 50 năm tù - 2

Nhiều cuộc biểu tình đang diễn ra để phản đối phán quyết đối với Lesly.

Nhóm công dân kêu gọi Phi hình sự hóa việc phá thai - một tổ chức phi chính phủ đứng về phía Lesly - khẳng định bà mẹ trẻ đã cố dùng dao cắt dây rốn cho chính mình sau khi sinh, nhưng lúc đó trời tối và nhà không có điện. Họ cũng nói sự việc xảy ra khi Lesly mang thai ở tháng thứ 5 chứ không phải 37 tuần như cáo buộc. 

"Quy trình pháp lý chống lại Lesly đầy rẫy bất thường và định kiến. Với tất cả những lỗ hổng và nghi ngờ chưa được giải đáp, thẩm phán kết án Lesly chỉ dựa trên sự thiên vị giới tính của ông ta", nhóm này nhận định về phán quyết của thẩm phán. 

Nguyên nhân gây sảy thai trong thai kỳ

Sảy thai là tình trạng mất thai trước tuần 23 của thai kỳ. Theo Hiệp hội Thai sản Hoa Kỳ, tỷ lệ sảy thai chiếm khoảng từ 10 – 15% tổng số thai kỳ và 80% các ca sảy thai xảy ra trước khi thai phát triển được 12 tuần. Những nguyên nhân có thể dẫn đến sảy thai kỳ bao gồm: 

- Vấn đề về nhau thai: Nhau thai là cơ quan kết nối cơ thể bé với cơ thể mẹ, vận chuyển chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ sang thai nhi để thai nhi phát triển. Do đó, nếu nhau thai có vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của bé, thậm chí là gây sảy thai.

- Các vấn đề về nhiễm sắc thể: Nguyên do là hợp tử tạo thành từ quá trình thụ tinh giữa tinh trùng và trứng có vấn đề về số lượng nhiễm sắc thể, có thể là thiếu hoặc thừa nhiễm sắc thể.

- Mất cân bằng hormone: Hormone có một vai trò cực kỳ quan trọng trong thai kỳ. Ví dụ như hormone progesterone có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhau thai bám vào thành tử cung, nếu cơ thể của mẹ không đủ progesterone thì nhau thai sẽ dễ bong và dẫn đến sảy thai.

- Rối loạn miễn dịch: Khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức hoặc dưới mức, có thể là nguy cơ dẫn đến tái diễn. Nói theo cách đơn giản, cơ thể người mẹ không chấp nhận tình trạng mang thai.

- Tình trạng sức khỏe của mẹ bầu: Việc mẹ bầu bị bệnh khi mang thai, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp khi mang thai, lupus, bệnh thận và các vấn đề với tuyến giáp,... có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.

- Mẹ bầu mắc bệnh truyền nhiễm: Tình trạng nhiễm khuẩn, truyền nhiễm có thể làm cho túi ối bị vỡ sớm hoặc cũng có thể khiến cổ tử cung mở quá nhanh.

- Ngộ độc thực phẩm: Ngộ độc thực phẩm cũng có thể dẫn đến sảy thai.

- Cấu trúc tử cung: Các bất thường tử cung như tử cung có vách ngăn, tử cung một sừng, tử cung hai sừng,... có thể gây sảy thai.

- Hở eo cổ tử cung: Hở eo cổ tử cung có thể dẫn đến sảy thai. Nếu cổ tử cung của người mẹ quá yếu sẽ khó giữ được thai nhi.

Ngọc Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất