Sinh non thai đôi khi mới 27 tuần, TikToker Mẹ Phượng từng muốn ôm con giải thoát
“Lúc giao ban bác sĩ luôn nói tình hình bệnh của con cho người nhà thì em mới biết con mình bị nhiều bệnh. Nào là xuất huyết não, viêm màng não, nhiễm trùng máu, gan ứ mật, nặng nhất là bong võng mạc do sinh non”.
Vừa sinh con được 6 tháng, chị Hồng Phượng, sinh năm 1993 là một TikToker ở Gia Lai lại hoang mang khi thấy que thử thai 2 vạch. Kể từ đây, cuộc đời người mẹ như bước sang một trang mới.
Bất ngờ vì sinh non ở tuần thứ 27
Làm mẹ bỉm sữa được 6 tháng thì có bầu lần 2, chị Phượng không khỏi hoang mang và hoảng loạn. Chị chia sẻ: “Lúc đó em chưa có kinh lại nhưng thấy người có vẻ khác khác. Buổi sáng dậy thất khát nước, da sạm đi, linh tính nghĩ không có đâu nhưng em vẫn ra tạp hoá mua 3 que thử thai thì đều lên 2 vạch. Lúc đó em run lắm, khóc miết vì không đủ kinh tế để lo cho con, sợ bé đầu tiên làm anh sớm thì tội”.
Sau đó chị Phượng báo tin cho chồng nhưng anh không tin là thật. “Em nói chồng chở đi siêu âm, kết quả thai 6 tuần chưa có tim thai, bác sĩ nói 1 phôi, chồng em mới tin là thật”, chị Phượng kể.
Chị Phượng kể hành trình mang thai đôi của mình.
Nhưng đến 3 tuần sau siêu âm thì bác sĩ thông báo chị Phương mang thai đôi và dặn dò phải dưỡng thai kỹ vì đứa đầu tiên chị từng có tiền sử sinh non ở 34 tuần.
Mang thai đôi, chị Phượng kể mình bị ốm nghén nặng, không ăn uống được gì, chỉ có uống nước và ăn trái cây. Trong thời gian này chị may mắn có mẹ chăm sóc con trai đầu, chồng thì đi làm kiếm tiền nên chị Phượng dành thời gian để dưỡng thai.
Đến 25 tuần, chị được tiêm trưởng thành phổi để ngăn ngừa tình trạng sinh non, tuy nhiên đến 27 tuần thì chị Phượng bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. “Giống như bé đầu, bụng em bị gò cứng và tụt xuống thì lúc đó chồng em chở đi cấp cứu ở bệnh viện thành phố. Sau khi đi vào phòng khám, bác sĩ siêu âm bảo chuyển dạ rồi. Lúc đó em đi không được nữa, phải ngồi xe lăn rồi được chuyển vào bệnh viện”.
Chị Phượng tâm sự: “Em không vào phòng chờ sinh mà vào phòng sinh luôn dù không đau nhiều. Lúc đó bác sĩ hỏi em thai được bao nhiêu tuần? em nói 27 tuần. Bác sĩ mới nói: 'Trời ơi 27 tuần thì làm sao mà nuôi’ khiến em oà khóc”.
Vì em bé nhẹ cân nên chị Phượng sinh rất nhanh, chỉ cách nhau 5 phút và không bị rạch. "Bé đầu 1,1kg, bé thứ 2 nặng 1kg. Em chưa kịp sắm áo hay thậm chí đôi tất nào cho con, chỉ vơ đại đồ sinh cũ của anh hai. Lúc em bé sinh ra, bác sĩ chỉ quấn vô cái chăn nên em cũng chưa kịp nhìn mặt con như thế nào”.
Hai con sinh đôi của chị Phượng.
Sau khi năm viện được 3 ngày, chị Phượng được đến phòng hồi sức sơ sinh để thăm con. Nhưng chị không dám tin vào hình ảnh đang xuất hiện trước mặt: “Em không ngờ hình hài con em 1kg chỉ bằng cổ tay mà dây chằng chịt. Con em chưa bú được, chưa được truyền sữa. Em không thể tưởng tượng ra con em lại nhỏ như vậy. Lúc thấy con là em quỵ luôn”.
Hành trình tìm ánh sáng cho con sau biến chứng sinh non
Sau thời gian chăm con sinh non ở viện Gia Lai thì em bé được chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng Tp.HCM điều trị. Dù ở nhà để ở cữ nhưng trong lòng chị Phượng như lửa đốt. Mỗi lần chị hỏi tình hình sức khoẻ 2 con, cả gia đình luôn nói con đã khoẻ rồi nhưng chị vẫn kiên quyết đòi vào chăm con sau 15 ngày ở nhà.
“Lúc giao ban bác sĩ luôn nói tình hình bệnh của con cho người nhà thì em mới biết con mình bị nhiều bệnh. Nào là xuất huyết não, viêm màng não, nhiễm trùng máu, gan ứ mật, nặng nhất là bong võng mạc do sinh non”.
Chị Phượng sụp đổ khi nghe bệnh tình của 2 con.
Nghe tin này xong, chị Phượng trở nên trầm tính hẳn, chị thậm chí còn muốn ôm con đi giải thoát.
“Hai lần em muốn ôm con giải thoát, ở trên khoa sơ sinh có tầng 5, lúc đó con em vừa ra khỏi phòng điều trị. Em nằm vừa ấp con vừa nghĩ thấy sao mà khổ quá, con sao mà đáng thương quá, em trách móc bản thân vì em sinh non nên con mới bệnh, em suy nghĩ phải làm gì đó có kế hoạch để giải thoát. Nhưng chồng e và mọi người biết em có vấn đề rồi nên đi đâu cũng có người đi theo”.
Sau 2,5 tháng là hành trình cai thở oxy, tập cho bé bú. “Bác sĩ nói lúc rút dây oxy ra, nếu thấy môi con tím tái thì phải đập đập chân chứ con ngủ quên là sẽ đi luôn. Nhiều lúc nhìn con bị tím tái em sợ quá mới nói là bác sĩ ơi cho con con thở oxy chứ như thế này con đau tim con chết mất”.
Sinh non nên 2 con chị Phượng bị bong giác mạc giai đoạn 4, vì chuyển viện vào Sài Gòn chữa trị chậm nên cả 2 bé đã bỏ lỡ giai đoạn vàng. “Xuất viện, vợ chồng em cầu cứu mọi nơi từ Bệnh viện mắt Trung Ương rồi Bệnh viện mắt Tp.HCM nhưng bác sĩ đều nói không mổ được mà giới thiệu đi Singapore”.
Vì chi phí điều trị ở nước ngoài chiếm khoảng 800 triệu đồng/bé mà lúc đó gia đình chị Phượng đã hoàn toàn kiệt quệ, sau đó gia đình chị được giới thiệu một vị bác sĩ người Hà Lan cũng chuyên môn mổ mắt theo phác đồ điều trị giống bên Singapore.
Tuy nhiên bác sĩ cho biết bây giờ chỉ cứu được 1 mắt của mỗi bé thôi và 1 mắt đã hư rồi. “Lúc đó em đã rất đau lòng, suy sụp, nhưng nghĩ thôi thì cứ tìm cách cứu con”.
Hàng tháng cứ như vậy thăm khám đều đặn, vợ chồng chị Phương cứ ôm con từ Gia Lai và Sài Gòn chữa trị. “Kéo dài 5 năm, có 1 lần xuống khám nhìn mặt bác sĩ rất là buồn và thở dài là em bắt đầu run rồi. Khám xong bác sĩ kêu vào phòng nói là: ‘Xin lỗi gia đình bởi vì tôi cũng đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu được mắt 2 bé, mong gia đình hiểu và đừng đau khổ quá bởi bây giờ có những bé không thấy nhưng vẫn rất là thông minh'. Lúc đó bầu trời trước mặt em tối đen như bác sĩ thông báo con em không thấy đường”.
Đau lòng hơn, cả 2 con chị Phượng lại bị bại não. “Em cứ nghĩ con em chậm phát triển trí tuệ nhưng con không ngồi được, cũng không hóng hớt, 1 tuổi mới biết lật úp và 6 tuổi mới biết đi. Mới đây em rất mừng khi con biết phản xạ ôm lại, điều hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng em thấy lòng thực sự hạnh phúc”.
Chi Phượng bên cạnh 3 con trai của mình.
"Sau này khi thấy con bắt đầu biết hóng chuyện, em thấy thương lắm, bởi con đâu muốn con sinh ra, con cũng không có sự lựa chọn. Em không có đường lui, em chỉ có cách chăm sóc con để con không bị bất hạnh”. Chị Phượng bộc bạch.
Hiện tại, chị Phượng ở nhà chăm sóc cho 2 con nhỏ, công việc hàng ngày là bán vé máy bay và bán hàng online. May mắn hơn, chị Phượng đã dần tìm được niềm vui trong cuộc sống bên cạnh chồng và 3 cậu con trai.
Làm thế nào để giảm nguy cơ sinh non trong những lần mang thai tiếp theo đối với các bà mẹ đã từng sinh non?
Đối với những bà mẹ có tiền sử sinh non, việc hạn chế nguy cơ sinh non trong những lần mang thai tiếp theo là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ này:
1. Thăm khám tiền sản đều đặn
Việc thăm khám đều đặn với bác sĩ chuyên khoa sản là điều cần thiết để theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bác sĩ sẽ theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sinh non và đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời nếu cần thiết.
2. Duy trì một lối sống lành mạnh
Duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục nhẹ nhàng, và tránh xa các chất kích thích như rượu, thuốc lá, caffeine, sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ sinh non.
3. Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thai kỳ. Các biện pháp như thiền, yoga, hoặc các hoạt động thư giãn khác có thể giúp kiểm soát căng thẳng và giảm nguy cơ sinh non.
4. Quản lý các bệnh lý mãn tính
Nếu bạn có các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, hoặc các vấn đề về tuyến giáp, cần phải quản lý chặt chẽ các bệnh này dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến thai kỳ.
5. Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sinh non
Bạn cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo sinh non như đau bụng dưới, co thắt tử cung, dịch âm đạo bất thường, hoặc áp lực ở vùng chậu. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
6. Sử dụng progesterone theo chỉ định
Một số phụ nữ có tiền sử sinh non có thể được chỉ định sử dụng progesterone để hỗ trợ thai kỳ. Progesterone có thể giúp củng cố tử cung và giảm nguy cơ sinh non.
7. Nghỉ ngơi hợp lý
Việc nghỉ ngơi đầy đủ là rất quan trọng. Hãy tránh các công việc nặng nhọc, đứng lâu hoặc hoạt động gắng sức. Nghỉ ngơi hợp lý giúp giảm áp lực lên tử cung và hạn chế các nguy cơ sinh non.
8. Hạn chế quan hệ tình dục nếu cần thiết
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến cáo hạn chế quan hệ tình dục nếu có nguy cơ sinh non cao. Điều này giúp giảm kích thích tử cung và hạn chế co thắt.
9. Tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi
Nếu có dấu hiệu sinh non, bác sĩ có thể tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi để giúp phổi bé phát triển tốt hơn, giảm nguy cơ biến chứng khi sinh non.
10. Cân nhắc khoảng cách giữa các lần mang thai
Để cơ thể mẹ có thời gian phục hồi, nên cân nhắc khoảng cách tối thiểu giữa các lần mang thai, thường là ít nhất 18 tháng. Điều này giúp giảm nguy cơ sinh non ở lần mang thai tiếp theo.
Việc tuân thủ các lưu ý trên sẽ giúp những bà mẹ có tiền sử sinh non tăng cơ hội mang thai khỏe mạnh và sinh con đủ tháng trong những lần mang thai tiếp theo. Điều quan trọng là luôn giữ liên lạc chặt chẽ với bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn phù hợp trong suốt thai kỳ.
Bình luận