Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu - Thanh xuân vượt trăm năm

(Arttimes) - Còn lớn hơn nhiều lần màn bạc 14m2 phòng 1, phòng chiếu lớn nhất của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Đây là màn ảnh panorama hiện ra triệu ảnh động 4K của lịch sử một cuộc đời trong muôn lịch sử. Một hiện thực Vũ Khiêu đầy thần thái, sống động, vĩ đại mà gần gũi - tôi có quãng đời 13 năm cuối của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu được bên ông. Tôi đã thụ hưởng một "uyển phép" diệu kỳ khi khám phá, tìm hiểu một phần gia tài Chữ khổng lồ của ông, để "xuyên" ngàn năm văn hóa Việt.

Mỗi khi nói về sự hồi tưởng, người ta thường dùng câu: "Tất cả trôi như cuốn phim quay chậm". Nhưng với tôi, trưa 5/10/2021, đúng 5 ngày sau khi GS, AHLĐ Vũ Khiêu từ trần, tôi mới định thần được để "mở phòng chiếu" trong trí tưởng, để xem bộ phim đời của ông, qua nhiều góc quay, mà tôi dựng rất kỹ nơi tinh thần mình, một phim không thể khẳng định thời lượng và hình ảnh cuối cùng, vì chắc khó kết thúc.

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu - Thanh xuân vượt trăm năm - 1

GS Vũ Khiêu (đeo tràng hoa), bên trái là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Nhà văn - Trung tướng Hữu Ước trong lễ mừng thọ ông 100 tuổi. Hai thế hệ Nhà văn - Nhà báo Anh hùng lao động GS Vũ Khiêu (được phong danh hiệu năm 2000 và nhà văn Hữu Ước được phong năm 2008). Ảnh: Phạm Văn Miên

Ông Vũ Khiêu kính yêu của tôi

Tôi muốn gửi trước đoạn thư này cho Ông thương kính.

"Ông ngủ dài hôm nay là 7 ngày rồi, từ trưa 30/9. Ông ở Thủ đô qua ngày kỉ niệm 67 năm giải phóng, trưa 11/10, Ông sẽ về làng quê của mình, đoàn tụ với ông bà tổ tiên, với người vợ tào khang đã về Hành Thiện trước phu quân gần 3 thập niên dằng dặc. Ông đã viết cho Bà bài thơ từ 1957, nhưng suốt cuộc đời mình ông lúc nào cũng thương nhớ hiền thê: "Từ em xa buổi ấy/ Đêm rồi đêm/ Ngồi nhớ em.../ Mười tám năm bụi gió/ Thương em lưng gày, vai nhỏ.../ Giờ đây hiên vắng mênh mông/ Hình dáng thân yêu thắm thiết lòng/ Gió nhẹ, sóng lên màn/ Con chúng ta nằm ngoan/ Trong mộng đẹp/ Em xem, con chúng ta/ Những bó hoa/ Thắm thiết lòng chúng ta!/ Của tình ta rực rỡ/ Mười tám năm xưa em nhớ không/ Yêu nhau từ ngày ấy đẹp vô cùng/ Đời tăm tối lắm ta nghèo khổ/ Nhưng ánh tương lai cháy rực lòng!/ Bụi đường gió cuốn bao năm ấy/ Bảy nổi ba chìm trôi bốn phương/ Nhưng một niềm tin như chém đá/ Một tình ta cũ sáng như gươm/ Hôm nay trong nếp nhà nho nhỏ/ Tươi đẹp tình ta, con chúng ta/ Có đâu chim én đang xây tổ/ Giữa một trời xuân rực rỡ hoa?" (Đêm nhớ, 11/5/1957).

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu - Thanh xuân vượt trăm năm - 2

Gia đình GS Cảnh Khanh - cháu đích tôn Cảnh Linh với GS Vũ Khiêu thăm quan Vịnh Hạ Long 2006, chuyến đi vừa nghỉ dưỡng vừa viết sách. Ảnh: TS Cảnh Linh cung cấp.

Cháu đã, đang, sẽ còn viết về ông, bảo vệ danh thơm cao khiết của Ông.

Thưa ông, một đời ông cao khiết, nhân văn, tha thiết cống hiến vì yêu nước, yêu văn hiến Việt Nam mà vẫn dành những sinh lực cuối cùng đau đáu từng trang bản thảo. Cháu học ông sự tận tụy, coi chữ là thiêng liêng, trân trọng đồng nghiệp tử tế và công chúng đích thực, nâng niu tri âm tri kỷ.

Lòng bao dung, nhân ái vô bờ của ông là di sản của tình đời trên thế gian để cái đẹp của thanh tao và thành thật chiến thắng, dù nhan nhản sự lừa đảo, tàn ác ngang nhiên".

Bất cứ ngành nghề, nhân vật nào cũng có thể chọn cho mình một vật/ công cụ đại diện hay là một biểu tượng so sánh. Như cây bút, từ cổ đại đã được coi như hiện thân của kẻ sĩ, thi sĩ, văn nhân. Ca sĩ thì hay được ví như chim, giọng hát là tiếng hót. Còn Vũ Khiêu, ông là dòng chảy mãi, là cây dốc hết sức sống mà tỏa bóng, lan hương.

Cây xanh, hoa tươi tràn từ ngoài cổng biệt thự tư gia. Ngôi nhà đẹp ông sống hơn thập kỉ cuối đời, sau bao năm chịu cảnh ở chật mà không phàn nàn, kêu câu xin cấp, dù ở vị thế như GS Vũ Khiêu, xứng đáng từ lâu được cấp căn hộ rộng, tiện nghi. Dù hẹp mấy thì ông cũng ở chịu ở chật dành không gian cho sách và tài liệu, góc đặt bình hoa và cây cảnh khoảng nhỏ lối sân. Nhà ở phố Cao Xuân Huy (quận Nam Từ Liêm) có rẻo đất sát mặt trong tường rào, trồng hoa tím. Ông thích trồng cây thân lớn, không nhằm ăn trái, mà để thưởng hương, như ngọc lan, hoàng lan; vì không có đất vườn, đành chỉ bày chậu cảnh: lan, mai, hải đường... thêm cây bưởi và các chậu hoa được tặng độ Xuân về. Tôi chưa sở hữu ngôi nhà đủ ở, không biết khi nào có mảnh vườn ước mơ, đến cả mong mỏi là thư kí cho ông, hay chỉ chăm vườn tưới cây, tỉa lá cũng chưa làm được. Nhưng tôi may mắn được ông thương quý, chỉ dạy và nhận là cháu trước bàn thờ gia tộc trong ngày giỗ mẹ ông, tình cảm - sự kiện thiêng liêng ấy, đã là máu thịt cuộc đời tôi mãi mãi.

Tôi áy náy day dứt vì mấy lần rủ cô Hoàng Cúc (NSND kịch nói) đến thăm ông thì cô không ở Hà Nội, rồi cuộc sống trăm mối lo khi đã qua tuổi 40 mà hai đứa con còn nhỏ dại, tôi đã không thăm ông vào tháng cuối hành trình sinh phận. Tôi không biết hôm nào sẽ trở lại ngôi nhà đầy kí ức ấy. Tôi sợ đối diện hụt hẫng tột độ khi không còn thấy ông. Chỉ còn tượng ông bằng đá trắng ngồi dưới tán xanh trong vườn (do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khi ấy là Phó Thủ tướng tặng nhiều năm trước); chỉ còn tượng đồng vầng trán cao tỏa trí tuệ trong phòng khách, nơi treo một bức ảnh hiếm: "Vũ Khiêu với muôn tình bạn" hợp bởi 12.800 mảnh ghép là ảnh ông tại bao sự kiện, mà một fan ngưỡng mộ GS - nhà báo Vương Xuân Nguyên (1980) đã cùng các cộng sự thực kỳ công cả năm thực hiện, cùng với việc tập hợp ảnh, tư liệu để làm nên trang điện tử https://vukhieu.vn.

Nói Vũ Khiêu là nhà nho, nhà thư pháp thượng thừa cuối cùng là đúng,  song chưa đủ. Vũ Khiêu là một hiện thân ưu tú của cổ văn thấm đẫm tư duy hiện đại. Ông tinh sành Hán ngữ, thông thạo Pháp văn, văn minh châu Âu và trầm tích phương Đông đan hòa từ phong cách sống, tư duy giáo dục con cháu và học trò, tới tư tưởng viết. Vì thế, ông trẻ trung. Diệp lục trí tuệ và tâm hồn vẫn chiết tỏa mỗi chữ viết, câu nói, cử chỉ, khiến ai được tiếp xúc sẽ nhanh buông bỏ sự khách khí xã giao, dù vẫn "ngợp" trước một nhân cách lớn, vẫn dám và can đảm bày tỏ ý nguyện, quan điểm. Bởi không bao giờ ông tỏ ra phong kiến, trịch thượng, cây cao bóng cả là có quyền áp đặt. Ông dân chủ, tôn trọng con cháu ruột và con cháu xã hội đến với ông.

Phả hệ dòng họ rực sáng nhất bởi GS Vũ Khiêu, niềm tự hào của làng Hành Thiện (cùng làng Tổng Bí thư Trường Chinh), đất học hàng đầu miền Bắc, mà của dòng họ Võ - Vũ Việt Nam, của quốc gia này. Ở châu Á, nhất là Nhật Bản, không hiếm người thọ qua 100 tuổi, song cực ít người vượt bách niên vẫn làm được việc. GS Vũ Khiêu là bộ não đặc biệt hiếm không chỉ của châu Á mà còn của cả thế giới khi vẫn minh mẫn, muốn làm việc ở tuổi 100. Khi tuổi 100, Giáo sư Vũ Khiêu đã chủ biên, chủ tịch hội đồng tư vấn các công trình khoa học xã hội đồ sộ nhất Việt Nam: Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (bốn tập), Bách khoa thư Hà Nội (18 tập), Tủ sách Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (hơn 100 bộ sách) và bộ sách Văn hiến Thăng Long (3 tập).

Nhắc đến ông, là nghĩ ngay đến tinh thần lao động của nhà văn hóa - nghệ sĩ Vũ Khiêu. Nhân gian chỉ trầm trồ khi ai đó tuổi cao mới về cõi: "Ôi chao, Cụ thọ quá!". GS Vũ Khiêu không ham được khen thọ, sống lâu, ông chỉ muốn sống nhiều, sống đầy. Sống nhiều đồng nghĩa học, tư duy, cống hiến không ngừng. Ông đã hiến mình cho nền khoa học xã hôi nhân văn, cho văn chương tinh túy của dân tộc.

Hệ thống các bài văn tế, văn bia, hoành phi, câu đối, bài minh tại hầu khắp đền thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước để ngợi ca khí phách anh hùng, tâm hồn cao cả của hàng vạn anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc. Văn tế Giỗ tổ Hùng Vương, Văn tế Trần Hưng Đạo, điển văn Đại lễ 1.000 năm Thăng Long cho đến các bài minh về các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh. Ông biệt tài viết câu đối và văn tế biền ngẫu (phú, văn tế, văn bia), một bậc thầy về thể văn phú, nhất là thể hiện về đề tài lịch sử, về văn hiến dân tộc. Nhà thơ Vũ Đình Liên (1913 - 1996), 85 năm trước đã có bài thơ Ông đồ (1936) lo mùa Xuân về không còn bóng ông đồ cho chữ. Bây giờ vẫn có các nhà thư pháp trẻ, nhưng những người viết được văn tế, phú, am tường nghệ thuật câu đối gần như tuyệt bóng. May thay Vũ Khiêu đã để tác phẩm trên bia đá đền thờ Vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư Ninh Bình, ở Côn Đảo, Văn Miếu Trấn Biên Đồng Nai và nhiều nơi trên đất nước này.

Sức sống Vũ Khiêu không chỉ qua những bộ sách nặng mọi nghĩa - phi ông khó ai làm nổi, lấy thước mét ra đo; qua văn bia, bài minh, câu đối, đề từ khắc tạc nơi bia đá, đình đền, những mỹ tự treo trong các ngôi nhà coi bút tích Vũ Khiêu như một bảo vật, mà còn trong trí nhớ bao người đã được gặp, học, xin chữ, được giúp đỡ, sẻ chia, khích lệ từ ông. Không phải ai cũng có ảnh chụp kỉ niệm với ông, để lỡ dịp hoặc không chú ý, mất cơ hội thành ân hận mãi. Người lòng thiện sống trong đời, gặp ông, đều được học thêm về chữ Hiếu - Trung - Tín - Nghĩa - Trí - Mỹ. Tình yêu nước sâu sắc khiến ông dày công nghiên cứu và làm sáng lên lịch sử hào hùng qua điệp trùng áng thơ, biền ngẫu của phú, hịch, hùng văn. Lòng bao dung, thương người, bác ái vô bờ khiến ông không chỉ sáng tác một Văn tế anh hùng liệt sỹ cách mạng tháng Tám, Truy điệu những lương dân chết đói 1945, mà thường hằng chia sẻ tiền bạc cho hoàn cảnh khó khăn ông gặp, cho các Quỹ Khuyến học, Quỹ Văn hóa, hỗ trợ ra tác phẩm bằng cả vật chất (giúp kinh phí) lẫn năng lượng chắt chiu (đọc, góp ý). Càng lớn tuổi, sức lực yếu đi, ông càng quý từng giây. Ông muốn làm nốt... làm thêm... làm nữa công trình này, bộ tổng tập kia. Ông xin Trời thêm vài năm, xin từng chút một, Trời thương cho. Đến phút ra đi, GS vẫn minh mẫn, cố giao cảm bằng mắt, vẫn cứ đang dở việc. Lúc nào cũng muốn tận hiến nên không chịu làm "Tổng tập Vũ Khiêu". Người Anh hùng ấy không cho mình nghỉ ngơi, không một lần tham, mưu cầu ích kỷ.

Giáo sư Vũ Khiêu đã cho ra đời nhiều tác phẩm quan trọng ở nhiều lĩnh vực: Triết học, Đạo đức học, Văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào, tác phẩm về tư tưởng Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông đặt nền móng cho ngành xã hội học và mỹ học Việt Nam.

Đến nay, Giáo sư Vũ Khiêu đã xuất bản hơn 70 đầu sách. Một số tác phẩm có giá trị về văn hóa gồm: Đẹp (1963), Cao Bá Quát (1970), Anh hùng và nghệ sĩ (1976), Ngô Thì Nhậm (1976), Cách mạng và nghệ thuật (1979), Nguyễn Trãi (1980), Từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ Quốc (2010), Hồ Chí Minh (2012) tác phẩm lớn nhất là bộ sách ba tập, dày gần 1.500 trang: Bàn về văn hiến Việt Nam (2000)...

GS chiếm giữ nhiều kỉ lục đầu tiên và cuối cùng. Nhà báo, nghệ sĩ Vũ Khiêu là nhân chứng, học trò cuối cùng của lớp cán bộ làm việc gần lãnh tụ Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc (khi ông là Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã VN thuở đầu) sống đến năm nay. Vũ Khiêu, Phó chủ nhiệm Ủy ban KHXH VN một yếu nhân đặt nền móng cho khoa học xã hội nước nhà Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học - nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam... Vũ Khiêu, người sáng lập ngành Mỹ học, hơi thở - giọng ấm truyền qua bài giảng từ tim óc bậc thầy Triết học, vẫn ngân vang tâm trí nhiều thế hệ. Bởi Vũ Khiêu là giáo sư của nhiều giáo sư, thầy của những người thầy.

 Tôi tin lời NSND Hoàng Cúc: "Ông là người cõi trên". Đúng, chỉ có siêu nhân phi phàm mới có thể lao động 18 giờ ngày ở tuổi 97 với 7 thư kí lo đánh máy và quản lý dữ liệu. Từ lúc ăn nửa bát cơm, bát súp khoai tây bò hầm, uống được Wisky tới khi chỉ húp chén nước yến mà thức đến gần 0 giờ, mệt vẫn nằm nghĩ để sáng đọc cho thư kí đánh máy. Ông chỉ ngủ tối đa 3 tiếng mỗi đêm, kéo dài suốt một đời, quả là "siêu nhân". Cả khi phải mở nội khí quản, với ống thở gắn trên cơ thể, không nói được, ông vẫn ham giao tiếp bằng bút đàm. Ông chỉ ham sống để được viết tiếp.

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu - Thanh xuân vượt trăm năm - 3

GS Vũ Khiêu và TS Cảnh Linh năm 2006 . Ảnh: TS Cảnh Linh cung cấp.

Chắt đích tôn, con út - thứ tư của TS Cảnh Linh - bé Đặng Vũ Hàn Linh (từ bút danh của bố khi sáng tác thơ nhạc là Hàn Vũ Linh) 2 tuổi mà không có ảnh với Cụ nội vì GS ốm nặng 3 năm nay. Tiếp nối truyền thống qua bảng của dòng tộc, ThS Đỗ Kim Anh (1987) vợ của TS Cảnh Linh - cháu dâu GS Vũ Khiêu sẽ bảo vệ luận án Tiến sĩ Xã hội học nơi cô đang làm việc chính là cơ quan của ông nội chồng - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. GS có 4 con đẻ thì người con gái cả Quỳnh Khanh (1944) mấy năm nay đã sang Mỹ sống cùng con gái Quỳnh Linh không về được do Covid. Cùng chung cảnh này là gia đình hai cháu nội út của GS tại Pháp. Ông có 7 cháu, 14 chắt ruột; nhưng số người ông nhận là con nuôi, cháu nuôi thì khá đông, đến độ con gái ông trêu đùa: "Bố cứ như Lạc Long Quân đời mới"

Có nhiều danh từ gắn với tên GS Vũ Khiêu, một trí tuệ uyên bác, tâm hồn lớn, tài năng kiệt xuất, hiếm biệt, trái tim nhân văn vô bờ. Bao trùm nhất vẫn là nhà văn hóa, bên trong là nhà Mỹ học, Triết học, dịch giả, nhà thơ.

Ông, người được Thủ đô vinh danh Công dân ưu tú năm 2010 sau 10 năm nhận danh hiệu Anh hùng lao động, sẽ gặp lại mọi người trong lần gặp cuối chia tay Hà Nội. Gia đình đã chọn sáng 11.10 làm tang lễ cho ông, 1 ngày sau ngày tròn 67 năm Thủ đô giải phóng. Đau đớn mà không bi lụy mất mát. Vì ông vẫn còn đấy, sinh ngữ Vũ Khiêu tràn ngập lấp lánh tinh hoa sức sống; còn đấy tiếng cười bàn tay mềm ấm. Và nhất là tuệ nhãn tỏa thần khí của bậc tiên hiền. Ông chọn ngày cuối của tháng 9 rời đi, kịp qua sinh nhật để bước sang tuổi 106. Không phải kết thúc, mà khởi hành một hành trình bất tận khác. Đích đến của chuyến dài này là về nơi cắt rốn chôn rau, về quê nhà Hành Thiện đã lâu không về, để đoàn tụ bên người vợ tào khang Nguyễn Thị Quý (1918 - 1994) chờ ông 27 năm, bên những người ruột thịt, họ hàng, bà con nội ngoại xóm làng.

Cuối năm 2022, Trường Tiểu học Xuân Hồng A tròn 100 năm. GS Vũ Khiêu không thể hiện diện trong đại lễ, nhưng ông sẽ từ trên cao mà ngắm mọi người trong trìu mến. Tôi có kỉ niệm đắt giá: Được cùng 2 người Anh hùng Lao động Vũ Khiêu và Hữu Ước về quê GS mùa khai giảng 2012. Sáng 4/9/2012, dự khai giảng trường TH Dân lập Cao Phong (lấy từ một bút danh của Vũ Khiêu năm 2011, tiền thân là trường cấp III Xuân Trường thành lập 1998), chiều qua thăm trường cũ nơi GS là học trò duy nhất của khóa 1 École Primaire Hành Thiện còn sống. Sân trường có cây ông trồng Thu 2011 đã vút cao.

Ông ơi! Cháu kìm mãi, không kìm thêm được nữa, cháu rất nhớ ông. Cháu mất ông nội 40 năm, khi chỉ 1 tuổi rưỡi, kí ức qua lời cha cháu kể. Nhưng cháu nhận phước báu được là cháu ông, được ông đặt tên cho hai đứa con của tôi. Hai cháu nội của cô Hoàng Cúc và bao đứa trẻ ơn lành được mang tên một đời từ anh hoa trí tuệ khát vọng ông trao gửi, đã - đang lớn lên, chắc chắn luôn tự hào và noi theo ông mà sống đẹp.

Ông vẫn trẻ và xanh mãi như bài thơ ông viết năm nào: "Cho anh ca màu xanh/ của biển xanh trời xanh/ Khi buổi ấy/ lòng anh/ đã xanh cả/ những chiều xám nhất/ Cho anh ca màu xanh/ Từ mắt em chan hòa ánh biếc/ Từ ngày mai trong lành/ một màu xanh... xanh biếc”.

None

Vi Thùy Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.