Chơi chữ ngày xuân, phong tục bình dị ẩn chứa một bề sâu văn hóa

Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống đã có từ lâu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt Nam. Tuy nhiên nguồn gốc và ý nghĩa của hình ảnh những ông đồ "áo dài, khăn đóng" cho chữ thì không phải ai cũng tường tận. Nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Từ Thị Loan để tìm hiểu về nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời này của dân tộc.

Chơi chữ ngày xuân, phong tục bình dị ẩn chứa một bề sâu văn hóa - 1

Giáo sư, tiến sĩ Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ảnh: NVCC

- Thưa Giáo sư, văn hóa xin chữ, cho chữ từ lâu đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt, đặc biệt là người Hà Nội. Tục lệ này có từ khi nào và nguồn gốc từ đâu?

Giáo sư Từ Thị Loan: Khó có thể nói chính xác tục xin chữ, cho chữ có từ khi nào. Từ xa xưa, người Việt đã có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ và xin chữ, trong đó tục thờ chữ và rước chữ thường là đối với những chữ vua ban, được viết trong sắc phong. Còn trong dân gian đó là tục cho chữ, xin chữ vào dịp Tết cổ truyền. Tục lệ này chắc chắn chỉ xuất hiện khi chữ viết đã trở nên phổ biến và văn tự được đề cao.

Nguồn gốc của nó chắc là chịu ảnh hưởng của nền khoa cử Nho giáo và nghệ thuật thư pháp Trung Hoa. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện và ngày càng khẳng định dòng thư pháp của Việt Nam với sự thể hiện bằng chữ quốc ngữ, cũng bay bổng, hàm súc, lắng đọng ý nghĩa không kém gì các chữ tượng hình Trung Hoa. Tục cho chữ và xin chữ đã góp phần mang lại một nét Xuân đặc sắc của Tết Việt Nam, thể hiện truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của dân tộc.

Chơi chữ ngày xuân, phong tục bình dị ẩn chứa một bề sâu văn hóa - 2

Hình ảnh ông đồ cho chữ thời xưa. Ảnh tư liệu 

- Giáo sư hãy cho biết việc xin chữ, cho chữ vào mỗi dịp đầu xuân thường gắn với những quan niệm và ý nghĩa như thế nào?

Giáo sư Từ Thị Loan: Tết theo chu kỳ thiên nhiên là mùa xuân, mà mùa xuân là bắt đầu của một năm, nên xin chữ đầu xuân là thể hiện mong muốn, khát vọng về sự đổi thay, mới mẻ trong năm mới, sự tìm kiếm vận hội mới trong cuộc đời.

Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết cộng với mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, đỗ đạt, hạnh phúc, thành công. Xin chữ và cho chữ là sự gặp gỡ giữa những người đồng cảm, giữa bộ óc, trí tuệ của người cho chữ với trái tim, tâm hồn của người xin chữ. Với một số người, nếu “hữu duyên” sẽ nhận được “lộc chữ” từ thầy khi Tâm -Trí - Lực của thầy được gửi gắm toàn bộ vào tác phẩm.

Trong tâm thức nhiều người, nếu xin được câu đối hay con chữ linh thiêng như ý, đem về treo ở nơi trang trọng nhất, dễ nhìn ngắm và nguyện cầu nhất thì mọi sự dễ trở nên linh ứng, ước vọng sẽ trở thành sự thật. Đặc biệt là những người đang theo đuổi học hành, thi cử sẽ dễ “công thành danh toại”.

Đối với nhiều gia đình, việc xin chữ, treo chữ trong nhà đầu năm mới là cả một công việc quan trọng. Treo chữ gì thể hiện tâm nguyện, cái đích hướng đến của năm đó, đồng thời thể hiện bản sắc, gia phong của mỗi gia đình. Chữ thường được viết trên giấy đỏ bằng mực tàu. Màu đỏ là màu của Dương, của mặt trời, sự sống, của sinh sôi nảy nở và tương lai, do đó sẽ mang lại nhiều điều tốt lành, may mắn cho người xin chữ.

Chơi chữ ngày xuân, phong tục bình dị ẩn chứa một bề sâu văn hóa - 3

Xin chữ đầu năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

- So với thời nhà thơ Vũ Đình Liên cho ra đời những câu thơ mà hầu như ai cũng biết và ngâm nga khi xuân về: "Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”, thì giờ đây, lại thấy bóng dáng những “anh đồ” với khăn xếp, áo the xuống phố. Việc xuất hiện những người trẻ tài năng, yêu thư pháp phải chăng là tín hiệu lạc quan góp phần gìn giữ truyền thống của người Việt ngày Xuân, thưa Giáo sư?

Giáo sư Từ Thị Loan: Ngày xưa, muốn xin chữ, người ta phải khăn áo tề chỉnh, chuẩn bị đồ lễ đến nhà thầy đồ xin chữ. Thầy đồ được xin chữ cũng thường là những bậc đức cao vọng trọng, được mọi người tôn kính. Thầy sẽ xem xét tâm tư nguyện vọng, tính cách, năng lực của người xin mà cho chữ thích hợp. Với những kẻ phàm phu tục tử, trưởng giả học làm sang đôi khi các thầy còn không thèm cho chữ. Việc xin chữ, cho chữ như vậy có những ngầm định như một thứ quy tắc bất thành văn.

Ngày nay, người xin chữ có thể đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các “phố ông đồ” hay những “kios chữ” thời hiện đại. Bên cạnh các “ông đồ già” trang nghiêm, đạo mạo viết văn tự chữ Hán đã xuất hiện những “anh đồ trẻ” hiện đại với những con chữ Việt bay bổng, nghệ thuật, được thể hiện không chỉ trên giấy mà còn trên các hình thức khác.

Ngày nay, các ông đồ có thể đưa ra những lời khuyên, nhưng chủ yếu dựa trên tâm nguyện của người xin chữ. Những chữ hay được xin nhất là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Đức, Nhẫn, Tâm, Tài, Đăng Khoa, Hoà, An, Lạc, Nhân, Học, Gia, Quý, Hành, Hòa, Duyên, Hỷ, Minh, Vinh... Việc thể hiện thư pháp bằng chữ quốc ngữ đã góp phần phổ biến và làm đa dạng hóa thành phần từ người cho chữ đến người xin chữ. Các thông điệp, mong muốn trở nên dễ hiểu hơn, cầu nối giữa người cho chữ và người xin chữ gần gũi hơn. Và vì thế, tục lệ tốt đẹp này chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển trong xã hội đương đại.

Chơi chữ ngày xuân, phong tục bình dị ẩn chứa một bề sâu văn hóa - 4

"Anh đồ" thời nay

-  Có người lại cho rằng, hình ảnh ông đồ ngày xưa đã quá xa xăm bởi cho và nhận chữ hiện nay đã nhuốm màu thương mại. Không còn đơn thuần là cho và xin mà là mua và bán chữ, nét đẹp cho chữ theo truyền thống xưa đã phần nào bị mai một. Giáo sư có suy nghĩ như thế nào về điều này?

Giáo sư Từ Thị Loan: Tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy. Mỗi một thời kỳ lịch sử có những kiểu ứng xử văn hóa đặc trưng. Trước đây, việc cho chữ và xin chữ chỉ diễn ra trong phạm vi nhỏ, thường là giữa những người đã quen biết, thậm chí thân thiết nhau. Người ta xin chữ và cho chữ vì quý nhau, vì ân nghĩa, vì các mối quan hệ xã hội. Nếu không, người xin chữ cũng phải cung kính, có chút “lễ mọn” hoặc nói khó mới “xin” được chữ.

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, tục lệ này ngày càng phát triển, số người xin chữ ngày càng đông. Việc có chút “lòng thành” thể hiện sự biết ơn, cảm tạ người cho chữ là một thái độ biết ơn và kính trọng, không đơn thuần là mua bán. Để xin được một chữ ưng ý, đúng sở cầu, chắc chắn phải có sự trao đổi, thấu hiểu, tin cậy giữa người cho và người xin chữ. Việc sáng tạo một tác phẩm thư pháp là cả một nghệ thuật công phu. Đó là những hành vi văn hóa cao quý và đẹp đẽ, khó có thể liên tưởng đến những ý nghĩ tầm thường hay là sự thương mại hóa...

Chơi chữ ngày xuân, phong tục bình dị ẩn chứa một bề sâu văn hóa - 5

- Theo giáo sư, cần có những giải pháp nào để duy trì nét đẹp văn hóa, để thể hiện truyền thống xin chữ, cho chữ theo đúng nghĩa văn hóa?

Giáo sư Từ Thị Loan: Về phía những người xin chữ cần hiểu kỹ và đúng về phong tục này. Chơi chữ là một phong tục bình dị nhưng ẩn chứa trong đó là cả một bề sâu văn hóa. Chữ nghĩa, nhất là chữ Hán, nếu chưa hiểu kỹ, chưa nắm bắt thấu đáo, tốt nhất là không nên dùng. Do vậy, trước hết phải hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của mình, sau đó phải bộc bạch cho thật chân thành, thì các thầy đồ mới chọn được chữ phù hợp.

Về phía các ông đồ, do nhu cầu xin chữ ngày càng tăng vào dịp Tết, nên không tránh khỏi đôi lúc có những xô bồ, cẩu thả. Một số thầy đồ chưa thực sự đủ tâm, tài, đức để cho chữ. Do vậy, ban tổ chức ở các “phố ông đồ”, “chợ chữ” cũng phải có sự thẩm định, lựa chọn nghiêm túc. Việc bày biện hàng quán, tác phẩm, cách phục trang, nói năng cũng phải tôn nghiêm, trang trọng, đúng lễ nghĩa... Tất cả những điều đó sẽ góp phần vun đắp, trao truyền và củng cố một nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc.

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!

Thực hiện: Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ