Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 9): Nghiệp vụ sư phạm hiện đại

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới tận nguyên lý triết học của Nghiệp vụ sư phạm.

Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 8): Vật thật/ Vật thay thế

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là một nhiệm vụ lịch sử, được THIẾT KẾ theo định hướng triết học, Chủ thể tự mình THI CÔNG trên Đối tượng chọn trước.

CHỦ THỂ của nền giáo dục hiện đại là TRẺ EM hiện đại. Tất cả những gì còn lại đều thuộc phía ĐỐI TƯỢNG.

Cặp khái niệm Chủ thể / Đối tượng là cốt lõi của cuộc sống thực tiễn, của Nghiệp vụ sư phạm.

* Chủ thể chọn Đối tượng.

* Đối tượng làm nên sự sống của Chủ thể.

NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM thiết kế quá trình làm ra sản phẩm giáo dục.

Trẻ em tự mình thi công, làm ra sản phẩm, lấy năng lượng cấp cho sự sống và sự phát triển của chính mình.

Quá trình làm ra sản phẩm đặc trưng cho một trình độ phát triển lịch sử của phạm trù người, trong các xã hội người:

Xã hội tiểu nông

Xã hội công nghiệp

Xã hội hiện đại.

NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM HIỆN ĐẠI của lịch sử hiện đại với Phạm trù cá nhân phải là CÁI MỚI, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nói chung và trong lịch sử giáo dục.

Thầy Khổng Tử, người đầu tiên mở trường tư, tự mình làm mọi việc với tư cách ông chủ, hành nghề với công thức:

Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ

Thầy là CHỦ THỂ. Trò là ĐỐI TƯỢNG.

Phương pháp (công thức) của Thầy Khổng Tử để lại được hậu thế dùng hơn 2000 năm nay: Thầy trước – trò sau, dắt nhau đi bộ, gặp gì Thầy giảng nấy. Một “chữ” nhân Thầy giảng cho nhiều trò, với mỗi trò Thầy giảng một khác. Với trò ấy, ở mỗi nơi Thầy giảng một khác.

Sự nghiệp giáo dục của Thầy Khổng Tử là dạy 3000 học trò. Đối chiếu với Mục tiêu tuyển sinh, trong số 3000 học trò, không một ai đạt đến mức cao nhất – bình thiên hạ. Mức thứ nhì – trị quốc cũng không một ai đạt được. Tề giatu thân thì rõ nét nhất ở đám học trò, mà dân gian truyền nhau:

Ai ơi chớ lấy học trò

Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm

Tứ thư – bộ sách giáo khoa do Mạnh Tử - học trò 4 đời của Khổng Tử - thu gom các bài giảng rải rác của Thầy, rồi trau chuốt, sắp xếp thành bộ sách kinh điển với các khái niệm theo thứ tự: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín - Dũng…

Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 9): Nghiệp vụ sư phạm hiện đại - 1

Ảnh minh họa 

*

*    *

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Nghị quyết 29/NQ-TW xuất phát từ nhạy cảm chính trị, vì trách nhiệm chính trị với đất nước.

Thực thi Giải-pháp-đổi-mới trong thực tiễn giáo dục là việc chuyên môn chuyên ngành, một giải pháp chuyên nghiệp.

Tính chuyên nghiệp thiết kế / thi công là cách làm hiện đại của nền văn minh hiện đại.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được thiết kế theo cặp khái niệm cốt lõi: CHỦ THỂ / ĐỐI TƯỢNG.

Sự sống xuất hiện với tư cách CHỦ THỂ thì Giới vô cơ có sẵn trở thành ĐỐI TƯỢNG.

Theo Sơ đồ ấy, có các cặp khái niệm:

1. Chủ thể: Sự sống - thực vật

    Đối tượng: Giới vô cơ

2. Chủ thể: Động vật

    Đối tượng: Giới vô cơ và Thực vật

3. Chủ thể: Người

    Đối tượng: Giới vô cơ – Thực vật – Động vật – Chính mình (Người)

Sự sống lịch sử với ba Phạm trù triết học: Thực vật – Động vật – Người, các thực thể vận động theo hướng phát triển.

Bước phát triển đặc trưng cho giáo dục hiện đại thực thi bằng bước nhảy từ kinh nghiệm sang khoa học.

Các cuộc cải cách giáo dục ở nước ta từ trước đến nay, không có ngoại lệ, đều xuất phát từ kinh nghiệm – xử lí bằng kinh nghiệm theo công thức cổ truyền do Thầy Khổng Tử để lại:

Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ

Thầy là CHỦ THỂ, trò là ĐỐI TƯỢNG.

Chủ thể - Thầy “đổi mới” để giảng dễ hiểu hơn.

Đối tượng – Trò ghi nhớ lâu hơn và dùng để thi cử.

Công thức Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ vốn là bạn đồng hành với cung cách làm ăn bằng kinh nghiệm: Con trâu đi trước – Người cày theo sau.

Các cuộc cải cách giáo dục từ trước đến nay, không có ngoại lệ, vẫn theo “truyền thống” dùng công thức ấy, sao cho:

Thầy giảng dễ hiểu, cho

Trò ghi nhớ dễ hơn, lâu hơn.

Làm việc này, giỏi hơn cả là thầy luyện thi.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới tận nguyên lý triết học của Nghiệp vụ sư phạm.

Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu Thầy không giảng?

Từ “giảng” sang “không giảng” thì mới là đổi mới căn bản và toàn diện.

Cuộc sống đã từng đặt ra rồi tự trả lời câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu không đi bằng đôi chân thịt?

*

*     *

Hàng tỉ năm, cơ thể sống vận động bằng sức mạnh của cơ thể mình.

Cây vận động theo thời gian.

Con vận động theo thời gian và trong không gian trên mặt đất.

Người hiện đại vận động trong thời gian, trong không gian trên mặt đất, trong không gian ngoài Trái đất.

Cuối thế kỉ XIX, chiếc xe đạp đầu tiên xuất hiện, mở ra nguyên lý mới, chưa hề có trong lịch sử sự sống.

Mấy ngàn năm nay, từ khi Thầy Khổng Tử mở trường tư dạy học, Nghiệp vụ sư phạm thực thi theo công thức: Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ.

*

*    *

Đọc bộ Tứ thư, tôi nhận ra Thầy Khổng Tử dùng chữ để dạy người. Thầy dạy người bằng một hệ thống khái niệm do thầy sắp xếp tuyến tính: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín - Dũng…

Nhân là một khái niệm.

Thầy Khổng Tử dạy khái niệm nhân không bằng “định nghĩa” … mà bằng các việc thực/ người thực: Người cư xử như thế là người “nhân”…

Tôi đọc Khổng Tử khá muộn, sau khi đọc Marx – Hegel – Kant. Đọc để biết được mỗi vị có đặc điểm gì và mình học được gì, đặc biệt là học được gì cho nghề của mình.

Tôi học sư phạm là ngẫu nhiên. Tôi hành nghề thì tận tâm với nghề, suốt đời vì nghề, chung thuỷ với nghề.

Đón đọc > Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 10): Nghiệp vụ sư phạm hiện đại - Cái/ Cách 

GS Hồ Ngọc Đại

Tin liên quan

Tin mới nhất