Sức khỏe tinh thần
Theo thuyết Tam Thân (trikaya) của Phật giáo, thì một trong những hóa thân của Phật là một vị thái tử mang hình hài giống như mọi chúng sinh.
Đương nhiên thái tử có cuộc sống trôi chảy vương giả, đại loại xe hơi nhà lầu con ngoan vợ đẹp. Thế nhưng tới một ngày, sau khi chứng kiến một người bệnh hiểm nghèo, một người già cơ nhỡ... thì chàng sâu sắc buồn bã. Thái tử chợt nhận ra rằng, các điều kiện vật chất dư dật không thể làm cho con người ta vơi được những nỗi đau khổ về sinh, lão, bệnh, tử. Vì thẳm sâu trong mỗi tấm thân dung tục thường nhật, còn có một tinh thần mẫn cảm phức tạp. Vị thái tử đẫm đầy lòng trắc ẩn vị tha ấy, đã buông bỏ tất cả để đi tìm câu trả lời về một hạnh phúc tròn vẹn thân tâm cho mọi kiếp người. Sau không biết bao nhiêu gian nan, thái tử đã thấy. Ngày chàng đại ngộ là ngày vĩ đại. Lần đầu tiên nhân loại được chứng kiến một vị Phật bằng xương bằng thịt, một đấng hiền triết giản dị gần gũi. Với tấm lòng đại từ đại bi cùng trí tuệ siêu việt, Đức Phật chân thành chia sẻ những trải nghiệm của mình tới thập loại chúng sinh. Không thể kể hết những công đức từ thuyết lý của Đức Phật, chỉ biết từ vài phần nhỏ nhoi của nó, chúng ta đã có linh đơn diệu dược để chăm sóc sức khỏe tinh thần. Không phải ngẫu nhiên mà một thành ngữ được đa phần người Việt khi lâm vào cảnh cùng khó hoạn nạn thường nhắc, "nương nhờ cửa Phật".
Hơn chục năm lại đây, các số liệu thống kê y tế cho thấy, người Việt đương đại đang có vấn đề không nhỏ về tâm lý. Cuộc sống càng no đủ thì hầu hết người ta càng thấy hoang mang thiếu cân bằng. Câu chuyên thật ra không hề mới, bởi ở các quốc gia tưởng như văn minh Âu-Mỹ, vấn nạn này đã tồn tại dư cả trăm năm. Thậm chí tới hôm nay (2020), Tổ chức y tế thế giới (WHO) còn khẳng định, trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu, là gánh nặng bệnh lý đứng thứ hai sau bệnh tim mạch. Nhiễu loạn tâm thần không chỉ tấn công người già, mà còn mạnh mẽ đang tấn công người trẻ. Và có một điều tưởng như lạ, hình như càng những người có thừa mứa danh lợi, lại càng dễ mắc. "Người giàu cũng khóc" đã không còn là hiện tượng.
Có điều an ủi là, không phải bất cứ sự bế tắc vật vã than khóc nào cũng u ám mang mầu sắc tiêu cực. Nhà phân tâm học người Áo lỗi lạc Sigmun Freud (1856-1939), xuất xứ vốn là một bác sĩ trị liệu tâm lý, từng khẳng định rằng: gần như tuyệt đối đám văn nghệ sĩ, đặc biệt ở những người xuất sắc, đều mắc bệnh nhiễu tâm. Từ sự giải tỏa những bấn loạn ở thẳm sâu ý thức dựa trên sự thăng hoa của lương thiện tâm hồn cộng với tài năng thiên bẩm, các nghệ sĩ đã hiến dâng cho văn minh nhân loại vô số kiệt tác âm nhạc văn chương hội họa. Phật dạy "phiền não tức bồ đề" nôm na nghĩa cũng như vậy. Nhưng có lẽ vì hơi ngơ ngơ khác thường, nên sinh hoạt đời thường của phần đông những người làm nghệ thuật dễ mang nét dị thường. Có thể họ nhếch nhác khi ngủ, đi đứng liêu xiêu khi ăn, và nhất loạt đều lao đao khi yêu. Trông họ không khác lắm những người bị gọi là "dở hơi".
Nhân đây cũng xin được nhắc qua chuyện "dở hơi" của Hà Nội một thời trong trắng bao cấp. Ở cái hồi chưa xa hoang đường ấy, trên mỗi con phố đều có một tay đàn ông xấp xỉ ba mươi bị người ta coi là dở hơi. "Dở hơi" theo nhiều từ điển tiếng Việt được giải thích là hâm hấp là gàn gàn là lẩn thẩn. Còn theo y học dân gian cổ truyền thì "Hơi" chính là "Khí" một thuật ngữ kinh điển Đông y. Khí quan trọng lắm. Con người ta biết ăn biết yêu biết say mê chơi chứng khoán biết khôn ngoan nhận hối lộ chính là nhờ sự thông hoạt của Khí và Huyết. Nếu khí nhịp nhàng đều đặn thở ra hít vào theo đúng nhịp lên xuống của giá cả thị trường thì người đời đồng thanh cho đấy là khỏe mạnh đủ hơi. Còn nếu khí ngập ngừng lưỡng lự "ho ra thơ thở ra văn" thì đích thực là đồ dở hơi. Và đàn ông dở hơi ở thời bao cấp thì tuyệt đại đa số đều là những người tử tế lương thiện. Do quá nhạy cảm mong manh nên hơi thở của họ không chịu được những nặng nề ô trọc của thế cuộc. Hoặc họ uyên bác vì đọc nhiều sách nên ngộ chữ. Hoặc họ quá nồng nàn ngây thơ yêu nên bị ngộ tình. Hoặc họ bị đểu giả lừa bán rẻ. Hoặc họ bị ngu xuẩn thô bạo dập vùi. Có điều lạ là hàng xóm của họ thường là một mỹ nhân. Các nàng ấy xinh lắm, một kiểu xinh đẹp giờ đây đã thất truyền. Những chiều muộn có mây tim tím, đám tre trẻ dân chơi đầu chải dầu bóng mượt (có kẻ ít tiền thì dùng nước bọt) hoặc cô đơn hoặc bầy đàn đạp xe "Phượng hoàng" Tầu, "Thống nhất" Việt, "Mi pha" Đức rầm rập rủ nhau lượn lờ qua nhà các nàng. Các người đẹp thấp thoáng núp sau bố mẹ. Tóc thật đen, da thật trắng, cười thật tươi, phong độ dịu dàng lẫn lộn kiêu sa đài các với trong veo đoan trang. Những chàng hàng xóm "dở hơi" đứng loanh quanh gần đấy, ăn mặc sạch sẽ, áo sơ mi bỏ trong thùng, hiền lành cười dịu dàng nhìn đám thanh niên đang mon men yêu kia trêu chọc. Họ sẵn sàng chuyển giúp đám trẻ những bức thư tình vì có thể họ lơ ngơ cay đắng biết trong đám đó rồi đây cũng có vài đứa yêu quá hóa dở hơi. Nói chung, bề ngoài họ chẳng khác gì người bình thường cả. Họ chỉ khác là không biết gian xảo đếm vàng, đê tiện chạy chức và thỉnh thoảng thăng hoa họ lại vô tư đọc thơ tình, đọc công thức toán, đọc danh ngôn triết học.
Nền kinh tế thị trường bây giờ hình như có đông những người "dở hơi" hơn, nhưng đa phần mang xuất xứ phức tạp. Hầu như đã hết đám gàn vì chữ, hâm vì tình mà nhốn nháo phần lớn là lẩn thẩn vì tiền. Chất lượng dở hơi vì thế cũng khác xưa, hay dở chưa bàn nhưng nó tạo ra một hụt hẫng lãng mạn. Tất nhiên ở hôm nay, những bối rối tâm lý dẫn đến trầm cảm thì có nhiều nguyên nhân. Bọn trẻ đi học thì do áp lực thi cử hoặc gia đình éo le kiểu như bố mẹ ly thân ly dị. Người cao tuổi thì do mắc một số bệnh lý mãn tính, rồi cảm giác cô đơn bởi người thân xa vắng. Và đáng sợ nhất là các lý do mắc bệnh ở những người thành đạt. Tuy hình hài phương phi, đủ danh đủ lợi nhưng họ vẫn bơ phờ mệt mỏi loay hoay sống. Do quá tham lam tính toán nên họ hay bị những khát vọng vượt mức của chính họ hành hạ. Họ lẫn lộn các giá trị đích thực về chân thiện mỹ. Có lẽ vì thế, thỉnh thoảng họ lại thốt ra một câu ngô nghê cay đắng. "Tiền nhiều thì để làm gì". Chao ôi, tiền nhiều thì đơn giản nhất là đi làm việc thiện. Bởi khi làm xong một việc thiện, người ta thường thanh thản hơn. Điều này giải thích tại sao Đức Phật hay khuyên những người giầu có dư dật nên biết cách vị tha bố thí. Một tâm hồn hỷ xả cao thượng biết chia sẻ với những bất hạnh của người khác thì chẳng bao giờ bị trầm cẩm cả.
Một xã hội công bằng dân giàu nước mạnh, thì luôn cần những công dân có cơ thể cường tráng biết nuôi dưỡng một sức khỏe tinh thần lành mạnh.
Bình luận