Tiến sĩ Lê Doãn Hợp: “Phải biết đột phá để kích dậy văn hóa dân tộc”

“Làm văn hóa cũng như làm kinh tế, phải biết đột phá để kích dậy văn hóa dân tộc. Xây dựng hệ giá trị văn hóa cần làm quyết liệt, làm không khoan nhượng, làm không lùi bước, làm xoáy sâu vào 3 trụ cột quan trọng nhất là văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công sở”.

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Việc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, khó hơn nữa là việc triển khai thực thi những giá trị đó trong đời sống xã hội.

Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" diễn ra ngày 29/11 và Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” dự kiến khai mạc trong tháng 12 tới đây là những dấu mốc nhằm nhìn lại một năm thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11/2021.

Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) đã ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về những vấn đề trụ cột trong xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới.

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp: “Phải biết đột phá để kích dậy văn hóa dân tộc” - 1

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Tiến sĩ Lê Doãn Hợp: Làm văn hóa cũng như làm kinh tế, phải biết đột phá để kích dậy văn hóa dân tộc. Xây dựng hệ giá trị văn hóa cần làm quyết liệt, làm không khoan nhượng, làm không lùi bước, làm xoáy sâu vào 3 trụ cột quan trọng nhất là văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công sở.

Văn hóa gia đình là nền tảng của xã hội

Gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở, là đơn vị an ninh cơ sở và là đơn vị văn hóa cơ sở. Có thể nói mọi sự tốt đẹp của xã hội đều bắt đầu từ gia đình và mọi điều không yên, không vui của xã hội cũng luôn xuất phát từ gia đình. Gia đình tốt thì con người tốt và xã hội tốt.

Thiết nghĩ, văn hóa gia đình là nền tảng của xã hội, xây dựng gia đình văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Xét và công nhận “Gia đình văn hóa” là hình thức tôn vinh những điển hình tiên tiến ở cơ sở, là việc làm cốt lõi trong gìn giữ văn hóa gia đình, góp phần phát huy các giá trị đạo đức truyền thống và động viên cộng đồng chung tay xây dựng nếp sống văn minh.

Tuy nhiên, công tác này ở nước ta hiện nay còn mang nặng tính hình thức và bệnh thành tích. Những tập thể và gia đình được tôn vinh đạt chuẩn văn hóa không thật sự là những điển hình tiêu biểu để cộng đồng dân cư học tập, noi theo, ít có tác dụng giáo dục, nêu gương. “Gia đình văn hóa” phải thực sự tiêu biểu, xứng đáng với danh hiệu được tôn vinh, không vì thành tích của tập thể mà hạ thấp tiêu chuẩn, bình bầu dễ dãi, qua loa, chiếu lệ… Như thế mới có tác dụng làm gương, động viên cộng đồng dân cư học tập và làm theo những mặt tích cực, sáng giá trong xây dựng đời sống văn hóa.

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của kinh tế

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Nếu không chăm lo xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì làm sao có kinh tế bền vững? làm sao có kinh tế lành mạnh?

Văn hóa doanh nghiệp lệ thuộc 3 yếu tố: Thứ nhất, lệ thuộc vào văn hóa lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu. Thứ hai, lệ thuộc vào quy chế quản lý nội bộ (trong đó có quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý tài sản và cơ chế phân phối lợi ích). Thứ ba, lệ thuộc vào văn hóa ứng xử của doanh nghiệp đối với nhà nước (doanh thu đến đâu phải nộp ngân sách đến đó), đối với xã hội (công tác từ thiện, nhân đạo, bảo vệ môi trường…), đối với người tiêu dùng (thể hiện qua chất lượng và giá thành sản phẩm). Nhưng vẫn lệ thuộc phần lớn vào yếu tố tiên quyết là văn hóa của lãnh đạo doanh nghiệp, mà rõ nhất là người đứng đầu.

Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, doanh nhân là những người con ưu tú của xã hội, họ có ý chí, có học thức, có lý tưởng. Trong vai trò là người thuyền trưởng “chèo lái” doanh nghiệp, phải đem tiếng nói của mình, suy nghĩ của mình để khơi dậy được ý chí tinh thần, nội lực của tập thể cán bộ công nhân viên. Điều này đòi hỏi cái nhìn sáng suốt, cái tâm trong sáng và thái độ ứng xử đúng mực của lãnh đạo từ đó hình thành nên chính sách riêng biệt, điều kiện cơ chế vận hành doanh nghiệp hướng tới một mục tiêu chung là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân trở thành nền tảng phát triển bền vững của kinh tế đất nước.

Văn hóa công sở là nền tảng của chính trị

Văn hóa công sở chính là đạo đức công vụ. Một người có đạo đức sẽ luôn phát ra bên ngoài bằng văn hóa. Một người có văn hóa là người đó có đạo đức. Vì thế văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Người ta nhìn vào một đảng cầm quyền trước hết là nhìn vào văn hóa ứng xử với công dân, đồng bào của đội ngũ công chức.

Ngày xưa, triều đình rất quan tâm đến cán bộ cơ sở, cấp thay mặt nhà vua ứng xử với dân. Cán bộ sai là làm mất uy tín của vua, đúng như Lênin đã nói: “UBND các cấp là cơ quan trung ương đóng tại địa phương”. Nhà vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) cũng từng đưa ra 4 tiêu chuẩn (2 tài, 2 đức) để chọn lý trưởng (cấp gần dân nhất) là: “Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín”. Vì thế, văn hóa công vụ, đạo đức công chức chính là tín nhiệm của đảng cầm quyền.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là một bộ phận của cộng đồng, các yếu tố văn hóa ở họ cũng chính là các yếu tố văn hóa dân tộc, đạo đức của họ chính là đạo đức xã hội. Nếu công chức, viên chức có ý thức, có trình độ sẽ hiểu việc phục vụ nhân dân là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình bởi họ là “công bộc” của nhân dân, được trả lương của nhân dân; ngược lại, nếu không nhận thức thấu đáo, tư duy quan cách, sẽ cho rằng người dân được họ ban phát…, từ đó nảy sinh thói cửa quyền, thậm chí là hạch sách, nhũng nhiễu. Chính vì vậy, trình độ văn hóa, ý thức đạo đức công vụ cũng chính là một yếu tố quan trọng quyết định tinh thần, thái độ ứng xử, chất lượng phục vụ của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.

Suy cho cùng, cái gốc của văn hóa con người là đạo đức. Văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Khi đạo đức xuống cấp thì không còn văn hóa. Muốn sống yên lành phải sống có đạo đức, tất cả những đồng tiền chân chính bao giờ cũng giúp ta làm những điều chân chính, tất cả những đồng tiền nhơ bẩn bao giờ cũng nhuộm bẩn chính mình, cho nên một xã hội văn minh phải luôn hướng tới đạo đức!

Phạm Hằng (ghi)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn