Đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn xã hội

Tiếp nối phiên thảo luận thứ nhất, chiều 29/11, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” tiến hành phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới”.

Đến dự và chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban chỉ đạo.

Đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn xã hội - 1

Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh Phạm Hằng

Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: PGS, TS Lê Hải Bình, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo hội thảo; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư Thường trực tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên đoàn chủ tọa; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thay mặt đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận.

Quan tâm đến tính thực tiễn trong xây dựng hệ giá trị văn hóa

Nhìn nhận hệ giá trị văn hoá là một phương diện quan trọng thể hiện rõ nhất bản sắc văn hoá, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nhấn mạnh: Hệ giá trị văn hoá đã và đang được thực hành đa dạng, sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hoá là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hoá. Hơn nữa, việc xây dựng hệ giá trị văn hoá còn thể hiện mong muốn, khát vọng của chúng ta về những hệ giá trị tốt đẹp sẽ được thực hành phổ biến tạo nên sự phát triển phồn vinh và bền vững cho xã hội.

Tuy nhiên, khi nói về vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hoá hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng: Cả tên gọi các hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam được xem là đã có sẵn và các hệ giá trị được xác định là cần xây dựng đều là các mỹ từ, nghe rất hay, rất quen thuộc, tạo cảm giác như chúng ta đã có hết rồi song thực tế lại không hẳn như vậy.

Đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn xã hội - 2

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm phát biểu tại hội thảo. Ảnh Phạm Hằng 

“Các hệ giá trị văn hoá được xác định vẫn chưa thực sự gắn với thực tiễn, chưa đi vào cuộc sống mà chủ yếu tồn tại trên sách vở, trong các văn bản chính sách, trên các diễn đàn và các diễn ngôn truyền thông, tuyên truyền. Hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực giá trị con người Việt Nam mà Đảng ta xác định chính là xác định việc xây dựng để có được những hệ giá trị đó, là khát vọng, là mục tiêu muốn đạt được mà không phải là những hệ giá trị có sẵn hay đang được thực hành phổ biến trong cả xã hội”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nói.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cũng nhấn mạnh, nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hoá thì chúng ta sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hoá. Tính thực tiễn ở đây là hệ giá trị văn hoá phải được xây dựng từ thực tiễn và rồi phải được thực hành sâu rộng trong thực tiễn, trở thành lối sống, thói quen, tập tính hàng ngày của con người. Chỉ như vậy, việc xây dựng hệ giá trị văn hoá mới được xem là đạt hiệu quả.

Hệ giá trị quốc gia là đích đến, là tiêu chuẩn để xã hội vươn tới

Nói về vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, GS.TS Trần Văn Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: Mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị quốc gia vừa như là đích đến, vừa như là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng đối với cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia, được các cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần để mọi cá nhân, cộng đồng xã hội và cả quốc gia vươn theo, hướng tới và hành động theo.

Đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn xã hội - 3

GS.TS Trần Văn Phòng phát biểu tại hội thảo. Ảnh Phạm Hằng 

Để từng bước nghiên cứu, xây dựng được hệ giá trị quốc gia, GS.TS Trần Văn Phòng cho rằng cần quán triệt tốt một số yêu cầu:

Một là, xác định rõ nội hàm của hệ giá trị quốc gia, bao gồm “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Hai là, dựa vào nhân dân xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Cần quán triệt tốt quan điểm của Đảng về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước nói chung, trong xây dựng hệ giá trị quốc gia nói riêng.

Ba là, cần có lộ trình, bước đi phù hợp thực tiễn trong xây dựng hệ giá trị quốc gia. Từng bước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thật sự trong sạch. Tăng cường tuyên truyền, lan tỏa hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam.

Bốn là, chủ động tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hóa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam trong xây dựng hệ giá trị quốc gia. Đồng thời phải tích cực, chủ động phòng, chống những biểu hiện lệch lạc về văn hóa; nâng cao sức đề kháng của nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai, độc hại.

“Bốn yêu cầu trên phải được quán triệt đồng bộ, toàn diện trên thực tế thì việc xây dựng hệ giá trị quốc gia mới hiệu quả, thiết thực, tránh được giáo điều cũng như thành tích và hình thức. Với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực của mỗi người dân, cơ quan, ban, ngành; với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước chúng ta sẽ xây dựng được hệ giá trị quốc gia trong sự thống nhất với hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam”, GS.TS Trần Văn Phòng nhấn mạnh.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị

Chia sẻ những giải pháp trọng tâm góp phần xây dựng và triển khai hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Việc xây dựng các hệ giá trị này là sự nghiệp rất lớn, rất quan trọng và không đơn giản của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là nền tảng để phát triển xã hội, phát huy sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Vì vậy, đầu tiên rất cần có vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý văn hóa. Trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, đẩy mạnh việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, như tuyên truyền cổ động trực quan... tạo được sự hưởng ứng của đông đảo các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: Xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia là một cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai một cách đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Công việc này phải được tiến hành bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, không chạy theo hình thức, phong trào.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng nhất để xây dựng và triển khai hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia trong cuộc sống là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức một cách thực chất, bài bản về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Nếu có thể thì nên biến thành một cuộc vận động sâu rộng, quy mô, mang tầm chiến lược, dài hơi như các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hay phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn xã hội - 4

PGS.TS Bùi Hoài Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh Phạm Hằng 

Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của các thiết chế xã hội quan trọng như: gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục, trau dồi các giá trị. Phải kết hợp giữa “xây” và “chống”, xây dựng, bồi đắp và củng cố những giá trị tốt đẹp, chống lại những thói hư, tập xấu trong xã hội. Cuối cùng nền tảng chung và điều kiện cơ bản nhất để hiện thực hóa hệ giá trị quốc gia cũng như văn hóa chính là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý và điều hành đất nước trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, vì tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ giá trị.

Dù có nhiều kiến giải khác nhau nhưng các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý đều khẳng định rằng việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là mong muốn, là khát vọng của toàn thể nhân dân.

Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã trải qua một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đây là kết quả của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như sự trăn trở, suy nghĩ của đông đảo đội ngũ các nhà hoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Qua một ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, hội thảo đã thành công tốt đẹp. Trong cuộc hội thảo hôm nay, các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo và quản lý trao đổi một cách hết sức cởi mở, dân chủ, thẳng thắn về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay.

Đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn xã hội - 5

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội thảo

“Đặc biệt là chúng ta đã thấy nhiều cấp ủy, chính quyền, Mặt trận ở các địa phương, bộ, ngành đã chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện các giá trị theo tinh thần định hướng của Tổng Bí thư phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, góp phần truyền cảm hứng và hành động vì một đất nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan tâm đến xây dựng phẩm chất nhân cách con người đã được chú trọng từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Chất lượng xây dựng gia đình Việt Nam theo định hướng giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh đã từng bước được cải thiện. Các hoạt động xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã có những chuyển biến tích cực từ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tới sáng tạo các giá trị văn hóa mới theo các định hướng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, thống nhất trong đa dạng”, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn