Văn học nghệ thuật chuyển mình trong công cuộc chấn hưng văn hóa

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: “Mỗi văn nghệ sĩ, bằng những tác phẩm của mình phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ thấm đượm tinh thần: Dân tộc - Dân chủ - Nhân văn - Khoa học, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một lực lượng sản xuất trực tiếp, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc!”.

Sau Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, trong 1 năm qua, đời sống văn học, nghệ thuật ở các địa phương, đơn vị trên cả nước đã có những sự chuyển biến rõ rệt. Để hiểu thêm về sự thay đổi này, Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) đã có cuộc phỏng vấn với PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Văn học nghệ thuật chuyển mình trong công cuộc chấn hưng văn hóa - 1

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

"Văn hóa, văn nghệ có bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ, toàn diện"

- Thưa PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, có thể thấy, một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hoá, biến văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước đã được diễn ra. Nhìn lại 1 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, ông đánh giá toàn diện về nền văn hoá nước nhà như thế nào?

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa đã được khẳng định mạnh mẽ trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), năm 2014 của Đảng. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Những Nghị quyết đó nêu ra những cơ sở lý luận và thực tiễn mới, định hướng mới cho phát triển văn hóa. Ngoài ra, thực tiễn đời sống và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu mới trong quản lý, phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Trong đó, “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Và gần đây nhất tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24 tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và lĩnh vực văn học - nghệ thuật đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện. Hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm văn học - nghệ thuật đã ra đời bằng tài năng, sức lao động sáng tạo trở thành món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ công chúng. Cùng với điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng cao, nhận thức và cách nhìn của văn nghệ sĩ cũng đã được nâng lên, bắt kịp với tình hình mới.

- Ông đánh giá như thế nào về những đổi mới của hoạt động văn học - nghệ thuật trong 1 năm qua?

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, giới văn nghệ sĩ đã được triển khai quán triệt thực hiện các hoạt động: tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo về vị trí và trò của văn nghệ sĩ trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức nhiều trại sáng tác thâm nhập thực tế để có thêm chất liệu sáng tác. Đặc biệt nâng cao nhận thức về vị trí của văn học nghệ thuật, của văn hóa ngang hàng với chính trị - kinh tế - xã hội, tạo niềm tin và động lực cho văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, tiếp tục sáng tác cho đất nước.

Nâng cao vị thế, vai trò của giới văn nghệ sĩ - trí thức vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới hiện nay là một chủ đề lớn thu hút sự quan tâm của các ngành nghệ thuật, thể hiện trách nhiệm xã hội và ý thức công dân của văn nghệ sĩ. Sự tác động lớn nhất đến quá trình phát triển văn học nghệ thuật của nước ta trong thời gian qua, là sự biến đổi mạnh mẽ của công chúng nghệ thuật, quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội; tác động đa chiều của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bên cạnh đó, dòng mạch chính của đời sống văn học, nghệ thuật vẫn là chủ nghĩa yêu nước, sự gắn bó với dân tộc, nhân dân, phản ánh chân thật cuộc sống lao động, đấu tranh và xây dựng của nhân dân ta trong những năm vừa qua là mô-típ chủ đạo, vừa tiếp tục truyền thống tốt đẹp của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, đồng thời có nhiều tìm tòi về nội dung phản ánh, mở rộng phạm vi chiếm lĩnh hiện thực, phát hiện được những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của đời sống trên nhiều bình diện, nhiều góc cạnh khác nhau. Sự đa dạng về nội dung và phương thức thể hiện là một dấu hiệu mới của văn học, nghệ thuật thời gian vừa qua.

- Những đóng góp của lĩnh vực văn học - nghệ thuật vào công cuộc đổi mới nền văn hoá là gì, thưa ông?

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước ta đã phải đương đầu với những khó khăn thử thách vô cùng to lớn và phức tạp. Nhờ vào bản lĩnh lãnh đạo của Đảng với đường lối chính trị đúng đắn và những chính sách, giải pháp sáng tạo, phù hợp, nhờ vào sự chung sức đồng lòng, nỗ lực của toàn dân mà con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi ghềnh thác hiểm nguy. Sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có đóng góp của giới văn nghệ sĩ trí thức mà nhờ đó “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Một trong những chức năng quan trọng của văn học nghệ thuật, đó là chức năng giáo dục. Trong đó, giáo dục, bao gồm cả giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội là phương thức, là giải pháp và là môi trường quan trọng nhất. Thông qua giáo dục mà các giá trị cốt lõi của xã hội, của dân tộc, của nhân loại được nhận thức, thẩm thấu, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và lan tỏa trong xã hội; đồng thời cũng chính là thông qua giáo dục mà những giá trị tốt đẹp, như phù sa của những dòng sông, sẽ không ngừng bồi đắp, nuôi dưỡng và củng cố nhân cách của từng cá nhân và toàn thể cộng đồng.

Trong quá trình giáo dục đó, các tác phẩm văn học, nghệ thuật luôn luôn đóng vai trò rất quan trọng. Dưới hình thức văn học dân gian, văn học đã tham gia giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa con người từ tuổi ấu thơ qua lời ru của mẹ, lời răn dạy của cha, những chuyện kể của ông bà và những trò chơi dân gian phong phú. Đến khi tới trường, các tác phẩm văn học nghệ thuật lại tiếp tục đóng vai trò giáo dục rất quan trọng, không chỉ giới hạn trong các môn học ngữ văn, lịch sử, đạo dức, giáo dục công dân mà còn qua nhiều nội dung của các hoạt động giáo dục khác nhau.

Bệ đỡ cho hai môi trường giáo dục nói trên chính là giáo dục xã hội, mà ở đó các tác phẩm văn học nghệ thuật chính là “món ăn tinh thần”, không chỉ thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu giải trí mà còn chính là nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, năng lực văn hóa, năng lực xã hội, chăm lo đến nền tảng đạo đức xã hội - tức là thông qua nhiều cách thức để can thiệp, định hướng hệ giá trị, sàng lọc giá trị, bồi đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp, giảm thiểu và loại bỏ dần những giá trị không phù hợp, khuyến khích và nuôi dưỡng sự hình thành những giá trị mới, tiến bộ…

Văn học nghệ thuật chuyển mình trong công cuộc chấn hưng văn hóa - 2

Ngày 12/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam về một số đề án, chương trình phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới.

"Mỗi văn nghệ sĩ cần góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ" 

- Bắt đầu từ năm 2021, Việt Nam bước vào một chu kỳ phát triển mới. Cùng với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 cũng đã được ban hành, định hướng cho sự phát triển chung của văn hóa. Văn học - nghệ thuật cũng không nằm ngoài cuộc. Trong bối cảnh này, văn học - nghệ thuật đứng trước những thách thức như thế nào?

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Về phía chủ quan, cần nêu ra một số thách thức quan trọng như sau:

Một là, về nhận thức: Không chỉ các cấp quản lý, các địa phương, các ngành mà ngay cả các cộng đồng và thậm chí ngay trong từng gia đình chúng ta còn chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng. Trong chặng đường đầu của thời kỳ đổi mới, điều này có thể cảm thông được, khi mà tất cả chúng ta phải dồn góp toàn lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và giữ vững quốc phòng, an ninh để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và cất cánh. Nhưng cứ theo đà đó, dưới áp lực tăng trưởng và do tác động của kinh tế thị trường, toàn xã hội vẫn đặt ưu tiên tuyệt đối cho các mục tiêu kinh tế. Chỉ đến khi chúng ta nhận ra con cháu ta say mê xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc hơn là phim, nhạc Việt Nam; thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích Việt Nam; bật Tivi lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt; đến các thành phố lớn thì nhan nhản những tòa nhà và khu mua sắm mang tên nước ngoài thay vì tiếng Việt... lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra “nguy cơ mất nước từ bên trong”, trước tiên là “mất nước về văn hóa” tuy chưa quá nghiêm trọng nhưng đã có những biểu hiện đáng báo động.

Hai là, về cơ chế lãnh đạo, quản lý: chúng ta chưa có cơ chế phù hợp và hữu hiệu để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Nói cho chính xác, cái chúng ta đang thiếu là cơ chế hiệu quả, đủ mạnh, có năng lực thích ứng cao với sự biến đổi toàn cầu và với cơ chế thị trường, phù hợp với yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Thay vào đó, là cơ chế đang thực tế chi phối sự vận hành của nền văn học, nghệ thuật nước nhà vừa vẫn còn mang nặng dấu ấn, tàn tích của chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp cũ, lại vừa lai tạp những yếu tố tự phát kiểu “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường đã khiến cho các nỗ lực đổi mới đều trở nên nửa vời, kém hiệu quả, thậm chí lệch chuẩn, lạc hướng. Văn học, nghệ thuật vừa bị kiểm soát quá chặt chẽ, vừa bị thả nổi, thiếu trách nhiệm từ khâu quản lý, vừa bị điều hành bởi đồng tiên, nên suy cho cùng văn học, nghệ thuật chưa tự chủ đi bằng đôi chân vững vàng của mình trên con đường tự do sáng tạo, tôn trọng luật pháp, hướng tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Ba là, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Điều này thực chất là bắt nguồn từ hai nguyên nhân như đã trình bày ở trên, khiến cho nguồn lực đầu tư vừa rất nhỏ, chưa được đa dạng hóa, lại chưa được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, manh mún, cào bằng. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế.

Bốn là, là sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Có thể thấy rõ là phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn thụ động và thiếu khát vọng, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và trên thế giới. Chỉ một số bộ phận thích nghi tương đối tốt với cơ chế thị trường, nhưng lại sớm bộc lộ những khuynh hướng chạy theo những thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân, trước mắt, thậm chí sa ngã, phạm tội. Những nhân tài, những sáng kiến, những sáng tạo tâm huyết và táo bạo xuất phát từ chính đội ngũ của chúng ta còn đang rất thiếu vắng.

- Trước những thách thức nêu trên, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đặt ra chiến lược phát triển như thế nào trong giai đoạn tới?

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Văn học nghệ thuật luôn là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Chăm lo phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cho tương lai là việc làm có tính chiến lược luôn đặt vào trọng tâm hoạt động của Liên hiệp vì tính cấp thiết và lâu dài của nó. Cụ thể cần phát hiện các yếu tố trẻ trong các lĩnh vực thơ ca, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh… mà phần lớn tài năng trẻ nằm ở các tổ chức Hội các tỉnh thành trong cả nước.

Thời gian vừa qua, Liên hiệp đã chủ động mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, mời gọi, thu hút văn nghệ sĩ trẻ tham gia, mặc dù họ chưa phải là hội viên của các Hội chuyên ngành. Thông qua việc sinh hoạt trong môi trường Hội và kết quả sáng tạo của lớp trẻ, các Hội chuyên ngành xét kết nạp họ vào Hội nhằm tạo lực lượng sáng tạo cho tương lai. Bên cạnh mục đích nghệ thuật thì Hội còn là nơi tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng những kiến thức về xã hội, phổ biến đường lối quan điểm của Đảng về văn nghệ, định hướng tự do sáng tạo cho giới trẻ.

Văn học nghệ thuật chuyển mình trong công cuộc chấn hưng văn hóa - 3

"Chăm lo phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cho tương lai là việc làm có tính chiến lược luôn đặt vào trọng tâm hoạt động của Liên hiệp". Ảnh minh họa

- Theo ông, toàn giới văn nghệ sĩ cần nỗ lực như thế nào để tiếp tục thực hiện tốt Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hoá toàn quốc 2021?

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ thật là nặng nề, rất vẻ vang trong công cuộc xây dựng “nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tiếp tục dấn thân, cống hiến hết mình cho Đất nước và Nhân dân.

Mỗi văn nghệ sĩ, bằng những tác phẩm của mình phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ thấm đượm tinh thần: Dân tộc - Dân chủ - Nhân văn - Khoa học, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một lực lượng sản xuất trực tiếp, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc!

- Xin cảm ơn PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân về cuộc trò chuyện!

Phạm Hằng thực hiện

Tin liên quan

Tin mới nhất