Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: “Chung sức, chung lòng đấu tranh với lệch chuẩn văn hóa”

“Thay vì một thái độ bàng quan, hời hợt, coi nhẹ tác động tiêu cực của Internet, giờ đây rất nhiều người sử dụng đã có một thái độ kiên quyết với những lệch chuẩn trên môi trường mạng. Đây cũng là kết quả của một quá trình nhận thức khi chúng ta chứng kiến rất nhiều hệ lụy của cuộc đời thực bắt nguồn từ những rắc rối, sai lệch đến từ môi trường mạng. Giờ đây, điều chúng ta cần làm là cùng nhau chung sức, chung lòng đấu tranh với những điều xấu xa, lệch chuẩn ấy”.

Sau hàng loạt vụ việc nghệ sĩ tha hóa đạo đức hay Tiktoker thản nhiên bất chấp dư luận, “sáng tạo nội dung” không lành mạnh để thu hút thị hiếu thì thái độ tẩy chay, lên án quyết liệt của cộng đồng mạng đã cho thấy những dấu hiệu đáng mừng. Công chúng dường như đang mạnh tay hơn với “rác văn hóa”, thị hiếu khán giả đã cao và khắt khe hơn trước những sản phẩm giải trí, nghệ thuật.

Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: “Chung sức, chung lòng đấu tranh với lệch chuẩn văn hóa” - 1

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: NVCC)

- Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nhìn từ sự việc của Tiktoker Nờ Ô Nô, bài học cho một bộ phận người của công chúng hiện nay coi thường văn hóa, bất chấp câu view là gì, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Khi văn hóa là sự kết tinh của giá trị, hướng con người đến chân - thiện - mỹ thì những hành động đi ngược lại những giá trị đó sẽ không thể tồn tại lâu dài.

Việc TikToker Nờ Ô Nô coi thường những giá trị, chuẩn mực đạo đức, câu kéo sự quan tâm bằng những chiêu trò phản cảm, thể hiện sự coi thường người khác, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội, không chỉ khiến dư luận phẫn nộ, làm vẩn đục môi trường văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực xây dựng hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam, mà còn làm mất hình ảnh của chính Tiktoker này.

Nếu chúng ta tạo ra sự quan tâm của mọi người bằng những hình ảnh đẹp, hành động truyền cảm hứng thì việc xây dựng thương hiệu của chúng ta mới bền vững khi nó đến từ chính trái tim, với sự yêu thương, tôn trọng của công chúng.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, tôi cho rằng, chúng ta cần có hành động nhanh chóng, dứt khoát, với biện pháp xử lý mang tính răn đe, từ tăng cường nhận thức, luật pháp đến cấm sóng để tạo niềm tin cho công chúng về một xã hội hướng thiện, thượng tôn pháp luật, cho dù sự vi phạm đó có đến từ đâu (trên môi trường mạng) và với ai (vô danh hay nổi tiếng), từ đó dẫn dắt, hình thành dư luận xã hội phù hợp đối với quá trình phát triển nhân cách đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: “Chung sức, chung lòng đấu tranh với lệch chuẩn văn hóa” - 2

"Chúng ta cần có hành động nhanh chóng, dứt khoát, với biện pháp xử lý mang tính răn đe, từ tăng cường nhận thức, luật pháp đến cấm sóng để tạo niềm tin cho công chúng", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

- Việc Tiktoker xây dựng những nội dung mang tính sáng tạo để thu hút người xem nhưng bất chấp các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử thông thường để câu view tiềm ẩn những hệ lụy gì, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hiện nay, thị trường giải trí nói chung hay việc sáng tạo nội dung trên các trang mạng xã hội nói riêng như TikTok mang tính cạnh tranh rất cao. Để thu hút lượng người xem, nhiều người sáng tạo nội dung trên TikTok, Youtube, Facebook... tìm nhiều cách khác nhau để tạo nội dung hấp dẫn. Vì thế, chúng ta thấy nội dung trên các mạng xã hội giờ đây đa dạng và phong phú hơn rất nhiều, trong đó có cả những thông tin tích cực và tiêu cực, tốt và xấu đối với sự phát triển nhân cách con người và với toàn xã hội.

Đặc biệt, những nội dung bất chấp các nguyên tắc đạo đức xã hội để tăng lượng quan tâm, thu hút người xem đang để lại rất nhiều hệ lụy đối với văn hóa của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Khi con người, đặc biệt là các bạn trẻ, tiếp xúc với những thông tin độc hại, ban đầu có thể chỉ là giải trí, xem cho vui, nhưng dần dần, những thông tin đó gây hại cho nhận thức của mỗi người, khiến họ suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn về xã hội, và từ đó dễ có những hành động tiêu cực hơn.

Vì thế, các nhà tâm lý học vẫn nhấn mạnh rằng: hãy cẩn trọng với suy nghĩ của bạn vì suy nghĩ sẽ biến thành lời nói, hãy cẩn trọng với lời nói của bạn vì lời nói sẽ sinh ra hành vi, hãy cẩn trọng với hành vi của bạn vì hành vi sẽ hình thành thói quen, hãy cẩn trọng với thói quen của bạn vì thói quan sẽ hình thành tính cách, hãy cẩn trọng với tính cách của bạn vì tính cách sẽ sinh ra số phận.

Những thứ chúng ta xem, nghe, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ, hành vi và rất có thể là tính cách và số phận của chúng ta, vì thế, gìn giữ một môi trường trong lành, hướng tới chân - thiện - mỹ là cách để chúng ta tạo điều kiện hình thành đạo đức tốt đẹp cho mỗi con người và toàn xã hội.

Nhìn theo quan điểm ấy, việc tạo ra các nội dung xấu, độc, không phù hợp với đạo đức xã hội chính là một cách làm đi ngược lại với tôn chỉ xây dựng văn hóa, xã hội lành mạnh của chúng ta, đầu độc tinh thần của mọi người, đặc biệt là giới trẻ khi họ đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách đạo đức và gặp những khó khăn nhất định trong bối cảnh việc xây dựng hệ giá trị trong xã hội đang có những lúng túng nhất định.

- Việc khán giả tỏ rõ chính kiến, thái độ đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn sẽ có tác động tích cực như thế nào tới đời sống nghệ thuật, giải trí hiện nay, thưa ông?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Đây là những tín hiệu hết sức tích cực trong quá trình chúng ta xây dựng văn hóa sử dụng mạng xã hội. Thay vì một thái độ bàng quan, hời hợt, coi nhẹ tác động tiêu cực của Internet, giờ đây rất nhiều người sử dụng đã có một thái độ kiên quyết với những lệch chuẩn trên môi trường mạng. Điều này cho thấy chúng ta đã rất nghiêm túc và thực sự phản ứng chủ động với những điều không phù hợp trên môi trường ấy, không để chúng lây lan ra ngoài xã hội.

Đây cũng là kết quả của một quá trình nhận thức khi chúng ta chứng kiến rất nhiều hệ lụy của cuộc đời thực bắt nguồn từ những rắc rối, sai lệch đến từ môi trường mạng. Giờ đây, điều chúng ta cần làm là cùng nhau chung sức, chung lòng đấu tranh với những điều xấu xa, lệch chuẩn ấy.

Việc các bạn trẻ tiên phong phản đối những thông tin xấu, độc trên mạng càng cho chúng ta thấy một niềm tin về quy luật cái thiện luôn chiến thắng cái ác, chính nghĩa luôn chiến thắng phi nghĩa. Một khi chúng ta ý thức được tác hại của những thông tin như vậy, chúng ta sẽ tạo ra những hành động, dư luận xã hội phản đối cái xấu, đề cao cái tốt.

Điều này cũng rất tích cực trong môi trường nghệ thuật khi giúp cho các nghệ sĩ luôn mong muốn và tìm tòi sáng tạo những giá trị nghệ thuật hướng tới định hướng đạo đức, nhân cách cho con người. Đặc biệt khi các nghệ sĩ, người nổi tiếng luôn được quan tâm bởi công chúng thì hành động đúng, đẹp của họ sẽ có tác động lan tỏa hơn rất nhiều để từ đó chúng ta có một môi trường mạng, nền văn hóa số phù hợp với sự phát triển bền vững đất nước.

- Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn về cuộc trò chuyện!

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.