Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội

Trong dịp kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), nhiều hồi ức đẹp về Hà Nội đã được thể hiện qua lăng kính của hai triển lãm “Thành xưa, Phố cũ” và “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”, các sự kiện được kỳ vọng đem đến cho công chúng nhiều cảm xúc đặc biệt trong tiết trời mùa Thu Hà Nội.

Từ “Thành xưa, Phố cũ”

“Thành xưa, Phố cũ” – một triển lãm mang đến một góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX trong không gian Hà Nội xưa với những khu phố, con đường, những di tích lịch sử, văn hoá cùng nhiều công trình mang đậm dấu ấn Pháp.

Triển lãm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, từ nay đến hết ngày 31/12/2023.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 1

Không gian triển lãm “Thành xưa, Phố cũ”. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khẳng định: Hà Nội của chúng ta đã đi qua những chặng đường lịch sử lâu dài với biết bao thăng trầm, biến đổi. Quá trình vận động đó đã tạo nên một thành phố đầy bản sắc, mà chúng ta không thể không kể đến một giai đoạn quan trọng đánh dấu sự giao thoa và phát triển mạnh mẽ của Hà Nội: Đó là những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi người Pháp tiến hành quy hoạch và mở rộng thành phố Hà Nội.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 2

Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phát biểu khai mạc triển lãm. Ảnh: Huyền Thương

Triển lãm được bố cục theo hai chủ đề lớn: Thành bên Phố và Chuyện phố Tây - phố Ta với khoảng 150 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật được lựa chọn trưng bày.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu chi tiết một số công trình tiêu biểu mang dấu ấn của công trình kiến trúc Pháp trong lòng đô thị.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 3

Các hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Huyền Thương

Những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, là thời kỳ đánh dấu những bước thay đổi quan trọng của Hà Nội trong quá trình chuyển mình từ một đô thị cũ kiểu Á Đông sang một thành phố hiện đại với những dấu ấn kiểu phương Tây. Thời điểm này, người Pháp bắt đầu cho quy hoạch và xây dựng thành phố Hà Nội trên cơ sở kinh đô Thăng Long cũ, trong đó tâm điểm là thành Hà Nội.

Ngoài một số công trình được giữ lại như: Kỳ Đài, Đoan Môn, bậc rồng trước thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc - minh chứng của một thời kỳ lịch sử huy hoàng đã qua thì thành Hà Nội đã thay đổi một diện mạo mới mang phong cách Á Âu.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 4

Bản vẽ mặt trước của Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, năm 1909. Ảnh: Huyền Thương

Thành phố được mở rộng với nhiều khu phố mới, trung tâm chính trị, hành chính được xây dựng mới. Hà Nội dần khoác tấm áo khác, tuy nhiên giao hòa trong không gian kiến trúc kiểu phương Tây, vẫn còn đó dấu tích của “Thành xưa - Phố cũ”.

Triển lãm “Thành xưa, Phố cũ” đã tái hiện được phần nào sự thay đổi của Hà Nội trải qua trong hơn một thế kỷ. Đó là hình ảnh thành Hà Nội được xây dựng theo kiểu Vauban đầu thời Nguyễn hay hình ảnh phường - thị Hà Nội khi chưa có những biến chuyển theo hướng đô thị hóa hiện đại, dần chuyển thành một Hà Nội được xây dựng và quy hoạch theo kiểu phương Tây với những con phố dọc ngang hình ô cờ.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 5

Triển lãm đã tái hiện được phần nào sự thay đổi của Hà Nội trải qua trong hơn một thế kỷ. Ảnh: Huyền Thương

“Thành xưa phố cũ” cũng mang đến cho du khách những góc nhìn về lịch sử Hà Nội, những dấu ấn kiến trúc và sự giao thoa văn hóa Hà Nội trong giai đoạn này, để Hà Nội bước vào những chặng đường lịch sử hào hùng tiếp theo của mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mùa thu giải phóng thủ đô tháng Mười năm 1954.

Một số hình ảnh được phóng viên ghi nhận tại triển lãm:

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 6

Các đại biểu, khách mời đến dự Lễ khai mạc triển lãm “Thành xưa phố cũ”.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 7

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 8

Triển lãm mở ra rất nhiều vấn đề để trao đổi...

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 9

Đặc biệt là về những dấu ấn kiến trúc và sự giao thoa văn hóa Hà Nội.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 10

Người dân Thủ đô hào hứng tham quan triển lãm.

Đến “Hồ Gươm, giao lộ Đông – Tây”

Cùng ngày, tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (Hà Nội), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” với mong muốn công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về sự tiếp biến cảnh quan, không gian lịch sử - văn hóa Hồ Gươm trong những năm đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.

Triển lãm trưng bày hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch, đây là một phần trong số rất nhiều tài liệu, tư liệu về Hà Nội xưa hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 11

Triển lãm diễn ra từ ngày 6 - 31/10, tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ.

Hồ Gươm – dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Với vị trí đắc địa, Hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này. Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hồ Gươm như một Giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông – Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam.

Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho Hồ Gươm và Phố cổ ngày nay.

Những hình ảnh quen thuộc về đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội nói chung và người dân khu vực quanh Hồ Gươm nói riêng, các công trình do người Pháp xây dựng cùng nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa sẽ được thể hiện qua 3 chủ đề: Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm; Hồ Gươm – Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.

Ấn tượng các tư liệu, hình ảnh về sự đổi thay diện mạo Hà Nội - 12

Triển lãm mang tới cho công chúng những hồi ức đẹp về Hồ Gươm và Hà Nội xưa.

Dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, Hồ Gươm vẫn luôn đóng vai trò là trung tâm, nơi hỗ trợ cho các hoạt động truyền thống, nơi chứng kiến và tiếp nhận những thăng trầm lịch sử của thành phố và người dân nơi đây.

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I mong muốn sẽ mang tới cho công chúng những hồi ức đẹp về Hồ Gươm và Hà Nội xưa.

Triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông – Tây” khai mạc lúc 15h ngày 6/10 và diễn ra từ nay đến hết ngày 31/10/2023.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 70 năm, nhưng những sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy vẫn còn vang vọng mãi với non sông đất nước, là niềm tự hào của con dân nước Việt. Đọc lại những trang hồi ký của các cựu chiến binh, chúng ta càng thêm xúc động trước những câu chuyện thú vị của một thời oanh liệt. Và theo năm tháng những con người nhân ch