Doanh nghiệp Mỹ ồ ạt biến kho thành “vùng miễn thuế” với hàng Trung Quốc
Trước nguy cơ chi phí nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt do chính sách thuế quan thay đổi liên tục của chính quyền ông Trump, nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đang gấp rút chuyển đổi các kho hàng thành "kho bảo thuế" – nơi hàng hóa nhập khẩu có thể được lưu trữ mà chưa cần nộp thuế ngay lập tức.
Doanh nghiệp Mỹ chuyển đổi kho hàng thành kho bảo thuế
Trong bối cảnh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc có thể lên tới 30%, việc sử dụng kho bảo thuế (bonded warehouse) đang trở thành chiến lược tài chính khôn ngoan đối với các công ty nhập khẩu vào Mỹ. Tại các kho này, doanh nghiệp có thể lưu trữ hàng hóa mà chưa phải nộp thuế ngay, chỉ cần thanh toán khi hàng được đưa ra thị trường. Điều này giúp các công ty dễ dàng kiểm soát dòng tiền hơn trong thời kỳ bất ổn chính sách thương mại.
Với hơn 1.700 kho bảo thuế trên khắp nước Mỹ, nhu cầu tăng đột biến trong thời gian gần đây đã khiến nhiều kho chạm ngưỡng công suất tối đa, dẫn đến việc giá thuê không gian tăng chóng mặt.
Các mặt hàng phổ biến được gửi vào kho bảo thuế hiện nay bao gồm quần áo, linh kiện ô tô và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Nhiều doanh nghiệp tin rằng chính sách thuế cao sẽ chỉ là tạm thời, nên việc tận dụng kho bảo thuế là biện pháp "né đòn" hiệu quả nhất trong lúc chờ đợi các chính sách mới ổn định.
Theo chuyên gia chuỗi cung ứng Chris Rogers từ S&P Global Market Intelligence, “bất cứ đâu cũng có thể được chuyển thành kho bảo thuế” nếu doanh nghiệp đủ lớn và sẵn sàng đầu tư thời gian, chi phí. Tuy nhiên, thủ tục không đơn giản. Quá trình xin chứng nhận kho bảo thuế từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) hiện nay có thể kéo dài hơn 6 tháng – gấp ba lần so với năm ngoái.
Chi phí để được cấp chứng nhận cũng rất khác nhau. Tùy theo vị trí, tình hình tài chính và yêu cầu bảo mật của khu vực, con số này có thể dao động từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn USD.
Nhiều công ty logistics như LVK Logistics đang tích cực chuyển đổi kho của mình thành kho bảo thuế. CEO Maggie Barnett chia sẻ công ty bà dự kiến mất từ 3-4 tháng cho toàn bộ quy trình này.
Bên trong kho liên kết của CargoNest, tại Florida ·
Kho bảo thuế có thực sự giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền?
Theo chuyên gia vận tải Cindy Allen – cựu giám đốc FedEx Logistics – việc sử dụng kho bảo thuế không giúp tránh thuế, mà chỉ giúp trì hoãn thời điểm nộp thuế. Thay vì phải trả thuế toàn bộ khi hàng cập cảng, doanh nghiệp chỉ phải trả từng phần khi hàng được bán ra, giúp cải thiện dòng tiền và khả năng thích ứng với thị trường.
Trong bối cảnh chính sách thuế của Tổng thống Trump thay đổi liên tục – có lúc tăng thuế lên tới 145%, sau đó lại hạ xuống – thì sự linh hoạt này trở nên cực kỳ quan trọng. Không chỉ các công ty Trung Quốc mà cả doanh nghiệp Mỹ nhập hàng từ Trung Quốc cũng đang tận dụng mô hình này.
CBP cho biết họ đã ghi nhận sự quan tâm gia tăng đối với hình thức kho bảo thuế như một cách tuân thủ quy định mới và lệnh hành pháp từ chính phủ.
Từ đầu năm 2025, giá thuê kho bảo thuế đã tăng lên gấp 4 lần so với kho thông thường – một mức tăng chưa từng có, theo số liệu từ WarehouseQuote. Trước đó, đầu năm 2024, mức giá chỉ gấp khoảng 2 lần.
Chuyên gia Allen gọi đây là “làn sóng chưa từng thấy” khi doanh nghiệp đổ xô tìm không gian kho bảo thuế để duy trì dòng tiền. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhiều doanh nghiệp từng chọn cách “cắn răng chịu thuế”, nhưng giờ họ không muốn lặp lại sai lầm đó.
Tuy nhiên, nhu cầu quá cao khiến nhiều doanh nghiệp chùn bước. Một số công ty như CargoNest (Florida) hay DCL Logistics (California) vẫn đang cân nhắc vì lo ngại nếu thuế giảm trong tương lai gần, thì toàn bộ chi phí đầu tư sẽ thành lãng phí.
Bình luận