Thâm hụt thương mại Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục
Thâm hụt thương mại của Mỹ đã chạm mức cao chưa từng có trong tháng 3/2025, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa để tránh các mức thuế quan mới do Tổng thống Donald Trump áp đặt. Điều này khiến GDP quý I/2025 rơi vào vùng âm lần đầu tiên trong ba năm.
Theo báo cáo ngày 6/5/2025 từ Bộ Thương mại Mỹ, nước này ghi nhận lượng hàng hóa nhập khẩu kỷ lục từ 10 quốc gia, bao gồm Mexico và Việt Nam. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm và có thể tiếp tục giảm khi thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên 145%.
Mặc dù các mức thuế đáp trả với phần lớn đối tác thương mại của Mỹ được tạm hoãn 90 ngày, thuế đối với hàng Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 4, làm bùng nổ căng thẳng thương mại với Bắc Kinh.
Tàu container tại cảng Oakland (California). Ảnh: Reuters
"Doanh nghiệp đang chạy đua tìm cách vượt qua giai đoạn biến động chưa từng có, nhưng tác động nặng nề nhất có thể vẫn ở phía trước, khi việc thu thuế nhập khẩu chỉ thực sự tăng mạnh sau thông báo của Nhà Trắng ngày 2/4," ông Christopher Rupkey, chuyên gia kinh tế trưởng tại FWDBONDS, nhận định. "Chưa có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào được công bố trong nhiệm kỳ mới của ông Trump."
Cục Phân tích Kinh tế (BEA) cho biết thâm hụt thương mại tăng 14%, tương đương 17,3 tỷ USD, lên mức kỷ lục 140,5 tỷ USD. Các nhà kinh tế dự báo con số này ở mức 137 tỷ USD. Nhập khẩu tăng 4,4% lên 419 tỷ USD, trong đó hàng hóa nhập khẩu tăng 5,4% lên 346,8 tỷ USD, chủ yếu nhờ dược phẩm (tăng 22,5 tỷ USD), phụ kiện máy tính và ô tô.
Trong khi đó, xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 278,5 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa đạt 183,2 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 7/2022, nhờ khí tự nhiên và vàng phi tiền tệ. Tuy nhiên, xuất khẩu máy bay dân sự giảm 1,8 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại hàng hóa tăng 11,2% lên 163,5 tỷ USD.
Tuần trước, chính phủ Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại đã làm giảm 4,83 điểm phần trăm của GDP, khiến kinh tế nước này suy giảm 0,3% trong quý I/2025, lần đầu tiên kể từ quý I/2022.
Ông Trump xem thuế quan là công cụ tăng ngân sách, bù đắp cho các cam kết cắt giảm thuế và phục hồi ngành công nghiệp Mỹ. Các chuyên gia dự đoán lượng nhập khẩu sẽ giảm từ tháng 5, giúp GDP phục hồi trong quý II. Tuy nhiên, xuất khẩu có thể sụt giảm do các quốc gia khác tẩy chay hàng hóa Mỹ, đặc biệt khi lượng khách du lịch từ Canada giảm mạnh do phản đối thuế quan và chính sách nhập cư cứng rắn.
Nhập khẩu từ Mexico, Anh, Ireland, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Ấn Độ và Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm còn 24,8 tỷ USD, với Canada giảm còn 4,9 tỷ USD, trong khi thặng dư với Anh thu hẹp.
Bình luận