Giấc mơ nền nghệ thuật mới
Cảm giác về sự khác biệt của nền nghệ thuật mới càng làm tăng sự đổi thay khi tác giả có khả năng chuyển dịch để sáng tác, nghiên cứu và triển lãm. Tính cách sự du nhập phát triển không thể nhìn một cách hời hợt. Nó đã củng cố một phong thái nghệ thuật vừa chớm nở, điểm xuyết thêm phẩm chất toàn diện của nghệ thuật.
Nhìn lại quá trình của nghệ thuật tạo hình Bắc Trung bộ thời gian trước có khuynh hướng tuân thủ các luật lệ cổ điển, truyền thống, màu sắc và các yếu tố trang trí là sự điển hình của tác phẩm thời kỳ này. Trong giấc mơ các hoạ sĩ, nhà điêu khắc đã tìm kiếm, biểu lộ vai trò đáng kể của nghệ thuật trong nhiều khía cạnh đời sống. Các nghệ sĩ tập trung quanh sự chuyển dịch về các đề tài khá phong phú. Nếu người thưởng ngoạn có thể giải mã được ý tưởng mà tác phẩm đem lại trước mắt họ thì ở đó giá trị tác phẩm được tăng thêm.
Những tác phẩm không biểu hiện về một cuộc đời mà bộc lộ một tâm hồn. Dường như đó là sự hồi đáp với cường độ ánh sáng và màu sắc. Sự sống bùng nổ. Cây cối, hoa lá, động vật, con người, mọi thứ trở nên sinh động bởi một sức sống vừa hồn nhiên vừa mãnh liệt.
Chân dung, H80x50x20cm của họa sĩ Lê Ngọc Thái
Có những tác phẩm phát triển theo nhiều hướng và có những người lại luôn đi theo một con đường, như được dẫn dắt bởi một tiếng nói nội tâm. Trong quá trình sáng tạo, có thể nhận ra những ngập ngừng, những tìm kiếm và những lối rẽ.
Về phong cách, không những vì sự cân bằng và tinh tế của bảng màu mà còn vì sự sống động và năng lượng của bút pháp. Phong cách của mỗi tác giả khu vực Bắc Trung bộ là kết quả của định mệnh cá nhân. Không phải sự lựa chọn thẩm mỹ mà là định mệnh. Nhưng là một định mệnh tự do.
Bến cá Hải Thanh (acrylic 100x80cm) của Họa sĩ Lê Xuân Quang (Thanh Hóa)
Sau một thời gian ngắn theo chủ nghĩa tự nhiên, các tác giả đã áp dụng những kỹ thuật của trường phái ấn tượng và biểu hiện nhưng không hoàn toàn thuộc trường phái này; không khó để nhận ra trong tác phẩm Rừng nhân gian (sơn dầu 120x180cm) của hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình) có một dòng chảy đối kháng của chủ nghĩa trừu tượng. Đó là cuộc hôn phối lạ lùng giữa chủ nghĩa hiện thực sâu sắc nhất với chủ nghĩa trừu tượng.
Trong tác phẩm Dấu thời gian (sơn dầu 140x160cm) của Đặng Mậu Triết, Phố ngoại ô (acrylic 120x200cm) của Phan Thanh Bình, Kịch bản môi trường 1 (acrylic 150x150cm) của Nguyễn Thiện Đức, Vũ khúc thời gian (acrylic 100x150cm) của Lê Hoà (TT Huế), Nối miền di sản (tổng hợp 120x195cm) của Trương Minh Dự, Ánh sáng đô thị (tổng hợp 170x170cm) của Phan Văn Thảo (Quảng Trị)…, các chủ đề lặp đi lặp lại đầy ám ảnh. Sự lặp lại này là những tiết lộ về định mệnh bí ẩn của con người, nỗi ám ảnh dai dẳng cho môi trường, phố xá lạc lõng giữa thiên nhiên hoặc ngay trong chính mình.
Duyên II (đá) của Phạm Duy Phương, Thanh Hóa
Nghệ thuật là sự hy sinh và tác phẩm là những biến thể của sự hy sinh đó. Tiếng nói của tiềm thức, loang ra từ tịch lặng, chút ánh sáng quý hiếm soi rọi lạ lùng, nhớ đến niềm say mê mài miệt thánh thiện trong nghệ thuật. Cũng có thể bắt gặp ở đó cái không gian mênh mông. Đó là không khí của hiện tại như được làm cho lùi xa vào một quá khứ xa lắc, dồn nó vào góc tối sâu thẳm của thời gian và tất cả đều trở nên sinh động nhờ một nguồn ánh sáng đặt để một cách quyền uy…
Tranh trừu tượng tiếp tục có vai trò quan trọng trong sự diễn tả cảm xúc. Có những hoạ sĩ đã phối hợp trừu tượng với các yếu tố hình thể như: Đặng Mậu Tựu, Phan Quang Tân, Nguyễn Đăng Sơn, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Hồ Trọng Lâm… Còn có một số khuynh hướng mô tả tính cách tư duy phức hợp của con người. Đất đai, vẻ đẹp thiên nhiên vẫn còn là chủ đề để các tác giả trẻ thể hiện trong mối tương quan với môi trường sống.
Nối miền di sản (tổng hợp 120x195cm) của Trương Minh Dự, Quảng Trị.
Những tác giả gợi ý tưởng của di sản quá khứ để sáng tạo bằng phong cách mới, các biểu tượng và phương thức truyền đạt có thể cho phép họ diễn tả thời hiện tại, có chọn lọc tinh hoa với ngôn ngữ mới.
Số phận con người không bao giờ hết mê hoặc, nhưng trong sự mê hoặc là sự phán xét hơn là sự chiêm nghiệm, và hơn cả sự phán xét, là một cuộc mổ xẻ bản thân.
Một giấc mơ hấp dẫn khác nữa là ngày càng có nhiều tác giả khẳng định lại nghệ thuật truyền thống và tự do trong cách nhìn. Tác phẩm là sự giao cảm giữa thẩm mỹ của hình hoạ hiện đại, giao thoa giữa màu sắc với cách phóng bút đẹp bằng nhát cọ mang tính tìm kiếm một thông điệp mới.
Rừng nhân gian (sơn dầu 120x180cm) của hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình).
Tác phẩm Lối về (acrylic 125x125cm) của Hoàng Thị Thanh Châu (TT Huế), Tiếng gọi của biển (khắc gỗ 60x110cm) của Nguyễn Văn Biên (Thanh Hoá), Ngày hội (acrylic 140x180cm) của Nguyễn Hoàng Linh (Quảng Bình), Người dân Hà Tĩnh thả cá heo về với biển (khắc gỗ 55x76cm) của Cao Tiến Hùng (Hà Tĩnh), Tồn tích (tổng hợp 110x125cm) của Nguyễn Thanh Thái, Dấu ấn lịch sử (sơn dầu 90x140cm) của Nguyễn Thế Hà (Quảng Trị)… có mối đồng cảm sâu sắc. Các chủ đề có hình thể liên quan đến sự kiện, các tuyến nhân vật đồng hiện hấp dẫn giữa ý thức và vô thức.
Phiêu lưu thám hiểm trong các phương thức truyền thống, tác phẩm Đội lũ (acrylic 68x117cm) của Bùi Đình Thuỳ, Nét quê (acrylic 100x100cm) của Nguyễn Trung Trực (Quảng Trị); Cô bé bản Mạ (sơn dầu 85x145cm) của Nguyễn Văn Chuyên, Trên cao (acrylic 120x120cm) của Nguyễn Thanh Sơn (Thanh Hoá); Vườn hồng (acrylic 120x80cm) của Lê Việt Anh, Ngơi (sơn dầu 80x120cm) của Hồ Văn Tiệp (Hà Tĩnh)… liên tục khai mở, khả năng truyền đạt giấc mơ mới mẻ đầy năng lượng. Đó là nghệ thuật của các tác giả tân hiện thực, hay nói cho chính xác là cực thực, gần gũi với nhiếp ảnh nhưng hoàn toàn khác xa nhiếp ảnh, chỉ cách nhau một đường tơ nhưng là hai thế giới ngoài nhau hoàn toàn. Đối tượng hiện ra rất thực nhưng luôn luôn là bí mật, tạo nên một vẻ gì hư ảo vượt ra bên ngoài thực tại, dễ gây nên hiện tượng quen thuộc nhưng bất ngờ về cảm xúc với chu kỳ vô tận trước một sự vật hay sự việc, có thể giúp kết nối mọi người.
Đêm trên dòng Hương (sơn mài 120x120cm) của họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn (Huế)
Những tác phẩm điêu khắc với ưu thế bắt đầu có xu hướng song hành cùng sự triển khai ngôn ngữ tạo hình riêng. Liên đới các hình thể và gợi các chủ đề đáng suy nghĩ, gần như giữa trừu tượng và phê phán gây ngạc nhiên trong cách đặt vấn đề. Ví như tác phẩm Giọt cuối (tổng hợp H60cm) của Trương Trần Thiện Tâm (Quảng Trị); Hồi sinh (sắt hàn H80x60x60cm) của Nguyễn Xuân Thành, Trầm tích Nhật Lệ (gỗ H105cm) của Trương Trần Đình Thắng, Sinh ly (sắt hàn H60x70x120cm) của Nguyễn Thành Chung (Quảng Bình); Khát vọng (gỗ H100cm) của Hồ Xuân Tùng (Nghệ An); Chuyển mầm (gỗ H70x180cm) của Lê Ngọc Thái (TT Huế)… cũng thật khắt khe và có quy luật trước đời sống, cho nên tác phẩm được nhận ra bằng trái tim của một ẩn dụ không lời.
Xét từ góc độ cảm thụ, không phải từ góc độ sáng tạo thì nghệ thuật điêu khắc là hình thức đặc thù. Nó không hề chấm dứt, nó tiếp tục và yên lặng. Đó là vùng yên tĩnh tuyệt vời sau những gì khốc liệt đã xảy ra. Những hình hài, độ tối và sáng của khối tích, âm thanh và độ rắn, mềm, nhẵn hay méo mó... như khát khao một toàn cục riêng, hài hòa riêng, tổng thể riêng.
Thông qua hình tượng người xem có thể thấy được sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc, chất liệu được sử dụng cũng góp phần tạo ra vẻ đẹp của tác phẩm. Nếu như trước kia phần lớn tác phẩm thiên về tả, kể hoặc mô phỏng hiện thực cuộc sống thì ở triển lãm lần này, các tác phẩm điêu khắc được thể hiện với phong cách biểu hiện lãng mạn. Ðiều đáng nói ở đây là khối hình đã được vận dụng để thể hiện cái đẹp. Sự tương phản của đường nét, khối lồi lõm, móp méo, đặc trưng chất liệu, vận dụng màu sắc... và điều quan trọng là nêu được tư tưởng tác phẩm. Các tác giả bám sát đề tài đa dạng của cuộc sống, cố gắng nêu bật được vấn đề thời đại đó là vấn đề môi trường, quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội.
Gợi cảm hứng qua cái nhìn hiện thực diễn tả đời sống xã hội ở mọi thời kỳ có vẻ siêu thực, gây chú ý bất thường của hình ảnh và kỹ thuật. Thời gian, quá khứ, hiện tại và tương lai như một nhất thể, tính đồng nhất của ý thức và thời gian đã đưa người thưởng ngoạn đến một cách nhìn khác cho khả năng tưởng tượng. Nghệ thuật tạo hình Bắc Trung bộ là sự san sẻ các kinh nghiệm của một nền nghệ thuật đa dạng. Giấc mơ tiếp nối lộ trình tin tưởng vào nền nghệ thuật mới đã thành hiện thực. Đó chính là sự dấn thân sáng tạo, khám phá và biểu lộ sự thông suốt đường đi của những phong thái nghệ thuật. Họ đã tự mình lục soát hành trang, thành công là ở đó.
Người nghệ sĩ phải làm nên một nhịp sống trên tác phẩm. Bởi nó là sức sống của trí tuệ qua nhịp điệu của vạn vật. Nghệ thuật tạo hình Bắc Trung bộ từ lâu không chỉ dừng ở sự kiểm chứng mặt bằng tác phẩm mà đặt ra nhiệm vụ giải thích nội dung của nó. Phải tiếp xúc cái phi lý để có thể hiểu được những ý nghĩa tượng trưng, huyền thoại hay giáo lý là phải tìm được cái cơ sở trong mạng lưới tâm lý, triết học và tôn giáo của các hiện tượng nghệ thuật. Thế giới của giấc mơ, của huyền thoại, của tâm thức được tín hiệu hoá, thần bí hoá. Đó là hồi ức từ tuổi thơ, từ kỷ vật, những hình ảnh, mô típ pha trộn lẫn nhau, phi thực ở thời gian, không gian, nhưng rất thực trong việc giải thoát tâm thức. Một hoài cảm, bàng bạc nỗi buồn xa vắng, một tuổi thơ mong đợi tình phụ mẫu, tình bè bạn… đều được các tác giả khai thác thể hiện. Không gian được trải rộng. Tác phẩm lấy cảm xúc từ thi ca, hứng khởi tái tạo ấn tượng ánh sáng và sự thinh lặng, con người và vạn vật cho cảm giác như trong khu vườn nghệ thuật trước thiên nhiên.
Dấu thời gian (sơn dầu 140x160cm) của Đặng Mậu Triết, Huế.
Những cơn gió dồn dập, những dòng nước điên cuồng, những bãi cỏ dại ngút ngàn bên cạnh con đường hun hút, những công viên đô thị rộng lớn được các tác giả đưa vào tác phẩm. Đó là ý tưởng về tao nhã thoát phàm. Tác phẩm Bình minh Hải Bình (khắc gỗ 90x180cm) của Nguyễn Hoàng Linh (Thanh Hoá) cũng thể hiện theo một nhịp hữu cơ. Về mặt kỹ thuật theo một chiều kích rất rộng, màu sắc ngẫu hứng, đầy tráng lệ, toát lên khí chất của nơi chốn đã sống, về những bước gập ghềnh trong thời gian đã đi qua. Đất và người Hải Bình vẫn giữ nguyên vẻ đẹp mộc mạc, bình dị.
Qua năm tháng, tạo hình Bắc Trung bộ đã phát triển và được nhiều tác giả trẻ tham gia thể nghiệm, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của mình bằng những hình thức không chỉ dừng lại ở truyền thống mà còn phối hợp với các loại hình khác để tạo nên một diện mạo nghệ thuật mới.
Các tác phẩm cho thấy những nỗ lực lớn tiến bước trên con đường đầy gian truân. Ý chí tìm kiếm những phương cách và phương tiện mới để phát triển những thể loại đặc thù của dân tộc hay khu vực. Và những thành công đã sớm xuất hiện, đặc biệt trong thể loại tranh sơn mài đem lại niềm vui cho những người yêu chuộng nghệ thuật không chỉ trong nước, mà còn ngoài nước. Cố gắng đưa tác phẩm trở về với vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo hình đặc trưng, về bản chất thẩm mỹ, đi thẳng vào vấn đề của đời sống thực tại, thực tế xã hội, những vấn đề thời đại đang đặt ra.
Có thể yêu thích hay không yêu thích, nhưng không thể phủ nhận nghệ thuật tạo hình Bắc Trung bộ đã đạt được độ sâu rất đáng kể trong tư duy nghệ thuật. Cái độ sâu tư duy ấy, đang cần cho toàn bộ nghệ thuật Bắc Trung bộ để có được những bước tiến mới, thực sự mạnh mẽ, vững chắc và đồng bộ.
Nếu như thơ và tạp bút là những trang viết rất thật, rất phiêu, như bứt ra từ đời sống, từ tình yêu, chiêm nghiệm...
Bình luận