Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông

Rồng là một biểu tượng văn hóa, là sản phẩm tinh thần hình thành trong quá trình con người nhận thức về thế giới tự nhiên – xã hội. Hình ảnh rồng không chỉ là biểu tượng về vẻ đẹp, là nguồn cảm hứng sáng tạo trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau mà còn là biểu tượng của truyền thống, của văn hóa và tâm hồn Việt.

Trong khuôn khổ trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện Rồng” Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật tổ chức tọa đàm “Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông” nhằm làm rõ hơn các hình tượng rồng và ảnh hưởng của rồng trong đời sống văn hóa Việt. Đồng thời, giới thiệu hình tượng con rồng Việt các câu chuyện, qua các mảng trang trí kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, họa tiết hoa văn, đồ dùng sinh hoạt…

Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông - 1

Tọa đàm "Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông". Ảnh: Huyền Thương

Tại tọa đàm, TS. Ngô Viết Hoàn, Giảng viên Bộ môn Lí luận văn học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, có một sự khác biệt trong xu hướng thẩm mỹ Đông – Tây. Nếu văn hóa truyền thống phương Tây kiên trì nguyên tắc lấy tính “chân thực” làm thước đo cho cái đẹp thì văn hóa truyền thống phương Đông nhất là các quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo luôn kiên trì với nguyên tắc “lấy thiện làm đẹp”. Vậy nên, hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông và phương Tây cũng có điểm khác biệt, thể hiện những giá trị và niềm tin của từng nền văn hoá khác nhau.

Rồng phương Tây có nguồn gốc từ văn hóa dân gian châu Âu, được miêu tả là "những sinh vật độc ác", thường đại diện cho sự xấu xa, thường xuyên xuất hiện với quỷ Satan, xuất phát từ giáo lý của Cơ đốc giáo. Trong khi đó, ở phương Đông, rồng bắt nguồn từ văn hóa dân gian và tôn giáo cổ xưa của Trung Quốc, hình tượng Rồng được gắn với các ý nghĩa phù hợp với tính chất thời đại như: biểu tượng của nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn, thịnh vượng.

Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông - 2

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương

PGS.TS Lê Thời Tân, Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, rồng phương Đông là một hình ảnh có tính tổng hợp, được tạo thành cách nay hàng ngàn năm trên cơ sở tập hợp nhiều yếu tố khác nhau của một số loài động vật hay các hiện tượng tự nhiên. Hình ảnh loài rồng phương Đông gợi nhớ đến nhiều loài vật khác nhau như với sừng hươu, vảy cá chép, móng vuốt đại bàng,…

“Rồng không có thật, Rồng đã đi ra từ trong tưởng tượng và được khắc họa trong văn hóa, kiến trúc, điêu khắc, chữ viết,… Tôi nghĩ tính cách đặc biệt của rồng là ở chỗ đó: thuần hư cấu. Nó không có thật nên nó mới thiêng liêng, bởi những thứ không chứng minh được là những thứ mãi mãi hấp dẫn, mãi mãi thiêng liêng, mãi mãi đáng sợ,…”, PGS.TS Lê Thời Tân nhấn mạnh.

Rồng phương Đông có điểm chung là mang hình tượng dữ dội, thường có bộ mặt già nua, gợi một cái gì đó giống như sự trường tồn của vũ trụ. Là biểu tượng dùng để chỉ nhà vua nên nó thể hiện những mong muốn trường tồn của một triều đại. Bên cạnh đó, rồng cũng là một biểu tượng của thiên nhiên, được biết đến là loài động vật có trí tuệ và có khả năng kiểm soát nước, lượng mưa, bão và lũ lụt.

Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông - 3

Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ. Ảnh: Huyền Thương

TS. Trần Hậu Yên Thế, Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong tâm thức của người Việt, rồng còn là cội nguồn của dân tộc với truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên”.

Trong văn hóa Việt Nam, rồng hình thành từ tư duy tổng hợp của cư dân nông nghiệp Việt cổ trên nền tảng tâm lý mong muốn được chế ngự tự nhiên, vươn lên làm chủ vận mệnh của chính mình, rồng là thần mưa giúp cho mùa màng bội thu. Chίnh vὶ vậy, ở Việt Nam, hὶnh tượng Rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đὶnh, đὶnh chùa, trang phục vua chúa và ở các triều đại cũng cό những khác biệt.

Trong nghệ thuật trang trí, rồng xuất hiện trên mọi chất liệu, với những cách thức thể hiện và ý nghĩa không giống nhau, trong đó, hình tượng rồng được tạc thành từng khối riêng hoặc dạng phù điêu trên chất liệu đá là một trong những cách thể hiện phổ biến nhất.

Phân tích thành bậc rồng thềm điện Kính Thiên, TS. Trần Hậu Yên Thế cho biết, bảo vật quốc gia này vừa mang thần thái mỹ thuật Lý - Trần, vừa có sáng tạo đặc biệt của thời Lê Sơ.

Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông - 4

Rồng đá ở điện Kính Thiên trong Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Theo TS. Trần Hậu Yên Thế, Hà Nội ngày xưa là vùng đất “Nhị Hà quanh bắc sang đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”, là nơi có địa hình sông ngòi nên việc con rồng Việt có hình sóng cuộn, mang âm vang của sông Hồng và mang sắc thái địa văn hóa được thể hiện rất rõ. Yếu tố sông nước cũng là yếu tố đậm nét, phản ánh phương thức sinh tồn của người Việt, nó được hắt lên nghệ thuật, gắn với ước nguyện và môi trường sống của người Việt.

“Trong mường tượng của con người ngày xưa, rồng phải mang đặc điểm gì đó ghê gớm, dữ dội nhất nên ban đầu nó là sự tổng hợp đặc điểm của các loài mãnh thú. Tuy nhiên càng về sau này, nanh vuốt trong Rồng Việt có nhưng không rõ nét. Miệng rồng Việt thường ngậm ngọc cho nên yếu tố hăm dọa không còn nữa, khi đó, nó là con Rồng thiêng không còn ý nghĩa hù dọa”, TS. Trần Hậu Yên Thế nhận định.

Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông - 5Tác phẩm trong trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện Rồng” tại Bảo tàng Hà Nội.

Ngày nay, công nghiệp sáng tạo được phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Những năm gần đây, xu hướng sáng tạo những linh vật con giáp theo năm ở các khu vực công cộng được nhiều địa phương quan tâm. Nếu như trong truyền thống, chúng ta ít có những linh vật ngộ nghĩnh, đáng yêu thì trong công nghiệp sáng tạo hôm nay, họ lại tạo ra rất nhiều những linh vật dễ mến.

Tại Việt Nam, hình tượng rồng đã trở nên thân thuộc trong cuộc sống của người dân, người ta dễ dàng nhận ra hình ảnh rồng trong không gian đình, chùa, miếu, lăng và trong các tác phẩm nghệ thuật. Rồng đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình khi thể hiện được những tâm tư, tình cảm, khát vọng, ước mơ của nhân dân, song hành một cách mạnh mẽ trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất