Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt

Tiên nữ là hình tượng rất quen thuộc trong văn hóa cũng như kiến trúc truyền thống cổ Việt Nam, vì thân thuộc nên rất ít khi người ta đặt vấn đề rằng từ bao giờ người Việt Nam bắt đầu tư duy về các vị tiên? Từ bao giờ chúng ta bắt đầu mường tượng về một chốn bồng lai tiên cảnh - nơi sinh sống của các nhân vật có phép màu, có khả năng thiên biến vạn hóa.

Với sự có mặt của những chuyên gia hàng đầu về Nhân học và Văn hoá dân gian, toạ đàm “Tinh hoa mỹ thuật Việt - Hình tượng Tiên nữ” đã đem đến những góc nhìn sâu sắc về một trong những hình tượng tiêu biểu nhất của văn hoá dân gian - hình tượng tiên nữ - đối tượng nghiên cứu của cuốn sách cùng tên do nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May thực hiện.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 1

Toạ đàm “Tinh hoa mỹ thuật Việt - Hình tượng Tiên nữ” diễn ra trong không gian nghệ thuật đặc sắc. (Ảnh: Huyền Thương)

Công trình nghiên cứu này đã khắc họa công phu hình tượng Tiên nữ từ góc nhìn liên văn hóa, với hệ thống tư liệu phong phú, luôn có so sánh đã cho chúng ta thấy những nét đặc trưng vô cùng giá trị trong kho tàng nghệ thuật của người Việt. Cuốn sách đã đóng góp một cách nhìn, khám phá mới về hình tượng tiên nữ, là một công trình quan trọng đối văn hóa Việt Nam nói chung và ngành nghiên cứu mỹ thuật cổ nói riêng.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả và nhóm tác giả cuốn sách “Hình tượng Tiên nữ” đã trao đổi những vấn đề liên quan đến đặc trưng hình tượng Tiên nữ Việt trong văn học Việt Nam, trong mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa với thế giới và các nước lân cận.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 2

Tọa đàm đem đến những góc nhìn sâu sắc về một trong những hình tượng tiêu biểu nhất của văn hoá dân gian - hình tượng tiên nữ. (Ảnh: Huyền Thương)

Nhóm tác giả cho biết: “Tiên nói chung bao gồm cả nam lẫn nữ, thời xưa coi là nhưng nhân vật siêu phàm tu trên núi và gần với thượng đế. Riêng ở Việt Nam, tiên mang nữ tính, gắn với đạo Mẫu truyền thống về bà mẹ sinh đẻ, nuôi nâng, cấy trồng…Tiên đi với Rồng là sự kết hợp của giống nòi, âm dương tạo ra cuộc sống mãi mãi. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đã khái quát vấn đề này. Hình tượng Tiên cưỡi rồng tràn ngập trong điêu khắc dân gian trong ba thế kỷ 16, 17, 18. Khi nghiên cứu vấn đề này cho thấy đời sống tinh thần, tâm linh và thực tế sinh tồn của dân tộc Việt”.

Ở Việt Nam, hai tiếng “Rồng Tiên” đã gắn bó với rất nhiều ngọn núi, con sông, gắn bó với tên đất, tên người. Với chữ Tiên có thể kể ra hàng loạt các địa danh như: Suối Tiên (Yên Bái), gò Cánh Tiên (Hà Nội), núi Tiên Du (Bắc Ninh), núi Cánh Tiên (Thanh Hoá), Bàu Tiên (Hà Tĩnh), Giếng Tiên (Quảng Ngãi), Cát Tiên (Đồng Nai)... Tất cả những địa danh có tên “Tiên” này đều gắn với sự tích tiên nữ từng từ trên trời bay xuống đây.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 3

Ở Việt Nam, tiên mang nữ tính, gắn với đạo Mẫu truyền thống về bà mẹ sinh đẻ, nuôi nâng, cấy trồng… (Ảnh: Huyền Thương)

PGS.TS. Trần Thị An trong vai trò diễn giả của tọa đàm cho biết, hình tượng tiên trong cuộc sống đời thường rất giản dị, chữ “tiên” xuất hiện vừa như một danh từ, vừa xuất hiện như một tính từ chỉ một phẩm chất tốt đẹp nhất của một lĩnh vực nào đó trong đời sống. Người nào được ví là “đẹp như tiên” thì đó là tuyệt phẩm, là đẹp nhất. “Tiên” còn được dùng liên tưởng đến một cuộc sống “sướng như tiên”, hay một vị thuốc đem lại hiệu quả cao là “thuốc tiên”, hay khi suy nghĩ về cảnh giới đáng mơ ước người ta thường nói “lên tiên”, hướng tới chốn “bồng lai tiên cảnh”,…

Theo PGS.TS. Trần Thị An, hình tượng tiên xuất hiện trong nền văn học dân gian và văn học viết của Việt Nam rất rõ. Trong thần thoại, truyền thuyết về sự ra đời của dân tộc Việt Nam thì truyền thuyết con rồng cháu tiên là phổ biến hơn cả. Truyền thuyết nhắc nhở tất cả người Việt Nam cùng được sinh ra từ bọc thai trăm trứng của Âu Cơ và Lạc Long Quân, hai biểu tượng của rồng và tiên.

Tại sao lại là hai biểu tượng này thì theo PGS.TS. Trần Thị An, đây là sự hòa hợp giữa đất và nước, giữa miền xuôi và miền ngược, giữa cao và thấp,… tất cả sự hòa hợp đó tạo nên bọc trăm trứng, xuất hiện tiếng gọi đồng bào của người Việt Nam. Câu chuyện thần thoại này mang tính biểu tượng rất cao, nó còn cho thấy một dân tộc có tính đoàn kết từ ngay trong nguồn cội.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 4

Hình tượng tiên nữ xuất hiện thường xuyên trong văn học Việt Nam. (Ảnh: Huyền Thương)

Truyền thuyết về thánh nữ ở Việt Nam cũng hay có một mô típ là nàng tiên đánh rơi chén ngọc bị đày xuống trần gian, trong đó nổi bật là truyền thuyết về mẫu Liễu Hạnh. Câu chuyện đã thêu dệt lên hình tượng của thánh nữ, mở ra một thế giới phức thể liên quan đến tiên, câu chuyện về tiên, những thực hành tín ngưỡng liên quan đến đạo giáo trong đó có hình tượng tiên khá là phổ biến.

Truyện cổ tích “Từ Thức gặp tiên” là một câu chuyện điển hình để nói về thế giới siêu hình tồn tại trong thế giới thực của con người, chứa đựng quan niệm về sự tồn tại, song hành của các thế giới khác nhau, với các chiều thời gian khác nhau.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 5

"Từ Thức gặp tiên" 2018, tranh của tác giả Phan Cẩm Thượng. (Ảnh: Huyền Thương)

PGS.TS. Trần Thị An nhận định, “trong những câu chuyện cổ tích, vừa vẽ ra thế giới hết sức đẹp đẽ của con người về thế giới bồng lai tiên cảnh, vừa nói lên rằng thế giới này có thể là một thế giới trong rất nhiều thế giới mà chúng ta chưa biết”.

Có thể thấy, trong kho tàng chuyện cổ tích Việt nam, dù là chuyện cổ tích của người Kinh, người Mường, người Tày, người Nùng, người Thái hay người Gia-rai, Ê-đê, Chăm hoặc Khơ-me thì những nàng tiên luôn hiện lên với vẻ ngoài xinh đẹp, dịu hiền, nhân từ, phúc hậu.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 6

"Vũ điệu hoan ca" tranh sơn mài của tác giả Yến Lê. (Ảnh: Huyền Thương)

PGS.TS. Trần Thị An chia sẻ thêm, từ văn học dân gian sang văn học viết có sự vận hành theo những quy luật khác nhau và văn học trung đại có sự kế thừa rất lớn các chủ đề, các mô típ chyện của chuyện dân gian. Hình tượng tiên nữ trong văn học viết được nhắc đến rất nhiều trong các chuyện truyền kỳ của văn học trung đại. Có thể thấy, những gì chưa thể lý giải được người ta sẽ dùng những yếu tố hình tượng để giải thích, trong đó có hình tượng tiên, thế giới tiên.

PGS.TS. Trần Thị An nhấn mạnh: “Những câu chuyện liên quan đến hình tượng tiên ở trong văn học thể hiện có sự tồn tại song hành của nhiều thế giới, mà hình tượng tiên xuất hiện như là sự hé mở ra một bí ẩn của một thế giới khác, đó có thể là những lời giải đáp cho một mong muốn về một thế giới cực lạc, về sự trốn tránh khỏi những nhiễu nhương của thời cuộc”.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 7

"Cõi tiên" tranh sơn mài của tác giả Minh Nguyệt. (Ảnh: Huyền Thương)

Bên cạnh tọa đàm, tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nôi 2022 công chúng còn có dịp tham quan và trải nghiệm trực tiếp chuỗi trưng bày nghệ thuật đương đại độc đáo khai thác chất liệu từ di sản và lịch sử do các cá nhân và nhóm nghệ sỹ đương đại nổi bật thực hiện.

Một số tác phẩm nghệ thuật được PV. Arttimes.vn ghi nhận tại chuỗi sự kiện:

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 8

Phòng trưng bày "Mơ tiên" tái hiện một phần dòng chảy tạo hình người Việt với tiêu điểm là hình tượng tiên nữ theo suốt chiều dài lịch sử từ thời Lý tới nay.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 9

Không gian sắp đặt đèn lồng 'Cuộc gặp gỡ Xưa - Nay' của hoạ sĩ Xuân Lam.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 10

Tiểu cảnh phỏng theo tích Tiên xuống trần gian đi tắm của tác giả Trần Hậu Yên Thế.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 11

"Tiên múa" 1989 tác giả Vũ Dân Tân.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 12

"Tiên cưỡi rồng" tranh sơn mài của tác giả Hoàng Huệ Phương.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 13

"Tiên nữ" trên chất liệu gốm và men ngọc của tác giả Lê Minh Đại.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 14

"Tắm tiên" của tác giả Hoàng Huệ Phương.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 15

Trưng bày ảnh "Diều tiên" của nghệ nhân Quan Hằng Cao.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 16

"Ngày xửa ngày xưa" sắp đặt với giấy dó, mẹt tre của tác giả Phạm Thủy Tiên.

Hình tượng tiên nữ trong kho tàng nghệ thuật của người Việt - 17

Tác phẩm "Cân bằng 50/50" sắp đặt trống sơn mài, lụa phủ sơn ta do Trương Hoàng Hải và các cộng sự thực hiện.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân