Lên Điện Biên nhớ họa sĩ Ngô Mạnh Lân
Trong dịp lên Điện Biên Phủ vừa qua cùng đoàn văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, trong hành trang của tôi ngoài chùm bài hát về Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” của nhà văn Hữu Mai, còn là những bức ký hoạ rất đẹp của hoạ sỹ mặt trận Điện Biên Ngô Mạnh Lân…
Năm 1953, sau khi tốt nghiệp khoá học mỹ thuật đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách, hoạ sỹ Ngô Mạnh Lân cùng các họa sĩ Thế Vỵ, Lê Huy Hoà… được xung vào quân đội, được vinh dự cùng các đại đoàn đi tham gia chiến dịch Trần Đình.
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân.
Lúc này tuổi 20, các họa sĩ đều rất tươi trẻ và hăng hái. “Tháng 8/1953, tôi và họa sĩ Thế Vỵ, Lê Huy Hòa được phân công vào bộ đội phục vụ và tiếp tục rèn luyện. Cuối năm 1953, đơn vị được lệnh hành quân đi chiến dịch. Ngày nghỉ ở bìa rừng, đêm đi, ngót một tháng đến Điện Biên. Với tôi, đây là những ngày gian khổ nhất: trèo đèo, qua hết ngọn núi này lại trèo tiếp ngọn núi khác, lội suối lấy nước uống, đói khát, mệt mỏi rã rời…, phải cắn răng chịu đựng… Đó là những ngày thử thách kinh hoàng bắt buộc mình phải cố vượt qua để tồn tại. Với tôi, đây là những ngày gian nan nhất mà cũng đáng nhớ nhất" - Sau này, ông Ngô Mạnh Lân đã kể lại về những ngày tháng tham gia quân đội và lên với Điện Biên như vậy.
Và con gái ông - Tiến sĩ Ngô Phương Lan có những chia sẻ xúc động về sách tranh “Nét thời gian” trong đó có nhiều những bức ký họa về chiến dịch Điện Biên của hoạ sĩ Ngô Mạnh Lân:
“Ông tham gia chiến dịch Điện Biên phủ với vai trò là một họa sĩ, một chiến sỹ, một người lính, có những ngày tháng ăn cùng, ở cùng với bộ đội, cũng khoét núi, ngủ hầm, cũng mưa dầm cơm vắt. Có lẽ đây là thời gian ông có nhiều cảm xúc nhất, tích luỹ được nhiều thực tế chiến đấu nhất cho mình. Ông chưa có nhiều thời gian để hoàn thành các bức ký họa về Điện Biên phủ, với gần 100 bức họa có những bức còn là những nét phác thảo nhanh; có những bức ký họa đã trở thành những tác phẩm độc lập.
Tuy nhiên, qua những tác phẩm ông để lại, chúng tôi cảm nhận được một tinh thần Điện Biên xuyên suốt, gần như chảy trong huyết quản của ông. Cha tôi nói ông còn mắc nợ Điện Biên vì chưa có cơ hội biến những bức ký họa của mình thành những tác phẩm hoàn chỉnh. Bởi, sau khi chiến dịch kết thúc, năm 1955, cha tôi được cử đi tu nghiệp ở Liên Xô, về nước trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh phim hoạt hình thiếu nhi ở Việt Nam.
Đại gia đình họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Ảnh: Thiên Kim
Một công việc mới lại lôi cuốn tất cả đam mê, tình yêu của ông, khiến ông tập trung vào đấy tất cả thời gian, công sức của mình, và sau này ngoái nhìn lại những kỷ niệm Điện Biên, đã nhiều lúc ông thốt lên day dứt: Tôi còn mắc nợ với Điện Biên”.
Thực ra, với hơn 100 bức ký hoạ của “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt” với vai trò một chiến sĩ Điện Biên hoạ sĩ Ngô Mạnh Lân mang một số lượng đa dạng, chất lượng, một ý nghĩa, và một giá trị nghệ thuật đầy lớn lao.
Những bức tranh ghi lại cuộc chiến đấu hào hùng, chân thực của người chiến sỹ, dân công nơi Điện Biên Phủ, và qua đó cho ta hay một cách chân thực những tháng ngày lăn lộn cùng người chiến sĩ nơi chiến hào của hoạ sĩ. Những bức tranh phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu nơi Điện Biên, để kịp thời in báo mặt trận, để dán trên vách những chiến hào động viên chiến sỹ, mang tính cổ vũ lớn lao người chiến sỹ bước vào trận đánh sinh tử. Và nó cũng là những tư liệu vô cùng quý báu để một ngày sau khi toàn thắng, sẽ trở thành những bức tranh nghệ thuật hoành tráng về chiến dịch vĩ đại của dân tộc.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Ký họa của Họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân rất xúc động, khả năng tạo hình của ông bắt được kịp vẻ đẹp những hình tượng của người lính Điện Biên, của anh bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Con mắt biết tìm đẹp của ông tạo nên những bức ký họa mà hôm nay thế hệ chúng tôi nhìn lại vẫn thấy xúc động vì đây là những khoảnh khắc không thể có lần thứ hai.
Vì vậy có thể nói, ký họa kháng chiến, đặc biệt là ở chiến trường Điện Biên Phủ của họa sĩ Ngô Mạnh Lân sẽ luôn có một giá trị đặc biệt không chỉ đến lúc này mà còn trường tồn theo thời gian”.
Một người con rể của ông - Đại tướng Tô Lâm từng tâm sự: "Tôi là thế hệ sau giải phóng Điện Biên nên không được chứng kiến những gì xảy ra ở nơi này. Rất may mắn là trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được đưa bố trở lại chiến trường xưa bởi cụ từng tham gia chiến dịch với tư cách là một họa sỹ và được nghe cụ kể lại về những hình ảnh, những sự thật và những gì diễn ra ở Điện Biên Phủ thời điểm đó.
Các bức ký họa, các tác phẩm thể hiện rất rõ tinh thần lạc quan của bộ đội, của nhân dân và của chính tác giả. Đấy là sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của chiến thắng và chúng tôi cũng cảm nhận được tinh thần ấy. Qua những bức ký họa của Bố, tôi phần nào cảm nhận được những tâm trạng, những băn khoăn khi Bố bảo: “Tôi còn mắc nợ với Điện Biên”. Tôi hiểu cái mắc nợ mà ông nói bởi ông có rất nhiều ý định, đó là khi chiến thắng sẽ có những tác phẩm để mô tả về quy mô, mô tả sự vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng cụ chưa làm được”.
Đã ba năm họa sĩ Ngô Mạnh Lân đi xa, nhưng hơi ấm của ông vẫn nguyên vẹn trong tình cảm lớn của gia đình, của người vợ cũng là một nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng, của những người con người cháu, của các con dâu và con rể cùng các cháu nội ngoại yêu quý của ông.
Với đất nước, ông không chỉ là một người hoạ sĩ Điện Biên quả cảm và tài hoa, một hoạ sĩ lớn của nền mỹ thuật cách mạng, mà còn là một người công lao hàng đầu tạo dựng nên sự nghiệp phim hoạt hình nước nhà vang danh khắp thế giới, với những tác phẩm “thấm đẫm tinh thần Phương Đông, đẹp cả về tạo hình và màu sắc. có thể xếp vào hàng kinh điển của thể loại phim hoạt hình của Việt Nam” (Đỗ Đức).
Là người yêu hội hoạ, tôi yêu vô cùng những bức tranh của ông, cả những bức tranh Nga mà có thể ví ông như “Levitan” của Việt Nam, Những bức tranh sơn dầu như: Bên bìa rừng (1957), Cảnh làng Tarutxa (1957), Nắng cuối hè (1959), Nhà thờ Sain Isaac (1959), Bà lão nông dân trong trang phục truyền thống Nga (1960)…
Bức ký họa họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ tại chiến trường Điện Biên.
Là người lính nhiều năm chiến đấu nơi mặt trận, tôi trân trọng đặc biệt những bức ký họa của họa sĩ vẽ nơi chiến hào Điện Biên, và trong tâm hồn mãi mãi là trẻ thơ của chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên từ những phố phường Hà Nội, ông mãi mãi trong chúng tôi với hình ảnh chú Dế mèn phiêu lưu, Thánh Gióng, Thạch sanh, Chú mèo đi hia, Mèo con hay Chú sáo biết nói… mà ông là đạo diễn. Ngô Mạnh Lân mãi mãi trong tình yêu của chúng ta là vậy.
Họa sĩ Mai Long, người nghệ sĩ đa tài của Khoá Kháng chiến vừa từ giã cõi trần ngày 21/07/2024. Ông để lại cho cuộc đời...
Bình luận