Tôi vẽ “sư phụ” Tề Bạch Thạch

Hai họa sỹ cự phách có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc đời cầm cọ của tôi, một là người Việt – Nam Sơn Hoạ gia - Nguyễn Vạn Thọ (1890 - 1973) và hai là Tề Bạch Thạch (1864 - 1957), tên thật là Tề Thuần Chi, một Danh họa, triện khắc gia nổi tiếng và kiệt xuất người Trung Quốc. Ông còn có biệt hiệu là Tề Hoàng và Tề Vị Thanh. Ông nổi tiếng với bút pháp đại tả ý, nét vẽ thâm hậu, sự vật trong tranh được khắc họa sinh động, hồn nhiên, bố cục mới mẻ. Tề Bạch Thạch từng nói: "Cái hay của tranh nằm ở giữa “giống” và “không giống”; Giống thì tầm thường quá, thiếu tư tưởng và góc nhìn của nghệ sĩ, mà không giống thì là lừa phỉnh người xem!".

Tề Bạch Thạch sinh tại Tinh Đẩu, Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Tên của ông là do các thầy dạy vẽ đặt, bởi ông sinh ra ở núi Bạch Thạch. Năm 9 tuổi, Tề Bạch Thạch đến trường của ông ngoại để học chữ nhưng sau đó 1 năm đã phải nghỉ để làm ruộng, chăn trâu, cắt cỏ và tự học chữ, học vẽ lúc rảnh rỗi rất miệt mài đến 12 tuổi đã đi làm thợ mộc để kiếm sống. Những nét vẽ trên gỗ của Tề Bạch Thạch được chạm khắc rất tinh vi và sáng tạo nên chẳng mấy chốc đã nổi tiếng khắp vùng. Năm 27 tuổi, tên tuổi của Tề Bạch Thạch đã có tiếng tăm trong giới nghệ thuật và ông đã được suy tôn là bậc thầy về hội họa. Đến năm 40 tuổi, ông đi tham quan nhiều thắng cảnh ở khắp Trung Quốc. Sau năm 1917, ông định cư tại Bắc Kinh và trong những năm tháng cuối đời, ông tiếp tục những "sáng tạo cuối đời". Ông mất năm 1957 tại Bắc Kinh, hưởng thọ 93 tuổi.

Tài năng của Tề Bạch Thạch là kết tinh của vốn sống thực tế với bản lĩnh vượt lên khó khăn, hết mình vì nghệ thuật. Ngay từ khi thơ ấu, ông đã khổ luyện, dành thời gian ghi chép, sưu tập, làm thơ. Sau đó, những chuyến đi thực tế đã cho ông một hành trang tri thức lớn lao. Đến khi tuổi cao, ông vẫn vẽ và không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã có. Ông từng nói: “Tôi vẽ tranh mấy chục năm rồi mà chưa thấy có gì là của mình, nên tôi quyết định đại biến!!!”.

Ông là một danh họa Trung Quốc nổi tiếng với các tác phẩm màu nước linh động đầy sức sống. Những bức tranh của ông là những bức họa về sơn thủy, nhân vật, hoa điểu, động vật. Ông vẽ tranh về những con tôm đạt đến độ siêu phàm nhờ việc nuôi tôm và dành nhiều thời gian để quan sát chúng. Hay là việc ông vẽ những chú ong rất phóng khoáng, bay bổng nhằm diễn ý.

Những bức tranh của ông thường được ông viết chữ, làm thơ, khắc dấu triện trên tranh của mình. Tất cả đều được làm rất tỉ mỉ. Vì thế, ông được mệnh danh là bậc đại danh họa "Tam biệt chi tài". Ông cũng rất giỏi khắc triện và tự gọi mình là "phú ông của ba trăm triện đá" (tam bách thạch ấn phú ông).

- Năm 1949, ông được phong làm giáo sư danh dự của Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh.

- Năm 1955, Hội đồng hòa bình thế giới trao giải thưởng và công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới.

- Năm 1953, ông được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Hội họa Trung Quốc.

Kiệt tác "Thập nhị phong cảnh đồ" của Tề Bạch Thạch từng bán giá 140,8 triệu USD - đắt nhất Trung Quốc.

Tôi - một “đệ tử hậu thế” suốt đời mê đắm ông - Cả đời gắn bó với hội họa, thấm thía câu Sư phụ khuyên học trò: "Học ta thì sống mà giống ta thì chết!". Quan điểm hội họa của Tề Bạch Thạch là "hội họa nằm giữa thực và ảo".

Thấm nhuần quan điểm ấy - đã là tranh chân dung thì vẽ phải giống mẫu, nhưng chỉ giống thôi là chưa đủ, mới chỉ dừng ở tả thực. Bởi nghệ thuật khắc họa chân dung của không chỉ là việc tạo ra cái mới, mà còn nhìn thấy điều cũ từ một góc nhìn mới. Điều quan trọng là người nghệ sĩ bằng tài năng sáng tạo và kỹ thuật xử lý màu dầu, phải lột tả được cá tính, hồn cốt của nhân vật, đồng thời thể hiện được phong cách riêng, suy nghĩ, cảm xúc của người nghệ sĩ thì tác phẩm mới thành công.

Vẽ tranh chân dung bằng màu dầu cũng giống như nhà văn viết tiểu thuyết về thân phận con người. Nhà văn có thể mặc sức khai thác mọi ngóc ngách đời sống con người, còn người họa sĩ thì bằng sắc màu có thể miêu tả trạng thái nhân vật, trực tiếp hoặc ẩn dụ, bay bổng phóng khoáng hay trầm lắng suy tư, thậm chí có thể vẽ từ trong khóe mắt đến sâu thẳm tâm hồn nhân vật mình yêu thích.

Tôi vẽ “sư phụ” Tề Bạch Thạch - 1

Họa sĩ Ba Tỉnh bên tranh chân dung danh hoạ Tề Bạch Thạch, chất liệu sơn dầu, kích thước 40x50cm, sáng tác năm 2025.

Một số tác phẩm dường như đã chạm tới vẻ đẹp ngôn ngữ tạo hình cùng hồn cốt của nhân vật, tình cảm của người sáng tạo hòa quyện bồi đắp và bổ sung cho nhau. Một bức tranh có thể diễn đạt nhiều hơn hàng nghìn từ trên trang viết, miêu tả được những cảm xúc và suy nghĩ không thể nói thành lời. Mỗi tác phẩm là một cuộc trò chuyện không lời với người đối diện. Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có lần xem tranh của tôi đã thốt lên: “Người trong tranh là thật, còn người mẫu trở thành giả!”.

Những tác phẩm của tôi được đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá cao qua hai cuộc triển lãm cách nhau tròn 15 năm, như: Chân dung nhà thơ Bùi Giáng, Nguyễn Quang Thiều, chân dung Nhà giáo Văn Như Cương, Nhà văn Bảo Ninh, Hoạ sỹ Thành Chương, Nam Phương Hoàng hậu…Đặc biệt, tác phẩm chân dung Nhà Nghiên cứu và Phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân (sáng tác năm 2001) - tác phẩm hội họa hy hữu của Việt Nam được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Mùa xuân, mùa của sự đổi mới và tái sinh, đã được tôn vinh trên khắp các nền văn hóa và theo thời gian như một giai đoạn chuyển đổi sâu sắc. Thiên nhiên thức giấc sau giấc ngủ đông. Những màu sắc rực rỡ và sự sống mới trở lại. Nhân đón Tết Ất Tỵ, nhớ công ơn sư phụ Tề Bạch Thạch - Người có họa pháp độc đáo đã làm giới phê bình mỹ thuật ở Tây phương phải kinh ngạc. L. Smôticôva, nhà phê bình mỹ thuật của Liên Xô (cũ), trên Tạp chí Báo Ảnh Liên Xô (số 9-1984) nhận định về Tề Bạch Thạch như sau: “Sống giữa hai thế kỷ, khi nhiều họa sĩ Trung Quốc quay sang nghệ thuật châu Âu, Tề Bạch Thạch đã chọn những người thợ dân gian lão luyện làm thầy. Và kết quả thật ngược đời: Không liên quan tới một khuynh hướng hội họa mới mẻ nào, thế nhưng ông đã trở thành họa sĩ hiện đại một cách lạ kỳ, tên tuổi của ông đã trở thành vốn quý của nền văn hóa thế giới”. Và “Khi người ta còn yêu hòa bình, mặt trời, và vẻ đẹp của thiên nhiên thì nghệ thuật của Tề Bạch Thạch còn cần cho con người”.

Xin dâng lên Sư phụ tấm tranh chưa khô nét dầu, mạo muội vẽ dung mạo Ngài và mượn câu văn trên của L. Smôticôva làm nhời kết bài viết nhỏ này.

Đinh Quang Tỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phấn hoa và trải nghiệm sáng tạo thơ của một cá nhân

Phấn hoa và trải nghiệm sáng tạo thơ của một cá nhân

Đã 40 năm trôi qua khi bài thơ "Phấn hoa bay" được viết, 25 năm tập thơ trùng trên được xuất bản và 15 năm được trao giải thưởng. Nhân dịp Xuân mới, phấn hoa bay vàng óng và thơm lành khắp mọi miền Tổ quốc, tôi mong được bạn đọc san sẻ niềm vui.