Nguyễn Bá Khoản: Phóng viên ảnh - Nghệ sĩ - Chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam

Nguyễn Bá Khoản sinh ngày 03/07/1917 tại Liễu Viên, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội), trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đất nước vẫn còn là "thuộc địa" do thực dân Pháp cai trị. Chàng thanh niên Nguyễn Bá Khoản sớm có tình yêu quê hương đất nước. Năm 18 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng trong lĩnh vực báo chí. Năm 1937, ở tuổi 20 Nguyễn Bá Khoản đã có những bức ảnh đầu tiên của ảnh báo chí Cách mạng Việt Nam, chụp về “Hội nghị báo giới Bắc Kỳ tại Hà Nội” (24/04/1937); “Đoàn Báo giới và đoàn Phụ nữ tham gia cuộc mít tinh lớn ở khu Đấu Xảo - Hà Nội” ngày 01/05/1938 (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô); chụp về “Hội nghị truyền bá Quốc ngữ”, tổ chức tại Hà Nội, 5/1938...

50 năm cầm máy xông pha nơi trận mạc, ông đã chụp tại trận những sự kiện lịch sử sống động về “Cuộc Cách mạng Tháng 8/1945”, về “Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945 - 1946”, về “Phong trào Nam Tiến - 1945” và “Toàn quốc kháng chiến ở thủ đô Hà Nội”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!". 

Hình ảnh về 4 sự kiện lịch sử trọng đại đó cũng xứng đáng để vinh danh: “Nguyễn Bá Khoản - Người phóng viên nhiếp ảnh - Nghệ sĩ - Chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam”.

Để lưu giữ hình ảnh quý hiếm ấy, ông đã tình nguyện trao tặng 2000 phim cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Giáo sư Hoàng Minh Giám đánh giá cao, coi đó là một nghĩa cử đẹp, mang tính nhân văn cao cả và lưu ý Bảo tàng Cách mạng Việt Nam không chỉ lưu giữ tài sản văn hóa đó mà cần tuyển chọn để triển lãm và in sách phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các thế hệ mai sau hiểu về cuộc Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cực kỳ khó khăn và anh dũng để giành thắng lợi hoàn toàn.

Tháng 12 năm 1991, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức triển lãm “Ảnh Nguyễn Bá Khoản” tại số 19 phố Hàng Buồm - Hà Nội. Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã đến xem triển lãm và ghi cảm tưởng đánh giá cao sự cống hiến của người Nghệ sĩ - Chiến sĩ Nguyễn Bá Khoản và chỉ thị cho Bộ Văn hóa - Thông tin tiếp tục tổ chức triển lãm “Ảnh Nguyễn Bá Khoản” tại Nhà triển lãm số 29 phố Hàng Bài, Hà Nội để đồng bào cả nước có điều kiện đến xem triển lãm.

Ông mất ngày 30/08/1993.

Nhân dịp cố nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I - 1997) và kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tuyển chọn 144 ảnh tư liệu lịch sử tiêu biểu để xuất bản cuốn sách ảnh mang tên: “Những khoảnh khắc lịch sử qua ống kính Nguyễn Bá Khoản”.

Nguyễn Bá Khoản: Phóng viên ảnh - Nghệ sĩ - Chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam - 1

Các đại biểu của Thủ đô Hà Nội vừa trúng cử Quốc hội Khóa I/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt phát biểu trước quốc dân đồng bào. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bá Khoản - Người phóng viên ảnh báo chí - Nghệ sĩ - Chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam, chủ yếu tập trung vào bốn sự kiện sôi động, có ý nghĩa lịch sử: “Cao trào Cách mạng Việt Nam 1936 - 1939”, “Cách mạng Tháng Tám và Bác Hồ năm 1945 - 1946”; “Phong trào Nam Tiến, 1945” và “Toàn quốc kháng chiến ở thủ đô Hà Nội, 1946 - 1947” được diễn ra theo sự kiện lịch sử, trình tự thời gian và không gian như sau:

CAO TRÀO CÁCH MẠNG VIỆT NAM, 1936 - 1939

Thời kỳ năm 1936 - 1939, Mặt trận bình dân ở Pháp hoạt động khá mạnh đã tác động và có ảnh hưởng lớn đến tình hình Đông Dương và cao trào Cách mạng ở Việt Nam. Nhân thời cơ đó, Đảng ta đã đưa một số tổ chức nghiệp đoàn ra hoạt động công khai, khá rầm rộ, trong đó có “Hội Ái hữu các thợ ảnh ở Thủ đô Hà Nội”.

Hàng loạt các bức ảnh được ghi lại và đăng tải trên các báo chí như: “Hội nghị báo giới Bắc Kỳ kỳ họp 4 - 1937”, “Mít tinh lớn ở khu Đấu Xảo, Hà Nội ngày 01/05/1938” (nay là Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô); “Đoàn văn giới và báo giới tham gia cuộc mít tinh ngày 01/05/1938 tại khu Đấu Xảo, Hà Nội”, “Đoàn phụ nữ tham gia cuộc mít tinh ngày 01/05/1938 tại khu Đấu Xảo Hà Nội”, “Quang cảnh Hội nghị về chương trình giảng dạy và truyền bá quốc ngữ tại Hà Nội”; hình ảnh ban lãnh đạo “Tòa soạn báo Tin tức, cơ quan Mặt trận Dân chủ tại đường Phùng Hưng, Hà Nội” (1938). Người đứng thứ hai (từ phải sang) là đồng chí Trường Chinh sau này là Tổng bí thư của Đảng. Có thể nói không khí các nghiệp đoàn hoạt động công khai khá rầm rộ. Vậy tác giả của những bức ảnh đó là ai?

Trong cuốn “Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam” (sơ thảo), trang 26 có đoạn viết: “Ngày 01/05/1938, ở khu Đấu Xảo - Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội) những bức ảnh của Nguyễn Bá Khoản, phóng viên báo Tin tức - cơ quan báo chí công khai của Đảng, đã ghi lại sự kiện lịch sử đó”.

Nếu như chưa có sự phát hiện nào mới hơn thì năm 1937, bức ảnh đầu tiên của Nguyễn Bá Khoản được đăng tải, đương nhiên là thời kỳ tiền thân của nhiếp ảnh báo chí Cách mạng Việt Nam và Nguyễn Bá Khoản cũng là phóng viên báo chí đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam?

Nguyễn Bá Khoản: Phóng viên ảnh - Nghệ sĩ - Chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam - 2

Tháng 10/1945, đoàn quân Nam Tiến vào đến ga Nha Trang (Khánh Hòa), trên đường vào chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ BÁC HỒ NĂM 1945 - 1946

Bảy năm sau, năm 1945, cùng với các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng như Vũ Năng An, Võ An Ninh, Nguyễn Tiến Lợi... Nguyễn Bá Khoản - người lính tiên phong của nhiếp ảnh báo chí Cách mạng đã xông pha nơi trận mạc, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử lớn, đã ghi chép được khá nhiều hình ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc, về cuộc Tổng khởi nghĩa “long trời lở đất”, “ào ào như thác đổ” của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Thủ đô Hà Nội với những cảnh, những đoàn quân “chủ lực” mặc áo sơ mi cộc tay, quần sooc lửng, vai vác súng trường, chân đi dép, giày đủ kiểu, đang diễu hành trên đường phố Hà Nội và những chiến sĩ tự vệ tay đeo băng đỏ, mã tấu bên sườn, nam có, nữ có, họ từ các xã, huyện ngoại thành Hà Nội, nườm nượp đổ về phía quảng trường Ba Đình lịch sử dự mít tinh. Và những chiến sĩ “Quyết tử” với Thủ đô yêu dấu, với vận mệnh mất còn của Tổ quốc Việt Nam, giai đoạn 1945 - 1946 - 1947!

Nguyễn Bá Khoản được mệnh danh là “người viết sử bằng hình”, đó là các hình ảnh: Nhân dân Hà Nội mít tinh trước quảng trường Nhà hát Lớn ngày 17/08/1945 chuẩn bị cho việc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/08/1945, cảnh quần chúng Cách mạng tràn vào Phủ Khâm Sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ) ngày 19/08/1945, cảnh mít tinh trên quảng trường Nhà hát Lớn ngày 31/08/1945, cảnh nhân dân Hà Nội đón chào giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị Giải phóng quân tại Hà Nội (08/1946), quảng trường Ba Đình và lễ đài Tuyên ngôn độc lập, cảnh quân Giải phóng - Tự vệ Hà Nội dự lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/09/1945 tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, cảnh đường phố Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám 1945 với biểu ngữ “Nước Việt Nam của người Việt Nam”!

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Trung Hoa Hà Ứng Khâm trước phủ toàn quyền 09/1945 (nay là Phủ Chủ tịch), cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc “Tuần lễ vàng” ở trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội, cảnh Thiếu nhi Thủ đô Hà Nội tham gia diễu hành “Ngày cứu đói tại quảng trường Nhà hát lớn” (09/1945), hình ảnh ra mắt Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), Người nói chuyện với Đại hội đại biểu thanh niên cứu quốc (27/09/1945) và Người cũng nằm trong đại biểu của Hà Nội trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I ra mắt trước nhân dân Thủ đô tại khu Việt Nam Học xá - tháng 01/1946. Ngày 06/03/1946 Người thay mặt đất nước ký hiệp định Sơ bộ giữa Chính phủ Việt Nam với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội. Ngày 06/03/1946, Người ra sân bay Gia Lâm duyệt đơn vị lính Pháp, trước khi sang thăm nước Cộng hòa Pháp...

Chàng thanh niên Nguyễn Bá Khoản xuống Hải Phòng, chụp cảnh nhân dân Hải Phòng nhiệt liệt đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự hội nghị, đã trở về tại Hải Phòng, lại theo đoàn tàu ghi hình ảnh nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về, tại ga Hàng Cỏ. Quốc hội Khóa I kỳ họp thứ nhất, thứ hai anh cũng có mặt để ghi hình.

Nguyễn Bá Khoản: Phóng viên ảnh - Nghệ sĩ - Chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam - 3

Từ pháo đài Láng, phát súng đầu tiên bắn vào khu vực Cột Cờ Hà Nội, nơi quân Pháp đang chiếm đóng, mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

NGUYỄN BÁ KHOẢN VỚI PHONG TRÀO NAM TIẾN - 1945

Đất nước đang trong cảnh khó khăn như “nước sôi lửa bỏng” nhưng tinh thần yêu nước cực kỳ dâng cao. Thanh niên Thủ đô chăng biểu ngữ với những hàng chữ lớn: “Yêu cầu Chính phủ cho vào Nam Bộ diệt xâm lăng”.

Tại Nhà hát lớn, đồng bào dự mít tinh ủng hộ kháng chiến của đồng bào Nam Bộ (10/1945). Nguyễn Bá Khoản theo sát đoàn quân Nam Tiến ghi hình trên các nẻo đường hành quân, trên toa tàu, hình ảnh nhân dân thành phố Huế ra ga tiễn thanh niên, bộ đội vào Nam chiến đấu.

Đoàn quân Nam Tiến dừng chân ở ga Tuy Hòa, tự vệ và nhân dân Quảng Ngãi đón chào đoàn quân Nam Tiến, ghi hình đồng chí Nam Long cùng các cán bộ chỉ huy ở Ninh Hòa (19/10/1945), ghi hình đơn vị bộ đội Bắc Sơn (Thái Nguyên) trong đoàn quân Nam Tiến trên đường ra vị trí chiến đấu bảo vệ Ninh Hòa, các nữ cứu thương trong đoàn quân Nam Tiến ở Tuy Hòa, cảnh chiến đấu ở hầm số 1, đường sắt Nha Trang, hình ảnh các phái bộ Việt Minh đi thăm bộ đội Nam Tiến ở mặt trận Sài Gòn, cảnh chiến đấu quyết liệt ở mặt trận phía Bắc Sài Gòn, cảnh chiến đấu ở ga Bình Triệu, cảnh các cán bộ chỉ huy đoàn quân Nam Tiến hội đàm với các sĩ quan quân đội Nhật, hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Thái, chiến sĩ thuộc đơn vị do đồng chí Nam Long chỉ huy đã chiến đấu rất anh dũng, tiêu diệt hơn 150 tên địch và đồng chí đã hi sinh anh dũng ở Ninh Hòa (11/1945).

Tháng 11/1945, các chiến sĩ trong đoàn quân Nam Tiến còn chỉ viện quân cho Mặt trận Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên... Sau ba tháng theo đoàn quân Nam Tiến ở mặt trận Nam Bộ, trở về Hà Nội được báo Cứu quốc giúp đỡ, một triển lãm với hơn 500 bức ảnh được trưng bày (đợt I) và thêm hình ảnh chiến đấu ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, rồi lại tổ chức triển lãm (đợt II) với gần 200 hình ảnh nữa…

Nguyễn Bá Khoản: Phóng viên ảnh - Nghệ sĩ - Chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam - 4

Tháng 12/1991, nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản giới thiệu với Tổng Bí thư Đỗ Mười xem phòng triển lãm các tác phẩm của mình tại phòng triển lãm số 19 Hàng Buồm, Hà Nội. Ảnh: Xuân Lâm - TTXVN

NGUYỄN BÁ KHOẢN TRỞ VỀ THỦ ĐÔ HÀ NỘI GHI HÌNH TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN "HÀ NỘI QUYẾT TỬ ĐỂ TỔ QUỐC QUYẾT SINH"!

Những khoảnh khắc lịch sử hiện rõ trong ảnh Nguyễn Bá Khoản ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào cũng tươi rói chất liệu cuộc sống, hừng hực khí thế chiến đấu kiên cường, bởi ông cũng anh dũng xông pha trận mạc, áp sát bộ đội ta chiến đấu, tải thương, tổ chức lễ truy điệu đồng đội ngay tại mặt trận, ghi lại hình ảnh bộ đội ta dùng chiến thuật nghi binh ghìm chân địch và ông cũng đồng cam cộng khổ, sẵn sàng hi sinh cùng đồng đội.

Ông thoắt ẩn thoắt hiện ở trường bay Bạch Mai, lúc ở phố Hàng Cót, khi ở phố Hàng Đậu, rồi lại xuống đường Mai Hắc Đế, lúc xuống ngã tư Cầu Giấy rồi lại có mặt ở mặt trận Vĩnh Tuy. Đó là những hình ảnh trong lễ Tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, hình ảnh Pháo Đài Láng là một trong ba pháo đài đầu tiên nổ súng ngay sau khi Hồ Chủ tịch đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, hình ảnh các chiến sĩ chiến đấu trong chợ Đông Xuân, ở Cửa Nam, Hàng Thiếc, hình ảnh các chiến sĩ tự vệ trèo lên nóc nhà quan sát và chiến đấu, hình ảnh nhân dân Thủ đô dùng bàn ghế dựng chiến lũy chặn sự tiến quân của giặc Pháp ở phố Bạch Mai, phố Mai Hắc Đế, đánh xe tăng địch ở phố Hàng Bồ, một số chiến đấu ở phố Hàng Chiếu, cảnh bộ đội ta truy kích ở phố Hàng Bài, cảnh chiến đấu ở Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, ở Việt Nam Học xá, ở Ngã Tư Sở đi Hà Đông, ở Lương Yên, cảnh quyết tử quân đánh địch ở Viện Pastơ (01/1947), ở làng Tám, ở mặt trận Cầu Tiên, ở Quảng Bá, trên đê Chèm, hình ảnh chuyển thương về tuyến sau, cảnh các chiến sĩ quyết tử đang đọc tin chiến sự ngay tại mặt trận, cảnh nhân dân phá cầu Mới, chặn đường tiến quân của địch vào đánh chiếm thị xã Hà Đông (02/1947) rồi hình ảnh các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rất xúc động khi nhìn vào nội thành lần cuối trước khi vượt sông Hồng lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến lâu dài…

Ảnh Nguyễn Bá Khoản sẽ sống mãi với thời gian, bởi người chụp ảnh luôn đứng ở góc nhìn lịch sử. Ông thực sự là một nhà viết sử bằng hình ảnh ở giai đoạn sục sôi của Cách mạng tháng Tám và thời kỳ đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch luôn vang vọng trong ông và người xem ảnh của ông: “ ...Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước”.

*

Mấy năm gần đây tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có một đường phố mang tên Nguyễn Bá Khoản. Điều đó ghi nhận nhà nhiếp ảnh tiền bối Nguyễn Bá Khoản có cống hiến đặc biệt xuất sắc, ghi lại được nhiều hình ảnh  quân dân Khánh Hòa anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp.

Năm 2022, Thủ đô Hà Nội lại có thêm tên đường phố Nguyễn Bá Khoản. Tin vui này không chỉ riêng đối với gia đình, dòng họ Nguyễn Bá, còn là niềm vui đối với ngành nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất