Tản mạn trên đường đi tìm tác phẩm lớn

Thời kinh tế thị trường, dân gian có câu rằng: Cái gì cũng có thể mua bằng tiền, nếu không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền. Điều đó có thể đã chưa đúng với văn học, nghệ thuật. Đơn giản là vì, có thể đầu tư nhiều tiền để có tác phẩm hay thì mấy ai đã dám chắc?

Từ buổi lọt lòng, tôi đã được nghe lời ru của mẹ. Có thế mà thành quê hương. Không chỉ có vậy, ở bên trong, ở phía sau sự chân thành, mộc mạc còn là dung dưỡng, là tâm sự gửi gắm, kỳ vọng tốt đẹp về một “ngày mai”. Rồi mãi tôi mới ngộ ra, lời ru là tác phẩm lớn. Nói cách khác, “tác phẩm” ấy đã dựng lên tượng đài yêu thương trong trái tim người.

Ấy thế mà mỗi thời, câu hỏi: Thế nào là tác phẩm lớn (?) lại có thêm nhiều sự bàn luận. Đó là tác phẩm có thể tham gia gián tiếp vào sự biến đổi xã hội, làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan... Đó là tác phẩm phải có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật... Đó phải là một người khổng lồ về tư tưởng, tài năng... Nói chung là mọi hình dung, phân tích, lý giải hầu như chưa vượt qua được câu ngắn gọn nhất của M.Gorki “Văn là người”, chỉ cần thêm chữ “lớn” hoặc là chữ “hay” mà thôi.

Tản mạn trên đường đi tìm tác phẩm lớn - 1

Ảnh minh họa

Thiển nghĩ, xưa nay tác phẩm văn học, nghệ thuật tồn tại được đều xoay quanh cái “tâm điểm con người”. Ở đó, triết lý nhân sinh được giải mã theo sự phát triển của thời đại và mỹ cảm của người thể hiện. Đương nhiên, sự thể hiện ở tầm khái quát cao theo quy luật sinh tồn muôn thuở. Đó phải là tác phẩm chuẩn mực và không thể thay thế được.

Chả riêng giới văn nghệ sĩ, mọi công dân không thể đứng ngoài đất nước, dân tộc, càng không thể đứng ngoài thời cuộc và số phận con người. Khi nỗ lực sáng tạo hết mình cho tác phẩm, không văn nghệ sĩ nào lại không có mong muốn được nâng đỡ, bồi đắp tâm hồn con người để đi đến hoàn thiện hơn, nhân ái hơn.

Nhưng sự thể đã khác. Trong cuộc đua chen vật chất, đồng tiền nhiều khi làm khuynh đảo nhiều giá trị trong xã hội. Không phải tất cả, nhưng không thiếu tác phẩm văn học, nghệ thuật có thể thay thế. Nó chưa neo lại được gì trong sâu thẳm trái tim người.

Làm thế nào để có tác phẩm hay, câu trả lời trước hết đi từ chủ thể đầu tiên là nhà văn nghệ. Không thể có tác phẩm đích thực nếu không có văn nghệ sĩ đích thực. Những tác phẩm đích thực chỉ có thể bắt nguồn từ những tài năng với nhiệt huyết của cuộc sống.

Lịch sử đã trải nghiệm, ở bất kỳ chế độ xã hội nào thì vấn đề làm người cũng được đề cao, thậm chí vấn đề xây dựng nhân cách đi trước. Xác định vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc ổn định xã hội và ngăn ngừa tội ác chính là lý do tồn tại của văn học, nghệ thuật. Và chính văn học, nghệ thuật là nhu cầu tồn tại của xã hội, của con người.

Có thể tăng trưởng nóng đang làm mai một bản sắc, biến dạng nền văn hoá, cả những biểu hiện giẫm đạp lên phẩm giá con người, đó là chưa kể nhiều vấn đề do các thế lực thù địch tác động, thì việc củng cố, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là không thể chờ đợi thời cơ hay chậm trễ. Khai thác mọi tiềm năng sáng tạo, để có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng xây dựng văn hoá, xây dựng con người - xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội phải được quan tâm đúng tầm mức. Đó luôn là mệnh lệnh của trái tim.

Trong quá trình phát triển, có những hành vi của con người mà pháp luật chưa thể điều chỉnh, thì ở đó có can dự của văn học, nghệ thuật. Khẳng định văn học, nghệ thuật nói chung là lực lượng duy nhất trong xã hội sản xuất ra các giá trị tinh thần phục vụ đời sống, sự liên tục đổi mới chính là đòi hỏi tự thân của mỗi cá tính sáng tạo. Chưa kể đòi hỏi của công chúng thì phức tạp vô cùng.

Nhưng phía sau những nỗ lực là sự im lặng đáng sợ. Văn nghệ có hai mâu thuẫn cơ bản chưa được lý giải. Một là, thành quả lao động nghệ thuật thường là sản phẩm đơn độc của tài năng và cá tính sáng tạo, khó có thể áp dụng đại trà hay dùng mệnh lệnh hành chính. Hai là, lao động nghệ thuật là một nghề được xã hội công nhận nhưng “tác giả” lại chưa chắc sống được bằng nghề. Sự chậm trễ trong hoạt động lý luận phê bình, sự “nước đôi” trong đánh giá, gợi mở, định hướng những vấn đề có tính thiết yếu cho cuộc sống đã không tạo thêm niềm tin bứt phá sáng tạo.

Có người nói: Một con người tự cảm thấy cô đơn, lạc lõng ở chính gia đình mình, chính quê hương mình, thì nền văn hóa đang chơi vơi, mất bản sắc. Trên con đường độc hành đầy cô đơn và khó nhọc ấy, cách nghĩ và cách hành xử với văn học, nghệ thuật cảm giác nhiều khi vẫn được chăng hay chớ. Thực tế, số phận của nhiều tác giả, tác phẩm như ánh sao băng. Vô cảm là hội chứng, hô hào cũng thành hội chứng tự bao giờ. Nếu chỉ hô hào đến lòng nhiệt tình là quá phiến diện, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Nó cần có một kế hoạch đầu tư đưa tác phẩm đến với công chúng một cách rộng rãi, nhất là khi sự xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có nguyên nhân hoàn toàn “không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” (Ý của Napoleon).

Có thể có trường dạy viết văn đúng, nhưng chưa có trường dạy viết văn hay. Những sự giống giống văn nghệ thì nhiều, chứ để có được một văn nghệ đích thực không dễ. Lại nói trước đây, khi chưa có thị trường, thế gian vẫn có những nền văn minh rực rỡ. Sự phát triển văn học, nghệ thuật là nhu cầu tồn tại của chính quốc gia đó chứ không phải phụ thuộc khả năng chi trả nào. Bởi vậy, khi xác định đầu tư cho văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của nhà nước thì đó hoàn toàn không phải là sự “ban ơn”. “Của cho không bằng cách cho” - từ xưa tới nay, người đời vẫn đối xử với tài năng như vậy.

Văn học, nghệ thuật nâng đỡ, bồi đắp cái thiện của con người trong cuộc sống, chứ không chống lại con người. Giàu có mà lòng người không vui thì đây đó vẫn còn lắm rối ren cần được cởi nút. Và ở đó, tư duy cho sự phát triển con người mới là cứu cánh để văn học, nghệ thuật thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống.

Trở lại câu hỏi cũ, tác phẩm hay đang ở đâu? Dễ dàng nhất là câu trả lời ở trong đời sống. Rồi ai cũng im lặng. Văn nghệ sĩ sáng tác là nhu cầu tự thân, nhưng thiếu vắng ý tưởng lớn, sẽ không thể có tác phẩm lớn. Nó còn cần ở một tác động khác. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh - Sự vĩ đại của loài người là phát minh ra bánh xe, nhưng bánh xe không có lực đẩy cũng chỉ là đám sắt rỉ. Nhung “lực đẩy”, suy cho cùng cũng chỉ là giải pháp tức thời. Con đường đến trái tim phải từ trái tim.

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008 “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” có nêu quan điểm: Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”. Thiết nghĩ, khi sự nhìn nhận ấm áp của Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, với sự hội tụ đủ đầy tài năng và trách nhiệm xã hội, thì chúng ta có quyền hy vọng những tác phẩm vạm vỡ được khai sinh.

Tản mạn trên đường đi tìm tác phẩm lớn - 2

Ảnh minh họa

Dù hy vọng thế, nhưng tôi vẫn không giấu nổi những băn khoăn:

Thứ nhất là: Đường lối Đảng lãnh đạo văn nghệ luôn nhất quán, rất thường xuyên và đầy ấm áp. Chỉ cơ chế chính sách đối với văn nghệ thì không nhiều, chưa nói có lúc, có nơi có phần nguội lạnh. Lỗi này thuộc về ai?

Thứ hai là: Cần thống nhất tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương. Điều này đã được đề cập qua nhiều cuộc họp. Nhưng thực tế vẫn bao chuyện cười ra nước mắt. Từ con người, con dấu đến nơi “an cư” để mà “lạc nghiệp đều “mỗi người một vẻ”, chỉ “... mười phân không vẹn mười”. 

Thứ ba là: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội là tổ chức sáng tác và quảng bá tác phẩm. Có lẽ đây là điều khó khăn, vướng mắc nhất. Giải quyết được khó khăn này lại nảy sinh vướng mắc khác.

Tôi nghĩ, sức tác động của văn học, nghệ thuật trọng tâm là ở việc tuyên truyền, quảng bá tác phẩm. Khi những giá trị mới, tiến bộ chưa được nhân lên, cộng với sự yếu kém, lệch lạc, chậm trễ trong định hướng thẩm mỹ... thì phát triển  văn học, nghệ thuật, ngoại giao văn hóa chưa thành công.

Thứ tư là: Với một tổ chức Hội đặc thù, Tạp chí cũng là cơ quan báo chí đặc thù, nhưng nó là “mặt tiền”, là mối quan tâm đặc biệt của văn nghệ sĩ và công chúng. Tạp chí có đủ các bộ phận chuyên môn, chuyên ngành, nhưng cơ chế vận hành lại hoàn toàn kiêm nhiệm. Người đã thiếu, lại đòi hỏi chuyên nghiệp với yêu cầu rất cao nhưng người trực tiếp làm Tạp chí lại không có các khoản thù lao hay chế độ phụ cấp trách nhiệm như các cơ quan báo chí khác. Một khía cạnh khác, tiếng là có sự phát triển mới hơn, nhưng thực tế, nhuận bút của văn nghệ lại ngày càng giảm đi trong lúc thu nhập của các tầng lớp xã hội đều tăng lên rõ rệt. Người ta tính ra thu nhập bằng nhuận bút của văn nghệ sĩ thấp hơn rất nhiều so với thu nhập cơ bắp của một bà giữ trẻ, một chị tạp vụ, một anh cắt tóc...

Thứ năm là: Về xã hội hóa văn học nghệ thuật. Đây là bài toán chưa có lời giải trên con đường đi đến tác phẩm chất lượng cao. Mục đích xã hội hóa là muốn kéo mọi thành phần, nguồn lực về với văn nghệ, cho văn nghệ, nhưng thực tế thì khác. Văn học nghệ thuật không thể tham gia xây dựng đạo đức xã hội khi vấn đề xã hội hóa chỉ vì mục đích kiếm tiền.

Đến đây, lại một câu hỏi mới được đặt ra, ngoài trách nhiệm của cá tính sáng tạo văn học nghệ thuật, ai là người nhận lỗi khi để tình trạng công chúng phải thưởng thức những thứ bạc nhạc, làng nhàng, mà ở đó ai cũng có thể xung danh là nghệ sĩ lớn và ai cũng nêu cao sự quan tâm như một thói quen? Có hay không công tác lý luận phê bình? “Lề trái” hay “lề phải”, “giải thiêng” hay “cách nhìn mới” về lịch sử, “tân hình thức” hay “hậu hình thức”..., hỏi mãi mà chưa thấy câu trả lời thấu đáo nào.

Dưới ánh sáng của Đề cương Văn hóa Việt Nam, năm 1943, Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập, trở thành một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Sự ra đời của Đề cương Văn hoá Việt Nam - Cương lĩnh văn hoá đầu tiên của Đảng đã khai sinh và phát triển nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, trở thành ngọn đuốc soi đường, định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ cho toàn Đảng, toàn dân và cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.

Từ những quan điểm, nguyên tắc, “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” với giá trị to lớn, trường tồn của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943, Đảng ta đã khẳng định rõ thái độ đối với vấn đề văn hoá: “Có lãnh đạo được phong trào văn hoá, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”. Tầm nhìn xuyên thế kỷ ấy đang tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết TW9 (khóa XI) về văn hoá, con người trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ”.

Ở đó, chỉ với sự vào cuộc thật sự mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân; một khi vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa luôn được đề cao thì ở đó, những tác phẩm vạm vỡ được khai sinh…

Hải Thanh

Giá trị thẩm mỹ
Giá trị thẩm mỹ

Như có sự sắp đặt của tạo hoá, trong hoàn cảnh đặc biệt của cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ gian khổ đã sản...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Đối với cá nhân tôi, trong hàng chục năm gần đây luôn có nhiều kỷ niệm, những câu chuyện đời thường với anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (1929 - 2021). Trong những lúc trà dư tửu hậu trên hành trình công tác xuôi ngược các tỉnh miền Trung, vào Nam ra Bắc, kể cả khi có anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu hoặc vắng mặt ông, thì đều là những câu chuyện rất đặc biệt, vui vẻ và hài hước