Thời thanh xuân như thế

Đó là cuốn tiểu thuyết rất ít tính hư cấu; nó mang tính tự truyện của tác giả Vũ Viết Ngà, một cựu chiến binh từng có mặt ở tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và chiến trường Khu V hàng chục năm (1968 – 1978). Mang tính tự truyện, rất ít hư cấu, nhưng mọi câu chuyện và sự kiện trong đó được tác giả chọn lọc nên điều gì được kể ra, nói đến cũng đậm đặc, manh tính điển hình.

Nhân vật chính, xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, tham gia vào mọi sự kiện, mọi câu chuyện là người thanh niên có tên là Vũ Đức Nhân, sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Học hết cấp hai, Nhân có giấy gọi đi học trung cấp giao thông. Khi nhập trường, Nhân được phân công học thợ sửa chữa ô tô. Có trí thông minh bẩm sinh lại ham học, Nhân nắm vững kiến thức, thạo tay nghề, ra trường được phân công vào tuyến lửa, sửa chữa những chiếc xe chở hàng và người phục vụ cho chiến trường bị bom Mỹ bắn trúng, hư hỏng nặng. Rất nhiều trường hợp xe hỏng Nhân và đồng đội đã chữa lành, tiếp tục phục vụ chiến trường.

Khi mà cuộc chiến tranh bước vào thời kỳ khốc liệt, hao người tốn của, Nhân được gọi nhập ngũ. Vào bộ đội, Nhân tiếp tục được phát huy tay nghề của người thợ sửa chữa ô tô. Nhân cùng đồng đội trong đơn vị sửa chữa đã có mặt ở những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của kẻ thù, hồi sinh sự sống cho những chiếc xe. Xe nào hỏng quá nặng không thể sửa chữa thì tháo lấy phụ tùng để thay thế cho những chiếc xe khác.

Thời thanh xuân như thế - 1

Tiểu thuyết "Thời tuổi trẻ" của Vũ Viết Ngà 

Nếu chỉ như thế thì tiểu thuyết nào có gì đáng nói. Thông qua công việc như thế mà Vũ Đức Nhân và đồng đội bộc lộ tính cánh, phẩm cách của mình. Nhân có dáng cao, đẹp trai, nhưng không tự phụ, kiêu ngạo; anh sống giản dị, trung thực, rất thẳng thắn và cũng rất tình cảm, hay giúp đỡ mọi người, hiểu người và hiểu đời. Chính vì thế mà rất nhiều đồng đội yêu mến, quý trọng anh. Đặc biệt là những quân nhân nữ. Cô nào gặp Nhân, sống gần Nhân một vài ngày là đã mang lòng thầm yêu thầm nhớ anh.

Ở cái nơi bom đạn khói lửa có thể hy sinh bất cứ lúc nào, Nhân ý thức rất rõ điều này, nên anh thường không muốn làm cho bất cứ cô gái nào phải phật ý, thất vọng, đau khổ hoặc chán ghét anh. Cô nào muốn đưa tay cho anh nắm, anh sẽ nắm lấy. Cô nào muốn anh hôn, đương nhiên anh cũng không từ chối. Chỉ đến khi tâm thế đẩy đến cái nấc thang cuối cùng của tình yêu là trao nhâu thân xác, Nhân mới sực tỉnh và biết dừng lại.

Nhân đã vài ba lần biết dừng lại như thế. Chẳng hạn, trước khi bổ sung vào quân đội, trong cái đêm Nhân ở bên Lý, một công nhân nữ cùng trong đội sử chữa xe, qua ngòi bút tác giả: “…Đêm mùa xuân man mác, se lạnh, tiếng dế ru đêm não lòng, tần số yêu thương, đực cái gọi nhau, mưa lây phây ve vãn làm Nhân tỉnh hẳn rượu.

Ngắm Ly nằm, đường cong gợi cảm, sức trẻ trỗi dậy dâng trào, Nhân vào phòng khẽ lay, em vẫn bất động. Nhân xoa má em, nóng ấm râm ran, chạm nhẹ vào đôi môi nóng hổi, em vẫn không hay biết… Nhân suy nghĩ: “Có nên chiếm đoạt em không? Tỉnh dậy em vui hay buồn? Liệu em còn kính trọng, quý mến, yêu thương như những ngày qua không?...”

Và Nhân đã nén niềm ham muốn mà dừng lại. Thời hiện đại bây giờ rất có thể một số bạn trẻ đọc đến đây chưa chắc đã tin Nhân có thể xử sự như thế, nhưng tôi thì rất tin. Văn hóa Việt Nam thời bấy giờ vẫn còn ảnh hưởng Nho giáo thì lối ứng xử như thế không có gì lạ.

Khi trở thành anh bộ đội hành quân vào chiến trường, Nhân và các đồng đội, cả nam và nữ đã chứng kiến cảnh “…B52 cùng các chủng loại đánh tập trung vây tròn cánh rừng, đủ loại vũ khí giết người. Bom bướm treo lơ lửng cánh cây, bom lá nằm dưới đất, bom bi nổ chậm, nổ nhanh, bom phát quang nổ cách đất 20 đến 30 phân, cắt ngang ống chân người, bom từ trường, bom tạ, bom tấn nổ chậm, nổ nhanh…”. Khi đi qua ngã ba Đông Dương, tác giả viết: “…từng giờ từng phút đối đầu với tử thần, một tháng chốt ở đây cũng đáng là Anh hùng rồi. Mấy anh lính máy ủi sống qua mầy mùa mưa thật là quả cảm!”

Thời thanh xuân như thế - 2

Tác giả Vũ Viết Ngà

Như đồng lõa với bom đạn, thiên nhiên cũng sinh ra những sinh vật hại người: “…Ngày mưa vắt nhiều vô kể, vắt xanh nhảy tanh tách ngang mặt người, vắt đen ngo ngoe như hàng trăm tên lửa nhỏ, bám vào chân. Anh em đã xoa thuốc chống vắt, đi gệt, đi gang mà đêm nào cũng bị một vài con ăn no máu, lăn tròn trong võng đôi…”. Rồi  hổ, báo, trăn, rắn độc… cũng là những kẻ gieo rắc sự chết chóc cho những người lính. Người lính bị thương, đưa được về quân y rồi đồng đội cũng chưa thể nguôi nỗi lo âu: “…Tới bệnh viện mới thật kinh hoàng, nhiều đơn vị dính bom quá. Tiếng gọi người tình nguyện hiến máu, tiếng kêu thất thanh, chân tay người bị cắt bỏ, máu lênh láng, xác người phủ mặt khiên ra…”.  

Vũ Đức Nhân đã bao lần phải lo mai táng cho đồng đội. Đã có lúc Hồng, một chiến sĩ nữ ôm lấy vai Nhân thì thầm: “…Ở đây, khổ nhất là phụ nữa. Đại đội em 120 đứa con gái mà đã ai có chồng đâu. Trai làng đi hết, tưởng ra mặt trận sẽ có người yêu. Bộ đội hành quân đi qua như cơn gió. Nhiều chị xin anh lái xe qua đường đứa con mà chẳng được….”. Chứng kiến cảnh ấy mà Nhân có tình thương yêu và luôn tìm cách giúp đỡ các đồng đội nữ. Vậy cho nên gần đến ngày hòa bình Nhân gặp và yêu một người đồng đội nữ, họ tổ chức lễ cưới ngày trong cánh rừng còn phảng phất khói bom.

Đối mặt với kẻ thù đã quá nguy hiểm, lao tâm khổ tứ rồi, trong đơn vị đôi khi cũng gặp những chuyện phiền phức. Vũ Đức Nhân luôn là người gương mẫu, quả cảm, xung phong vào những nơi bom đạn đánh phá ác liệc để làm nhiệm vụ. Chẳng hạn anh và tổ của anh đã có mặt ở trọng điểm có rất nhiều xe của ta bị bắn hỏng nhưng địch lại rải xuống đấy rất nhiều bom mìn chưa nổ; anh và đồng đội phải rà tháo loại bỏ chúng mới có thể làm nhiệm vụ tháo lấy phụ tùng xe được, khi về đơn vị được cấp trên khen thì lại cũng có người ghen ghét, độ kỵ, gây khó dễ chuyện này chuyện khác.

Lại có những vị lãnh đạo khi phát biểu trước đơn vị thì nói rất hay ho nhưng khi đơn vị gặp hiểm nguy thi lại đùn đẩy cho Nhân và đồng đội của anh đối mặt với cái chết trong gang tấc. Và chuyện đáng buồn nhất là khi đất nước hòa bình cũng là khi sức khỏe của Nhân đã bị hao mòn nghiêm trọng, quân y khám rồi đề nghị lên cấp trên cho anh về chế độ mất sức, cấp trên đồng ý, nhưng người phụ trách chi bộ lại không chuyển giấy sinh hoạt Đảng cho anh. Đấu tranh mãi không được, Nhân đành buông bỏ.

Nhưng khi đã là một hạt giống tốt thì gieo vào đất nào cũng sẽ nảy mầm và lớn lên thành cây sinh hoa kết trái. Nhân về sống cùng vợ trong một dãy nhà tập thể ở thủ đô Hà Nội. Nhận ra anh là một người có năng lực, có phẩm chất một người lính chiến trường, luôn biết vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, Ủy ban Nhân dân phường đã mời anh ra tham gia công tác, cho dù vị trí rất khiêm tốn, nhưng Nhân đã chứng minh cho họ thấy phẩm chất Đảng viên vẫn nguyên vẹn trong anh. Nhiều năm làm công tác ở phường, Nhân đã để lại hình ảnh rất ấn tượng của mình trong trí nhớ và tình yêu của nhiều cán bộ và nhân dân trong khu phố.

Như trên tôi đã nói, Thời tuổi trẻ là cuốn tiểu thuyết tự truyện, tác giả chưa phải là nhà văn được đào tạo bài bản, đôi chỗ viết theo bản năng, kết cấu còn xộc xệch, nhưng phần nhiều là những trang viết về chiến tranh rất đậm đặc hiện thực, không hoa hòe hoa sói, chính điều đó đã cuốn hút tôi đọc hết tác phẩm, để tôi viết bài này thay cho lời chúc mừng tác giả.

Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.