Quên

Bác sĩ Hoàng ngả lưng xuống ghế sofa. Đánh một tiếng thở dài. Nằm vật xuống. Một ngày làm việc mệt mỏi. Bệnh nhân quá nhiều khiến ông rơi vào tình trạng đuối sức. Tiếng dép loẹt quẹt của chị giúp việc, rồi có tiếng thưa:

- Ông đã về ạ, để con nấu nước cho ông ngâm chân, lát khỏe ông đi tắm và ăn cơm luôn ạ! Cơm canh con để sẵn ở bàn ăn.

Ông cau có nhìn dáng vẻ cũ kỹ của người phụ nữ nhà quê. Miệng gắt gỏng:

- Bà chủ đâu? Sao ngày nào tui cũng thấy chị loay hoay một mình trong cái nhà này, riết rồi bệnh ra đấy!

- Dạ, bà chủ đi nhảy đầm. Con quen rồi ông, lu bu công việc cả ngày còn thời gian đâu mà ủ ê ông ơi.

Rồi chị lại lúi húi xuống bếp lấy nước cho ông chủ. Nhìn cái dáng cũ mèm quê mùa ấy, tự nhiên mũi ông cứ cay cay. Bao lâu rồi ông chưa về quê. Chẳng biết. Từ ngày mở phòng khám tư gần bệnh viện nơi ông làm, chẳng còn chút thời gian nào cho ông nghỉ ngơi để về thăm mẹ già. Công việc cứ cuốn ông đi. Khách hàng phòng khám đông nghịt. Bởi từ hồi làm bệnh viện, ông là trưởng khoa sản nên khi mở phòng khám, mọi người rỉ tai nhau rồi đến ngày một đông hơn. Chủ yếu ông khám thai, trị hiếm muộn và tư vấn dưỡng thai cho các sản phụ. Tuy nhiên, cũng có một số ca nạo phá thai. Chuyện con cái đối với một số người trẻ giống như trò chơi. Ban đầu ông kiên quyết từ chối, không nhận những ca như thế này. Nhưng bệnh nhân đến, nhu cầu giải quyết cái thai ngày càng nhiều, một vài lần ông tặc lưỡi "thôi kệ" rồi tiến hành làm cho người ta. Ông vẫn luôn khuyên răn một số người nếu thai to quá thì nên giữ, đừng hủy hoại cuộc đời một đứa trẻ tàn nhẫn như vậy. Ông vừa là người chữa hiếm muộn, lại là người chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Hơn ai hết, ông cảm nhận được niềm khao khát của vợ chồng hiếm muộn là như thế nào. Tuy nhiên một số người trẻ, sinh viên lỡ dại thì ông cũng nhắm mắt đưa tay giúp.
 

Quên - 1
 Minh họa: Phùng Minh.

Tiếng vợ ông oang oang, xua tan suy nghĩ trong đầu ông lúc này:

- Ông về hồi nào thế, hôm nay có vẻ sớm sủa nhỉ? Ăn gì kêu con ở nó làm thêm cho, cũng sắp tới ngày của ông rồi đó, có lộc lá gì chưa?

Ông bỏ sofa vào phòng. Mặt nhăn nhó:

- Lộc liếc gì, bằng đó tiền đưa về hằng ngày chưa đủ sao?

- Đủ sao được mà đủ, vẫn cần nhiều lắm ông ạ, mua sắm, spa, ăn uống, tất tần tật mọi thứ trong nhà tui lo chứ ai lo!

Ông Hoàng nhìn vợ một cách mệt mỏi. Cảm giác chán chường len lỏi vào đầu. Hình như lâu lắm rồi ông bà không còn có những cảm xúc lãng mạn. Ông lao tâm vào công việc ở bệnh viện, phòng khám, rồi quần quật kiếm tiền cho cả gia đình. Còn bà, từ khi ông mở phòng khám, bà chỉ tạt qua mấy lần, hỏi han nhân viên mấy câu rồi lại tất bật đi. Bà đi chơi, đi mua sắm, đi nhảy đầm. Bà bảo có ông chồng kiếm ra tiền nhiều để làm gì, phải tiêu chớ. Con cái nay đã lớn rồi, bà cũng để cho chúng tự lo. Bây giờ tụi trẻ thích tự do, thoải mái.

Có tiếng gõ cửa. Chị giúp việc vội vàng chạy ra. Trước mặt là một bà mẹ và một cô gái, dáng vẻ mệt mỏi đang lúi húi đỡ nhau. Bà mẹ vừa ôm cô gái vừa van xin:

- Cô ơi cho tui gặp bác sĩ chút đi, nhờ bác cứu con tui với, nó bị làm sao rồi này!

Ông Hoàng chưa kịp xỏ dép vào chân, bà vợ đã đi ra, miệng đông đổng:

- Giờ này bác sĩ nghỉ rồi, về đi nhá!

Ông Hoàng trợn trừng mắt nhìn vợ, máu nóng dồn lên tận đầu. Ông không thể ngờ vợ mình nay đã khác quá, tính tình, bản chất thay đổi hoàn toàn, không còn là người quê lành hiền ông từng biết nữa. Bỏ mặc lời càm ràm của bà, ông ôn tồn:

- Nào vào đây, cháu bị sao nào?

Vừa nói, ông vừa nhanh nhẹn đi ra, đỡ lấy cô gái. Bà mẹ luống cuống. Hai mẹ con dìu nhau ngồi xuống ghế.

Ánh nhìn chạm nhau, ông thốt lên:

- Dì Hoa!

Người mẹ lúc này mới nhìn lên, nước mắt chảy dài trên gò má khắc khổ.

- Là dì đây!

Ông Hoàng luống cuống đỡ cô bé lên ghế. Lật đật chạy vào nhà lấy ống nghe, dụng cụ y tế. Cô bé dường như đau lắm, miệng không ngừng rên rỉ. Phút chốc, dì cháu gặp nhau chưa kịp hỏi han, ông vội khám cho cô bé. Kết luận cháu có thể bị đau ruột thừa, phải chuyển ngay vào bệnh viện. Nếu không mổ kịp sẽ nguy hiểm tính mạng. Ông chạy vội ra phía sau, kêu chị giúp việc cùng bà mẹ dìu cô bé lên xe.

                                                                                                          ***

Những ngày hôm sau, khi mọi việc đã ổn định trở lại. Cô bé được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Dì cháu ngồi bên nhau, ông Hoàng mới biết dì lên thành phố đã mấy tháng nay. Dì đi làm nuôi con gái ăn học. Vậy mà... cho đến khi có chuyện xảy ra, dì mới dám đến tìm nhờ ông giúp đỡ. Ông cúi đầu lặng lẽ bên người dì tội nghiệp, nỗi ân hận cứ dâng đầy lồng ngực.

Người ta cứ trưởng thành làm gì, thành đạt đến ra sao để khi người thân trong gia đình cần đến, ông cũng chẳng biết được. Chỉ vì sợ phiền lụy đến gia đình ông mà mấy tháng ở thành phố, lăn lộn bán buôn kiếm tiền nuôi con ăn học, dì chưa một lần đến gõ cửa nhà ông.

Trái tim vị bác sĩ nhân hậu nhói lên từng chặp. Ông ngồi lặng lẽ bên hành lang, chờ dì đi mua cháo cho con gái. Ánh mắt buồn xa xăm nhìn những chiếc áo blouse trắng đang vội vã bên băng ca. Những ngày khi mới đặt chân tới đây, ông cũng từng vội vã như thế, chỉ lo chậm một phút hay vài giây thôi, bệnh nhân của mình sẽ nguy kịch. Lâu dần ông quen với việc tiếp xúc người bệnh. Sự bình tĩnh, tự tin với tay nghề của mình giúp ông lên được chức vụ cao hơn. Nhưng hôm nay ngồi ở đây, ông thấy mình nhỏ bé quá.

Nhìn về phía xa xa, chiếc bàn làm việc của ông. Hằng ngày ở đó vẫn để một biểu tượng cây gậy và con rắn quấn quanh, nhắc nhở ông về những việc đã làm của một vị bác sĩ. Ông nhớ về mẹ, về ngôi nhà đầy ắp tiếng cười thuở ấu thơ. Ở đó có tiếng cha dạy đứa con thơ học bài, tiếng kẽo kẹt bên khung cửi mẹ ngồi dệt vải, những đứa em ríu ran. Lần đầu tiên trong cuộc đời ông chứng kiến cha nằm bất động bởi một cơn đau co thắt lồng ngực. Rồi cứ thế cha bỏ mẹ con ông ở lại nơi quê nhà, không một lời từ biệt để đi đến phương trời xa xôi. Chứng kiến cảnh mẹ hằng ngày vật lộn từng miếng cơm nuôi anh em ăn học, ông quyết tâm phải học thật giỏi để có thể giúp người chữa bệnh, giúp gia đình và mẹ, để không có những cuộc chia ly tức tưởi như cha đã từng. Vậy nhưng khi thành đạt rồi, ông lại quên mất chốn xưa, quên lối về ven quê ngày nào.

Tiếng dì Hoa nhỏ nhẹ bên cạnh:

- Mẹ nhắc con nhiều, bà cũng gần đất xa trời rồi. Biết con bận quá không về được, nhưng ngày nào bà cũng ngóng. Ở quê giờ bà đủ đầy hết, con cháu đầy đàn nhưng vẫn luôn ngóng mỗi mình con thôi đó.

Bác sĩ Hoàng cầm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của dì, nghe lòng mình dịu lại.

- Chắc mai con thu xếp về quê. Dì có về cùng con không?

- Dì còn em chưa khỏi, ra viện phải đi học nữa. Mai dì tranh thủ đi làm, mấy nay không bán, khách quen người ta đi hết rồi!

Ông bảo:

- Hay dì đến nhà con, cho em ở tạm. Bao giờ ổn thì dì chuyển ra cũng được. Nhà con rộng rãi, có dư phòng, dì tới ở cho vui. Con đi làm cả ngày, vợ cũng bận bịu nên ít khi có nhà lắm.

Người dì cúi xuống, lấy tay vân vê tà áo.

- Thôi con, phiền lắm. Dì ở trọ được rồi.

Câu “phiền lắm” buột ra khỏi miệng người đàn bà quê khắc khổ, nhưng ông Hoàng lại thấy nhói đau.

                                                                                                    ***

Chuyến về quê dự tính sẵn nhưng ông lại không thể vì bệnh nhân có lịch khám tới ngày, tới kỳ quá đông. Nó dồn ông quay cuồng trong công việc. Khi đặt ống nghe xuống mỗi ngày cũng là lúc màn đêm tối mịt bao phủ lấy con đường trở về nhà. Những ý nghĩ vẩn vơ cứ lộn xộn trong đầu ông. Đã bao lâu rồi ông chưa ăn một bữa cơm quê có bàn tay của mẹ, những món ăn giản dị, đậm vị. Đêm nay, trở về nhà trong không khí buồn ảm đạm, đến trước ngôi nhà cao tầng, ánh đèn sáng rực nhưng ông không muốn bấm chuông cửa. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, ông quay xe trở lại, chạy về hướng cao tốc. Vợ đi nhảy đầm vừa về tới, thấy bóng chiếc xe của ông lao vút đi trong màn đêm, bà với tay ú ớ nhưng không kịp.

Ông chạy xe băng băng trên cao tốc, như chợt nhớ ra chỉ chậm thêm một ngày thôi, ông sẽ không còn cơ hội được gặp mẹ, gặp những người thân yêu nơi làng quê ấy.

Đón ông ở quê nhà là bước chân tập tễnh của mẹ già. Mái tóc bạc phơ, đôi tai hơi nghễnh ngãng. Bà không nhận ra ông cho tới khi ông ngồi xuống bên bậu cửa, cất tiếng nghẹn ngào:

- Con về rồi, mẹ ơi!...

Theo QĐND

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ