“Bến nước thời gian” - Vở kịch hay về đề tài chiến tranh

Nhà hát Tuổi trẻ mới dựng và công diễn vở kịch nói “Bến nước thời gian” của cố tác giả Tạ Xuyên, chuyển thể từ truyện ngắn “Mười ba bến nước” của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh do Giám đốc nhà hát, NSƯT Sỹ Tiến đạo diễn.

Truyện ngắn này của Sương Nguyệt Minh đã được khẳng định, nổi tiếng từ lâu. Tác phẩm cũng đã được chuyển thể sang phim điện ảnh. Bộ phim cùng tên cũng đạt được nhiều giải thưởng trong một Liên hoan phim sau khi ra đời và được giới điện ảnh ghi nhận giá trị đồng thời được các đơn vị kịch hát như chèo, cải lương đưa lên sân khấu. Tất cả đều gặt hái thành công khi được công chúng hào hứng đón nhận. Có thể nói đó là những cái bóng khiến đơn vị nào dựng lại vở này không thể không cố gắng, nỗ lực mới mong được công chúng đón xem. Rất mừng là Nhà hát Tuổi trẻ đã chẳng những không bị những cái bóng kể trên che khuất mà phần nào còn sáng sủa hơn bởi một phong cách trình diễn mới mẻ, độc đáo với nhiều sáng tạo mà các tác giả từ truyện đến biên kịch khó có  thể hình dung.

“Bến nước thời gian” - Vở kịch hay về đề tài chiến tranh - 1

Một cảnh trong vở diễn

Tư tưởng chủ đạo của cả truyện ngắn và vở kịch đương nhiên đều nhất quán là thân phận người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, cụ thể là những bi kịch của họ thời hậu chiến với những nỗi vất vả, cực nhọc về thể chất, đau đớn, dằn vặt về tinh thần mà không một nỗi đau nào có thể so sánh được. Một cô Sao vừa cưới chồng được 2 ngày thì chồng lên đường nhập ngũ, còn chưa kịp “động phòng”. Trong chiến tranh, lại khốc liệt như ở miền Nam Việt Nam thì không dễ biết được tin tức ngoài chiến trường. Vậy nên chồng cô đã đi đằng đẵng, biền biệt để cô ở nhà phải khắc khoải mong ngóng từng ngày chẳng khác nào nàng Vọng Phu ngóng chồng. Ngày ngày, cô ra bến nước đem áo chồng ra giặt cho bớt nỗi nhớ. Rồi hết chiến tranh, chồng về thì lại khiến cô rơi vào bi kịch khi sinh nở hai lần đều là quái thai do anh bị nhiễm chất độc màu da cam. Tất thảy mọi người khi đó chưa biết tới điều này, chỉ đổ cho cô là vô phúc và họ ép chồng cô phải lấy vợ khác. Chỉ đến khi cô vợ thứ hai cũng sinh ra quái thai, quá hoảng sợ nên bỏ đi thì mọi người mới biết sự thật. Và Son đã trở về với chồng bằng tấm lòng độ lượng, nhân hậu và vị tha vì cô thấy Lãng - chồng cô - hơn bao giờ hết rất cần có mình lúc này.  

Có thể nói, nhân vật Son đã được diễn viên vào vai rất thành công, lột tả được hình tượng người phụ nữ nông dân Việt Nam mang đầy đủ mọi phẩm chất truyền thống tốt đẹp nhất: thảo hiền, tần tảo, chịu khó, chịu đựng, hy sinh, nhân hậu, vị tha, hiện trên sân khấu một cách rất sinh động, chiếm được sự đồng cảm, chia sẻ của người xem tuyệt đối. Vai này nếu diễn không khéo, không giỏi sẽ dễ khiến nhân vật giống với mọi vở diễn khác vì cái “mô-típ” này không mới do từng xuất hiện nhiều trong văn học, điện ảnh cũng như sân khấu.

Ngoài ra, tập thể diễn viên của vở diễn khá đồng đều như “nhập” hết vào tác phẩm để tái hiện vùng quê đồng bằng Bắc Bộ chứa chất biết bao chuyện vui, buồn thời chiến tranh. Những vai diễn phụ như các quần chúng, bà con nông dân cũng đã hết mình, rất nhập vai để tạo nên không khí cần thiết của những lớp kịch sinh động. 

Đạo diễn Sỹ Tiến rất khéo điều chỉnh tiết tấu vở diễn, tạo nên sự hài hòa, hợp lý giữa những lúc sôi động, náo nhiệt và những giây phút lắng đọng phù hợp với từng cảnh huống và diễn biến tâm lý nhân vật khiến người xem thấy thú vị, được lôi cuốn từ đầu đến cuối vở. Đến phút kết thúc, khán giả có cảm giác vở diễn ngắn vì còn muốn xem thêm. Đó là sức hấp dẫn, lôi cuốn của “Bến nước thời gian”. Có vẻ như khi dàn dựng, đạo diễn ngồi từ xa chỉ đạo luôn đặt mình vào vị thế người xem để xử lý mọi tình huống, diễn xuất của diễn viên trên sân khấu mà tiết chế để sao cho hợp lý và đắt nhất. 

Tạo hình, thiết kế sân khấu của vở cũng là một sáng tạo độc đáo, rất đáng ghi nhận. 500 lít nước đã được huy động lên sân khấu, tạo một bến nước như thật để gây thêm cảm hứng cho diễn viên và cảm xúc cho người xem. Tất nhiên, lâu nay sân khấu là cách điệu. Cái gì ở ngoài đời cũng có thể có cách biểu hiện, khiến người xem hiểu được. Bằng diễn xuất, người xem cũng sẽ biết cô Sao ngày nào cũng ra bến nước giặt áo cho chồng, hoặc chồng cô lúc trở về khỏa chân xuống nước, rồi vốc nước lên mặt ra sao. Nhưng có nước thật thì diễn viên ắt sẽ có điều kiện nhập vai hơn và diễn cũng sẽ hứng thú hơn. Gần như từ đầu đến cuối vở diễn chỉ là một bối cảnh. Thiết kế sân khấu cũng rất thông minh khi không phải tốn kém nhiều mà vẫn tạo nên một không gian thoáng, mở cho diễn viên diễn bằng việc để sân khấu quay với nhiều góc độ thay đổi. Âm nhạc cũng được xử lý tốt, không ồn ào, lấn lướt, đã phục vụ đắc lực cho việc biểu hiện tư tưởng của vở kịch. Những chỗ có âm nhạc xuất hiện đều đích đáng, giúp người xem thấu hiểu, cảm nhận thêm tâm trạng nhân vật và những điều tác giả gửi gắm trong mỗi tình huống kịch. 

Một tâm lý khá phổ biến là cuộc chiến tranh càng lùi xa, con người ta đã quen với cuộc sống thời bình trong những tiện nghi vật chất thì càng ngại xem, nghe, đọc những tác phẩm văn nghệ nói về chiến tranh. Nhưng đó là những tác phẩm mà tác giả còn non tay trong việc biểu hiện. Người ta thấy chiến trường khốc liệt với đạn bom long trời, khói lửa mù mịt, xác người ngã xuống chất chồng nơi chiến địa đã lấn át thân phận con người với những thế giới nội tâm phong phú, rắc rối, phức tạp, những nỗi đau tưởng không bao giờ có thể nguôi ngoai. Nhưng nếu con người được hiện ra sinh động nhất với mọi ngóc ngách tâm tư phong phú nhất thì công chúng sẽ không quay lưng mà tìm đến, coi như món ăn tinh thần ngon lành, ưa thích. Chiến tranh chỉ là cái cớ, chỉ là bối cảnh để người sáng tác nói về con người đa dạng, đầy đủ nhất, để người thưởng thức tác phẩm trỗi dậy tình yêu thương, sự chia sẻ và đồng cảm nhất với mỗi số phận, mỗi cuộc đời. Đó chính là tính nhân văn cao cả của tác phẩm. Chỉ khi đạt được điều này, người nghệ sỹ mới hoàn tất được sứ mạng của mình, tác phẩm mới tìm được công chúng.

“Bến nước thời gian” của Nhà hát Tuổi trẻ đã tiếp cận được điều này. Nội dung vở kịch hoàn toàn diễn ra ở hậu phương - một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không có khói lửa chiến trường, không có đạn bom và những trận huyết chiến. Vậy mà ta thấy chiến tranh thật cực kỳ ác liệt, thảm khốc. Và con người trong chiến tranh hơn bao giờ hết đã bộc lộ hết tâm hồn, tính cách của mình. Điều thú vị là vở kịch chỉ toàn những nhân vật tốt, gọi là “tích cực”, chính diện, không có nhân vật nào xấu, phản diện như thông lệ mà người xem thấy vẫn rất hấp dẫn, vẫn rất “căng” - tức mâu thuẫn được tập trung và đẩy lên cao trào thật khéo, lô-gic.

Trong vở kịch, nhân vật Tào tuy có hành vi cưỡng hiếp cô Sao (không thành do chưa thực hiện được thì bị dân quân xã bắt). Nhưng cũng không phải là nhân vật xấu. Anh ta bị thương nặng nên phải trở về. Nhưng bị dư luận hiểu lầm là tự bắn vào chân mình để bị thương mà được về. Điều này khiến anh ta buồn phiền mãi và mặc cảm tội lỗi với dân làng. Tào lại là người yêu cũ của Sao nhưng vì cô nghe tin anh đã hy sinh nên mới lấy Lãng. Trở về, Tào thêm điều đau khổ này nữa. Anh ta vẫn còn rất yêu Sao, lại kém ý chí, nghị lực nên trong một giây phút nông nổi đã để dục vọng trỗi dậy khi nhìn thấy Sao tắm ở bến sông giữa đêm tối và anh đã không làm chủ được mình. Chi tiết này không làm cho Tào thành nhân vật xấu mà rất “con người”. Ta hoàn toàn có thể chấp nhận được bởi những gì anh từng phải trải qua. Diễn viên vào vai này đã không khiến người xem ghét nhân vật mà còn rất ái ngại, xót thương.

Kịch không có hai tuyến nhân vật đối kháng địch - ta, tốt - xấu, chính diện - phản diện mà xem vẫn rất “căng”. Đây là cái giỏi của tác giả kịch bản và đạo diễn nếu không khéo, nội dung dễ bị mòn, nhạt. Xem vở này, tôi bỗng nhớ đến vở “Nguồn sáng trong đời” của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Cũng chỉ toàn người tốt mà do tác giả khéo viết, vở diễn đã rất hấp dẫn, cuốn hút sự tập trung của khán giả đến mức khán phòng im phăng phắc vì ai nấy đều chăm chú theo dõi từng lời thoại, từng diễn biến của vở.

Qua thành công của vở diễn, thêm một lần nữa khẳng định: Công chúng hôm nay không hề quay lưng với sân khấu, ngược lại, vẫn còn rất yêu thích nếu mang đến cho họ những vở hay, sâu sắc về tư tưởng, sáng tạo, tìm tòi về nghệ thuật. Vở diễn bàn ở trên của Nhà hát Tuổi trẻ là một minh chứng./.               

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.