Đôi điều suy nghĩ về sân khấu cải lương hôm nay

Có thể nói, lực lượng trung tâm của nghệ thuật sân khấu đã đóng góp công sức rất lớn về sáng tạo của mình cho sự thành công của các tác phẩm sân khấu. Họ đã thực sự biến sàn diễn không chỉ là nơi thi tài mà còn là nơi chuyển tải những thông điệp nóng nhất của tác phẩm sân khấu đến với khán giả đương đại. Những giải thưởng cao dành cho những vai diễn xuất sắc là điều không thể khác. Tuy nhiên, cho dù có được những thành công đã nêu trên, nhưng vẫn còn có những điều đáng tiếc, dù rất nhỏ, nhưng nó được ví như những hạt sạn trong một bữa tiệc thịnh soạn của cả cuộc Liên hoan...

Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức từ ngày 05/11 đến ngày 20/11/2022 tại Nhà hát Đoàn Cải lương Long An, TP. Tân An, với sự tham gia diễn thi của 868 nghệ sĩ qua 27 vở diễn của 22 đơn vị nghệ thuật cải lương trong toàn quốc.

Đôi điều suy nghĩ về sân khấu cải lương hôm nay - 1

Lễ bế mạc, tổng kết và trao giải Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 tổ chức vào tối 20/11, tại TP Tân An, tỉnh Long An. 

Như chúng ta đã biết, nếu đề tài lịch sử của dân tộc ta trong mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước là mảnh đất mầu mỡ để nghệ thuật tuồng khai thác; đề tài dân gian là ưu thế để nghệ thuật chèo thể hiện qua hát, múa và diễn; đề tài đương đại là thế mạnh của kịch nói, thì, các loại đề tài nêu trên với các thể loại bi kịch, hài kịch và chính kịch… không biết tự bao giờ đã trở thành một thế mạnh như một sự “đóng đinh” về khả năng dung nạp, chuyển tải đầy ngọt ngào của nghệ thuật sân khấu cải lương… 

Trong tổng số 27 vở diễn tham dự Liên hoan, có 07 vở diễn đề tài lịch sử, 04 vở diễn đề tài dân gian, 16 vở diễn đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài đương đại. Điều ấy, chứng tỏ đề tài được khai thác qua các vở diễn tại Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 thực sự phong phú và rất đa dạng...

Hơn thế, từ sự sáng tạo độc lập của những tác giả qua khâu kịch bản với bố cục chặt chẽ, cách kể câu chuyện kịch khéo léo, cộng với sự hỗ trợ đầy hiệu quả của các nghệ sĩ thuộc các thành phần sáng tạo khác như: nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa… dưới bàn tay “phù phép” của các đạo diễn để làm rõ đặc trưng: “tự sự, trữ tình và kết thúc có hậu” của kịch hát cải lương. 

Và nhất là, qua quá trình “lao tâm, khổ tứ” trong lao động sáng tạo nghệ thuật của các diễn viên - lực lượng trung tâm của nghệ thuật sân khấu, Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 đã xuất hiện nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao, chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc, được chuyển tải qua những nội dung hấp dẫn: tập trung ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu thương giữa những con người; đó còn là sự thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của ông cha xưa trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước và những con người mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta...

Có thể ví, mỗi vở diễn là một đóa hoa với những sắc màu khác lạ, thật khó trộn lẫn đã tạo nên một dáng vẻ hết sức riêng biệt, với một sức hút lạ kỳ của Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 tại TP Tân An, tỉnh Long An.

Đôi điều suy nghĩ về sân khấu cải lương hôm nay - 2

Bên dòng Long Khốt (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An) là 1 trong 2 vở xuất sắc nhất tại Liên hoan.

Liên hoan lần này, vẫn có sự hiện diện tên tuổi của những nhà viết kịch thực sự có uy tín trong loại hình kịch hát dân tộc. Chính “thủ pháp biên kịch mang đậm dấu ấn về cá tính sáng tạo của cá nhân”, cộng với việc sử dụng một cách linh hoạt, chuẩn xác hệ thống bài bản cải lương và các thể điệu lý dân ca Nam bộ của các tác giả chuyển thể đã tạo ra rất nhiều đất cho người diễn viên “trổ giọng, phô tài”.

Những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả dành cho nghệ sĩ biểu diễn qua những lớp kịch hấp dẫn, đã tạo nên sự thăng hoa về cảm xúc để các nghệ sĩ tiếp tục hóa thân vào nhân vật mà họ đang diễn thi... Phía sau các tác giả, tuy tuổi đã cao nhưng bút lực vẫn còn rất sung mãn, đã xuất hiện những tác giả trẻ, họ đã tạo được sự “lấp lánh” qua khâu biên kịch hoặc chuyển thể cải lương. Có tác giả trẻ đã mạnh dạn “đột phá” vào thể tài mà loại hình sân khấu kịch hát dân tộc rất khó thực hiện…    

Liên hoan lần này, cùng với các đạo diễn đang tiếp tục khẳng định tài năng của mình, đã xuất hiện những đạo diễn trẻ khác trong những vở diễn thi. Đội ngũ đạo diễn đã chứng minh được sức nặng của mình với trọng trách “trưởng ê-kíp sáng tạo của vở diễn”.

Nhiều vở diễn đã đạt được sự thăng hoa về cảm xúc bởi nội dung vở diễn sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao và thật sự có giá trị về tư tưởng, bởi các đạo diễn đã phát huy được thế mạnh và sự hỗ trợ đầy hiệu quả của các thành tố khác như: âm nhạc, mỹ thuật, múa… và đặc biệt là việc áp dụng thủ pháp gián cách trong biểu diễn và thủ pháp tượng trưng, ước lệ của sân khấu truyền thống qua trang trí, với sự chỉnh chu trong từng cảnh diễn, qua đó đã tạo nên một kết cấu tổng hòa chặt chẽ, tạo đất cho các diễn viên thỏa sức thi tài.…

Về thiết kế mỹ thuật sân khấu, nhìn chung, các họa sĩ  đã có những tìm tòi về trang trí sân khấu, kết hợp giữa các thủ pháp: tả thực, cách điệu, ước lệ, tượng trưng; kết hợp giữa trang trí sân khấu và màn hình led, tạo được sự hoành tráng, đẹp… và cùng với đạo diễn đã tạo ra hiệu quả cho diễn xuất của diễn viên trong việc mở rộng không gian sân khấu…

Bên cạnh đó, có một số vở diễn đã thiết kế phục trang phù hợp với tính cách nhân vật, phù hợp với lịch sử của triều đại mà nhân vật đang sống; nhiều trang phục cho các màn múa - nhất là mở và đóng của vở diễn - đẹp, lộng lẫy và tham gia vào xử lý của đạo diễn để vở diễn có được chất lương cao hơn…   

Âm nhạc và múa là hai thành tố không thể thiếu của một tác phẩm sân khấu cải lương. Trong Liên hoan, âm nhạc của một số vở diễn, đặc biệt là những vở diễn về đề tài lịch sử và một số vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng đã cùng với múa qua thủ pháp xử lý của đạo diễn, hai thành tố này đã phối hợp nhuần nhuyễn, hỗ trợ đắc lực và đầy hiệu quả cho diễn xuất của diễn viên diễn thi, tạo nên nhiều cảnh diễn đạt hiệu ứng cao về tính thẩm mỹ, tính trọn vẹn của một tác phẩm sân khấu.

Nhiều dàn nhạc cổ đã thể hiện rõ: Âm nhạc là linh hồn của diễn viên! Họ đã hỗ trợ một cách không thể hiệu quả hơn, tạo cho nhân vật kịch trên sân khấu hội đủ tâm trạng, dồn nén cảm xúc để rồi cất lên những bài ca và kết thúc bài ca trong sự tưởng thưởng nồng nhiệt của khán giả trong khán phòng.

Về nghệ thuật diễn xuất của các diễn viên, điều dễ dàng nhận diện nhất ở tất cả các nghệ sĩ tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 là lửa nghề, tình yêu dành cho nghệ thuật cải lương và nỗi khát khao được thể hiện tài năng trước khán giả. Tình yêu và lửa nghề càng đáng trân trọng hơn trong điều kiện các loại hình nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng đang ở trong giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Thế nhưng, vượt lên tất cả những khó khăn, cực nhọc của đời thường, với ý thức xã hội và trách nhiệm công dân cùng tình yêu nghề cháy bỏng, những nghệ sĩ biểu diễn xác định: Liên hoan là ngày hội lớn của những người làm nghề, và đó cũng là nơi trao truyền nhanh nhất, hiệu quả nhất những kỹ năng sáng tạo đặc biệt về nghề nghiệp!

Nhiều thế hệ nghệ sĩ như Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và rất nhiều các diễn viên trẻ dù đảm nhận vai chính hay vai phụ đều cho thấy sự chăm chút đầu tư cho nhân vật của mình khi xuất hiện trên sân khấu với những giọng ca hay, những lớp diễn tinh tế, xuất thần, tạo được sự long lanh qua những hình tượng nhân vật cụ thể trong từng vở diễn.

Điểm đáng chú ý trong Liên hoan lần này là, cách thể hiện các nhân vật về đề tài lịch sử hầu hết các nghệ sĩ đã tiếp cận được với lối diễn dung dị, đầy cảm xúc. Các nhân vật lịch sử vì vậy mà gần gũi hơn, đời thường hơn, từ đó đã để lại cho khán giả nhiều cảm xúc chân thật hơn...

Sự tiếp nối thế hệ là một trong những điểm sáng của Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021. Nhiều đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn đặt niềm tin vào lứa nghệ sĩ trẻ. Các em đã được giao những vai diễn nặng đô trong vở diễn và được sự hỗ trợ hết lòng của những nghệ sĩ dạn dày kinh nghiệm. Đặc biệt hơn, một số đơn vị đã rất táo bạo khi quyết định đưa toàn bộ lực lượng trẻ đảm nhận các vai diễn quan trọng và hoàn toàn chịu trách nhiệm làm chủ sân khấu. Đây có lẽ cũng là Liên hoan có sự tham gia diễn thi của nhiều nghệ sĩ trẻ nhất từ trước đến nay. Đa phần các em được đào tạo chính quy, bài bản và có chất giọng, diễn xuất khá tốt…     

Đôi điều suy nghĩ về sân khấu cải lương hôm nay - 3

Vở Trái tim và đôi mắt (Đoàn nghệ thuật cải lương Bến Tre) đạt Huy chương Bạc.

Có thể nói, lực lượng trung tâm của nghệ thuật sân khấu đã đóng góp công sức rất lớn về sáng tạo của mình cho sự thành công của các tác phẩm sân khấu. Họ đã thực sự biến sàn diễn không chỉ là nơi thi tài mà còn là nơi chuyển tải những thông điệp nóng nhất của tác phẩm sân khấu đến với khán giả đương đại. Những giải thưởng cao dành cho những vai diễn xuất sắc là điều không thể khác.

Tuy nhiên, cho dù có được những thành công đã nêu trên, nhưng vẫn còn có những điều đáng tiếc, dù rất nhỏ, nhưng nó được ví như những hạt sạn trong một bữa tiệc thịnh soạn của cả cuộc Liên hoan.

Trước hết, Liên hoan lần này đã có nhiều vở diễn phản ánh ở nhiều giác độ về đời sống xã hội, từ cách viết đến dàn dựng và biểu diễn hết sức công phu để có được những hiệu quả khác nhau. Ngoài việc đề cao bốn đức: “Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa” trong các vở diễn đề tài lịch sử, đa phần các vở diễn đã chạm đến những vấn đề xã hội đang rất quan tâm, nó vừa có tính thời sự, lại vừa có tính gợi mở những nghĩ suy về “Thế - Thái - Nhân - Tình”…

Thế nhưng, trước thực tế của nghệ thuật sân khấu trong tình hình hiện nay, đội ngũ tác giả và đạo diễn sân khấu cải lương cần phải tiếp cận đời sống xã hội với một tâm thức mới, cách thể hiện bằng những thủ pháp khác lạ hơn, từ đó, chúng ta mới có thể chuyển tải được sức nặng của cuộc sống đương đại vào những tác phẩm mang tầm vóc mới, đáp ứng được sự chờ mong của khán giả trong cả nước đối với sân khấu cải lương.

Với các tác giả trẻ, vấn đề trước tiên trong viết kịch là phải có được ý tưởng để hình thành tác phẩm. Một khi không xác định được bối cảnh, kết cấu kịch thiếu logic, thiếu các sự biến để tạo ra các xung đột và hành động xuyên của từng nhân vật, thì những ý tưởng cũng chỉ là ý tưởng mà thôi!

Có tác giả, qua câu chuyện kể của người ông với mong muốn các con cháu của mình hãy nhớ một thời gian nan, vất vả, chiến đấu, hy sinh suốt mấy chục năm trường của ông bà nội. Nhưng cách kể câu chuyện ấy qua biên kịch và xử lý của đạo diễn còn quá vụng, cố ép người xem cần phải nhớ về một thời để nhớ.

Mặt khác, với sân khấu kịch hát, một khi người diễn viên nói mà không chuyển tải hết nội tâm nhân vật thì lúc ấy họ mới cất lời ca. Không tạo được những tình huống để có được sự xung động, dồn nén về xúc cảm thì người diễn viên thật khó lòng cất nỗi lời ca. Phải áp dụng hệ thống bài bản một cách chuẩn xác nhất với sự chắt lọc về ngôn ngữ (tức ca từ), thì bài ca ấy mới đạt được hiệu quả cao nhất. Không nên để nhân vật “đụng đâu ca đấy”; hoặc ca kiểu “liên miên bất tận”. Điều ấy, sẽ gây ra sự trì trệ về tiết tấu cảm, khiến cho người nghệ sĩ biểu diễn khó lòng đạt đến độ thăng hoa, cất cánh!...

Về các đạo diễn và công tác đạo diễn, bên cạnh nhiều vở diễn được dàn dựng công phu, cách biểu diễn nghiêm túc để đạt được hiệu ứng vở diễn một cách tốt nhất, còn xuất hiện những vở diễn bị “phô” về việc xác định vấn đề, cấu trúc kịch bản và tổ chức mâu thuẫn, xung đột... Có vở diễn, đã đến hồi kết thúc mà vẫn không kết thúc bởi đạo diễn vẫn còn cố tạo thêm cảnh để diễn viên ca?...

Không phải bất cứ cái gì xảy ra trong đời thường khi đưa lên sân khấu đều được khán giả chấp nhận một khi người đạo diễn xây dựng hành động của nhân vật kịch không bắt nguồn từ cuộc sống và phương pháp chọn lựa tính điển hình của nhân vật thiếu tính nghệ thuật. Nếu không tạo được sự “lấp lánh” về hình tượng nhân vật vì nó thiếu xương, thiếu thịt, câu chuyện diễn ra với một nội dung nhàn nhạt, thì không thể có được những cú “ri đô” đóng màn đầy ép-phê và cú co đa - kết thúc vở đầy ấn tượng!...

Có đạo diễn sử dụng công nghệ cao để tìm một hướng đi khác biệt trong việc tạo ra không gian sân khấu với mong muốn tạo ra sự “hấp dẫn” của vở diễn. Điều này, chúng ta không phản đối. Nhưng lạm dụng nó mà quên đi phương pháp “tượng trưng, ước lệ” của sân khấu truyền thống, đó là điều đáng tiếc!...

Về thiết kế mỹ thuật, nhiều họa sĩ đã hỗ trợ đắc lực cho công tác đạo diễn, tạo nên những lớp kịch hấp dẫn và làm mãn nhãn thị hiếu thẩm mỹ của người xem. Nhưng việc lạm dụng màn hình Led một cách thái quá đã làm mờ đi không gian sân khấu, dẫn đến sự trì trệ về xúc cảm của diễn viên trước sự rực rỡ thái quá của màn hình led.

Phục trang cho nhân vật còn sai lịch sử, nhiều bộ còn quá lòe loẹt, kim sa kim tuyến quá nhiều, mũ và trang phục còn ảnh hưởng của Tàu trong kiểu dáng; đường nét, hoa văn trang trí còn rườm rà cho nhân vật, nhất là những lớp diễn nhiều nhân vật cùng xuất hiện trên sân khấu…

Việc sử dụng các pa-nô kín và mở, di động bằng bánh xe đã góp phần tạo ra sự chuyển động của cảnh trí, tham gia vào xử lý của đạo diễn và diễn xuất của diễn viên, làm cho sân khấu thực sự sinh động. Nhưng cũng vì thế, có vở đã quá lạm dụng pa-nô di động, làm rối trang trí và ảnh hưởng đến diễn xuất của diễn viên bởi không gian sân khấu bị thu hẹp lại một cách không cần thiết!

Bên cạnh đó, việc sử dụng khói quá nhiều, không ăn nhập vào cảnh trí và không gian của diễn viên, thậm chí còn làm cho diễn viên khó khăn trong diễn xuất… Nhìn chung, mỹ thuật và ánh sáng đã làm cho rực rỡ, hoành tráng, tôn cảnh trí và diễn xuất của diễn viên. Nhưng còn một số vở còn tham, lạm dụng ánh sáng không chuẩn, không làm cho diễn xuất của diễn viên hiệu quả; một số đèn Pit-tô-lê không hiệu quả như xử lý của đạo diễn!

Về diễn viên, cùng với những điểm tích cực, tại Liên hoan lần này còn có một vài điều khiến niềm vui chưa trọn vẹn. Ở một số đơn vị nghệ thuật trong diễn thi đã thiếu hẳn chất thanh xuân trong đội ngũ nghệ sĩ. Tỉ lệ giữa nghệ sĩ trẻ và nghệ sĩ có tuổi đời cao vẫn có sự chênh lệch lớn, nhất là ở tuyến nhân vật chính. Nhân vật ở tuổi 20 vẫn do các nghệ sĩ tuổi “tứ thập niên” đảm trách…

Bên cạnh những nghệ sĩ đang dành tâm huyết của đời mình cho sự nghiệp thì, vẫn có những diễn viên trẻ trong diễn thi bộc lộ non về nghề khi họ thể hiện phong cách biểu diễn không những thiếu sáng tạo, thiếu khai thác chiều sâu tâm lý và tính cách nhân vật, mà còn biểu diễn chỉ bằng ngoại hình, thiếu nội tâm... Còn có diễn viên từ diễn xuất đến phục trang đã lộ ra “tính thiếu chuyên nghiệp của sân khấu kịch hát chuyên nghiệp”.

Có diễn viên trong vai thứ chính, người xem chờ mãi, đợi mãi nhân vật cất giọng ca. Nhưng rồi họ bị hụt hẫng khi người diễn viên nói lối xuống xề thì giọng ca lại “chênh”; rồi những diễn viên khác ca không có điểm nhấn, ca bị “phô”, ca rớt nhịp, không rõ lời, xử lý bài ca không tới bờ, tới góc cũng đã xuất hiện… Vẫn còn đó tiếng nhắc tuồng vọng vang từ cách gà sân khấu bởi diễn viên chưa thuộc hết lời thoại của nhân vật… Tất cả những khiếm khuyết nêu trên, đã tác động không nhỏ đến kết quả diễn thi của từng cá nhân, và kết quả của tác phẩm sân khấu cũng thiếu đi sự toàn vẹn!

Và như thế, qua Liên hoan Cải lương toàn quốc lần này, các nghệ sĩ sẽ tự nhìn lại chính mình để hướng về chặng đường phía trước, bằng tấm lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề, để xây dựng một nền sân khấu cải lương đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại trong ngôi nhà chung của nền sân khấu cách mạng Việt Nam!                 

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 đã chính thức khép lại với 139 huy chương và nhiều giải thưởng khác được trao cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Trong đó, 5 huy chương Vàng được trao cho các vở diễn được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao: Truyền thuyết chàng Sa Mộc (Sân khấu Đại Việt), Phận má đào (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Điều còn lại (Nhà hát Truyền thống Thanh Hóa), Nguyễn cầm ca - Kiều (Nhà hát Cải lương Việt Nam), và Sứ mệnh (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai).

Đặc biệt, 2 vở Bên dòng Long Khốt (Đoàn nghệ thuật cải lương Long An) và Đất liền và biển cả (Đoàn Cải lương Hải Phòng) đã được Ban Tổ chức trao giải Xuất sắc liên hoan.

Ngoài ra, còn có 7 huy chương Bạc của các vở: Hương Tràm (Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau), Vua thánh triều Lê (Sân khấu Sen Việt), Ngọc sáng Yên Tử (Đoàn Cải lương Quảng Ninh), Làm vua - Chuyện ngoài chính sử, Thái sư Trần Thủ Độ (Nhà hát Cao Văn Lầu), Trái tim và đôi mắt (Đoàn Cải lương Bến Tre), và Ngược gió (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).

Và 3 huy chương Đồng trao cho các vở: Dòng sông đỏ (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu), Sống mãi với non sông (Nhà hát Tây Đô), và Thiên mệnh (Nhà hát Cải lương Hà Nội).

Ở giải cá nhân, có 40 huy chương Vàng, trong đó có nhiều tên tuổi quen thuộc như: NSND Thanh Hương, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Tú Sương, NSƯT Ngọc Đợi, NSƯT Lịch Sử, NSƯT Hoa Phượng, NSƯT Quang Khải, NSƯT Thiên Hoa, NSƯT Hoàng Nhất, các nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Minh Nguyệt, Nam Thanh Phong, Thu Mỹ, Hoàng Dư, Tô Tấn Loan, Minh Trường, Nhã Thy, Hồng Nhung, Minh Hải, Thanh Toàn, Phương Anh  Lê Thanh Thảo… Ngoài ra còn có 53 huy chương Bạc và 31 huy chương Đồng được trao cho các nghệ sĩ.

BTC cũng trao các giải thưởng cho ê-kíp sáng tạo, gồm: “Tác giả xuất sắc nhất” và “Đạo diễn xuất sắc nhất” đều thuộc về vở Đất liền và biển cả (Đoàn Cải lương Hải Phòng) với tác giả Nguyễn Đăng Chương và đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai; “Nhạc sĩ xuất sắc nhất” dành cho nhạc sĩ Đặng Sơn Thủy với vở Hương Tràm (Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau); “Họa sĩ xuất sắc nhất” và “Biên đạo xuất sắc nhất” dành cho họa sĩ Nguyễn Đạt Tăng và biên đạo Nông Lê Phương của vở Phận má đào (Nhà hát Cải lương Hà Nội).

Nguyễn Sỹ Chức

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những gợi ý để có một kỳ nghỉ dài tuyệt vời tại gia

Những gợi ý để có một kỳ nghỉ dài tuyệt vời tại gia

Những ngày này, ai ai cũng trong tâm trạng hào hứng lên kế hoạch cho kỳ nghỉ dài tới tận 5 ngày đang cận kề. Nhiều người tận dụng cơ hội này cho những chuyến du lịch xa, thế nhưng cũng không ít người trẻ lại chọn tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ lễ ngay tại nhà.

Sử dụng CentiUP khiến trẻ dậy thì sớm? Cùng chuyên gia chia sẻ

Sử dụng CentiUP khiến trẻ dậy thì sớm? Cùng chuyên gia chia sẻ

Nhiều phụ huynh nhận cảnh báo rằng cho trẻ uống nhiều sữa sẽ khiến trẻ phát triển không bình thường, dậy thì sớm. CentiUP cũng không tránh khỏi thắc mắc của khách hàng. Tại sự kiện ra mắt ngày 09/03/2024, thạc sĩ bác sĩ Lưu Chi Mai đã đưa ra giải thích chuyên môn về điều này.

Giải pháp tối ưu cho người mất răng lâu

Giải pháp tối ưu cho người mất răng lâu

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, nâng xoang ghép xương khi trồng răng Implant ở người mất răng lâu năm, khi xương hàm bị tiêu, xoang hàm mở rộng xuống thấp là phương hiệu quả đòi hỏi kỹ thuật cao.

“Hành trình Răng hạnh phúc” Nha Khoa Kim trở lại, tiếp tục sứ mệnh nâng cao ý thức chăm sóc răng miệng cộng đồng

“Hành trình Răng hạnh phúc” Nha Khoa Kim trở lại, tiếp tục sứ mệnh nâng cao ý thức chăm sóc răng miệng cộng đồng

Không ngừng lăn bánh đến những cung đường mới để thăm khám răng miệng miễn phí cho mọi người, mọi nhà, Hành trình Răng hạnh phúc của Nha Khoa Kim ngày càng nhận được nhiều sự yêu thương, đón nhận và góp phần nâng cao ý thức chăm sóc răng miệng của cộng đồng - nơi mà chuyến xe ghé thăm.