Những điểm mờ cần làm sáng tỏ trong tiêu chí kiểm duyệt cảnh nóng phim Việt

Giới làm phim chỉ ra nhiều điểm mờ trong tiêu chí kiểm duyệt cảnh quan hệ tình dục, khỏa thân trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có buổi hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn cảnh báo hiển thị mức phân loại phim. Tại đây, câu chuyện phân loại, kiểm duyệt và dán nhãn phim được bàn luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự.

Những điểm mờ cần làm sáng tỏ trong tiêu chí kiểm duyệt cảnh nóng phim Việt - 1

Hội thảo xây dựng Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn cảnh báo hiển thị mức phân loại phim diễn ra tại TP.HCM sáng 5/8

Cụ thể, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất, đại diện đơn vị phát hành phim trình bày quan điểm về việc bảng tiêu chí phân loại phim còn nhiều bất cập, thiếu quy định cụ thể. Đặc biệt, cơ chế kiểm duyệt cảnh nóng của phim chưa rõ ràng, gây bối rối cho giới làm phim trong quá trình thực hiện.

Tiêu chí kiểm duyệt chưa rõ ràng

Góp ý tại hội thảo, Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM cho rằng việc phân loại, kiểm duyệt và dán nhãn phim cần có sự thống nhất và đồng bộ ngay từ đầu để tạo thuận lợi cho nhà làm phim.

Bà viện dẫn trường hợp của diễn viên nhí 13 tuổi, thực hiện những cảnh nóng trong phim điện ảnh Vợ ba từng gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông.

"Có nên chăng để một cô bé đóng các cảnh gợi dục hay phải tìm một người đủ tuổi thành niên đóng thế. Đây là điều cần làm rõ trong thông tư", bà Dương Cẩm Thúy nói.

Những điểm mờ cần làm sáng tỏ trong tiêu chí kiểm duyệt cảnh nóng phim Việt - 2

Phim điện ảnh "Vợ ba" có nhiều cảnh nóng của diễn viên nhí 13 tuổi Nguyễn Phương Trà My

Theo Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM, việc phim dãn nhãn P (phổ biến với khán giả mọi độ tuổi) được yêu cầu "không có cảnh khỏa thân" là không phù hợp. Bà Dương Cẩm Thúy thắc mắc: "Việc lộ phần trên, phía dưới của phụ nữ được xem là khỏa thân. Vậy cảnh mẹ cho con bú vốn là yếu tố nghệ thuật đẹp, giàu tính nhân văn thì sao. Khán giả dưới 13 tuổi có nên hạn chế xem những cảnh phim như vậy?".

Tiến sĩ Phan Bích Hà - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, cho rằng quy định về kiểm duyệt cảnh tình dục tại điều 3 của thông tư còn trừu tượng, chưa có hệ chuẩn mực để đánh giá.

"Sinh viên trẻ xem một cảnh nóng thì thích thú trong khi người lớn tuổi chê gượng gạo. Những gì thuộc về đời sống con người sẽ không xa lạ với điện ảnh. Ở điều 3 của thông tư yêu cầu phim cần mô phỏng hành vi tình dục của con người được thể hiện một cách nghệ thuật hay chân thực. Như thế nào là nghệ thuật, như thế nào là chân thực. Tôi khá băn khoăn về hai khái niệm này", Tiến sĩ Phan Bích Hà bày tỏ sự thắc mắc.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV cho hay các tiêu chí trong bảng phân loại nên có những quy chuẩn, cụ thể, rõ ràng với những cảnh khỏa thân.

Ông Nguyễn Hoàng Hải kể vào năm 2019, bộ phim hoạt hình Shin: Cậu bé bút chì khi công chiếu ở Việt Nam bị dán nhãn C13 vì có cảnh nhân vật “tụt quần, bị lộ mông”.

"Trong bảng phân loại phim, có loại C là cấm phổ biến. Tuy nhiên, trong bảng phân loại chi tiết, quy định không rõ về việc phim như thế nào là cấm phổ biến. Tôi nghĩ Luật Điện ảnh cần cụ thể để các nhà làm phim nắm rõ và thực hiện tốt hơn", ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ.

Xử phạt nặng đơn vị vi phạm

Bên cạnh đó, ở các tiêu chí phân loại cảnh nóng, các nhà làm phim cũng chỉ ra nhiều yếu tố khó phân biệt. Cụ thể, trong dự thảo yêu cầu các cảnh tình dục không được "mô tả thường xuyên và chi tiết", "không kéo dài" ở những phim T13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi). Tuy nhiên, các đại biểu thắc mắc "thường xuyên" là thời lượng bao lâu và "chi tiết" nghĩa là gì.

Tương tự, phim T18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) không có cảnh hình xăm phản cảm nhưng không nêu rõ thế nào là phản cảm.

Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc góp ý bảng tiêu chí về phân loại phim nên có những từ ngữ định lượng, thay vì định tính.

Những điểm mờ cần làm sáng tỏ trong tiêu chí kiểm duyệt cảnh nóng phim Việt - 3

Cảnh nóng táo bạo của Thanh Hằng với Song Luân trong phim "Mẹ chồng"

Trước những ý kiến đóng góp từ các đạo diễn, nhà sản xuất, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh và trình Chính phủ vào tháng 11 để thông tư đi vào hoạt động.

Ông Thành nhấn mạnh, Luật Điện ảnh sửa đổi có nhiều điểm thay đổi tích cực, cởi mở trong xét duyệt để tạo sân chơi thoải mái cho các nhà làm phim, phù hợp xu thế phát triển của điện ảnh quốc tế.

Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Lê Thanh Liêm cho biết ban soạn thảo sẽ ngồi lại bàn bạc cùng Cục Điện ảnh để xây dựng các tiêu chí rõ ràng, thống nhất. Ngoài thông tư, cơ quan chức năng cũng xây dựng khung chế tài xử phạt đối với các nhà phát hành, cụm rạp không đảm bảo việc khán giả xem phim đúng độ tuổi.

Ngày 15/6, Luật điện ảnh (sửa đổi) được biểu quyết thông qua với với 449/467 (chiếm 90,16%). Luật có 8 chương, với 48 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Với những điểm mới, đông đảo đạo diễn, nhà sản xuất, đơn vị phát hành, đại diện các hiệp hội phim kỳ vọng cho nền phim ảnh Việt Nam.

Theo dự thảo Luật, phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi như sau: Loại P là phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại T18 là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại T16: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T13: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; Loại C: Phim không được phép phổ biến.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất