Ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình"

Chiều 24/2, tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh đã diễn ra buổi ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" và giao lưu với tác giả - PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú từng được đào tạo tại Đại học Quốc gia Điện ảnh toàn Liên bang Xô Viết (VGIK), ông có thời gian làm việc lâu năm trong lĩnh vực điện ảnh, đồng thời tham gia công tác đào tạo, giảng dạy điện ảnh truyền hình và mỹ thuật tại các trường đại học.

Cuốn sách "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" là tập hợp những ghi chép về trải nghiệm của tác giả sau quãng thời gian dài gắn bó với lĩnh vực điện ảnh cũng như "… không rõ nhờ cơ duyên hay sự say mê thôi thúc nào gắn bó đã khiến tôi khó dứt ra được nghiệp truyền nghề trong lĩnh vực này", PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú.

Tác giả bày tỏ mong muốn, cuốn sách chuyên khảo sẽ có ích đối với những người quan tâm, yêu thích; có ích cho công tác đào tạo và cho cả những người được đào tạo hoặc độc giả tự đào tạo theo nghề viết kịch bản phim truyện truyền hình.

Ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" - 1

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú phát biểu tại buổi ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình"

Nhận định về "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình", nhà văn, Tiến sĩ Nghệ thuật học Lê Ngọc Minh cho rằng, cuốn sách có 3 điều thú vị: Là "cuốn sách đáng đọc", "cuốn sách cần thiết" và "cuốn sách dễ đọc".

"Cuốn sách đáng đọc" bởi, theo Tiến sĩ Lê Ngọc Minh, tác giả đã giới thiệu cho độc giả các thông tin, kiến thức phong phú đa chiều về nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển của truyền hình và phim truyện truyền hình. Các bức “trích ngang” về khởi thủy của một ngành truyền thông, về mảng phim nghệ thuật trong nội tại của nó hiện đang giữ vị trí hàng đầu thu hút mọi giai tầng công chúng khán giả trên mọi châu lục, trên từng quốc gia sẽ giúp cho mỗi độc giả thêm các kênh hiểu biết, phương thức tiếp cận về sự liên ngành nghệ thuật, về mối liên tài của đội ngũ sáng tạo, về sự bổ ích và trải nghiệm không gian nghệ thuật nghe nhìn số đông mà tuổi đời được coi là trẻ nhất trong bảy loại hình nghệ thuật kinh điển.

Ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" - 2

Toàn cảnh buổi ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" và giao lưu với tác giả - PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú

"Cuốn sách cần thiết" vì dành cho tất cả những ai yêu thích công việc viết kịch bản và làm phim truyện truyền hình, cho những người nghiên cứu giới thiệu và quảng bá cho loại hình nghệ thuật này và cho các sinh viên tu nghiệp trong lĩnh vực truyền thông về phim ảnh, đặc biệt là sinh viên, học viên các lớp biên kịch, đạo diễn tại các cơ sở phát hiện, đào tạo nguồn lực mới cho ngành điện ảnh và ngành truyền hình.

Bởi “cuốn sách sẽ giúp cho các nhân tố, thành tố nói trên tiếp nhận một cách hệ thống, chiệm nghiệm một cách cặn kẽ và hấp thu một cách bài bản, thế nào là ngôn ngữ điện ảnh; hiểu về đặc trưng của thể loại phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình; cùng đó, họ cũng sẽ phân biệt được, thế nào là kịch bản cho phim truyện điện ảnh và thế nào là kịch bản cho phim truyện truyền hình”.

Ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" - 3

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú kí tặng độc giả cuốn sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình"

"Cuốn sách dễ đọc", bởi cách trình bày bố cục khá mạch lạc theo hướng tạo trụ cột và sự lan tỏa, tạo điểm nhấn và chu trình quy nạp. Cuốn sách còn dễ đọc, còn hấp dẫn bởi tác giả vốn xuất thân là một họa sĩ điện ảnh nên ông đã đưa vào công trình nghiên cứu nghệ thuật của mình một hệ thống minh họa bằng tranh ảnh khá phong phú và ấn tượng, góp phần tôn vinh thêm nội dung các phần kiến văn, dẫn giải, minh chứng bằng các ví dụ sinh động, tạo ra nhiều lực hấp thu sự hiếu kỳ của độc giả.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Ngọc Minh, mọi khái niệm nghệ thuật và khoa học xã hội nhân văn, mọi khía cạnh nghề nghiệp dù nhỏ nhất để sáng tạo nên một kịch bản phim truyện truyền hình được nêu ra trong sách đều được tác giả lý giải, chú thích, biện luận hướng tới tính chuyên nghiệp của nghệ thuật nghe nhìn…

Ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" - 4

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật (bên trái) và họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh, bên phải) - Cố vấn cấp cao Thời báo Văn học nghệ thuật dự buổi ra mắt sách của PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú

Ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" - 5

Nhà báo Đỗ Quảng (bên trái) - Cố vấn cấp cao Thời báo Văn học nghệ thuật dự buổi ra mắt sách của PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú

Cảm nhận về “Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình”, nhà văn Phó Đức An cho rằng: “Cuốn sách như một tinh cầu chói lọi vừa nhẹ nhàng hạ cánh xuống địa cầu. Nó sẽ chiếu sáng đường đi nước bước cho bạn tự viết một kịch bản phim mà không nhờ vả đến ai. Nó là vị minh sư, là cẩm nang quý giá để bạn có thể bước lên con đường đầy hào quang danh giá của môn nghệ thuật thứ bảy này đúng như khát vọng của bạn”.

Ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" - 6

Nhà văn Phó Đức An tại buổi ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình"

“Một cây cổ thụ lớn lên sum suê cành lá đâu phải một sớm một chiều. Nó cần có một mảnh đất tốt để hút dinh dưỡng từ đất, cần một bầu trời mưa thuận gió hòa, nắng vàng rực rỡ. Bạn tôi Đỗ Lệnh Hùng Tú là một hạt giống điện ảnh và nghiễm nhiên lớn lên thành một cây cổ thụ sum suê trước điện đài điện ảnh bởi những yếu tố như vậy. Gấp lại cuốn sách “Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình” của Đỗ Lệnh Hùng Tú, trong tâm trí tôi hiện lên những dòng cảm nghĩ như vậy”, nhà văn Phó Đức An nói.

Ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" - 7

Đông đảo nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực truyền hình và phim truyện truyền hình đã đến tham dự buổi ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" của PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú

Sẽ có nhiều cách để tìm hiểu, để tiếp cận về lịch sử truyền hình và phim truyện truyền hình. Sẽ có nhiều con đường để nghiên cứu, trải nghiệm và sáng tạo nên những bộ kịch bản chuyên nghiệp và chất lượng cho phim truyện truyền hình mà tài năng nghệ thuật là điều kiện tiên quyết nhất, song cuốn “Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình” của tác giả Đỗ Lệnh Hùng Tú sẽ giúp cho những ai yêu thích các lĩnh vực nói trên có được những tri thức, những kiến văn tin cậy, những thủ pháp nghề nghiệp khai phóng, kiến tạo năng động. Một cuốn sách thú vị, đáng đọc dành cho độc giả yêu mến truyền hình và phim truyện truyền hình, những người đang thích thú với công việc sáng tạo ra những tác phẩm kịch bản phim truyện truyền hình.

Vỹ Thanh

Tin liên quan

Tin mới nhất