"Người trên đường đời" qua góc nhìn chính trực và nhân văn của Hồ Quang Lợi

"Người trên đường đời" là cuốn sách mới nhất của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi, cuốn sách viết về những con người đã tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời cầm bút gần 45 năm của tác giả, trong đó có nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và của các nước trên thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), sáng 12/6, Nhà xuất bản Hà Nội phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách Người trên đường đời của tác giả Hồ Quang Lợi.

"Người trên đường đời" qua góc nhìn chính trực và nhân văn của Hồ Quang Lợi - 1

Không gian Lễ ra mắt cuốn sách "Người trên đường đời" của tác giả Hồ Quang Lợi.

Khác với 9 cuốn sách đã xuất bản trước hầu hết thuộc thể loại chính luận về thời cuộc - sở trường của tác giả Hồ Quang Lợi, thì Người trên đường đời viết về những con người với vai trò, sứ mệnh, hoàn cảnh đặc biệt khác nhau đã tác động mạnh mẽ tới dòng chảy của lịch sử Việt Nam trong suốt thế kỷ qua.

Những nhân vật trong cuốn sách còn là những con người có những sắc thái đặc biệt trên nhiều lĩnh vực - cả trong và nước ngoài - mà những bước đường đầy gian truân, thử thách và những cống hiến của họ là những ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin về những giá trị đích thực của cuộc sống.

"Người trên đường đời" qua góc nhìn chính trực và nhân văn của Hồ Quang Lợi - 2

Tác giả Hồ Quang Lợi chia sẻ tại chương trình.

Tại buổi ra mắt sách, nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ, ông cảm thấy vô cùng may mắn khi được gặp những nhân vật đặc biệt đó, chính họ đã cho ông nguồn năng lượng để viết nên tác phẩm này. Với nhan đề tuy giản dị nhưng Người trên đường đời lại chứa đựng những thông điệp hết sức sâu sắc về con người trong cuộc sống. Qua đó, tác giả muốn tôn vinh con người, đề cao phẩm giá của con người và “nói đến chữ Người với tất cả những gì trân trọng nhất”.

Về hành trình làm báo, vết văn của mình, ông tâm niệm: “Cây bút quá nhẹ so với cây búa nhưng nó rất nặng về trách nhiệm và đặc biệt là trách nhiệm đạo đức. Làm nghề báo, chúng ta phải chính trực, phải nhân văn, chỉ có chính trực và nhân văn thì chúng ta mới làm được việc có ích cho xã hội”.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ sự khâm phục trước bút lực dồi dào, sung sức của nhà báo Hồ Quang Lợi. Ông cho rằng, dù ở góc độ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, người viết và ngay cả ở trong cuộc sống đời thường thì nhà báo Hồ Quang Lợi cũng luôn truyền cảm hứng về tinh thần trẻ trung, tận hiến cho công việc, cống hiến hết mình cho bạn đọc, khơi gợi sức sáng tạo cho các thế hệ người cầm bút đi sau.

"Người trên đường đời" qua góc nhìn chính trực và nhân văn của Hồ Quang Lợi - 3

Nhà báo Lê Quốc Minh tại chương trình.

Nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam bày tỏ sự ngưỡng mộ với sức làm việc dồi dào, bền bỉ, hiệu quả của ông: “Tôi ngưỡng mộ ngòi bút chiến sĩ ở ông, một người làm báo trẻ từng có mặt ở tuyến đầu chiến tranh biên giới, một cây bút già rặn từng xông pha trên mặt trận đối ngoại ở nhiều châu lục, một cuốn từ điển nghề báo sâu sắc và tinh tường thời đổi mới, trên những cương vị khác nhau, để định vị những giá trị, chạm tới những cái hay, cái tốt, cái vĩ đại của con người và đời sống hôm nay. Đó là một Hồ Quang Lợi nhà báo, cạnh bên một Hồ Quang Lợi nhà văn, một Hồ Quang Lợi sẵn sàng bật dậy khi công việc gọi tên ông, đồng đội cần ông, công chúng chờ ông, một Hồ Quang Lợi trên đường đời vui vẻ, ấm áp, nhân hậu, một người sếp mà như người anh, người bạn”.

Cuốn sách Người trên đường đời gồm 50 bài viết, với 4 phần. Trong đó, Phần I: Người giữa phong baPhần II: Phẩm cách đều gắn với những sự kiện lịch sử hoặc những đổi thay của đất nước. Ở đó, người đọc thấy được chân dung những nhà lãnh đạo cấp cao, những nhân chứng lịch sử, những người có quyền quyết định vận mệnh, sự phát triển của đất nước, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị…

Trong Phần III: Chở bao nhiêu đạo…, tác giả viết về các văn nghệ sỹ, những bậc trí thức mà ông yêu quý như nhà báo Hữu Thọ; nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; nhà sử học Phan Huy Lê; nhà báo Phan Quang; Giáo sư Vũ Khiêu; nhạc sĩ Hồng Đăng…

Tác giả dành Phần IV: Ánh sáng của lương tri để viết về những người bạn quốc tế vô cùng yêu mến Việt Nam, những nhân vật tầm cỡ thế giới và cả những người có thể làm thay đổi trật tự thế giới, có thể tác động đến sự phát triển của loài người, như: cựu Tổng thống Pháp François Mitterrand, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tỷ phú Bill Gates…

"Người trên đường đời" qua góc nhìn chính trực và nhân văn của Hồ Quang Lợi - 4

Tác phẩm “Người trên đường đời”.

Về kỹ nghệ viết của Hồ Quang Lợi, theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, tác giả là một người đam mê dựng chân dung nhân vật và tìm chi tiết rất giỏi. Tác giả có một may mắn rất lớn là ông đã được gặp rất nhiều các nhân vật huyền thoại ở Việt Nam và trên thế giới. Có nhiều người cũng có cơ hội đó nhưng người để lại tác phẩm và biết tìm ra những chi tiết đắt giá thì chỉ có người đam mê, coi viết là một cái nghiệp như Hồ Quang Lợi mới làm được.

Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng nhận định, vì tác giả Hồ Quang Lợi vừa là nhà báo, vừa là nhà văn, mà báo chí thì mang tính thông tấn còn văn chương thì mang tính thông điệp, nhờ có cả hai thứ đó, nên từng trang báo của Hồ Quang Lợi đều lấp lánh chất văn chương, nó không bị khô cứng, làm cho bài báo hấp dẫn, dễ đọc.

"Người trên đường đời" qua góc nhìn chính trực và nhân văn của Hồ Quang Lợi - 5

Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu chia sẻ.

Qua từng trang sách, độc giả sẽ cảm nhận được tấm lòng của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi, đó là tình cảm chân thành, là tấm lòng thuần khiết thấm trải trên từng trang giấy, trong từng con chữ, là tấm lòng với đời, với nghề và với những con người ông đã gặp. Những gì ông viết chính là những gì ông đã sống, đã trải qua, đã cảm nhận. Từ đó, những “Người trên đường đời” được hiện lên rõ nét qua góc nhìn chính trực và nhân văn của tác giả.

Tác giả Hồ Quang Lợi sinh 1956 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam Rumani, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

Ông tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên ngành Văn học Pháp, Đại học Tổng hợp Bucharest (Rumani); Đại tá, nguyên Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân; nguyên Tổng biên tập báo HàNộiMới, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội; nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn các Nhà báo ASEAN.

Ông đã từng đoạt 9 Giải báo chí Quốc gia và Toàn quốc (trong đó có 5 Giải A) các năm: 1991, 1997, 2003, 2004, 2005, 2006, 2008, 2009; 2 Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về Chiến tranh Cách mạng và LLVTND (1991-1995; 1999-2004); 2 Giải nhất Giải báo chí Ngô Tất Tố (2008, 2017)...

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Báo chí là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Toàn bộ hoạt động của báo chí, truyền thông tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng trên các lĩnh vực của đất nước, là chủ thể phản ánh đời sống xã hội; khơi nguồn, phổ cập những điều tốt đẹp, đồng thời đấu tranh chống cái xấu. Trong hoạt động báo chí, yếu tố nhân văn là tiêu