Trần Ngưỡng với bút ký “Quỳnh Lưu quê hương tôi”

Mấy chục năm trở lại đây, tác phẩm bút ký văn học của các tác giả Nghệ An chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn. Sau sự ra đi của nhà thơ Trần Hữu Thung và Nguyễn Xuân Phầu. Hai tác giả bút kí xuất sắc - Ký Nghệ An dường như có phần bình lặng. Thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện một số bài ký trên Tạp chí Sông Lam hoặc báo Nghệ An cuối tuần. Những tưởng viết ký sẽ chỉ còn ít tác giả đeo đuổi.

Vào mùa hè năm 2020, Trần Ngưỡng cho ra đời "Quỳnh Lưu quê hương tôi", một tác phẩm bút ký dày dặn, bề thế, được nhiều người đọc đánh giá có chất lượng. Có thể xem đây là tín hiệu khởi sắc của thể loại ký của các tác giả xứ Nghệ.

Có thể khẳng định rằng, với tập bút ký này, Trần Ngưỡng đã tái hiện được hình ảnh quê hương Quỳnh Lưu một cách chân thực, đa dạng, phong phú, qua đó biểu hiện trực tiếp khuynh hướng nghệ thuật của tác giả và toát lên màu sắc trữ tình. Trần Ngưỡng đã khắc họa sinh động gương mặt Quỳnh Lưu trong cảm nhận của một người con rất mực yêu thương quê hương yêu dấu của mình. Cuốn sách đã vượt ra ngoài khuôn khổ của việc ghi chép, miêu tả mà mang đậm nét một tác phẩm bút ký văn học với dấu ấn thời đại sâu sắc.

Trần Ngưỡng với bút ký “Quỳnh Lưu quê hương tôi” - 1

Bút ký “Quỳnh Lưu quê hương tôi”.

Như ở trang 179, sau khi nêu lên một số thành tựu của huyện nhà trong việc xây dựng “Nông thôn mới", tác giả đã mạnh dạn nêu ý kiến: “Cần có sự thống nhất cao giữa quy hoạch lâu dài và quy hoạch xây dựng nông thôn mới... cần tránh chạy theo thành tích, phải đảm bảo tính khoa học, tính bền vững..." Đó là những suy nghĩ vượt khỏi tầm một vùng quê và đó cũng là những vấn đề chung của cả nước, của thời đại.

Cách đây 50 năm, khi tâm sự về việc viết bút ký, nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân đã khẳng định: "Tác phẩm bút ký chỉ ra đời sau rất nhiều năm, sau rất nhiều lần tác giả lặn lội đến với cùng một vùng đất ấy, tiếp xúc những con người ấy là kết quả của sự tinh kết những trải nghiệm lâu dài” (Nguyễn Tuân, Hồi ký - Nhà xuất bản Văn học - 1970).

Đúng như vậy, đọc bút ký của Trần Ngưỡng, người đọc như nghe được bước chân anh đi khắp mảnh đất Quỳnh Lưu, như được thấy anh tiếp xúc với những con người đậm đặc nét cách mạng và văn hóa. Với “Quỳnh Lưu quê hương tôi" ta bắt gặp một kho tư liệu về huyện Quỳnh, trong đó đầy ắp những sự kiện, người và việc trong một thời gian dài từ khi khai thiên lập địa cho đến ngày nay. Xuyên suốt hơn hai trăm trang sách, tác giả đã đưa người đọc đi khắp các nẻo đường của huyện địa đầu xứ Nghệ. Từ những trang văn nóng bỏng hơi thở cuộc sống, Trần Ngưỡng đã khơi gợi được nhu cầu khám phá, tìm hiểu của người đọc. Như khi viết về đền Cờn, tác giả đã lôi cuốn người đọc bằng những chi tiết đầy vẻ hoang đường, huyền bí, linh thiêng (trang 32).

Nhưng điều thành công hơn của Trần Ngưỡng là không dừng lại ở sự miêu tả bên ngoài mà anh đã đi sâu vào sự việc, con người, vào những cảnh vật cụ thể để làm nổi bật đặc điểm từng xã, từng vùng miền trong huyện. Ở "Quỳnh Lưu quê hương tôi" có nét "trí tuệ và cách mạng" của Quỳnh Đôi (trang 145); nét “làng quan" của Quỳnh Thuận (trang 154); nét "giàu và đẹp" của Quỳnh Hoa (trang 26); nét “Lịch sử và huyền thoại" của Quỳnh Phương (trang 32); nét "địa bàn chiến lược" của Quỳnh Châu (trang 140); nét "văn hóa dân gian đặc sắc" của Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy (trang 160)...

Trần Ngưỡng với bút ký “Quỳnh Lưu quê hương tôi” - 2

Khung cảnh bình yên của biển Quỳnh Nghệ An. (Ảnh sưu tầm)

Trong "Quỳnh Lưu quê hương tôi" còn có sức lan tỏa, sự đồng vọng của những trang văn hội tụ đầy đủ tố chất của thể loại bút ký giàu hàm lượng văn học và trí tuệ, tích hợp được những nét văn hóa mang đến cho người đọc những thông tin mới mẻ, vừa kích hoạt được khoái cảm, được trải nghiệm cuộc sống muôn màu ở các xã, thôn, những điểm nhấn lịch sử tươi đẹp, vẻ vang của huyện Quỳnh. Trần Ngưỡng đã biết kết hợp các phương thức tự sự, miêu tả, trữ tình, nghị luận với độ đậm nhạt khác nhau. Như khi miêu tả làng Phú Mỹ, anh xen vào vài dòng cảm xúc "Đôi cụm máy trắng lang thang gia nền trời xanh biếc... Những quả thị như hàng ngàn cái đèn lồng nhỏ xíu lấp ló trong tán cây xanh... Làng Phú Mỹ... con thiếu yếu tố gì nữa mà không được đàn chim Phượng hoàng chọn làm kinh đô của nước Văn Lang" (trang 30).

Hay như khi kể về sự linh thiêng của đền Cờn, anh đã triết lý: "Khi vật chất càng đầy đủ thì nhu cầu về đời sống tinh thần càng cao. Tâm linh là một nội dung lớn của đời sống tinh thần" (trang 39). Nhờ kết hợp linh hoạt, nhuần nhuyễn các phương thức biểu hiện đó, nên đọc "Quỳnh Lưu quê hương tôi" không có cảm giác nhàm chán, trái lại được tiếp nhận những ý tưởng bất ngờ mà thú vị. Và khi hiện thực cuộc sống ngồn ngộn, sống động, nóng bỏng được đưa vào tác phẩm ký, thì Trần Ngưỡng biết hòa quyện giữa trí tuệ, ngôn từ và cảm xúc. Từ tư duy trực quan sinh động, tác giả khéo léo chuyển hóa thành tư duy hình tượng, từ đó tạo được xúc cảm thẩm mỹ cho người đọc (đền Cờn - lịch sử và huyền thoại; làng Phú Mỹ; 100 con chim Phượng Hoàng; Từ Câu lạc bộ thơ Tùng lĩnh đến Chi hội VHNT huyện...)

Là một tác giả thơ, lại tham gia viết báo; khi cầm bút viết bút ký vẫn học Trần Ngưỡng phải đứng trước những thử thách không nhỏ là phải làm sao không sa vào lãng mận và thoát ra được hình thức ghi chép sự việc mang tính thông tấn của báo chí. Và qua tác phẩm này ta thấy anh đã vượt qua được khó khăn này.

Trần Ngưỡng với bút ký “Quỳnh Lưu quê hương tôi” - 3

Tác giả Trần Ngưỡng

Những sự kiện, con người từ cuộc sống đã đi vào trang viết của anh thông qua những từ ngữ đong đầy cảm xúc, những ngôn từ nghệ thuật ấn tượng, những hình ảnh giàu chất văn học. Nhờ gắn bó và gạn lọc những nét độc đáo từ bộn bề cuộc sống và những tầng vía văn hóa; bút ký của Trần Ngưỡng đã vượt qua cái bóng của thông tin đơn thuần, trở thành tác phẩm giàu chất thẩm mỹ trong đó có những câu văn hấp dẫn: “Nhưng khi làn gió đổi mới thổi về, Quỳnh Lưu lại như bừng tỉnh bước vào thời kỳ mới" (trang 20) hoặc “Khi mọi người đến với đền Cờn...dù mệt mỏi vì đi xa, nhưng khi đã tắm gội vào không gian thiêng của đền thì đều cảm thấy nhẹ nhàng tâm hồn" (trang 41).. Rõ ràng là việc hòa quyện giữa thông tin với cảm xúc thẩm mỹ và ngôn từ nghệ thuật khi viết bút ký văn học là điều mà tác giả thường xuyên quan tâm. Đây cũng là một đóng góp mới của Trần Ngưỡng cho mảng bút ký văn học hiện nay. 

Gần ba mươi năm lặng lẽ, cần mẫn gieo hạt trên cánh đồng văn chương, Trần Ngưỡng đã thu hoạch được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hy vọng Trần Ngưỡng sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho văn học của đất nước./.

*Quỳnh Lưu quê hương tôi- NXB Nghệ An năm 2020

Đoàn Mạnh Tiến

Tin liên quan

Tin mới nhất

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Tối 28/4/2024, tại KCN Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng, Công ty CP Shinec phối hợp với Hội Cựu chiến Binh thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình “Khát Vọng Truyền Nhân” với chuỗi các sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Shinec gồm Lễ Công bố báo cáo phát triển bền vững - Báo cáo ESG; Lễ trao chứng nhận kỷ lục thế giới; Lễ trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho Công ty CP Shinec và Do