Tác quyền đi trước

Mới đây, nữ diễn viên Ngô Thanh Vân viết tâm thư dài trên trang cá nhân để nói rõ về hành trình mua bản quyền chuyển thể truyện tranh “Thần đồng đất Việt” thành phim điện ảnh “Trạng Tí”.

Nữ diễn viên bác bỏ cáo buộc tố mình ăn cắp cũng như kêu gọi sự công tâm của khán giả với tác phẩm “Trạng Tí”.

Trước đó, sau thời gian dài tranh chấp, tòa án đã phán xử họa sĩ Lê Linh là tác giả của bốn nhân vật trong bộ truyện “Thần đồng đất Việt”, Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục & Giải trí Phan Thị (Công ty Phan Thị) là chủ sở hữu tác phẩm, được phái sinh tác phẩm. Công ty Phan Thị không được sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện các nhân vật hoặc xuyên tạc hình thức thể hiện này dưới bất cứ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của Lê Linh.

Tác quyền đi trước - 1

Chú thích ảnh

Liên quan đến “Trạng Tí”, tác giả Lê Linh của bộ truyện “Thần đồng đất Việt” đã đăng tải bài viết gây bão mạng xã hội viết về “Trạng Tí và giấc mơ điện ảnh”. Ông Lê Linh bày tỏ thái độ không ủng hộ phim vì “tiền sẽ rơi vào tay bọn ác”. Trong bài viết này, tác giả Lê Linh đã khẳng định rõ việc chuyển thể “Thần đồng đất Việt” thành phim cũng là ước mơ và mong muốn của ông từ lâu. Tuy nhiên, việc hãng phim của Ngô Thanh Vân chỉ làm việc tác quyền với Công ty Phan Thị mà không hỏi ý kiến, sự cho phép của tác giả Lê Linh đã khiến ông vô cùng thất vọng và buồn chán. 

Trong khi đó, Ngô Thanh Vân cho biết, cô làm việc cùng Phan Thị hết 2 năm để có thể mua bản quyền 5 tập truyện để làm phim. Là một nhà sản xuất, cô mua tác quyền từ người sở hữu bộ truyện và nội dung câu chuyện. Mọi chuyện diễn ra đúng pháp luật giữa một công ty sản xuất với một công ty phát hành truyện. Hai bên ký kết hợp đồng và lúc đó cô không biết gì đến tranh chấp giữa công ty phát hành truyện và tác giả.

Sau đó, khi Ngô Thanh Vân tìm kiếm nhà đầu tư, thuyết phục làm phim “Trạng Tí” thì sự việc kiện tụng xảy ra và Lê Linh lên tiếng. Cô nhờ luật sư liên hệ với Công ty Phan Thị để làm rõ việc này và Phan Thị đưa ra giấy tờ liên quan cho thấy vẫn chưa có phán quyết từ tòa án. Vì vậy, hợp đồng giữa hai bên tiếp tục hiệu lực và cô phải bắt đầu bấm máy bộ phim vì mọi thứ chuẩn bị xong.

Câu chuyện tình “tay ba” trong tác quyền nghệ nghệ thuật tại Việt Nam xảy ra không riêng gì trường hợp phim “Trạng Tí”. Cách đây không lâu, đạo diễn - ca sĩ Lý Hải bức xúc khi bị nhà thơ Trương Minh Nhật kiện đòi 4 tỷ đồng vì bộ phim “Lật mặt: Nhà có khách” sử dụng bài hát “Gánh mẹ” được cho là “ăn cắp” lời thơ của ông. Trước đó, hồi tháng 10/2019, nhà thơ Trương Minh Nhật cũng lên tiếng tố nhạc sĩ Quách Beem (tên thật là Đoàn Đông Đức) - người đứng tên tác giả ca khúc “Gánh mẹ”, đã sử dụng bài thơ cùng tên của ông làm ca từ mà không xin phép. 

Ca sĩ Lý Hải cho rằng, công ty anh đã thực hiện “đúng quy định của pháp luật” để sử dụng ca khúc nói trên. Cụ thể, có hợp đồng ký kết giữa Lý Hải Production và nhạc sĩ Quách Beem - người có giấy chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả là “tác giả, chủ sở hữu ca khúc Gánh mẹ”. Sau khi ký hợp đồng, Lý Hải Production cho phối mới, thu và quay mới ca khúc này.

Trở lại câu chuyện tác quyền phim “Trạng Tí”, một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cho rằng nếu giữa Lê Linh và Công ty Phan Thị không có hợp đồng về chia quyền lợi phái sinh, thì Phan Thị mặc nhiên được sử dụng sáng tạo của Lê Linh, chỉ cần đề tên là xong. Trong trường hợp nếu 2 bên có hợp đồng thì ông Lê Linh phải cho thấy điều khoản ràng buộc cụ thể. 

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, diễn viên Ngô Thanh Vân mua quyền khai thác từ Công ty Phan Thị là đúng, vì lúc mua bên này đang giữ quyền tài phán, mua bán. Và tất nhiên nữ diễn viên Ngô Thanh Vân cũng phải đề tên Lê Linh trong sản phẩm của mình, vì bản quyền tác giả là vĩnh viễn. Do đó, phim dù hay, dở cũng cần phải nghiên cứu kỹ về bản quyền.

Theo Giáo dục và thời đại

Nguồn giaoducthoidai.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.