60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 1 - Bản hùng ca về Binh trạm 13 và Cánh đồng Chum

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), Arttimes.vn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài "Khúc tráng ca về Đường 7 - Cánh đồng Chum" của cụm 5 tác giả đều từng là cán bộ chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận Cánh đồng Chum - Lào (Châu La Việt, Phạm Trung Nhân, Nguyễn Ngôn, Hoàng Ngọc Chấp, Nghiêm Xuân Thép).

Đầu tháng 2 năm 1970, quân đội hai nước Việt Nam và Lào đề ra quyết tâm giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Cuộc tiến công bắt đầu từ ngày 10 đến 21 tháng 2 năm 1970.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 1 - Bản hùng ca về Binh trạm 13 và Cánh đồng Chum - 1

Bộ chỉ huy chiến dịch 139 (Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện Việt Nam) họp bàn chiến dịch giải phóng cánh đồng Chum. (Ảnh tư liệu)

Kết quả là, 6.000 tên (phần lớn là lực lượng đặc biệt) bị loại khỏi vòng chiến đấu, hàng nghìn tên khác bỏ trốn. Liên quân Lào - Việt Nam thu giữ, phá hủy hàng nghìn súng và phương tiện chiến tranh các loại, trong đó có 25 đại bác, 70 xe quân sự (cả xe tăng và xe bọc thép), trên 100 máy vô tuyến điện, bắn rơi và phá hủy 42 máy bay.

Từ ngày 2 đến 4 tháng 3 năm 1970, Đảng ủy Mặt trận 139 đã họp đánh giá kết quả hoạt động tác chiến bước 2 và đề ra phương hướng tác chiến bước 3. Về địch, đã tiêu diệt 4.000 tên, chiếm 1/3 lực lượng đặc biệt, thu 12 pháo, bắn rơi 16 máy bay, thu hồi vùng giải phóng Cánh đồng Chum, Mương Xủi và mở rộng vùng giải phóng ra Mương Pốt, Phu Hủa Xàng, Xen Chồ.

Thắng lợi trên có ý nghĩa to lớn về chính trị và quân sự; đánh bại kế hoạch chiến lược hòng chiếm lâu dài Cánh đồng Chum; tạo thế cân bằng cho đấu tranh ngoại giao. Phá vỡ thế chiến lược của Mỹ ở Lào, tạo so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào.

Quyết tâm giữ vững địa bàn chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, ngày 3 tháng 4 năm 1970, Thường trực Quân ủy Trung ương (Việt Nam) ra nghị quyết về nhiệm vụ giúp Lào ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Nghị quyết chỉ rõ: tháng 8 năm 1969, Mỹ và tay sai dùng lực lượng đặc biệt Vàng Pao cùng với không quân Mỹ tiến công Cánh đồng Chum nhằm thu hẹp vùng giải phóng của Lào. Từ tháng 10 năm 1969, các lực lượng liên quân đã phối hợp chiến đấu, đánh bại các biện pháp tác chiến mới của địch, giải phóng toàn bộ Cánh đồng Chum.

Chiến dịch Cánh đồng Chum đã giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược, đánh bại kế hoạch chiếm đóng lâu dài của địch, giải phóng toàn bộ vùng địa bàn chiến lược quan trọng này; đánh bại thủ đoạn dùng lực lượng Vàng Pao kết hợp với không quân Mỹ đánh phá ở mức cao nhất từ trước tới nay. Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng lần này đã giáng một đòn vào đế quốc Mỹ và tay sai, đập tan cố gắng cao nhất của chúng trên một địa bàn chiến lược quan trọng ở Lào, đánh lùi một bước những ý đồ và thủ đoạn chiến lược mới của Mỹ ở Lào, đẩy chúng đến những khó khăn mới. So sánh lực lượng tiếp tục chuyển biến có lợi cho cách mạng Lào.

Ngày ấy, đảm trách việc vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược… trên tuyến đường 7 từ Diễn Châu ( Nghệ An) sang chi viện cho bạn tại Xiêng khoảng, Khang Khay, Cánh Đồng Chum, có một đơn vị vận tải quân sự là Binh trạm 11 (Cục Vận tải quân sự -TCHC). Mỗi binh trạm Quân sự ngày ấy thường bao gồm từ 1-2 tiểu đoàn vận tải ôtô, 2-3 đại đội kho hàng, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ, 1-2 tiểu đoàn công binh, 1-3 đại đội bộ binh, 1-2 đại đội thông tin hữu tuyến, vô tuyến, tiếp sức và 1 tiểu đoàn giao liên...

Chúng tôi là những người lính của Binh trạm 11 từ những ngày tháng lửa đạn ấy, người là lính lái xe, người là lính cao xạ pháo, người là lính công binh… cả tuổi thanh xuân chiến đấu trong đội hình quả cảm của binh trạm, với những cán bộ chiến sỹ anh dũng vô biên: "Những đêm Trường Sơn, ta đã đi qua bao chặng đường vất vả./Đạn xé bom rơi, mưa rừng xối xả./Những đêm Trường Sơn đường biên giới, uốn quanh co mây trời đẹp quá./Vỡ kính rồi trăng tràn cả vào xe”, với những ngươi chỉ huy dạn dày trận mạc, ra đi từ những ngày đánh Pháp, là những tấm gương chiến đấu ngời sáng trong tâm hồn người lính, như  Binh trạm trưởng Tạ Tuân, Binh trạm phó Vũ Bá Tước, Binh trạm phó Lê Việt Sinh, Binh trạm phó Trần Duy Trọng…

Cũng giai đoạn này, tháng 8 năm 1969, Mỹ mở chiến dịch Cù Kiệt tập trung lực lượng rất lớn để giành lại Cánh đồng Chum. Đây là nỗ lực lớn nhất của Mỹ và tay sai Lào so với bất kỳ một cuộc hành quân nào trước đó. Địch đã huy động 20 tiểu đoàn đặc biệt với 12.000 quân (trong đó phải kể đến 4 tiểu đoàn biệt kích, 1 tiểu đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn thám kích đặc biệt, 6 tiểu đoàn phỉ), cùng với 5.000 quân Thái Lan mặc quân phục ngụy Lào. Có cả máy bay B52 và 5 đại đội máy bay chiến đấu, 100 máy bay lên thẳng với lực lượng pháo binh hùng mạnh do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chỉ huy.

Trong chiến dịch Cù Kiệt, mỗi ngày Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay, cả B52 thay nhau đánh phá. Trước tình hình đó, liên quân chiến đấu Lào - Việt quyết định mở chiến dịch phản công mang mật danh 139 có nhiệm vụ kiên quyết tiêu diệt địch lấn chiếm Cánh đồng Chum và khôi phục, mở rộng vùng giải phóng.

Từ ngày 15/9/1969 đến tháng 1/1970, liên quân chiến đấu Lào - Việt loại khỏi vòng chiến đấu 7.800 tên địch và 5 tiểu đoàn của chúng, gây thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn khác, bắn rơi và phá hủy 89 máy bay, thu hàng nghìn súng các loại, khiến các cố vấn Mỹ, Thái Lan và tướng Vàng Pao phải bỏ chạy sang Thái Lan, đồng thời thu hồi toàn bộ khu vực Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng và Mường Sủi.

Thắng lợi của chiến dịch 139 đã giáng một đòn rất mạnh vào lực lượng Vàng Pao vốn là lực lượng nòng cốt của Mỹ trong “chiến tranh đặc biệt”, bước đầu đánh bại học thuyết Nixon ở Lào, tạo chuyển biến có lợi về so sánh tương quan lực lượng của cách mạng Lào, mở ra nhiều triển vọng cho cuộc đấu tranh cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao để giải quyết vấn đề Lào…

Mùa mưa 1970, khi nhiệm vụ phía trước nặng nề hơn, tiếng súng từ Cánh Đồng Chum vọng về thôi thúc hơn, Binh trạm 11 có quyết định tách ra làm hai, với đội hình binh trạm 11 phụ trách vận chuyển trong nước và một binh trạm mới mang phiên hiệu binh trạm (BT) 13, bao gồm tiểu đoàn pháo cao xạ 11, hai đại đội xe vận tải 52 và 53, một tiểu đoàn công binh (D4) và một số đơn vị thông tin, quân y, kho vận phối thuộc… hành quân sang nước bạn Lào, phụ trách vận chuyển quân lương súng đạn trên con đường 7 từ Nậm Cắn đến Cánh đồng Chum.

Đơn vị mới, nghĩa vụ cao cả, nhiệm vụ nặng nề, nhưng cán bộ chiến sỹ Binh trạm 13 bằng ý chí tiến công, lòng dũng cảm và trí thông minh, cùng một tinh thần quốc tế cao cả với nước bạn, đã chiến đấu, hy sinh, hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào chiến thắng Cánh đồng Chum trong chiến dịch phòng ngự của liên quân Việt - Lào, đánh bại kế hoạch lấn chiếm mùa mưa của quân phái hữu Lào và quân đội Thái Lan, bảo vệ vùng giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, giữ vững thế chiến lược của ta ở Bắc Lào, phối hợp với cuộc tiến công 1972 ở chiến trường Trị -Thiên và Bắc Tây Nguyên.

Ngoái nhìn lại lịch sử, chúng ta biết rằng: Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là vùng giải phóng quan trọng nhất của cách mạng Lào; địa bàn có giá trị chiến lược về quân sự, chính trị, kinh tế, có địa thế bảo vệ trực tiếp vùng căn cứ địa Sầm Nưa; uy hiếp và trực tiếp tiến công căn cứ Long Chẹng của lực lượng đặc biệt Vàng Pao; uy hiếp thủ đô Viêng Chăn và kinh đô cũ Luangphabang.

Đây cũng là một hướng chiến lược phối hợp tác chiến giữa ba nước Đông Dương và quan hệ mật thiết tới tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn của ta. Đế quốc Mỹ coi Cánh đồng Chum “là chìa khóa của nước Lào” và chọn đây làm nơi thí điểm học thuyết Níchxơn với công thức chiến tranh: “Quân ngụy Lào + quân Thái Lan + không quân, hậu cần, cố vấn Mỹ”.

Từ năm 1963 đến đầu năm 1972, đây là địa bàn giằng co quyết liệt: Mùa mưa địch chiếm, mùa khô ta lại giải phóng. Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Lào đã thống nhất chủ trương bảo vệ, giữ vững địa bàn chiến lược này khi chiến dịch tiến công mùa khô 1971-1972 kết thúc.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 1 - Bản hùng ca về Binh trạm 13 và Cánh đồng Chum - 2

Bộ Chỉ huy Quân giải phóng Lào bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972. (Ảnh tư liệu)

Đầu tháng 4/1972, ta quyết định mở chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Bộ Tư lệnh và Đảng ủy chiến dịch được thành lập do đồng chí Vũ Lập làm Tư lệnh, đồng chí Lê Linh làm Chính ủy. Địa bàn là khu tứ giác Noọng Pẹt - Mường Sủi -Thẩm Lửng - Thị xã Xiêng Khoảng (dài 60 km, rộng 50 km), trong đó Cánh đồng Chum là khu trung tâm, chia thành 5 khu vực phòng ngự.

Quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến dịch ban đầu có Trung đoàn 174 và 148/Sư đoàn bộ binh 316; Trung đoàn bộ binh 866 và 335; Tiểu đoàn đặc công 41 và 27; Tiểu đoàn pháo binh 42, hai tiểu đoàn pháo phòng không 37mm, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 14,5 mm, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm, 1 tiểu đoàn xe tăng và hai tiểu đoàn công binh.

Tháng 10/1972, Bộ tăng cường thêm Trung đoàn bộ binh 88/Sư đoàn 308C. Chỉ huy và cơ quan Sư đoàn 316 hợp nhất với chỉ huy và cơ quan chiến dịch, trực tiếp chỉ huy các trung đoàn chiến đấu. Lực lượng của bạn Lào tham gia chiến dịch có 7 tiểu đoàn bộ binh (4 tiểu đoàn Pathét Lào, 3 tiểu đoàn trung lập yêu nước), 2 đại đội pháo mặt đất, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh, 1 đại đội xe tăng, 4 đại đội bộ đội địa phương.

Lực lượng địch thuộc Quân khu 2, gồm 76 tiểu đoàn bộ binh (Thái Lan có 18 tiểu đoàn tổ chức thành các GM), 3 tiểu đoàn pháo binh; bố trí theo 4 khu vực quanh Cánh đồng Chum, được không quân Mỹ chi viện.

Cũng thời gian này, binh trạm 13 được thành lập, do trung tá Dư Cao làm chính ủy, thiếu tá Lê Việt Sinh làm binh trạm trưởng, đã góp phần to lớn vào công tác hậu cần rất quan trọng cho thành công của chiến dịch.

Sau chiến dịch tiến công kết thúc, tồn kho còn gần 1.500 tấn vật chất; giai đoạn chuẩn bị, được Binh trạm 11 và 13 (Cục Vận tải) vận chuyển bổ sung nên dự trữ của hậu cần chiến dịch đạt 4.396 tấn, đủ theo quy định. Hậu cần chiến dịch đã chỉ đạo dự trữ vật chất theo phân cấp hợp lý, có chiều sâu. Các đơn vị phòng ngự dự trữ đủ 1 tháng và bổ sung đủ dự trữ sau từng đợt chiến đấu; ưu tiên các trung đoàn phòng ngự phía trước và khu vực trọng yếu.

Trong suốt chiến dịch, hậu cần đã bảo đảm 3.918 tấn vật chất: 2.876 tấn lương thực thực phẩm (73,4%), 442 tấn đạn (11,3%), 400 tấn nhiên liệu (10,2%), 200 tấn vật chất khác (5,1%). Tổng kết Chiến dịch, Bộ Tư lệnh chiến dịch đánh giá: Công tác bảo đảm hậu cần trong đó có sự đóng góp quan trọng của BT 13, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần anh dũng, hăng hái phục vụ nên đã bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi.

Sẽ không bao giờ quên trong chúng tôi, buổi chiều cuối mùa mưa 1970, cả binh trạm xuất kích nhằm Cánh đồng Chum thẳng tiến.

Nậm Cắn, Nậm Tiền, Nâm Mật, đèo Đất, đèo Đá, Bản Ban, Phu nok cok, Khang Khay, Cánh đồng Chum - mịt mờ khói lửa, mịt mờ đạn bom, ta và địch dành nhau từng thước đất.

Chính ủy Dư Cao, Binh Trạm trưởng Lê Việt Sinh. Binh trạm phó Trần Duy Trọng (Trọng râu), Phó chính ủy Trần Xuân Đức. Phó chính ủy Nguyễn Xuân Nghiêm. Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Phú Nho… Với những sứ mệnh quốc tế cao cả trên vai “Việt Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu như nước Hồng Hà - Cửu Long”( Bác Hồ).

Những sỹ quan tham mưu, chính trị, hậu cần - Những ánh mắt ngời sáng  ý chí chiến đấu "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.

Những người lính công binh quê Nghệ An, Vĩnh Phúc “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Những người lính cao xạ quê Ninh Bình, Nam Định, Hà Bắc, Hà Nội “Hãy nhắm thẳng quân thù mà bắn!”. Những người lính lái xe quê đất Cảng Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ "Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Trai tráng khắp miền Tổ quốc đều có mặt trong đội hình ra trận của Binh trạm chúng tôi, như mang cả quê hương ra trận!

Sẽ không bao giờ quên, những mưa bom bão đạn quân thù trút xuống con đường. Những vũ khí hiện đại nhất, tối tân nhất, man rợ nhất: B52. AC 130... Các loại máy bay cường kích, tiêm kích. Bom bi, bom vướng nổ, bom từ trường, bom nổ chậm, bom lade, thổ phỉ, thám báo… để đánh phá tuyến đường. Núi lở, cây đổ, rừng cháy tan hoang. "Những đêm Trường sơn, ta đã đi qua bao chặng đường vất vả/ Đạn xé bom rơi mưa rừng xối xả.” Biết bao đồng chí, đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống trên con đường máu lửa này!

Lê Văn Học phá bom từ trường bằng chính chiếc xe gát 53 của mình. Nguyễn Văn Minh, Phan Văn Chinh, Nghiêm xuân Thép, Nghiêm Công Việt… hàng trăm đêm lái xe về đích trong mưa bom bão đạn. Những người lính pháo thủ đại đội 11, 13 dù bom địch bứng cả khấu pháo, người sống dồn lại những khẩu pháo còn lại theo tiếng hô bắn của Tiểu đoàn phó Hoàng Anh Phúc, đại đội trưởng Trịnh văn Dểnh… tiếp tục nhằm thẳng quân thù bắn! Những người lính công binh trên đỉnh đèo Phu Nok Cok trong mưa bom vẫn giữ cho tuyến đường thông suốt, cho những đoàn xe ra trận. Ở bên dưới là những đồng đội đã đóng sẵn cỗ hậu sự, ai hy sinh sẽ đưa ngay về đất mẹ hậu phương...

Sẽ không bao giờ quên mùa mưa ấy trong những cơn mưa ngút ngàn, những kỹ sư, chiến sỹ công binh lặng lẽ đi mở con đường xanh 45 vòng qua trọng điểm Phu Nok Cok cho một mùa khô vận chuyển phía trước.

Sẽ không bao giờ quên trong chúng tôi đêm trước ngày chiến thắng, những người lính vẫn vững vàng nơi vị trí chiến đấu của mình, dù họ biết có thể ngã xuống trước ngưỡng cửa bình minh.

Sẽ không bao giờ quên trong chúng tôi, năm 2020, ngay trên chiến trường xưa Cánh Đồng Chum, kỷ niệm 50 năm giải phóng Cánh đồng Chum, Đại tá Nguyễn Phú Nho, nguyên Chủ nhiệm chính trị Binh trạm 13 đã xúc động và trang nghiêm báo cáo với các đồng chí lãnh đạo của hai nước Việt Lào: "Xin báo cáo các đồng chí, những người lính binh trạm 13 chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xin trao lại cho thế hệ mai sau một tình yêu mãi mãi với đất nước Lào". 

>>> Đón đọc bài 2: Chuyện kể của người lái xe từng ở hai đại đội anh hùng 

Châu La Việt - Phạm Trung Nhân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mỹ: Siêu bão Milton chạm ngưỡng cực đại của bão trên Trái đất, Florida đối mặt thảm họa

Mỹ: Siêu bão Milton chạm ngưỡng cực đại của bão trên Trái đất, Florida đối mặt thảm họa

Siêu bão Milton, một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử ở Vịnh Mexico, đã đạt tới ngưỡng cực đại của bão trên Trái đất với sức gió giật có lúc lên tới hơn 320 km/giờ. Bang Florida của Mỹ có thể đối mặt thảm họa khi các nhà khí tượng cảnh báo về sức tàn phá khủng khiếp mà siêu bão có thể gây ra.

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//2024), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm Sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.