60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 5 - Cao hơn dãy núi Trường Sơn
"Vốn gắn bó với tuyến đường này nhiều năm, thông thuộc thổ địa, nên anh tìm vào hang đá nơi Huyện đội của Bạn đóng quân không mấy khó khăn. Người tiếp anh là một cô gái Lào xinh đẹp, mặc quân phục Pathét Lào xanh màu cây rừng, đội chiếc mũ vải mềm che nửa nghiêng mặt, nhìn tựa như nửa vầng trăng..."
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), Arttimes.vn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài "Khúc tráng ca về Đường 7 - Cánh đồng Chum" của cụm 5 tác giả đều từng là cán bộ chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận Cánh đồng Chum - Lào (Châu La Việt, Phạm Trung Nhân, Nguyễn Ngôn, Hoàng Ngọc Chấp, Nghiêm Xuân Thép).
60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 1 - Bản hùng ca về Binh trạm 13 và Cánh đồng Chum
60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 2 - Chuyện kể của người lái xe từng ở hai đại đội anh hùng
60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 3 - Lưới lửa phòng không trên tuyến đường 7
60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 4 - Lính công binh Đường 7
Công trường 45 (Mở đường xế quan đèo Phu Nok Cok) của Binh trạm đang vào lúc sôi động thì anh nhận được lệnh bàn giao chức Chỉ huy trưởng công trưởng cho tiểu đoàn trưởng công binh để về Binh trạm bộ. Anh phải trực chỉ huy Binh trạm khi Binh trạm trưởng đi chữa bệnh.
Chính ủy dặn anh trên đường về, nhớ rẽ vào Huyện đội Nọng Pẹt chào các đồng chí Huyện đội, và bàn phối hợp chiến đấu giữa Binh trạm và các đơn vị của Huyện đội. Nhất là bàn cách xử lý lũ phỉ Vàng pao và thám báo từ mùa khô qua thường đóng giả các chiến sỹ Pa thét Lào đi quấy phá tuyến đường vận chuyển của ta, làm chỉ điểm cho lũ máy bay đến đánh phá và gây tổn thất không ít cho các trận địa và kho hàng của binh trạm.
Vốn gắn bó với tuyến đường này nhiều năm, thông thuộc thổ địa, nên anh tìm vào hang đá nơi Huyện đội của Bạn đóng quân không mấy khó khăn. Người tiếp anh là một cô gái Lào xinh đẹp, mặc quân phục Pathét Lào xanh màu cây rừng, đội chiếc mũ vải mềm che nửa nghiêng mặt, nhìn tựa như nửa vầng trăng...
Tư liệu minh họa
Cô bắt tay anh:
-Tôi là Bua Khăm, Huyện đội trưởng.
-Vâng, tôi là đại diện binh trạm sang làm việc với các đồng chí.
Bua Khăm bỗng sững lại, khi nghe tên anh, và nhìn gương mặt vuông vức rất điển trai của anh. Giọng nói cô bỗng run run:
-Ngày trước, anh ở đơn vị lái xe?
-Vâng- anh gật đầu-Nhưng sao đồng chí biết?
-Ôi bộ đội Trung - Bua Khăm thốt lên đầy xúc động.Thật ra cô muốn ôm choàng lấy anh nhưng ghìm nén lại được….
-Anh không nhớ em đâu.Nhưng em thì luôn luôn nhớ anh.
Nhìn thẳng vào mắt anh, Bua Khăm tâm sự:
-Em đã đi tìm anh bao lâu nay, nhưng hôm nay tình cờ lại gặp. Em xúc động quá.
Một giọt nước mắt trào ra trên má Bua Khăm:
-Phò me em cũng bảo gắng đi tìm anh. Gia đình em và em biết ơn anh nhiều lắm….
Anh vẫn chưa hết ngạc nhiên. Không hiểu anh đã gặp cô gái này ở đâu và lúc nào mà cô nhớ anh đến thế nhỉ…
-Cũng đã 4, 5 năm rồi. Anh có nhớ một lần ở Bản Ban hay không? Có một cô gái bị phục kích, bò ra tới đường, lại thêm một lần bị bom, mất máu nhiều nên nằm bất tỉnh bên đường. Thế rồi có một người bộ đội lái xe đi qua đã xuống bế cô gái ấy lên ca bin, băng bó cứu thương cho cô, rồi cứ bế cô ấy trong vòng tay cùng người phụ xe đưa thẳng cô ấy về Mường Xén vào quân y viện.
Cô gái ấy chính là em đây, Bua Khăm đây anh...
-Ôi, Bua Khăm! - Bấy giờ anh mới thốt lên - Tôi nhớ ra rồi, nhớ lại rồi…(Rồi anh nói với cô bằng tiếng Lào) Thật xúc động khi gặp lại em.Không ngờ bây giờ em xinh đẹp đến thế...
Mặt Bua Khăm ửng đỏ lên:
-Em cũng rất xúc động. Ngày đó em đã tưởng chết, may có anh và các bác sỹ Việt Nam cứu chữa. Rồi em nằm bệnh viện ở Tương Dương nhiều tháng nữa mới hồi phục. Sau này khi tỉnh lại, em không hiểu vì sao mình đang đi công tác ở Bản Ban, mà giờ lại nằm ở Viện Tương Dương thế này. Mọi người kể lại, em mới hiểu, và họ nhắc đến tên anh…Bố em có qua viện thăm em, em cũng kể hết cho bố nghe những gì đã xảy ra với mình, với lòng biết ơn anh và bộ đội Việt Nam vô hạn. Và nhờ bố em đi tìm lại anh… Hình như sau đó bố em cũng đã qua Binh trạm, nhưng vội quá phải đi vào Cánh đồng Chum ngay, bố em là một đại tá Pa thét Lào có nhiều nhiệm vụ lắm, nên chỉ nhờ các chú lãnh đạo binh trạm tìm và cảm ơn anh mà thôi….
Sau những phút rất xúc động, Bua Khăm nói với anh:
-Tình riêng rồi, bây giờ đến công việc chung anh nhé. Anh cứ nói chúng ta sẽ phối hợp chiến đấu thế nào.Tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tôc Lào Việt là sức mạnh vô địch phải không anh?
Làm việc đến chiều thì xong, anh và chiến sỹ liên lạc chào ra về. Bua Khăm rất muốn giữ anh lại ăn cơm, và tối cùng các cô gái huyện đội mời anh Lăm vông. Nhưng anh nằng nặc xin phép ra về, vì quá nhiều công việc đang chờ anh và hẹn Bua Khăm sẽ gặp lại sau này…
Bua Khăm tiễn anh ra tới bìa rừng. Khi anh đi khuất, cô mới trở về đơn vị. Xa xa một ngọn núi cao, trăng nhú lên tròn vành vạnh, tỏa ánh sáng lung linh khắp núi rừng. Bỗng Bua Khăm thấy nhớ mẹ, nhớ bản Mường Ngàn của cô. Mẹ thương yêu bộ đội vô cùng. Cứ mỗi lần bộ đội về bản, bao giờ mẹ cũng cho con ra suối tìm pa xíu (loại cá như đầu đũa) giã ra làm chẻo để đãi bộ đội. Với tình nguyện quân Việt Nam, mẹ luôn có món dưa chua và trứng rán.
Một lần bộ đội đi chiến đấu ở Tha Thơm dài ngày, khi có đoàn tiếp tế Mường Ngàn chuyển hàng xuống, xã động viên các mẹ gói bánh làm quà cho chiến sĩ. Riêng mẹ gửi ba ống chẻo boong có pa xíu cho anh em. Khi các anh bộ đội Việt nam về, Mẹ lại bầy cho các anh phong tục người Lào.
Thường ngày cứ tới bữa rửa tay chuẩn bị ăn bao giờ người đàn ông cao tuổi nhất cũng sẽ đập quả trứng luộc chia cho mỗi người một thỏi lòng đỏ để xoa tay cho xôi khỏi dính. Lúc đầu, có anh không biết đã hấp tấp cho vào mồm nhấm nháp làm cả nhà bật cười. Mẹ giảng giải: “ Lòng đỏ trứng gà xoa tay là biểu hiện sự quý trọng khách của người Thái Phuôn lúc ăn xôi” Thường lệ, mỗi lần người đàn ông cao tuổi nhất ngồi vào mâm là mẹ chỉ cho bộ đội chiếc ghế bên cạnh để ngồi xuống cùng ăn…
Bua Khăm lên đường nhập ngũ, vào đội pháo binh, được đi học, rồi về công tác ở Quân khu. Có lần đơn vị cô trụ lại ở vùng núi Phu Leng hơn bảy tháng trời giữa mùa mưa. Họ đã đã bảo vệ được hơn 7.000 dân rồi giao cho Tiểu đoàn 705 đưa dân về Con Cuông (Nghệ An). Địch chiếm điểm cao đóng đồn, họ tập kích. Có lần quần nhau, địch trên cao, họ dưới hầm ngầm xuyên núi, địch lùng xuống hầm, họ lại luồn lên trên đánh xuống.
Tổng cộng, họ đã đánh hơn năm mươi trận, bắn rơi hai trực thăng, một ca-ri-bi, diệt hơn 300 tên địch. Nhưng một lần đi công tác ở Bản ban, cô đã bị thương nặng tưởng chết. may thay cô gặp bộ đội Trung. Đã nhiều ngày tháng qua , nhất là những đợt cô đưa dân làng qua Việt Nam, cô đã tìm mọi cách để lần ra tung tích anh, người mà cô mang ơn và ghi nhớ mãi đến hôm nay. Người Lào cô có tục lệ mạng trả mạng, cô nghĩ cô có thể chết thay anh để đền đáp nghĩa tình của anh…
Bất giác Bua Khăm nhớ một câu chuyện được một người con nuôi của Bác Xu pha nu vông, cũng là nhà văn Lào tên là Xomboun Vatthanna, tên Việt Nam là Trần Công Tấn một lần về công tác ở Xiêng Khoảng đã kể cho các cô nghe, câu chuyện về một mối tình Lào Việt rất đẹp làm cô rung động và nhớ mãi.
Chuyện kể rằng:
“Thuở ấy, trời đất Xiềng Khoáng tràn ngập khói lửa chiến tranh. Giặc hung ác kéo đến cướp bóc, đốt nhà, giết người già, trẻ con, hãm hiếp phụ nữ. Chúng lùng sục vào các bản bắt thanh niên đi lính, bắt gái đẹp về đồn làm vợ chúng. Nhiều cô gái đã không chịu nhục, đã ăn lá độc tự vẫn...
Thù giặc đến bầm gan, tím mật, anh du kích H’Mông tên là Ya Tho Tu cùng bảy anh em trai trong gia đình đã nổi dậy lập ra đơn vị Coòng Pát Chay đánh Pháp. Thế giặc lúc đó rất mạnh và rất tàn bạo, anh em bộ đội và du kích Lào gặp rất nhiều khó khăn nên cụ Hồ Chí Minh đã cử Tình nguyện quân Việt Nam đến giúp. Một người lính Việt Nam tên là Việt Sơn Hùng được cử về Noọng Hét giúp đỡ Ya Tho Tu, cùng sống lăn lộn trong các bản người H’Mông, sống chung với Tho Tu và đơn vị Coòng Pát Chay, cùng đi làm nương và vận động nhân dân đánh giặc.
Sơn Hùng rất dũng cảm, đánh giặc rất giỏi và thương yêu người H’Mông như ruột thịt. Hàng chục năm liền sống với người H’Mông, Sơn Hùng đã cùng nhân dân chịu đói rét, gian khổ. Bà con thấy thằng lính người Việt này ăn mặc đi đứng nói năng chẳng khác người H’Mông nên càng thương yêu. Có Sơn Hùng, người H’Mông ở Noọng Hét như có chỗ dựa. Ya Tho Tu xem Sơn Hùng như em và xin bố mẹ cho em gái mình là Nang Y Mơ làm vợ Sơn Hùng.
Hôm ấy, sau một trận đánh Pháp ác liệt, Coòng Pát Chay đã chiến thắng. Nhân dịp này Tho Tu bảo Sơn Hùng rằng: “Bố mẹ và anh muốn cho Y Mơ làm vợ em, Hùng chịu không?”. Hùng nói: “Y Mơ thì quá xinh đẹp, em thì xấu xí. Y Mơ thuộc giòng dõi người H’Mông nổi tiếng sang trọng ở Lào, mà nhà em ở bản Nà Mon, tận Mường Kiều, Cao Bằng thì rất nghèo khổ. Thuở nhỏ em phải đi làm thuê chăn trâu để kiếm sống. Y Mơ chẳng chịu làm vợ người như em đâu anh ơi!”.
Tho Tu gọi em gái ra, rút khẩu súng ngắn đặt lên bàn, nghiêm giọng nói: “Bố mẹ và anh đã quyết như vậy. Ý kiến Y Mơ thế nào. Anh cho trả lời một câu thôi”.Y Mơ òa khóc. Quỳ trước mặt anh và nói: “Anh Tho Tu khỏi phải bắn em. Bởi vì Y Mơ đã yêu thương Sơn Hùng suốt mấy chục lần trăng tròn rồi!”…
Tho Tu trợn mắt ngạc nhiên: “Vậy thì anh cũng phải bắn mày. Vì mày yêu Sơn Hùng mấy năm nay rồi mà chưa xin anh, chưa được phép bố mẹ, chưa cúng Trời”...
Y Mơ càng khóc to: “Em yêu Hùng chỉ giấu kín trong lòng, Hùng không biết nên cứ thờ ơ, em càng đau khổ. Anh không tin thì hãy cùng em đến chân núi Phụ Phà (tiếng Lào là Núi Trời), Trời Đất sẽ chứng giám cho lòng em”...
Y Mơ đi trước, Tho Tu và Sơn Hùng theo sau. Dưới chân Phụ Phà có hai cây mạy nhang mọc thẳng đứng như hai bàn tay đưa thẳng lên trời cầu xin. Dưới hai gốc cây khắc đầy ba mươi sáu lằn dao. Mỗi lằn dao khắc vào thân cây là một lần trăng tròn.
Mỗi lần trăng tròn Y Mơ lại ra đây đưa thẳng hai bàn tay lên trời mà kêu: “Hỡi thần linh của núi rừng sông suối Phụ Phà hãy giúp cho con lấy được Sơn Hùng làm chồng. Hỡi Ngài Hồ Chí Minh, Ngài Xuphanuvông anh minh và tổ tiên người H’Mông linh thiêng trên trái đất hãy phù hộ cho Y Mơ được làm vợ một người lính Việt Nam họ tên là Việt Sơn Hùng, tên thật là Đỗ Văn Tùng, Sơn Hùng là người tốt, ghét giặc Pháp và thương người H’Mông ta. Xin cho được làm ma họ Giàng Noọng Hét này”...
Đứng nhìn Y Mơ vừa khóc vừa kêu xin Trời Đất và nghe những lời khẩn cầu của Y Mơ, hai anh em Tho Tu, Sơn Hùng cũng nước mắt ròng ròng. Tho Tu gạt nước mắt, bảo em: “Thôi. Nín đi. Ta đã nghe lời em, biết lòng em. Bây giờ ta về báo với bố mẹ và dòng họ chuẩn bị lễ nhận Sơn Hùng làm con rể nhà ta”. Rồi Tho Tu quay lại nói với Sơn Hùng: “Có Núi Trời chứng kiến tấm lòng của em gái ta, Sơn Hùng hãy đến lau nước mắt cho Y Mơ đi!”. Thay vì nghe lời anh đến lau nước mắt cho Y Mơ, Sơn Hùng nhào đến ôm lấy Y Mơ và càng khóc to hơn: “Y Mơ ơi! Anh sẽ là chồng của em. Yêu em suốt đời và sống cùng sống với người H’Mông.Và khi chết cũng về chết bên cạnh người anh em H’Mông”...
Từ sau cái đêm ân ái dưới chân núi Phụ Phà, Sơn Hùng và Y Mơ trở thành chồng vợ và họ đã sinh hạ được chín mặt con, bốn gái, năm trai. Mối tình keo sơn Việt - Lào đó đã sản sinh ra cả loạt công dân ưu tú, đảm đương những cương vị công tác quan trọng của cách mạng Lào.
Ở Noọng Hét, mộ Việt Sơn Hùng nằm bên cạnh Ya Tho Tu, người anh hùng nổi tiếng của dân tộc H’Mông và Paxợt, người chỉ huy bộ đội Coòng Pát Chay trên một ngọn đồi đẹp, phía đông thị trấn cạnh con đường số 7 dẫn về biên giới Việt Nam. Những người con gái H’Mông thường đến đặt hoa tươi lên mộ Sơn Hùng. Họ cho hay, bà cụ Y Mơ vừa về đây. Bây giờ bà cụ ở Phônxavẳn, thủ phủ của tỉnh Xiềng Khoáng nhưng hàng tháng bà vẫn vài lần về thăm ông Sơn Hùng và chuẩn bị sẵn một chỗ sau này nằm bên cạnh ông để ông bà vĩnh viễn bên nhau…”
Câu chuyện này luôn nằm ở đáy lòng Bua Khăm, và không hiểu sao, mỗi khi nhớ về câu chuyện này, cô lại thường nhớ tới anh, và nhất định sẽ có một ngày cô sẽ gặp lại anh…
Bình luận