60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 3 - Lưới lửa phòng không trên tuyến đường 7

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), Arttimes.vn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài "Khúc tráng ca về Đường 7 - Cánh đồng Chum" của cụm 5 tác giả đều từng là cán bộ chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận Cánh đồng Chum - Lào (Châu La Việt, Phạm Trung Nhân, Nguyễn Ngôn, Hoàng Ngọc Chấp, Nghiêm Xuân Thép).

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 1 - Bản hùng ca về Binh trạm 13 và Cánh đồng Chum

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 2 - Chuyện kể của người lái xe từng ở hai đại đội anh hùng

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 3 - Lưới lửa phòng không trên tuyến đường 7 - 1

50 năm sau những người lính tham gia giải phóng Cánh đồng Chum vào thăm thủ đô Viêng Chăn

Tiểu đoàn 11 (D 11) thành lập tháng 6/1968 tại huyện Gia Khánh, Ninh Bình, trực thuộc Trung đoàn (E) 250 Bộ tư lệnh Phòng không Quân khu Ba. Tiểu đoàn có 3 đại đội pháo, trong đó có C7 thuộc Tỉnh đội Ninh Bình nay điều về trực thuộc Tiểu đoàn. Sau khi thành lập 5 ngày, D 11 vào tăng cường cho Quân khu 4. Cuối tháng 12/1969, tiểu đoàn rời khỏi đội hình E 250 nhận nhiệm vụ sang chiến trường nước bạn Lào.

Sau chặng đường dài hành quân vất vả từ cuối huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, qua Thành phố Vinh, các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, tiểu đoàn được biên chế về Binh Trạm 11 (BT 11) Cục Vận tải quân sự Tổng cục Hậu cần.

Một buổi chiếu cuối tháng 12/1969, toàn tiểu đoàn vượt qua biên giới Việt Lào triển khai chiến đấu trên đường 7, dưới chân cao điểm Đỉnh Đam 1600 mét, cách biên giới khoảng 15 km để bảo vệ các đòan xe vận tải đưa hàng vào mặt trận, và bảo vệ các kho hàng đặt tạm dọc hai bên đường…

Theo lệnh của thủ trưởng BT, tiểu đoàn cho C 11 chuyển sang sử dụng súng 12 ly 7 và hành quân vào Bản Ban nơi Ngã ba giữa Đường 6 và Đường 7. Lúc này, Đỉnh Đam chỉ còn lại C12 và C13.

8 giờ 25 phút sáng 18/2/1970, máy bay F4 của Mỹ từ căn cứ Thái Lan bay sang trinh sát dọc tuyến từ khu vực Cánh Đồng Chum đến biên giới Việt Lào. Hai đại đội đồng loạt nổ súng, chiếc máy bay trúng đạn, bốc cháy, rồi rơi cách trận địa 5 km. Tiểu đoàn và C13 điều các tổ đi bắt giặc lái Mỹ. Nhưng do rừng núi hiểm trở, địch lại dùng bom đạn khống chế khu vực tên giặc lái nên cuối cùng nó trốn thoát…

Từ 8 giờ 45 phút, nhiều đợt máy bay địch liên tục đánh phá vào các khu chân hàng, vào trận địa của ta và tìm cách cứu tên giặc lái. Cuộc chiến đấu kéo dài tới chiều tối 18 giờ 30. Địch tổ chức 15 đợt đánh phá, mỗi đợt chúng xuất kích từ 12-15 máy bay F4 đánh phá dữ dội các khu vực chúng  nghi ngờ có hàng, trực tiếp đánh vào trận địa của C12 và C 13.

Lúc 15 giờ, chúng đưa trực thăng đến cẩu được tên phi công bay về Thái Lan. Chúng tập trung đánh vào trận địa của ta như để trả thù. Cuộc chiến kéo dài liên tục, ác liệt. Chiến sỹ quên ăn, quên nghỉ. Nhưng đạn cạn dần, cả hai đại đội liên tục báo cáo về sở chỉ huy là sắp hết đạn. Mặc dù mỗi khẩu đội đều được cấp phát hai cơ số đạn, tức mỗi khấu có 400 viên. Nguy cơ hết đạn đang là mối nguy hiểm cận kề.

Để tiếp đạn, ta không thể dùng xe chở đạn, vì trận đánh đang rất ác liệt, làm như vậy  rất nguy hiểm cho cả xe lẫn chiến sỹ lái xe, mà chưa chắc là đã đưa được đạn vào trận địa. Một phương án khả thi là dùng người cõng đạn cho từng khẩu đội tiếp tục chiến đấu. Tiểu đoàn huy động gần 30 cán bộ, chiến sỹ, nhân viên chuyên môn của D bộ và trung đội chỉ huy, dùng ba lô cõng mỗi người 20 viên đạn 37 ly, nặng khoảng 32 kg lợi dụng địa hình địa vật , vừa di chuyển, vừa phòng tránh máy bay, tiếp tế cho hai đại đội được gần  600 viên đạn.

Tuy nhiên, số đạn ấy vẫn không đủ cho trận chiến kéo dài. Rất may là C13 phát hiện được một xe chở đạn của BT bị lật xuống hố bom đêm hôm trước ở gần trận địa, nên tổ chức cho bộ đội xuống lấy đạn từ chiếc xe bị đổ. Nhưng mỗi khẩu đội cũng chỉ cử  được từ một đến hai chiến sỹ đi lấy đạn được vài chục viên, trong khi cuộc chiến đấu càng về chiều càng quyết liệt.

Đến 17 giờ cùng ngày, cả hai đại đội đều báo cáo mỗi khẩu đội chỉ còn 20 viên đạn. Tình huống hết sức éo le và nguy hiểm. Lúc này, tiểu đoàn lệnh cho hai đại đội chỉ nổ súng khi địch bổ nhào trực tiếp, đánh vào khẩu đội nào thì khẩu đội ấy đánh trả (vì ở đây đội hình chiến đấu rải theo tuyến đường) và do địa hình không thể bố trí tập trung thành đội hình đại đội, mà các khẩu đội thường cách nhau từ 200-300 m.Việc chỉ huy của đại đội trưởng phải qua điện thoại.

Trời gần tối, thấy chúng ta nổ pháo có chừng thưa thớt, địch càng lồng lộn bắn phá. Chúng cho cả loại máy bay cánh quạt AD 6 nay thấp, bật đèn pha để đánh phá trận địa của ta. Đến 18 giờ 30 phút, khi trời tối hẳn chúng mới chịu chấm dứt cuộc đánh phá.

Sau một ngày chiến đấu cực kỳ anh dũng, tiểu đoàn lập một chiến công xuất sắc: Bắn hạ 4 máy bay F4 của địch, vào các thời khắc 8 giờ 25, 10 giờ, 12 giờ và 13 giờ. Ta an toàn về người và vũ khí. Chỉ một trường hợp duy nhất là chính trị viên tiểu đoàn Trần Văn Thực trên đường xuống chỉ huy đại đội, bị một loạt bom bi nổ gần, vài viên cắm vào đùi, phải đưa vào trạm phẫu thuật tiền phương lấy viên đạn bi ra. Và hôm sau lại trở về đơn vị chiến đấu.

Khoảng 20 giờ ngày hôm đó, đồng chí Binh trạm trưởng (11) - Thiếu tá Tạ Tuân từ bên nước sang chúc mừng, khen ngợi tình thần và chiến công của tiểu đoàn pháo cao xạ 11. Thay mặt ban chỉ huy binh trạm, đồng chí tặng cho tiểu đoàn 400 kg gạo nếp, 2 con lợn nặng 1,8 tạ và vài chục tút thuốc lá Tam đảo. Và lời khen của lãnh đạo Binh trạm với D11 là: "Các đồng chí xứng đáng là quả đấm thép trên đường 7”.

Một sỹ quan của tiểu đoàn đã làm 12 câu thất ngôn để chúc mừng chiến công đơn vị, đoạn kết bài thơ đầy hào hùng:

Đỉnh Đam ơi pháo nổ lên rồi

Một ngày thiêu cháy 4 giặc trời

Tháng hai nhớ mãi ngày 18

Một ngày chiến thắng xuân 70…

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 3 - Lưới lửa phòng không trên tuyến đường 7 - 2

Ảnh tư liệu minh họa

Sau chiến thắng Đỉnh Đam, Tiểu đoàn bộ cùng Đại đội 12 và 13 hành quân đi sâu vào chiến trường khoảng 80 km. Đó là khu vực Bản Ban, nơi mà Đại đội 11 đã vào đây từ trước. Nay Đại đội 11 nhận lại pháo 37, cùng Đại đội 12, 13 triển khai tại khu vực này để bảo vệ các kho hàng lương thực, nhu yếu phẩm, vũ khí, thuốc nổ… Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1970, toàn Tiểu đoàn bắn rơi 2 máy bay F4C.

Như vậy, sau 5 tháng chiến đấu trên chiến trường nước bạn, Tiểu đoàn tiêu diệt 06 máy bay Mỹ. Sang tháng 6, thời tiết chuyển sang mùa mưa, công tác vận tải bằng cơ giới của Binh trạm phải ngừng hẳn vì đường xá quá lầy lội. Do đó máy bay Mỹ cũng ít đánh phá.

Tiểu đoàn được lệnh cất giấu xe pháo vào rừng. Tổ chức lực lượng đi gùi gạo, đạn, vũ khí, quân trang, thực phẩm… vào tiếp tế cho các đơn vị bộ binh đang chốt giữ tại các trọng điểm. Hơn một tháng làm nhiệm vụ vận tải bằng đôi vai của cán bộ, chiến sĩ, Tiểu đoàn hoàn thành nhiệm vụ ngoài kế hoạch và được lệnh chuẩn bị cho bộ đội về hậu phương nghỉ ngơi một thời gian sau những ngày tháng chiến đấu gian khổ. Đặc biệt phải chống chọi với bệnh sốt rét có lúc lên đến 85% quân số.

Đầu tháng 8/1970, Tiểu đoàn bố trí một lực lượng khoảng một Trung đội do đồng chí Lưu Thắng phụ trách ở lại chiến trường trông coi xe, pháo cho cả 3 Đại đội đang cất giấu trong rừng. Toàn Tiểu đoàn hành quân bộ từ khu vực Bản Ban về qua cầu Mường Xén thuộc huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, với đoạn đường trên 100 km mới có xe của Binh trạm đón về xã Cao Sơn huyện Anh Sơn tập kết.

Theo kế hoạch, sau khi Binh trạm 11 và các đơn vị tổng kết, khen thưởng chiến dịch mùa khô 1970, Tiểu đoàn tổ chức cho bộ đội được ăn bồi dưỡng với tiêu chuẩn gấp đôi ngày thường trong thời gian một tháng để bộ đội phục hồi sức khỏe. Sau thời gian dưỡng sức, các đơn vị sẽ đi vào học tập chính trị, huấn luyện quân sự, củng cố tổ chức để đón nhận nhiệm vụ mùa khô tiếp theo.

Toàn Tiểu đoàn thực hiện chế độ bồi dưỡng mới được 10 ngày, thì bất ngờ có mệnh lệnh mới. Số là các đơn vị chốt ở các cao điểm phía trong lại trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm cần phải được cung cấp kịp thời. Thủ trưởng Binh trạm giao cho Tiểu đoàn đưa toàn đơn vị trở lại chiến trường làm nhiệm vụ gùi gạo cấp cho các đơn vị bộ binh đang ở phía trong.

Được tin này, một số chiến sĩ do nhớ nhà, sức khỏe chưa được hồi phục, mặt khác cũng chưa xác định được nhiệm vụ, lại ngại mang vác nặng vào lúc thời tiết đang giữa mùa mưa… nên có hành động vô kỷ luật, bỏ về thăm nhà ít ngày, coi như là hành động đào ngũ.

Sau vài ngày chuẩn bị, trừ số anh em đau yếu, bệnh tật, số “đào ngũ”…, Tiểu đoàn huy động được 120 quân do đồng chí Tiểu đoàn trưởng lúc này là Trần Văn Đức trực tiếp chỉ huy trở lại chiến trường. Lại một cuộc hành quân gian khổ được diễn ra. Đối với lính Cao xạ phải hành quân bộ coi như một cực hình. Sau khi được xe đưa đến bãi bằng Khâm - Mơ - Niên, bộ đội phải xuống xe đi bộ khoảng 60 km nữa mới trở lại căn cứ cũ tại Bản Ban. Qua 2 ngày hành quân luồn rừng dưới trời mưa tầm tã, đường trơn, dốc cao, cán bộ chiến sĩ rất mệt mỏi.

Chiều ngày thứ hai, đơn vị đến bờ sông Nậm Tiền, do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên sông dâng cao, dòng nước chảy xiết nghe như có hàng đoàn tàu đang chạy. Phương tiện vượt sông không có, chỉ có một chiếc thuyền sắt nhỏ của đơn vị công binh không có máy, phải dùng dòng dọc luồn qua sợi cáp căng ngang sông rồi dùng tay lần chuyển từ bờ bên này sang bờ bên kia. Thuyền nhỏ không có khả năng chở người, chỉ có thể chở ba lô, dụng cụ nhà bếp… sang được.

Sau khi xếp hàng lên thuyền nhờ công binh lần theo dây cáp sang sông, theo lệnh của đồng chí Tiểu đoàn trưởng, lần lượt từng Đại đội rồi đến Tiểu đoàn bộ cho bộ đội vượt sông bằng cách bơi không có dụng cụ hỗ trợ. Cuộc vượt sông vô cùng nguy hiểm, một chiến sỹ của Đại đội 11 vốn được đánh giá là người bơi giỏi nhất Trung đoàn 250 trước đây bị nước lũ cuốn trôi. Đồng chí này chỉ kịp kêu được 2 lần “cứu tôi với” thì nước lũ đã cuốn đi xa hàng trăm mét, không ai kịp phản ứng! Ngay đêm đó, sau khi hành quân thêm 15 km nữa, toàn đơn vị đến Bản Ban, hoàn thành cuộc hành quân bộ gian khổ và mất một chiến sĩ.

Sau vài ngày nghỉ ngơi, sửa chữa, chống dột các hầm nghỉ, toàn đơn vị vào “chiến dịch” vận tải mùa mưa bằng đôi vai cán bộ, chiến sĩ. Hàng vận chuyển lần này là gạo. Hàng ngày từ 5 giờ 30 phút sáng, các đơn vị lần lượt hành quân xuyên rừng chừng 5 km, mỗi người mang theo một ba lô do Liên Xô sản xuất, bên trong có một nắm cơm, một chút ruốc bông làm bữa ăn sáng. Sau 1 giờ đi bộ thì đến kho nhận hàng.

Kho này ở trong một hang đá khá rộng, có thể chứa được 3.000 tấn gạo gọi là hang Na - Đu. Trước kia hang chỉ có 1 cửa tự nhiên, bên trong rất tối, nay sử dụng chứa gạo nên được cải tạo cửa hang cũ và mở thêm 4 cửa mới, các xe vận tải chở 5 tấn có thể ra vào hang dễ dàng. Việc mở nhiều cửa sẽ đảm bảo cho nhiều xe ra vào giao hàng. Nhưng quan trọng hơn là đảm bảo an toàn cho lực lượng giữ kho nếu bị địch ném bom cửa hang thì không khí sẽ thoát ra các cửa còn lại, người bên trong không bị sức ép do không khí dồn nén quá mức nguy hiểm đến tính mạng.

Bộ đội nhanh chóng vào kho mỗi người nhận một bao gạo nặng 50 kg rồi khẩn trương vác gạo ra khỏi hang từ 100 mét đến 200 mét, nhanh chóng dạt vào rừng cây để phòng máy bay trinh sát của địch phát hiện. Gạo được đổ sang ba lô khoảng 35 kg. Số còn lại chừng 15 kg để lại trong bao rồi dùng dây rừng cột miệng. Khi đã đeo được ba lô lên vai thì chồng số gạo còn lại lên trên ba lô và bắt đầu di chuyển.

Đi được trên 2 km, sắp đến một bãi trống thì dừng lại ăn cơm nắm, ruốc bông. Sau khi dùng “bữa sáng” thì lại ba lô lên vai, chạy nhanh qua bãi trống 300 mét để lẩn vào khu rừng trước mặt. Đã có lần máy bay tuần tiểu của địch phát hiện được ta chúng bắn đạn 20 ly đuổi theo nhưng ta an toàn. Đi chừng gần 3 km nữa thì về đến hậu cứ. Các ba lô gạo được để rải rác bên các gốc cây rậm lá, dùng ni lông che đậy chờ buổi chiều chuyển đi tiếp.

Khoảng 16 giờ, bộ đội ăn cơm bữa chiều, tất nhiên cũng chỉ là cơm, ruốc bông và măng tre hoặc rau rừng do nhà bếp kiếm được với 2 cách pha chế là luộc hoặc nấu canh với muối.

Đến hơn 17 giờ, lúc này máy bay Mỹ tạm ngừng hoạt động cho đến 19 giờ. Tranh thủ thời gian các gùi gạo được đưa ra đường số 7 bàn giao cho đơn vị khác tiếp tục đưa vào trạm tiếp theo. Đoạn đi giao gạo cũng khoảng 5 km nữa. Như vậy, mỗi ngày mỗi người phải đi về chừng 20 km, trong đó có 10 km gùi gạo trên lưng.

Việc gùi gạo không phân biệt cấp, chức mà cán bộ, chiến sĩ đều mang vác như nhau. Riêng trường hợp đồng chí Tiểu đoàn Trưởng Trần Văn Đức lúc đó đã ngoài 40 tuổi nên anh em không cho đồng chí gùi gạo mà để đồng chí hằng ngày đi cùng đơn vị là được. Nhưng đồng chí nhất quyết không chịu nên đành để chiến sĩ liên lạc san cho đồng chí khoảng 20 kg gùi cùng anh em. Một tác phong gương mẫu, một sự sẻ chia, một tinh thần trách nhiệm của đồng chí làm cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đều cảm phục và kính trọng. Tuy nhiên do lao lực trong suốt chiến dịch nên đồng chí đã ngã bệnh phải đi điều trị bệnh lao và phải về hưu ở độ tuổi 42!

Chiến dịch kéo dài từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 11/1970, khi mùa mưa đã hết, chuyển sang mùa khô, xe vận tải có thể hoạt động được, chiến dịch “vận tải bằng sức người” mới kết thúc. Thời gian chiến dịch khoảng 80 ngày, mỗi cán bộ, chiến sĩ đã cõng trên lưng 4.000 kg gạo (4 tấn). Tổng hợp chung, Tiểu đoàn đã vận chuyển được 560 tấn gạo cung cấp cho các đơn vị giữ chốt; một thành tích cũng đáng tự hào. Kết thúc đợt công tác ngoài chuyên môn này, Tiểu đoàn được Binh trạm và Cục vận tải biểu dương, một số cán bộ, chiến sĩ được tặng bằng khen!

Giữa tháng 11/1970, Tiểu đoàn được lệnh đưa pháo ra triển khai chiến đấu bảo vệ các đoàn xe vận tải đã bắt đầu vào mùa vận tải 1970 - 1971. Lúc này, Tiểu đoàn trực thuộc Binh trạm 13, một binh trạm mới thành lập tách ra từ Binh trạm 11.

Cuối tháng 11/1970, địch cho bọn ngụy Viêng Chăn đổ quân lấn chiếm vùng giải phóng thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Chúng chiếm giữ 4 điểm cao, hằng ngày ăn mặc giả bộ đội giải phóng lần mò xuống các tuyến đường và bắt cóc các nữ công nhân người Việt làm việc trên các đoạn đường thuộc vùng giải phóng do Bạn kiểm soát.

Trong các cao điểm chiếm đóng, có cao điểm bản Ngoẹo chỉ cách cơ quan Binh trạm 13 ở khu vực bản Ban chừng 2 km đường chim bay. Lúc này đồng chí Đặng Ba - Đại tá Phó Chính ủy cục vận tải đang công tác tại Binh trạm 13. Để đề phòng bọn địch có thể lần mò đến cơ quan của Binh trạm, đồng chí Đặng Ba giao nhiệm vụ trực tiếp cho Đại đội 11 đưa 2 khẩu pháo đánh bọn địch ở Bản Ngoẹo để bảo vệ an toàn cho Binh trạm.

Sau một ngày cùng cán bộ tham mưu Binh trạm trinh sát nắm địch, Đại đội 11 làm phương án tác chiến được Tiểu đoàn và Binh trạm thông qua.

Theo kế hoạch đã định, Đại đội 11 chia làm 2 bộ phận: bộ phận thứ nhất ở lại trận địa bảo vệ giao thông do đồng chí Đại đội phó chỉ huy, bộ phận thứ hai hành quân kéo pháo chiếm lĩnh trận địa chuẩn bị đánh bọn địch ở Bản Ngoẹo (bộ phận này do đồng chí Chính trị viên chỉ huy, vì lúc này đồng chí Đại đội Trưởng đang điều trị ở bên nước chưa sang).

Tối hôm trước đơn vị tập kết dấu quân trong khu rừng cách địch khoảng gần 1000 mét, do địa hình không thể vào sâu hơn. Ngày hôm sau, bộ đội bí mật làm công tác chuẩn bị xa kích, xác định cự ly bắn, chuẩn bị pháo đạn, chuẩn bị chiến đấu. Đúng 17 giờ, hai khẩu pháo được đưa ra bãi trống đặt bắn, sau mấy phút lấy thăng bằng, kiểm tra đường ngắm, lắp cự ly cố định do chiến sĩ đo xa cung cấp theo lệnh của Chính trị viên, mỗi khẩu bắn thử một điểm xa để xác định sai số.

Sau khi điều chỉnh tầm, bắn tiếp loạt thứ hai. Thấy đạn đã bắn trúng vào cao điểm địch đang chốt, theo lệnh chỉ huy hai khẩu liên tiếp nhả đạn vào đội hình quân địch. Sau gần nửa giờ vừa bắn vừa hiệu chỉnh, đơn vị ngừng bắn.

Bị đánh bất ngờ, địch không thể phản ứng mà tìm cách ẩn náu tránh thương vong. Lúc này tại sở chỉ huy Tiểu đoàn và Binh trạm đều quan sát thấy những luồng đạn tiết sáng lao vào chốt địch, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy rất vui, trận đánh kết thúc vào 18 giờ, ta trở về đơn vị an toàn.

Ngay đêm đó, địch cho trực thăng đến chở những tên còn sống sót về Viêng Chăn. Sau khi địch rút chạy, trinh sát Trung đoàn tình nguyện 886 lên kiểm tra phát hiện địch bỏ lại 31 xác chết và 1 khẩu cối 60 ly bị phá hủy, đã nhanh chóng báo đến Binh trạm 13. Đại tá Đặng Ba đã gọi điện biểu dương Đại đội 11.

Tuy nhiên ngoài số địch bị tiêu diệt còn có 4 nữ công nhân của ta bị hy sinh trên chốt địch. Số là trước đó 2 ngày, bọn địch giả làm bộ đội giải phóng Lào đã bắt cóc 6 nữ công nhân đang làm đường đưa lên chốt của chúng. Khi ta nả pháo vào bọn địch trong lúc rối loạn 2 cô đã thoát được tìm về đơn vị, bốn cô còn lại đều hy sinh.

Trận đánh thắng nhưng tiêu hao nhiều đạn, mỗi khẩu bắn gần hết một cơ số đạn được trang bị.

Sau trận đánh, chỉ huy Binh trạm và đồng chí Phó Chinh ủy Cục vận tải muốn đề nghị khen thưởng đơn vị , nhưng đồng chí Thiếu tá Trưởng phòng tác chiến của Cục từ Hà Nội vào lại phản đối. Đồng chí cho rằng đánh lãng phí đạn và không đúng “đối tượng”! Chuyện còn đang tranh luận thì ít bữa sau vào ngày 01/01/1971 toàn Tiểu đoàn rời khỏi Binh trạm và từ đó đến nay trực thuộc Trung đoàn 226 (nay là Lữ đoàn). Chuyện khen thưởng hay quở phạt rơi vào quên lãng.

Như vậy, trước khi trực thuộc Trung đoàn 226, Tiểu đoàn đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc tại chiến trường quân khu 4, bắt sống giặc lái. Tại chiến trường Lào, bắn rơi 6 máy bay, tiêu diệt 31 tên lính ngụy Lào.

Sau khi trực thuộc Trung đoàn, Tiểu đoàn có cơ động vào thị xã Khang, Khay cách Bản Ban 80 km, sau đó vào ngã ba Phôn - Xa - Vẳn bảo vệ giao thông và các kho hàng. Trong khoảng thời gian này diễn ra chiến dịch đường 9 Nam Lào nên khu vực Tiểu đoàn bảo vệ hầu như không có máy bay tiêm kích của địch hoạt động. Chúng chỉ cho máy bay trinh sát L19 và OV10 duy trì hoạt động nên không có trận chiến đấu nào.

Tháng 6/1971, Tiểu đoàn được lệnh hành quân từ Phôn - Xa - Vẳn về huyện Anh Sơn - Nghệ An vì thời tiết đã chuyển sang mùa mưa.

Sau mấy tháng về nước phục hồi sức khỏe, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, củng cố lực lượng và xác định nhiệm vụ cho bộ đội là trở lại chiến trường nước bạn, cùng bạn thu hồi cách đồng Chum đang bị địch chiếm đóng.

Đầu tháng 11/1971, Tiểu đoàn cùng các đơn vị của Trung đoàn hành quân sang chiến trường nhận nhiệm vụ mới, khi bố trí ở Khang Khay Đại đội 11 bắn rơi 1 máy bay T28. Sau nhiều lần di chuyển, Tiểu đoàn bộ và Đại đội 12, 13 vào khu vực ngã ba Phôn - Xa - Vẳn; Đại đội 11 đi theo đường rẻ xuống bảo vệ kho K8, cách tiểu đoàn chừng 10 km. Đại đội độc lập tác chiến, hằng ngày báo cáo về Tiểu đoàn bằng máy bay vô tuyến…

Để chuẩn bị cho chiến dịch thu hồi cách đồng Chum, đơn vị được giao tham gia hiệp đồng binh chủng với Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 312 tác chiến ở hướng chủ yếu trong đó có cao điểm Phu - Tâng, nơi có 2 Tiểu đoàn pháo binh quân Thái Lan chốt giữ.

Những ngày cuối tháng 11/1971, Tiểu đoàn trưởng Hoàng Anh Phúc cùng 3 Đại đội Trưởng dẫn một lực lượng vào gần các chốt địch nhận vị trí và đào đắp công sự chuẩn bị đưa xe pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Đêm 16/12/1971, Tiểu đoàn cơ động vào vùng đệm ém quân, chờ lệnh xuất kích. Đúng 21 giờ ngày 17/12/1971, theo lệnh của Bộ tham mưu chiến dịch, toàn Tiểu đoàn kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa đã được chuẩn bị từ trước.

Trên đường vào chiếm lĩnh trận địa, các đơn vị đều phải vượt qua những cuộc bắn pháo của quân Thái Lan nhằm ngăn chặn các xe vận tải của ta như thường lệ hằng đêm, chứ chúng chưa thể biết ta đang triển khai lực lượng bao vây chúng.

Đến 22 giờ, các xe kéo pháo tiến gần các chốt địch để đảm bảo bí mật, bất ngờ các xe đều trở về số 1, không nhấn ga, chỗ nào xe không đi được ta dùng sức người trợ lực cho xe chạy. Các xe đều không dùng đèn, trời rất tối. Mỗi xe có 02 chiến sĩ khoác dù trắng chạy hai bên phía trước, lái xe căn vào giữa để tiến hành.

Lúc này, địch ngừng bắn pháo mà cho C119 bắn “xăm” xuống những đoạn đường mà chúng nghĩ là có xe ta đang di chuyển, có lúc chúng bắn phá gần trận địa các đại đội đang chiếm lĩnh. Ta không nổ súng mà khẩn trương đưa pháo vào công sự làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Đến 24 giờ, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, ta vẫn giữ được bí mật. Đến đây coi như ta hoàn thành 50% công việc.

Đúng 4 giờ 45 phút ngày 18/12/1971, các hỏa lực tầm xa của chiến dịch, của Sư đoàn đồng loạt nã đạn vào các chốt địch đã được chỉ định. Sau loạt pháo ban đầu, bộ binh ta áp sát địch cắt hàng rào các căn cứ của chúng. Bị đánh bất ngờ, bọn lính đánh thuê hoang mang hoảng loạn.

Từ 8 giờ sáng, địch cho các tốp máy bay F4C đánh phá các địa điểm chúng nghi ngờ ta đang ém quân; máy bay trinh sát OV10; L19 quần đảo, tìm kiếm, chỉ điểm cho bọn lái phản lực. Toàn Tiểu đoàn được lệnh nổ súng đánh bọn không quân. Do thời tiết có mù “khô” nên ta đánh từ sáng đến chiều mà chưa có kết quả. Tiểu đoàn Trưởng Hoàng Anh Phúc rất nóng lòng.

Đến 17 giờ 25 phút, bọn Phỉ Vàng Pao cho 2 T28 từ căn cứ Long Cheng bay thẳng vào trận địa Đại đội 11. Ta nổ súng bắn bay bằng nhưng không trúng, địch vòng lại, chiếc thứ nhất nâng độ cao, chuẩn bị bổ nhàu. Khẩu lệnh chỉ huy được phát ra: “Hướng 32, chiếc đầu, tốc độ 120, góc bỏ nhào 30, cự ly 3.600” các pháo thủ thao tác theo khẩu lệnh chính xác.

Khi chiếc đầu bổ nhào đến cự ly lắp sẵn, khẩu lệnh “bắn” vang lên, một loạt đạn từ các khẩu đội bắn lên. Chiếc máy bay cất vội một quả bom nổ trước Sở chỉ huy Đại đội chưa đến 100 mét, đồng thời trúng đạn bốc cháy như một bó đuốc rồi đâm xuống phía sau đơn vị 150 mét, tên giặc lái người Lào bị tiêu diệt.

Được chứng kiến pháo Cao xạ bắn rơi tại chộ máy bay địch, các đơn vị tham gia chiến dịch tung khăn, mũ reo hò, hoan hô lính phòng không. Đây là chiếc máy bay địch đầu tiên bị bắn rơi trong ngày đầu chiến dịch của Tiểu đoàn 11. Ngay đêm đó, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm - Chính ủy cụm phòng không 226 và đồng chí Trần Văn Thực - Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn xuống động viên Tiểu đoàn và Đại đội 11. Ngày đầu ta đã lập được chiến công!

Sáng 19/12/1971, bọn địch ở các chốt vô cùng hoang mang và xin cứu viện. Phán đoán của Bộ chỉ huy chiến dịch là địch có thể đổ quân cứu viện cho bọn đang bị ta vây lấn. Đại đội 12 của Tiểu đoàn 11 được lệnh hành quân thọc sâu vào trung tâm, chiếm lĩnh sân bay Bản Ang sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không.

Sau khi chuẩn bị xe pháo, đúng 8 giờ, chiếc xe kéo pháo đầu tiên của Đại đội 12 do Trung sĩ Trần Đức Quyển điều khiển bắt đầu xuất phát. Pháo ở tư thế bắn khi tiến hành. Xe vừa ra khỏi trận địa được hơn 100 mét, địch phát hiện được đã tập trung bắn rốc két, bắn đạn 20 ly, ném bom bi chặn đầu khóa đuôi chiếc xe. Ba pháo thủ trên pháo nổ súng đánh trả trong khi xe vẫn tiếp tục lao nhanh về phía trước. Hai Đại đội 11 và 13 cũng bắn quyết liệt vào đội hình máy bay địch để bảo vệ xương máu của các đồng đội. Xe đến Ngầm Lạt - Huồng thì dừng lại vì nước lớn.

Sau một hồi bị đánh trả mạnh mẽ, máy bay địch phải rút đi. Đại đội 12 tiếp tục bảo vệ cho nhau vượt ngầm vào chiếm lĩnh sân bay Bản Ang.

Lúc 17 giờ 30 cùng ngày, địch dùng B52 rải bom xuống khu vực Tiểu đoàn. Đại đội 11 bị bom trúng khu nhà bếp, một chiến sĩ nuôi quân hy sinh khi vừa đặt gánh cơm lên vai. Bữa tối hôm đó và bữa sáng, bữa trưa hôm sau, cán bộ chiến sĩ Đại đội 11 phải ăn lương khô, uống nước suối.

Đợt 1 chiến dịch kết thúc vào ngày 20/12/1971, khi bọn địch phải tháo chạy bỏ lại hơn 3500 xác chết trên chiến trường. Cụm pháo phòng không 226 và Tiểu đoàn 11 đã hoàn thành chiến đấu hiệp đồng binh chủng, lập được chiến công.

Để chuẩn bị chiến dịch đợt 2, bộ đội công binh mở đường mới để xe tăng, pháo hạng nặng của ta vào chế áp căn cứ Long Chẹng Xảm Thông do bọn phỉ do tên Tường người Mông là Vàng Pao chỉ huy.

Tiểu đoàn 11 cũng được lệnh đi bảo vệ xe tăng, pháo binh, bào vệ các xe vận tải với phương châm: “Thọc sâu, ở lâu, trụ chắc, đánh thắng”!

Đội hình Tiểu đoàn bố trí dọc tuyến đường vận chuyển Đại đội 13 ở đốc thông, Đại đội 11 ở bãi bằng Hin Tạng, Đại đội 12 vào sân bay Sao Phan cách căn cứ Xảm Thông của địch chưa đầy 5 km và đã bắn rơi 1 máy bay. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1972, địch dùng nhiều lần B52 rải bom xuống đội hình Tiểu đoàn nhưng ta vẫn an toàn.

Ngày 09/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-Xơn phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 trên miền Bắc nước ta. Toàn tiểu đoàn cùng các đơn vị của Trung đoàn được lệnh hành quân về nước, bảo vệ Miền Bắc.

Thời tiết đã sang mùa mưa, đường trơn, dốc cao cuộc hành quân còn gian khổ hơn lúc vào. Nhưng với quyết tâm trở về bảo vệ quê hương nên qua 04 đêm 01 ngày hành quân, toàn Tiểu đoàn an toàn trở về đến thị xã Ninh Bình, vượt chặng đường dài gần 600km…

>>> Mời quý độc giả đón đọc Bài 4: Lính công binh Đường 7

Trung tá Hoàng Ngọc Chấp

#
Thái kế Toại: E226 còn nhiều tiểu đoàn nữa. D118 với 14.5 ly vào sát Long Chẹng. D128, D3, D119 bảo vệ giao thông cả tuyến đường 7.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.