60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 4 - Lính công binh Đường 7

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), Arttimes.vn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài "Khúc tráng ca về Đường 7 - Cánh đồng Chum" của cụm 5 tác giả đều từng là cán bộ chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận Cánh đồng Chum - Lào (Châu La Việt, Phạm Trung Nhân, Nguyễn Ngôn, Hoàng Ngọc Chấp, Nghiêm Xuân Thép).

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 1 - Bản hùng ca về Binh trạm 13 và Cánh đồng Chum

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 2 - Chuyện kể của người lái xe từng ở hai đại đội anh hùng

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 3 - Lưới lửa phòng không trên tuyến đường 7

Đợt nhập ngũ năm ấy, làng tôi có sáu thằng, tuổi sàn sàn như nhau, mười tám, đôi mươi. Mỗi đứa mỗi cảnh, nhưng đều chung một cảnh nghèo.

Dân quê tôi nghèo lắm. Năm nào cũng thiếu ăn, có nhà thiếu đến hai ba tháng. Chúng tôi có sáu đứa thì năm đứa học hành dở dang, duy nhất chỉ có tôi là học xong cấp ba trường huyện. Cả làng chỉ có vài nhà có xe đạp, hôm đưa chúng tôi lên huyện tập trung, nhiều nhà phải sang hàng xóm mượn từ chiều hôm trước, mượn được xe đã là vinh dự lắm rồi (chỉ có đưa tân binh lên đường hoặc đi viện cấp cứu họ mới cho mượn). Với lại, có phải ai cũng biết đi xe đâu.

Trong số chúng tôi, nghèo nhất nhà thằng Dũng, bố mất sớm, mẹ phải tần tảo nuôi sáu anh em nó. Anh Hùng là lớn nhất. Anh nhập ngũ được hai năm rồi hy sinh, giấy báo tử người ta ghi hi sinh ở mặt trận Sài gòn, Gia định năm 1968.

Hôm ấy, người đưa tiễn đông lắm. Đứa nào cũng có bố mẹ, anh em bạn bè đưa đi, ngoài đường người đi như đi hội. Thằng Dũng chỉ có mình đứa em gái giáp nó đi cùng. Cô em giằng lấy cái túi của anh, khoác vào vai, hai anh em chạy vã đến nơi thì  vừa lúc người ta gọi  tên nó. Nó bảo em quay về rồi đứng vào hàng, mặt quay đi nơi khác.

Dũng thương mẹ lắm, việc gì nặng cũng giành lấy. Mẹ bảo thế nào nó cũng không  nghe. Hôm qua nó còn trèo lên mái nhà dặm lại cho mẹ mấy chỗ dột, đến trưa mẹ gọi  mãi nó mới xuống. Hôm ấy bà làm bữa cơm liên hoan để ngày mai Dũng lên đường. Bữa cơm có cả thịt lợn kho, đậu phụ. Chả là nhà có người đi bộ đội nên hợp tác xã  người ta mổ lợn ưu tiên phân phối cho. Mấy đứa em thích lắm, gắp liên tục, mẹ nó  phải nhắc: Chúng mày ăn từ từ, còn phần anh chứ. Chúng nó nhìn Dũng rồi lại nhìn  bát thức ăn. Dũng gắp thêm cho em, cho mẹ, rồi đứng dậy bảo no rồi, không ăn nữa. 

Đêm ấy, mẹ Dũng không ngủ, nửa đêm bà dậy, rón rén nhóm lửa nấu cơm. Cơm chín,  bà với cái mo cau đã chuẩn bị từ chiều hôm trước hơ vào ngọn lửa cho nóng, cái mo mềm ra. Bà xới cơm vào, nén thật chặt, thằng Dũng nhà bà có ăn mấy ngày cơm vẫn dẻo, bà cẩn thận nhét nắm cơm vào túi cùng với bộ quần áo của anh Hùng để lại cho  Dũng trước ngày anh nhập ngũ. Bà sợ nhỡ chính phủ chưa phát kịp thì nó còn có cái để thay đổi.

Rạng sáng, bà đánh thức hai anh em dậy ăn uống qua quýt rồi bà giục hai đứa đi cho  kịp. Đưa con ra cửa, nắm tay Dũng, bà dặn: Con yên tâm mà đi, không phải lo cho mẹ, cố gắng học tập, rèn luyện cho bằng anh bằng em, giữ gìn sức khỏe, tránh hòn tên mũi đạn, hoà bình rồi con về với mẹ với em.

Nói xong, bà nấc lên, đổ ập vào vai Dũng, lịm đi, mấy đứa em thấy vậy, khóc váng lên. Dũng đưa mẹ vào giường, bà  tỉnh  lại  bảo  mấy  đứa nhỏ: Mẹ không sao, các con nín đi, rồi chào anh, anh đi vài năm, hoà bình anh lại về với mẹ con mình. Bà nhìn đàn con, giấu tiếng thở dài. Lại thêm một đứa nữa rời khỏi vòng tay bà.

Dũng ôm lấy các em rồi quay đi, bước vội ra cửa, bên ngoài trời đã sáng.

Là người lính chúng tôi phải đối mặt với chiến tranh, với kẻ thù, với sự sống và cái chết, và đối mặt với chính mình.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 4 - Lính công binh Đường 7 - 1

Ảnh tư liệu minh họa 

Đã sang tháng 9, đêm xuống trời lành lạnh, cánh lính trẻ chúng tôi chìm sâu trong giấc ngủ. Bỗng nhiên tôi giật mình nghe, tiếng kẻng báo động dồn dập, tiếng còi rít lên, tiếng gọi nhau, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch. Tôi nhảy xuống đất, thò tay vào  màn của thằng Dũng đập mạnh vào lưng nó. Hai đứa nhanh chóng thu dọn quân trang nhét vào ba  lô, tay vớ khẩu súng, chúng tôi lao ra ngoài.

Ánh đèn pin loang loáng xé nát không gian, tiếng người chỉ huy đanh gọn, yêu cầu các trung đội kiểm tra quân số, ngoài đường một đoàn xe phủ bạt kín mít, bóng người đi lại lố nhố. Tôi cảm thấy có cái gì đó khang khác, không bình thường.

Điểm danh xong, chúng tôi được thông báo: Đơn vị  nhận lệnh đi chiến đấu. Và lên xe  ngay lập tức. Bầu không khí căng thẳng, dồn nén. Tôi  thấy  ngộp thở,  lồng  ngực  căng  lên. Xe  nổ  máy từ từ  chuyển  bánh. Lại  nghe tiếng  ồn ào, có ai đó  gọi  tên  chúng tôi. Thì ra,  bây giờ  bà con  nơi  chúng tôi  đóng  quân mới  biết. Họ cứ tưởng  như  mọi  hôm, báo  động  xong  chúng tôi lại  về . Tôi  nghe  thấy cả  tiếng khóc, tiếng  chào  nhau.  Xiết  chặt  khẩu  súng  trong  tay, cố  thò đầu ra ngoài tôi  hét  to: “Hoà bình  chúng tôi sẽ  về”.

Đoàn  xe tăng  ga, lao nhanh. Tạm biệt hậu phương, tạm biệt bà con, những người  đã  đùm bọc, thương  yêu  chúng tôi  trong  những tháng ngày qua.  Nhất định chúng tôi sẽ  về.

Sau  những ngày dài  hành  quân  vất vả,  xe đưa  chúng  tôi  tới một cánh rừng  phía Tây  Nghệ  An giáp  biên giới Việt Lào.  Đây là  hậu cứ của  binh  trạm 13

Tất  cả  chúng  tôi  đều  được  biên chế  vào  các  đơn vị : pháo  phòng  không ,vận  tải, kho, và  Công  binh. Tôi  và Dũng  được biên chế vào  đại  đội  10 tiểu  đoàn  công  binh  số 4( D4). Một  đơn vị  đã  nhiều năm  chiến đấu  ở  chiến trường  Lào, có  nhiều  thành tích,  nhưng  quân số thì  lại  thiếu, một  phần  do hy sinh  trong  chiến đấu, một  phần  do  bệnh  tật, đau  ốm  phải  chuyển  về  tuyển  sau.

Sau một  tuần  nghỉ ngơi học chính trị, chúng tôi được bổ sung  quân  trang, quân  dụng. Hôm  nhận  quân  trang, lúc  cầm  trên  tay  một  cái  túi  ni  lông  và  một chiếc  túi  vải giống như  cái  vỏ  chăn, tôi  nhìn  Dũng  chưa biết  nó là cái gì thì  người  cán bộ  cấp  phát  hiểu  ý  nói  luôn : “Đây là  túi  dùng cho  tử  sĩ. Khi  chết  người ta  cho  vào túi  vải, sau đó  cho  vào túi  ni  lông  này (Anh  kéo  rộng  cái  miệng  túi  ra,  rồi  lại  buộc vào  cho chúng tôi  nhìn). Nếu có  điều kiện  thì  đưa  về  nước, nếu  không thì ...

Anh  nhìn  chúng tôi không  nói nữa, chúng tôi  hiểu  anh  muốn nói gì . Tôi  cẩn  thận  gập  cái  túi  lại, cho  xuống  đáy  ba lô, chỉ  mong sao  không  phải  dùng đến nó. Nhìn  sang  Dũng,  tôi vẫn  thấy  nó  bần  thần  cầm  cái  túi  trên tay rồi  lẳng lặng  quay về, trèo lên  võng nằm , đến khi  tôi  gọi  đi  tắm nó  mới  dậy.

Bữa  cơm chiều  hôm ấy, chúng  tôi  ăn  sớm  hơn mọi ngày. Ăn  xong  có  lệnh tập trung  di chuyển, sẩm  tối chúng tôi  vượt  biên giới qua  cửa  khẩu  Nậm Cắn bằng  xe  cơ  giới. Trời tối  đen như mực, đường  rất  xấu,  hố bom  nham nhở, sâu hoắm, trên  đầu  máy bay  địch quần đảo, xe  phải  bật  đèn  gầm, tầm  nhìn  bị  hạn chế nên  cứ  nhảy  chồm  chồm. Trên  xe  chúng tôi  đè  cả  lên  nhau, nhưng  không  ai  kêu. Đêm  đầu tiên  ra  chiến trường mà , dũng khí  vẫn  còn  nguyên, xóc  có  là gì  với  chúng tôi. Tôi  chợt nhớ tới  bài thơ  Tây tiến  của  Quang Dũng,  hứng  chí  đọc  luôn  mấy  câu  :

"Dốc  lên  khúc  khuỷu, dốc  thăm  thẳm

Heo hút cồn  mây  súng  ngửi  trời

Ngàn  thước  lên  cao ngàn  thước  xuống

Nhà  ai  Pha  luông, mưa  xa  khơi  ..."

Tiếng  vỗ tay  rộ lên, anh  em  bắt  tôi  đọc  trọn vẹn  cả  bài.

Đọc xong,  tôi  thấy  cả  xe  lặng  đi, không thấy  ai  vỗ  tay  và  nói  câu  nào  nữa, tôi  hoảng  quá  hét  to :Tại  chúng  mày  bảo  tao  đọc  chứ, sao  bây giờ  lại  thế này ?

Lúc  bấy giờ  tiếng  vỗ tay  mới  rào  rào  trở lại. Thằng  Dũng  nói : Lúc  nãy  chúng  tao  không  nói được, vì  xúc động quá. Cái  ông  nhà  thơ  này  tài  thật. Ông  ấy  nhìn  và  nghĩ  giống  hệt như  mình, mà  ông  ấy lại  làm  ra  bài  thơ  thật  hay, còn  mình thì  chịu. Cả  xe phá  lên cười. Không  khí ồn ào  trở lại. Cánh  lính  lại  quay ra  bình tiếp  bài  thơ của  Quang  Dung suốt  một  chặng đường dài.

Đêm khuya hôm  ấy, xe đưa chúng tôi  vào  sâu trong  đất  bạn. Đến  Dốc Chuối, thì người  dẫn  đường thông báo: Tất  cả  xuống  xe, hành  quân bộ. Vì từ  đây, máy  bay  địch thường xuyên  đánh phá  không theo  một  quy luật  nào. Ngoài  ra dưới  mặt đất  bọn Thổ  phỉ  cũng  hoạt động  rất  mạnh, nếu  lực lượng  ta  it  chúng  sẽ  tổ chức  tập  kích, nếu ta mạnh  chúng  sẽ  gọi  máy bay. Anh yêu  cầu  mọi  người chú ý, giữ bí mật, giữ  khoảng cách, đèn pin  bịt  kín  chỉ  để một  chấm  sáng  như  hạt ngô. Cả  đoàn chống  gậy   hành  quân  trong  im lặng.

- Huỵch

Phía  trước  có người  vừa  bị ngã

-Tháo  đạn  đứng dậy  .

Tiếng cười bất ngờ  rộ lên, im lặng  bị  phá vỡ. Không  khí  vui vẻ  trở lại, có  tiếng nói  chuyện  rì  rầm trong  hàng  quân.

Gần  sáng thì  cả  đoàn  tới  bờ sông  Nậm Mật. Dưới  ánh pháo  sáng, con  sông  hiện  ra  rõ  mồn  một. Mặt sông khá  rộng , nước loang   loáng chảy  xiết . Pháo  sáng  vừa  tắt, chúng tôi ào  xuống , nước  sâu  ngang  ngực, lạnh  buốt.

Sang  tới  bờ  bên kia  an toàn, số  anh em  đi  trước vượt lên, cảnh  giới . Số  sang  sau  đang  thay  quần áo thình lình  phía  bờ  bên  kia những  quầng  lửa  bùng  lên, tiếng  bom  nổ  dữ dội .  Tiếng  mấy bay rít  trên  đầu . Bị  bất ngờ, chúng  tôi lăn  tròn  trên  đất  nằm  đè lên  nhau. Nằm  dưới  tôi  thấy  lưng  mình bị  ướt, nong  nóng.

- Thôi  chết, thằng nào  bị  thương  rồi

Tôi  đưa  tay ra sờ ,cho lên  mũi  ngửi.

- Nước  đái, khai  quá

Tôi  hét to  rồi  co  chân  đạp  tung  thằng ở  bên  trên ra.

-Thằng Dũng, mày  hèn  quá, mới  có  thể  mà  đã  tè  cả  ra  quần.

Nó  lại  lao vào, đè lên  tôi nó  bảo: "Tao không  phải  thằng  hèn, mày  biết rồi mà (Vì  đã có  lần  tôi  chứng  kiến  nó, tay  không  bắt sống   một  con  rắn  hổ mang  khả to)

-Thế  sao mày lại  tè ra quần?

 - Không phải tao  tè ra quần , mà  đang  tè bất ngờ  nó  ném  bom, thế là  tao  kéo  quần  lên, không  kịp  phanh…

Chúng tôi  phá  lên cười, nó  cũng  cười, cười  chảy  cả nước mắt. Hú  vía, chỉ  chậm  một chút thôi thì  giờ  này  chẳng  còn thằng  nào   ngồi đây mà  cười  nữa…

Bất  giác  tôi  đưa  sờ  vào  ba lô. Nơi  có  cái  túi  vải  vẫn  nằm  yên  ở  đó .

Sau  loạt  bom tọa độ, cả  đơn vị  nhanh chóng  rời khỏi  bờ sông, sương  xuống  nhiều, mặt  mũi  tê  cóng  mà mồ  hôi  vã  ra  ướt  cả  lưng  áo  .

Trời  sáng dần. Những  cánh  rừng  già  lùi lại  phía sau . Chúng tôi đi  trong những  đồi  cỏ  tranh  cao  lút  đầu  người. Có  mùi thơm dễ chịu  thoang thoảng trong  gió. Mùi  ổi  chín. Đích thị là  mùi  ổi. Nhà  tôi  có  cây  ổi  to  lắm, mùa này  quá  chín  trắng  mùi thơm  toả  khắp  vườn.

Đi tiếp  một  đoạn  nữa  thì  đột ngột  xuất hiện  trước  mắt  chúng tôi cả  một  rừng ổi , ổi chín  trắng  trên  cây, rụng  trắng  lối đi. (Rừng ổi  thật  rồi.  Đấy  không phải là  rừng  mơ  mà  Tào Tháo đánh  lừa  binh  lính  trong  cơn  khát).  Lính  ta  reo lên, vừa ăn, vừa  nhặt, nhét  đầy cứng  túi  cóc .

Chúng tôi  đi  qua  những  làng  bản  bỏ hoang. Những  cây  xoài  già, thân  mốc thếch trụi  lá. Những  nếp  nhà  sàn  xiêu vẹo, cháy  dở, nham  nhở. Những  hàng  cột cháy  sém  đen thui như  những  cây  thánh  giá  in  bóng  lên  trời , hoang  vắng  đến  rợn  người. Những con  chó  vô  chủ  chu  chéo  sủa, rồi  lao  vút  vào  đám cỏ  tranh phía trước.

Vùng  này này hồi  cuối năm  ngoái  địch  mở  chiến dịch  (Cù  Kiệt). Đánh ra  chúng  dồn hết  dân  đi, phần  còn lại  thì chạy về phía  biên giới Việt Nam. Chờ  giải  phóng  sẽ  quay về.

Chiều  ngả  bóng  chúng tôi  về  tới  nơi đóng quân. Mọi người  ùa  ra  đón, ôm chặt  chúng tôi vào lòng, như  đón  những người  thân  đi  xa lâu ngày  mới  trở về.

Đại  đôi tôi  có  ba  trung  đội, rải  ra  trên  cung đường dài ngót  hai  chục  cây số . Tôi  với  thằng  Dũng  ở  cùng  một  trung  đội . Đèo  Phu Nốc Cốc  nơi  trung  đội  tôi  chốt  giữ  là  trọng  điểm  ác  liệt  nhất  tuyển  đường  7A.

Tại  đây,  địch  dùng  đủ  các loại máy bay, các loại  bom đạn đánh phá  không có  giờ giấc, không có quy luật, không  kể  thời tiết. Dưới  đất  bọn Thổ phỉ  liên tục  phục  kích (Nơi đây  bộ  đội  ta  gọi là đèo phỉ). Ta  thiếu cảnh giác là  chúng tập  kích  ngay.

Mặc dù  được  ưu tiên  về  cơ  sở, vật chất, và  quân  số nhưng  vẫn  có những  ngày bị  tắc  đường, ta  chịu  không it  thương  vong, thậm chí  hy sinh. Có  đêm  mười  xe  vào bị máy bay địch  bắn cháy hết,  gần sáng  quay  ra không  còn  một  chiếc. Hơn  một  chục  người băng  bó, nhếch nhác,thay  nhau  khiêng  trên  vai  chiếc  võng, tử  sĩ, mắt họ  đỏ  vằn  những  tia  máu, bước đi  lầm  lũi.

Trước  tình hình  ấy chúng tôi  nhận được  nhiệm vụ  mới :Bằng  bất cứ  giá  nào cũng  phải  đảm bảo  giao thông  thông  suốt, đồng  thời  phải  mở  một con đường  tránh  để  đảm bảo  hậu cần  cho  chiến  dịch. (Lúc này  một  số  đơn vị  đã  phải  tổ chức  cho  bộ  đội  gùi bộ  qua  trọng  điểm).

Với  chúng tôi, mở  đường  là một  công việc  hoàn toàn mới. Chúng tôi được  huấn luyện bộ  binh, chuyên  đánh  rừng  núi. Những  bài  luồn  rừng, phục  kích, tập  kích, lăn  lê, ném  lựu đạn tấn công trong  rừng thì  chúng tôi  thuộc  loại  thiện  chiến, nay  chuyển sang  công  binh  thì  lại phải  học  từ đầu.

Không có  thời gian  học  lý thuyết,  mọi người  học  ngay  trên  thực  địa. Thú  thật, tôi  khá  run  khi  lần đầu tiên  cầm  cái  mỏ  lết  tháo  ngòi  quả  bom  nổ chậm. Mồ hôi vã ra, mắt  mờ đi, chỉ  chờ  nghe  một tiếng  nổ, mặc dù  người hướng dẫn  tôi là  trung  trưởng Hoàng vẫn  ngồi  chễm trệ  trên  thân  quả  bom.

Không có  tiếng  nổ  nào . Tôi  mở mắt ra.  Anh  cười, bảo  tôi  làm  tiếp. Mọi việc  cứ  thế  quen  dần. Chúng  tôi  thành  thạo  công việc của  người  lính  công  binh. Từ  nhận  dạng  các  loại  bom  min, đến  cách  phá  gỡ  bom, cách  đặt  và  đánh  một  khối  bộc phá  sao  cho  đạt  hiệu quả  cao nhất.

Hình hài  con  đường  mới  đã  hiện ra. Các loại  phương tiện  chiến tranh  hiện đại của  địch  bị  chúng tôi  bịt mắt , chúng tôi  chuẩn bị  những  trận  địa  giả, cách  xa  đường, đêm  đến  đốt  một  đống  lửa  nhỏ, máy  bay địch  bị  hút  về  phía  đống  lửa, thả  pháo sáng,  ném  bom, vãi  đạn  xuống,  làm  mục tiêu  cho pháo  cao  xạ . Bên này  xe  ta vượt  tuyến  an toàn.

Cuối  năm đơn vị  tổng kết tôi  và  thằng  Dũng  có  tên trong danh sách đề  nghị về  tuyển sau  học  đối  tượng  Đảng.

Từ  hôm  nhận được  thông báo : Chuẩn bị về  hậu  cứ  học  đổi  tượng  Đảng, nếu có  điều kiện  sẽ được về thăm nhà  mấy ngày, chúng tôi  mừng  lắm. Thằng Dũng  đêm  nào cũng  chui  sang  hầm  tôi, nói  chuyện đến  khuya. Nó  mường  tượng  ra  bao nhiêu là chuyện.

Nó  hỏi  tôi đã  chuẩn bị  gì  chưa? Tôi  bảo chẳng có gì để  chuẩn bị, mà  cũng  chẳng  chuẩn bị gì,  nếu  được  về, nhìn  thấy  bố mẹ, các em  khỏe  là tốt, sau  đó  thăm  bạn bè, tán  được  em  nào  xinh xinh rồi đi  là vô tư luôn.

Nghe  tôi nói  xong,  nó  nằm im  một  lúc lâu  mới nói  giọng  buồn  buồn: Tao cũng  chẳng chuẩn bị  được  gì  ngoài  mảnh  dù  hoa về  cho đứa em gái  làm  vải  ngụy  trang để  đi  tập  dân  quân, với  cái  lược  làm  bằng  mảnh  máy bay, bao giờ  nó  lấy chồng, đem  theo  làm  kỷ niệm, để  lúc nào chải  đầu  nó cũng  nhớ  tới  tao. Cả nhà  tao  bây giờ  trông  cậy  tất  vào  nó.

Hôm  đưa tao lên  đường,  nó  bảo: "Anh cứ yên tâm đi  đi, mọi mọi việc  ở nhà  đã có  em, em  lớn rồi, bao giờ, hoà bình  anh  về  em mới  lấy chồng". Thương em quá, tao  phải  quay  mặt đi, chỉ  sợ  nó  nhìn thấy  mình  khóc .

Còn  mẹ  tao từ ngày bố  mất, rồi  anh Hùng  hy sinh, đêm  nào  bà  cũng  khóc, người  gầy  rộc đi,  lại  như  một  cái bóng khi  biết  tao  làm  đơn  tinh nguyện nhập  ngũ. Bà  lại  bảo: "Con  hãy  suy  nghĩ  cho kĩ, mẹ có thể nói với các bác lãnh đạo cho con ở lại, nhưng con đã quyết thì con đi. Đi nhớ là  phải cố gắng phấn đấu, tiến bộ, cho bằng anh bằng em, đừng phụ lòng mẹ, và mọi người…"

Mùa khô năm 1971

Con đường của chúng tôi đã hoàn thành, nó như một mũi dao nhằm vào yết hầu của địch . Mặt trận Cảnh Đồng Chum mở màn. Đêm đêm chúng tôi nghe  tiếng đại bác từ mặt trận vọng về rõ mồn một. Nhằm cứu vãn thất bại địch sử dụng không quân đánh phá  ác liệt, cung đường sôi lên như một chiếc chảo lửa, chúng tôi ăn không có bữa, ngủ không có giấc người khô đi, tóc tai quần áo bụi đất, xơ cứng không có thời gian tắm giặt .

Đột nhiên, có tin văn công đến. Văn công đến thật. Đoàn văn công xung kích Hà Nội  họ biểu diễn ngay trên trọng điểm, các cô gái như những  nàng tiên, mới lần đầu mà thân mật  như người nhà. Không có sân khấu, không hóa trang, chủ và khách nắm tay nhau hát. Lính ta tròn mắt nhìn các cô văn công bằng xương bằng thịt hát,  lại là gái Hà Nội mới oách chứ , toàn là hoa khôi mà sao lại gần gũi, lại thân thiện đến thế. Lúc chia tay đã có thằng  xin chữ kí, rồi địa chỉ để sau này hòa bình có dịp qua Hà Nội sẽ ghé thăm.

Buổi chiều chia tay với đoàn văn công thì tối đến chúng tôi nhận được thông báo: Đêm trước địch đã cho quân bí mật nống ra chiếm một số vị trí quan trọng trong đó có một điểm cao giữa cảnh đồng của bản Nậm phot sát tuyến đường vận chuyển của ta. Từ đây chúng sử dụng bộ binh, hỏa lực bắn thẳng hoăc gọi máy bay  dễ dàng kiềm chế và cắt đứt tuyến cung cấp của ta cho mặt trận. Chúng tôi nhận được lệnh phối hợp với các đơn vị bạn bằng mọi giá phải  chiếm được điểm cao này giành lại quyền chủ động.

Ngay trong đêm , đơn vị tổ chức hành quân, các đồ dùng không thiết yếu để lại, chỉ đem theo một ít lương khô, nước uống,  tăng, võng, còn lại là đạn. Theo kế hoạch tác chiến, đại đội chia làm ba mũi, tiểu đội trinh sát ở giữa xuất phát trước, nắm  địch, hai trung đội còn lại  đi hai bên, khi gặp địch hai mũi vu hồi dồn địch lại cho các loại hỏa lực Cầu Vồng của ta ở phía sau tiêu diệt.

Tiểu đội trinh sát chúng tôi có tám người, do trung đội trưởng Lê Huy Hoàng chỉ huy. Anh là một chỉ huy dũng cảm, tháo vát, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. (Sau này anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT). Tôi và thằng Dũng được biên chế vào tiểu đội này. Dưới ánh pháo sáng chúng tôi cắt rừng đi suốt đêm, sương xuống nhiều, cả súng và người ướt đẫm.

Tang tảng sáng thì tới chân cao điểm. Chúng tôi  tranh thủ nghỉ ngơi và bí mật triển khai đội hình. Tiểu đội chia thành ba tổ. Tổ giữa hai người trong đó có Dũng, tổ bên trái ba người, tổ bên phải ba người có tôi,  trung đội trưởng Hoàng và thằng Cường.

Trời sáng dần những vạt cỏ tranh bị gió thổi mạnh dạt xuống. Chúng tôi nằm dán mình xuống đất, nghe ngóng. Có mùi gì là lạ, hăng hắc? Mùi thuốc chống muỗi,vắt?

 - Có địch.

Trung đội trưởng khoát tay cho chúng tôi lùi xuống.

Phía trước cách chúng tôi khoảng hơn chục mét, một vạt cỏ tự nhiên lay động. Anh Hoàng nhặt một cục đất ném về phía đó. Tôi ôm súng lăn tròn sang phải. Một quầng lửa bùng lên,  cùng một tiếng nổ dữ dội, đất, đá bay rào rào. Tôi có cảm giác bị một luồng không khí cực mạnh đẩy nngược về phía sau. Chúng tôi bị địch phục kích.

Sau tiếng nổ của quả mìn định hướng, bọn địch bắn như vãi đạn về phía ta. Tiếng súng A R15 rát rạt. Tôi nghe được tiếng những tên chỉ huy lính ngụy Lào hò hét bắt lính xông lên. Bị bất ngờ, quân ta chưa kịp bắn trả. Anh Hoàng ra hiệu cho tôi tiến lên, còn anh  bò quay lại tổ của Dũng. Không thấy ta nổ súng, bọn địch chủ quan đứng cả dậy. Chỉ chờ có thế, tôi cong người, vòng tay tung một chùm hai quả lưu đạn, hai tiếng nổ nối tiếp nhau, hai cột khói bốc lên. Tiếng địch la hét hỗn loạn.

Quay sang phía thằng Cường, tôi thấy nó cũng đứng thẳng người lên, hàm trẹo sang một bên, nó nghiến răng, bóp cò, xả hàng tràng đạn không cần ngắm. Bên cánh chính giữa và cánh trái tiếng AK cũng rộ lên, các mũi phối hợp cũng đồng loạt nổ súng. Địch tháo chạy.

Trận đánh diễn ra chớp nhoáng, và cũng nhanh chóng kết thúc. Chúng tôi không truy kích theo bọn địch mà vòng trở lại tổ chính diện, cỏ cây ngổn ngang, cháy xém, khét lẹt. Có tiếng người lao xao, tôi lao tới. Anh Hoàng đang bế thằng Dũng trên tay  ,ngực nó loang máu, mắt nhắm nghiền. Tôi đưa hai tay áp vào hai má nó, lắc mạnh, vừa lắc vừa gọi :

 - Dũng ơi, mở mắt ra tao đây ! Mở mắt ra. Mày có nhận ra tao không? Nước mắt tôi chảy ra.

Tôi cầm lấy hai tay nó áp vào má mình gọi tiếp:

 - Dũng ơi, mở mắt ra mày đừng chết.

Tôi  thấy tay nó nắm tay tôi chặt hơn, mắt từ từ mở ra, nhìn mọi người , rồi nhìn tôi  thều thào, khó nhọc ,nói đứt quãng: "Tạo... tao không sống được đâu, nếu ...nếu mày về được thì nói...với với mẹ tao là...tao vẫn khỏe ...và đưa  hộ cho em gái tao mảnh vải dù và cái ...cái lược".

Tôi thấy bàn tay nó nắm tay tôi bỗng nhiên lỏng ra,không nói nữa, mắt nó nhắm lại đầu ngả sang một bên. Tôi gào lên :

 -Dũng ơi !

Anh Hoàng ôm ghì nó vào ngực  máu loang đỏ cả áo anh: "Dũng hy sinh rồi”. Anh nghẹn ngào.

Cả tiểu đội bỏ mũ ,đứng yên. Không ai khóc. Nhưng nước mắt chảy dài trên những khuôn mặt hốc hác.

Tôi lục balo của nó, lôi từ dưới đáy lên tấm vải niệm , tấm vải mà lúc nhận quân trang , nó tần ngần cầm trên tay rồi nhét  xuống dưới cùng . Ai cũng mong không phải dùng đến nó.

Vậy mà hôm nay thằng bạn đồng hương  của tôi đã bị viên đạn  của kẻ thù găm vào ngực trái, lúc nó vừa tròn hai mươi tuổi.

Sau  khi Dũng hy sinh, BT đã đưa anh về nước. Đại đội được tăng cường thêm lực lượng, tổ chức rút kinh nghiệm, tiếp tục tham gia  chiến đấu  truy quét  địch trên toàn tuyến.

Chiến dịch kết thúc thắng lợi, tuyến giao thông chiến lược được giữ vững cánh cửa vào Sảm Thông, Long Chẹng mở toang .Đường vào Viêng chăn thủ đô của Lào không còn xa. Kế hoạch về nước học đối tượng Đảng của chúng tôi cũng không kịp thực hiện.

Tháng1/1973, địch phải ký hiệp định đình chiến về  chiến tranh ở  Lào. Sứ mệnh lịch sử của BT13 kết thúc. Đơn vị giải tán, chúng tôi chia tay nhau, mỗi người một ngả, người ở lại tiếp tục nhận nhiệm vụ  giúp bạn, người ra quân trở về hâu phương. Tôi cùng với đại đội của mình lật cánh về phía đông Trường Sơn rong ruổi trên  các cung đường. 

Đến tháng 4/1975, hội quân cùng năm cánh quân tiến vào Giải Phóng Sài Gòn. Nhưng lòng tôi vẫn canh cánh với lời hứa về thăm mẹ và đem tấm vải dù  cùng  chiếc lược về cho em gái Dũng. Mảnh dù và chiếc lược mấy năm qua đã theo tôi đi khắp các chiến trường ,  với lời dặn của nó: "Nếu mày về được ..."

 -  Dũng ơi tao sẽ về, nhất định tao sẽ về. Đã bao lần tôi thầm nói chuyện và  hứa với nó trong những đêm không ngủ y như lúc nó còn sống, hai thằng rúc sang hầm ngủ với nhau.

Cuối cùng thì tôi cũng đã được về nhà. Ấy  là dịp Tết năm 1975. Sau 5 năm xa nhà,  tôi nhận ra quê mình  cũng đã có nhiều thay đổi, tuy vậy  cái đói, cái nghèo vẫn hiện hữu. Nhưng con người thì khác, nhìn nét mặt ai cũng hân hoan vui mừng, người ta cười bằng miệng, bằng mắt, họ nắm tay có người ôm tôi thật chặt đến nghẹt thở.

Sáng 30 Tết Nguyên Đán, tôi dậy sớm, đóng bộ quân phục mới tinh đạp xe đến nhà Dũng. Căn nhà vẫn ở chỗ cũ,nhưng người ta đã thu nhỏ bớt lại ,thay cái mái rạ cũ nát bằng mái ngói mới . Nghe có tiếng người, Hạnh - em gái Dũng chạy ra nhìn tôi  sững lại một lát, em lao vào ôm lấy tôi  nước mắt giàn giụa , hai tay em lắc mạnh hỏi tôi trong nước mắt: "Sao anh em không về hả anh?”. 

Châm cây nhang Hạnh đưa cho tôi cắm lên ban thờ, cùng với gói giấy báo có mảnh vải dù và chiếc lược Dũng gửi cho em. Nhìn lên ảnh bạn và tờ giấy báo tử  tôi chắp tay khấn bạn. Cầu cho linh hồn Dũng cùng những anh hùng, liệt sĩ  những người đã khuất  phù hộ cho chúng tôi vạn sự như ý ,cầu mong cho quốc thái dân an.

Trở lại bàn.  Hạnh trao cho tôi chén nước, em kể giọng khe khẽ: "Từ ngày các anh đi, ở nhà không nhận được tin tức gì, gần một năm sau thì có tin anh Dũng em hy sinh. Mẹ em buồn lắm, bà đổ bệnh từ đấy. Em thì vẫn cứ hy vọng nói với mẹ là nhất định anh Dũng sẽ về . Bà nói: Với lính tính của người mẹ ,mẹ biết nó không về đâu con ạ . Thế rồi cái việc không mong chờ ấy đến đúng vào ngày anh Hùng em hy sinh. Giấy báo tử  ghi rõ: Hy sinh ở mặt trận phía Tây, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Việt Nam - Lào".

Mọi người phải đỡ mẹ mới ngồi dậy được, bà không khóc, cũng không nói lời nào mắt cứ nhìn trân,  trân vào hai tấm bằng Tổ Quốc ghi công . Từ hôm ấy bà không dậy được nữa, mấy tháng sau thì bà mất. Bây giờ chỉ còn mấy chị em. Em cũng không biết phải làm thế nào?

Em nhìn tôi yên lặng,  mắt ngấn nước.

Chén  nước trên tay tôi nguội từ lúc nào ,khẽ đặt xuống bàn tôi kể cho em nghe về những ngày tôi với Dũng ở bên nhau những lần đi phá bom, những đêm không ngủ, về chiếc lược và tấm vải dù, về sự hy sinh của Dũng  như một người anh hùng Dũng còn dặn tôi bảo em : "Tấm vải dù để em làm ngụy trang, chiếc lược em đem theo khi đi lấy chồng, để mỗi khi chải đầu thì lại nhớ đến anh” - lúc sắp chia tay tôi nói với Hạnh.

Tết  xong, tôi phải trở về đơn vị, khi nào có điều kiện tôi sẽ  lên miền Tây tìm Dũng. Còn em khi nào lấy chồng,  nhớ báo tin để  anh  về . Em cầm tay tôi nói khẽ : “Anh đi nhớ giữ sức khỏe, có điều kiện về thăm nhà, thăm em,còn em cứ ở thế này em không lấy chồng đâu”.

Vào một sáng tháng năm 50 mươi năm sau, những người lính của Binh tram 13 chúng tôi trở lại thăm chiến trường xưa. Nắng trải vàng như mật  sắp tới ngày sinh nhật Bác.

Trời Hà Nội rợp bóng cờ, hoa.

Lòng người lâng lâng. 

Xe chúng tôi theo Quốc Lộ 1A xuôi về phương nam, rồi ngược đường 7A lên biên giới. Đất nước thay đổi như có phép màu ngay cả cái thị trấn miền núi Con Cuông ngày xưa nhỏ xíu lơ thơ mấy nóc nhà lợp lá,nay cũng san sát nhà hàng, khách sạn.

Qua cửa khẩu  sang đất bạn con đường năm xưa chúng tôi mò mẫm đi trong đêm ,gập ghềnh, nham nhở hố bom nay trải nhựa, thẳng tắp. Qua đỉnh Đam, rồi Đèo Đá, Đèo Đất, Nậm Tiền, Nậm Mật những cây cầu hiện đại  vươn mình trong nắng. Lại chợt nhớ tới bài thơ của Quang Dũng ngày nào tôi đọc cho anh em nghe trên con đường này lúc hành quân vào chiến trường: " Đường lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm / Cồn mây  heo hút súng ngửi trời ..."

Tới Bản Ban, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ tới hang Na Long, đây là một hang đá khá rộng, ngày xưa Binh Trạm sử dụng làm kho hậu cần, địch phát hiện cho máy bay đánh phá suốt ngày đêm hàng hóa của ta vẫn an toàn. Cuối năm 1969 địch mở chiến dịch Cù Kiệt. Sợ bị  địch bắt đi mấy trăm người dân Lào  cả người già, trẻ nhỏ ,chạy vào đây tạm trú, địch phát hiện chúng phóng tên lửa, hang cháy mấy trăm người không một ai sống sót.

Hang vắng lặng, người ta dựng trước cửa hang một bức tượng người phụ nữ bế đứa con đầu và chân tay thõng xuống. Đứa bé chết trên tay mẹ. Chúng tôi mỗi người thắp cho họ một nén nhang cầu mong cho linh hồn người đã khuất được siêu thoát. Trời đã ngả bóng cả đoàn  tìm vào DỐC CHUM nơi đóng quân của Binh Trạm bộ.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 4 - Lính công binh Đường 7 - 2

Hai pháo thủ của đường 7 Cánh đồng Chum sau trở thanh hai nhà văn: Phạm Ngọc Tiến và Châu La Việt

 Không còn dấu vết nào của con đường ngày xưa mọi người phải quay lại lên xe đi tiếp .Ngồi cạnh tôi là Ngô Quốc Lập, bên ghế đối diên là nhà văn Châu La Việt - một người lính nguyên mẫu lúc nào cũng ồn ào,  ăn sóng nói gió nhưng lại có đời sống nội tâm ngược lại, ấm áp tình cảm sâu lắng ,thủy chung. Cặp đôi này đã có thời gian khá dài, sống và cùng làm việc  với nhau  ở Ban chính trị. Là biên tập của  tờ tin Đường phía trước - một tờ báo nội bộ của Binh trạm. Cả hai tưởng đã chết trong một trận khi bị  B52 đánh  vào nơi đóng quân .

Chuẩn bị tới đèo Phu Nốc Cốc, anh Việt ra hiệu cho xe đi chậm  lại  tôi thấy anh lục trong ba lô lôi ra một tập giấy cầm trên tay. Con đèo này  ngày xưa từng là một trọng điểm ác liệt nhất tuyến đường, máy bay địch đánh phá   suốt ngày đêm, thỉnh thoảng bọn thổ phỉ lại phục kích chớp nhoáng , đã bao lần chúng tôi mất ăn mất ngủ vì bọn này . Tới đỉnh đèo xe dừng hẳn cầm tập giấy trên tay, anh nhảy xuống, chúng tôi xuống theo  ra sát mép vực,  anh tung tập giấy xuống rồi gọi to:

 -  Các đồng chí ơi! Chúng tôi về thăm... Các đồng chí đây. Tôi gửi tặng các  đồng chí  bản thảo cuốn sách Binh trạm của tôi để tưởng nhớ tới các đồng chí, đồng đội đã hy sinh cho tuyến đường này. Tôi gửi cho rừng, cho núi cho mây, cho gió, cho đất nước Lào  anh em, chúc cho hai dân tộc sống trong hòa bình, hạnh phúc”. Những tờ giấy tung lên, bay theo gió, dọc theo triền núi như những cảnh bướm trắng. Chúng tôi lặng người đi vì xúc động, ôm lấy nhau giữa đỉnh đèo lộng gió. 50 năm những người lính của Binh trạm 13 chúng tôi, những người sống, cả những người đã chết  gặp lại  nhau  giữa chiến trường xưa.

Tôi đã đi nhiều nơi, qua nhiều đơn vị, tham gia nhiều chiến dịch, từ biên giới tây nam  đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc ở biên giới phía Bắc, nhưng BT 13 và những con người ở đây là những kỷ niệm đẹp theo tôi đi suốt cuộc đời…

Bài 5: Cao hơn dãy núi Trường Sơn…

Thượng úy Nguyễn Tiến Ngôn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.