Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Ấn tượng Võ Văn Kiệt

Tôi vinh dự nghe tên ông - Võ Văn Kiệt lúc tôi đang làm cán bộ nghiên cứu tại Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Tên tuổi Võ Văn Kiệt cùng với Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng... là những cái tên lừng lẫy tiêu biểu cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Và sau này là những cái tên gắn liền với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Nhưng tôi chỉ được làm quen với ông khi ông lãnh trọng trách những người đứng đầu thành phố: làm Chủ tịch, rồi Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ấn tượng đầu tiên về ông là công cuộc “cứu đói” quy mô lớn cho Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - một thành phố có quy mô lớn nhất nước - một thành phố vừa thoát khỏi cơ chế chủ nghĩa thực dân mới, với sức tiêu thụ khổng lồ vốn thở bằng bầu “dưỡng khí” từ bên kia đại dương- một thành phố mà theo nhiều chuyên gia nước ngoài: “khoác vào cổ chính phủ nào chính phủ đó cũng ngắc ngoải”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Ấn tượng Võ Văn Kiệt - 1

Chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Chính sách của chủ nghĩa thực dân mới cộng với những sai lầm trong chính sách cải tạo tư sản theo kiểu cũ những ngày đầu giải phóng, bê nguyên si những giải pháp đã thất bại trong cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã khiến kinh tế đình trệ, hàng triệu người dân thành phố nguy cơ không có gạo ăn. Người Sài Gòn lần đầu tiên trong lịch sử phải ăn độn bo bo, củ mì, khoai lang, bắp mốc. Là người đứng đầu thành phố, ông không cam tâm để dân thành phố đói, thậm chí chết đói ngay trên vựa lúa của đồng bằng. Một quyết sách táo bạo được đưa ra, một quyết sách được coi là “cởi trói”.

Đơn giản vì nó đi ngược hoàn toàn với những giáo điều trước đó. Ông cho lập công ty lương thực, cho công ty tự vay tiền ngân hàng, tự chủ kinh doanh cho người xuống tân đồng bằng sông Cửu Long, mua gạo theo giá thị trường (gấp 3 giá nhà nước).

Quyết định đã bị ủy ban vật giá nhà nước thổi còi, kiện lên trung ương, nhưng hành động dũng cảm của người đứng mũi chịu sào, với lương tâm cộng sản chân chính đã cứu thành phố khỏi cơn bĩ cực. Và xa hơn mở ra một cách nhìn mới về quản lý lương thực và gợi ý con đường mới, khả thi cho hướng phát triển nông nghiệp đất nước.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Ấn tượng Võ Văn Kiệt - 2

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500 kV Plây Cu, ngày 3-11-1993.

Ấn tượng thứ hai về ông là tầm nhìn chiến lược về sự phát triển kinh tế tương lai và những chân lý được rút ra từ thực tế đời sống. “Cứu đói” chỉ là chữa cháy, là biện pháp cấp thời. Muốn tìm đường đi lên phải phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và những thế mạnh sẵn có của thành phố.

Trong điều kiện bị cấm vận nghiêm ngặt, nguồn nguyên liệu còn lại sau giải phóng đang cạn dần, các doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, tưởng như không có đường ra,ông đã thành lập “Câu lạc bộ giám đốc” để lắng nghe, trao đổi, chắt lọc ý kiến từ cơ sở, chọn lọc phát huy những sáng kiến từ thực tiễn.

Những ý kiến quý giá từ các giám đốc doanh nghiệp, những lãnh đạo đảng ở cơ sở, của công nhân trực tiếp sản xuất, cả những chuyến đi thực tế lăn lộn tại các nhà máy xí nghiệp, như các nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội, bột giặt Viso, nhà máy dệt Thành Công, Phước Long.. .đã cho ông cái nhãn quan thực sự thấu thị, tạo sức bật để vượt qua cơ chế quan liêu bao cấp trói buộc sự phát triển, đưa ra những quyết sách “xé rào” hiệu quả, tạo bước “đột phá” tư duy, khởi đầu cho đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Ấn tượng Võ Văn Kiệt - 3

Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ấn tượng thứ ba của tôi với ông là ấn tượng về tầm nhìn văn hóa nghệ thuật, trong đó có báo chí – truyền thông. Khi còn tại chức ông rất quan tâm đến báo chí nhất là báo Sài Gòn giải phóng - tờ báo Đảng - tiếng nói của Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, tôi có gặp ông vài lần, trong các cuộc gặp mặt chung.

Sau này, khi đã tham gia Ban lãnh đạo báo Sài Gòn giải phóng, tôi có dịp gặp ông nhiều hơn. Lúc ấy ông đã thôi các chức vụ lãnh đạo: Chủ tịch, Bí thư thành phố, Thủ tướng Chính phủ và chỉ còn là cố vấn Ban chấp hành trung ương. Tuổi đã cao nhưng trí tuệ ông vẫn mẫn tiệp, tràn trề khát vọng và vẫn hoạt động bất chấp tuổi tác. Con người ông dường như đang vẫn cháy tận lửa ngọn lửa tâm huyết với cuộc đời, với đất nước và nhân dân. Và là người truyền lửa vĩ đại.

Những lần gặp ông tôi ngộ ra nhiều điều và luôn bất ngờ về tư duy sắc sảo, linh họat, nhạy bén của ông. Chẳng hạn khi tôi ngỏ lời đề nghị ông đỡ đầu cho báo Sài Gòn Giải phóng, ông cất tiếng cười thật sảng khoái: “Tớ không đỡ đầu các cậu, chỉ đỡ lưng thôi”.

Câu nói của ông làm tôi bất ngờ, nhưng ngay lập tức hiểu ra cái thâm ý sâu xa câu nửa đùa nửa thật của ông. Rằng ông không bao cấp trí tuệ, ông chỉ góp phần khẳng định giúp chúng tôi tự tin hơn phát triển tờ báo trên đôi chân và những năng lực của chính mình không cần dựa dẫm vào vào bất kỳ ai.

Một câu nói tưởng như đùa của ông nhưng lại cho tôi một bài học sâu sắc, nó không chỉ định hướng cho sự phát triển của một đơn vị, cơ quan. Mà xa hơn, cho định hướng xây dựngcủa cả một đất nước: thu hút sự giúp đỡ quốc tế, của thời đại nhưng không phụ thuộc vào ai, phải biết bổi bổ năng lực nội sinh và lấy đó là cái gốc, là động lực cho sự phát triển.

Vẫn biết những tiềm năng dồi dào trong trí tuệ của ông, nhưng mỗi lần gặp và được tiếp kiến, ông đều cho tôi những bất ngờ và thú vị. Không hẳn ông là cuốn bách khoa toàn thư, nhưng đang trao đổi đề tài này ông có thể chuyển sang để tài khác một cách ngon lành: Từ chính trị sang kinh tế và từ kinh tế sang văn hóa, báo chí với những phân tích sắc sảo, căn cơ.

Lý giải tại sao chuyện “cởi trói”, “xé rào” lại bắt đầu từ mành đất phía Nam, ông cho rằng cái gốc bắt đầu từ văn hóa. Văn hóa phương Nam không bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến với những lề thói trói buộc con người một cách nghiệt ngã như tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức. Thứ văn hóa ấy đã  sản sinh ra những con người, cởi mở phóng khoáng, không bị gò bó bởi một khuôn thước cụ thể nào. Những con người đầy chí khí như Nguyễn Đình Chiểu và những nhân vật hành hiệp trượng nghĩa: Tử Trực, Vân Tiên, những nghĩa sĩ Cần Giuộc là sản phẩm của nền văn hóa này.

Mảnh đất phương Nam cũng không tiếp thu những lý thuyết giáo điều của chủ nghĩa xã hội hiện thực kiểu cũ, bất chấp quy luật đời sống, với cơ chế nặng nề, kéo dài trầm kha: cơ chế quan liêu bao cấp. Đó là lý do người dân Sài Gòn và xa hơn, người dân phương Nam dễ tiếp nhận đổi mới. Cởi trói, xé rào thực ra không đủ để nói về những chông gai trên con đường tiếp cận chân lý, nhưng có thể khẳng định rằng sự tiếp nhận dòng chảy tươi mới của thực tiễn, đã tạo ra một lý thuyết phát triển, phù hợp với quy luật và hợp lòng dân. Đường lối đổi mới ra đời chính là sự giao cắt của chân lý và cuộc sống, sự gặp nhau của ý Đảng - lòng Dân.

Tôi nhận ra, trong những phân tích của ông, không chỉ dành riêng cho đường lối đổi mới mà là sự khái quát con đường đi, cái căn cốt để hình thành đường lối, chính sách, những chiến lược phát triển đất nước. Con đường đưa đất nước hóa rồng chỉ có thể thành hiện thực khi các chủ trương, chính sách, bắt nguồn từ đời sống thực tiễn, phù hợp với quy luật và chuyên chở được những khát vọng của nhân dân. Và tôi bỗng thấy thấm thía hơn lời của Goethe, nhà thơ - nhà triết học Đức: “Mọi thứ lý thuyết đều màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Ấn tượng Võ Văn Kiệt - 4

Đồng chí Võ Văn Kiệt thăm trại hè vui chơi cùng các em thiếu niên trong đại hội cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất ngày 25 tháng 8 năm 1976. (Ảnh: TTXVN)

Ấn tương thứ tư về ông: ông là bậc thầy của tư duy khái  quát. Từ một câu chuyện nhỏ, cụ thể ông có thể rút ra một kết luận hay đúc kết thành một vấn đề có tính chân lý. Còn nhớ, khi tôi kể cho ông nghe câu chuyện khi báo Sài Gòn giải phóng đăng bài về một hộ gia đình ở Hà Nội bị láng giềng bít lối đi, phải leo lên nóc mới vào được nhà mình.

Sau bài báo, Bí thư Thành ủy Hà Nội và các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Kết quả, hộ gia đình bị chặn lối đã có đường đi. Tôi cũng kể cho ông câu chuyện về một tuyên ngôn của một quan chức cấp bộ không đúng sự  thật. Tôi đã chỉ đạo phóng viên viết bài Dối dân, tội gì rất được luận hoan nghênh.

Sau bài báo, quan chức đó bị kỷ luật, nhưng tôi bị nhiều người cho là làm báo mị dân vì theo họ đó là những việc quá nhỏ. Tôi bất ngờ khi nhìn vẻ mặt giận dữ cố kìm nén của ông. Ông bảo: ông rất hoan nghênh và mong càng có nhiều hơn những bài báo như vậy xuất hiện trên Sài Gòn Giải phóng. Không có cái gì trong cuộc sống nhân dân là nhỏ đối với báo chí và cả với công việc của một Đảng cầm quyền.

Ông nhắc lại câu nói bất hủ của Marx: “Tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ đối với tôi” và giải thích tại sao dưới mangset Sài Gòn giải phóng ngày đầu ra mắt tại Sài Gòn lại ghi: “Tiếng nói của nhân dân TP Hồ Chí Minh”, sau này thêm “Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh”. Rồi ông buông một câu đầy bất ngờ vừa thực tiễn vừa khái quát có ý nghĩa như một chân lý “Không nói được tiếng nói nhân dân, Đảng không có lý do để tồn tại”.

Còn rất nhiều những kỷ niêm với ông,một nhân vật lớn, một  nhân cách lớn, nhưng tôi muốn khép lại bài viết này bằng một câu chuyện về tư duy dự báo chính xác của ông.

Đó là lần ông gửi cho tôi một bài báo lạ và đề nghị tôi cho đăng trên Sài Gòn giải phóng. Tôi đọc và giật mình. Lần đầu tiên tôi nghe một vị nguyên lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước đề cập đến khái niệm “xã hội đỏ, xã hội đen”. Bài viết ngay lập tức thu hút sự quan tâm của tôi. Tôi đọc và nghiền ngẫm một cách thích thú. Sau đó, với cương vị Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung, Tổng thư ký tòa soạn, tôi đề nghị cho đăng. Nhưng bài báo không được đăng. Tôi hiểu cân nhắc của cấp trên tôi. Có lẽ nói chuyện “xã hội đỏ, xã hội đen” lúc ấy còn chưa thích hợp.

Khi tôi báo với ông bài báo chưa đăng được, mặc dù tôi rất thích vấn đề ông đặt ra. Ông bảo, ông biết là báo có thể không đăng, vấn đề còn quá mới và khá nhạy cảm, nhưng không sao, tôi chỉ muốn gióng lên hồi chuông báo động. Nhưng sẽ có lúc đăng được. Ông bảo vậy. Bây giờ, thực tế đã chứng minh vấn đề “xã hội đỏ, xã hội đen” mà ông dự báo đã thành sự thật.

Chuyện bắt tay giữa quan tham và các thế lực hắc ám đã thành chuyện thường ngày và là chuyện “biết rồi, khổ lắm  nói mãi”. Liên minh quyền tiền,tư bản sân sau,mà cách đây rất nhiều năm “kính chiếu yêu” của ông đã nhận ra, lúc này đang trở thành vấn nạn của đất nước. Hàng loạt liên minh ma quỷ đã theo nhau “vào lò”, trong công cuộc chống tham nhũng vĩ đại của Đảng ta do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo.

Luôn trăn trở với những đường đi nước trên con đường phát triển đất nước, lương tâm của người cộng sản đã cho ông một dũng khí, bàn thảo những vấn đề nhạy cảm, thậm chí là những vấn đề “không nên bàn“ kể cả với những lãnh đạo cấp cao, trong đó có những giáo điều húy kỵ về lý luận kinh điển.

Trong bài viết về Tổng bí thư Lê Duẩn ông gửi tôi, đăng trên Sài Gòn giải phóng, ông dẫn lời Tổng bí thư Lê Duẩn đại ý không tán thành quan điểm sau khi đã hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc lại thực hiện chuyên chính vô sản với nhân dân mình. Sau khi tờ báo phát hành, ngay lập tức, ông gọi điện cho tôi. Ông bảo ông cám ơn vì bài báo được đăng. Rồi ông cười ha hả rất sảng khoái: “Dám đăng bài này cậu quả là đã uống mật gấu. Báo Nhân dân cũng đăng, nhưng Tổng biên tập phải bay ra Hạ Long gặp tôi, chỉ đề xin cắt đoạn nói về chuyên chính vô sản”. Sau cú điện thoại của ông, suốt buổi sáng điên thoại tôi “cháy máy” vì những cuộc gọi liên tục.

Tôi thầm nghĩ: đúng là mình uống mật gấu thật rồi. Buổi chiều tôi nhận được một bài viết của một vị nguyên lãnh đạo cấp cao. Sau khi đọc xong, tôi quyết định đăng bài ngay ngày mai, như một giải pháp “rút lửa đáy nồi”. Tôi được gọi đến gặp ông tại tư gia ngay trong buổi sáng hôm đó. Ông đưa tôi xem bài báo phản hồi ông vừa viết và đề nghị đăng trên Sài Gòn giải phóng ngay ngày mai. Tôi vừa đọc bài báo vừa lo lắng liếc nhìn gương mặt có vẻ không vui của ông.

Tôi xin lỗi vì đăng bài của vị lãnh đạo lão thành mà không báo cáo với ông. Rồi tôi giải trình với ông lý do tôi đăng bài báo đó và cũng phân tích lý do tôi xin ông không cho đăng bài báo mới của ông, vì có thể tạo ra những tác động không đáng có với dư luận xã hội. Tôi nhẹ người vì thấy gương mặt phúc hậu của ông giãn ra và thở phào khi thấy nụ cười bao dung nở lại trên môi ông.

Ông bảo: “Cậu không cần xin lỗi. Đăng hay không là quyền của báo. Cậu là Tổng biên tập, cậu là người chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân chứ không phải tôi. Cám ơn những phân tích thấu tình đạt lý của cậu. Và tôi đồng ý là không tranh luận tiếp  nữa. Nhưng cậu phải có trách nhiệm trao đổi với tác giả những ý kiến của tôi. Sự việc có thể khép lại ở đây”.

Tôi ngổi thừ ra, không ngờ câu chuyện lại kết thúc thông đồng bén giọt đến thế. Ông biết tôi có thể sẵn sàng đứng mũi  chịu sào nếu sự việc đi xa hơn nhưng ông đã lựa chọn một cách xử lý rất bất ngờ. Ông có thể ra lệnh cho tôi đăng tiếp và tôi không thể không đăng. Tôi hết sức cảm ơn ông - một nhân cách lớn, một tâm hồn cao thượng, vị tha, một lãnh đạo Đảng cấp cao luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Và những quyết định của ông, dù là việc rất nhỏ, là những quyết định từ con tim, thấm đẫm chất nhân văn cộng sản.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Ấn tượng Võ Văn Kiệt - 5

Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ bế mạc Liên hoan các chiến sĩ nhỏ Điện Biên xuất sắc toàn quốc năm 1994, tổ chức tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh TTXVN

Nhưng ấn tượng từ câu chuyện nhỏ đó không chỉ có thế. Chỉ dẫn lời một vị lãnh đạo cao nhất của đảng, vài dòng thôi, tôi lắng nghe rõ nhịp đập của một quả tim, những suy tư trăn trở của ông - một con người suốt đời vì nước vì dân - về những vấn đề trọng đại của đất nước trong đó có lý luận về sự phát triển.

Chính tiết tháo, dũng khí của những người cộng sản như ông và các bậc tiền bối cách mạng khác, đã đưa tầm tư duy của chúng ta, từng bước, đột phá vào những lý thuyết giáo điều nhập cảng từ xứ người: “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, sai lầm cải cách ruộng đất; cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, cải tạo tư sản, cải tạo xã hội chủ nghĩa... và tìm ra một hướng đi hợp quy luật, sát thực tiễn cách mạng Việt Nam, hợp lòng dân mà công cuộc đổi mới đất nước là ví dụ.

Tôi càng thấm thía hơn tầm tư duy của những bộ óc kiệt xuất của dân tộc trong việc tìm hướng đi cho đất nước mình và dũng cảm gạt bỏ những những nhận thức đã thành tín điều nhưng không hợp quy luật phát triển đời sống.

Nhận thức ấy đã được làm sâu sắc hơn với câu đúc kết có tính tổng kết của ông “Dân tộc ta là dân tộc nhân văn. Nhân dân là người làm lên chiên thắng vĩ đại của dân tộc. Tại sao xây dựng chủ nhĩa xã hội chúng ta lại chuyên chính với Nhân dân. Những lý thuyết tiếp thu từ tinh hoa các dân tộc khác là rất cần cho công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước. Nhưng không thể nhân bản vô tính kiểu chú cừu Đô Ly. Mỗi dân tộc có thực tiễn và bản sắc văn hoá khác biệt. Chính điều đó làm lên giá trị dân tộc Việt Nam trên bản đồ thế giới. Hoà nhập nhưng không hoà tan. Tiếp thu tinh hoa thế giới, cả những lý thuyết phát triển, phải biết kế thừa có phê phán và chọn lọc. Điều đó không được quan tâm đúng mức nên có lúc chúng ta tiếp thu mọi thứ mà không quan tâm nó có phù hợp quy luật không, có phù hợp với thực tiễn đất nước,với truyền thống văn hoá dân tộc, có hợp lòng dân. Và chính nó, đôi khi khiến chúng ta say sưa tự chống lại mình một cách nhiệt thành”.

Vâng! quả là đã có chúng lúc ta đã say sưa chống lại chính mình, hăng hái hơn cả kẻ thù. Câu kết luận của ông khiến tôi nhớ đến câu bất hủ của Lenin “Không thế lực nào thắng nổi những người cộng sản, trừ phi những người cộng sản tự chống lại mình” .Và bây giờ, khi chúng đang nỗ lực dọn dẹp những nguy cơ suy thoái trong Đảng, lập luận ấy của ông càng có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và vẫn nóng bỏng tính thời sự.

Dương Trọng Dật

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.