Tạo động lực, phát huy sức sáng tạo của con người Việt Nam

Cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948 sau khi Trung ương Đảng có Chỉ thị phát động phong trào thi đua, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm động viên mọi lực lượng dồn sức cho kháng chiến, kiến quốc trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi. Người viết Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Lời kêu gọi của Bác mang tầm tư tưởng lớn về công tác thi đua trong các giai đoạn lịch sử cách mạng, là lời hịch của non sông khơi dậy, phát huy tối đa nguồn lực và sức sáng tạo của con người và văn hoá Việt Nam…

Trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hoá dân tộc, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên lòng yêu nước vô hạn, ý chí quật khởi của con người Việt Nam, lấy thi đua làm động lực, đòn bẩy và thông qua phong trào thi đua bồi dưỡng, đào tạo con người, hiện thực hóa mục tiêu cách mạng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, khởi nghiệp thành công. Từ đó, làm cho lòng yêu nước chuyển hoá thành hành động cụ thể của mỗi con người trong lao động, sản xuất, học tập và chiến đấu, bảo đảm kháng chiến thắng lợi, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…

Tạo động lực, phát huy sức sáng tạo của con người Việt Nam - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua Chống Mỹ cứu nước lần thứ 4, năm 1966.

75 năm qua, thực hiện lời kêu gọi của Bác, phong trào thi đua yêu nước trong mỗi giai đoạn của cách mạng lại dấy lên những khẩu hiệu hành động, những phong trào thi đua gắn với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và khát vọng cần vươn tới. Những năm đầu sau cách mạng tháng Tám (1945) và trong kháng chiến chống Pháp nổi bật là các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Quỹ Độc lập”,  “Bình dân học vụ”, “Xây dựng đời sống mới”; ở hậu phương thực hiện “ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”, “hậu phương thi đua với tiền phương”, “thi đua đóng thuế nông nghiệp”… thu hút mọi người, mọi nhà đẩy mạnh lao động sản xuất, phục vụ kháng chiến, kiến quốc.

Trong những năm xây dựng hòa bình ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, phong trào thi đua yêu nước sôi nổi rộng khắp, ào ào khí thế: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng” và “năm xung phong”, “Phụ nữ ba đảm đang”, hậu phương “Hướng ra tiền tuyến, tất cả cho chiến trường, tất cả để chiến thắng”...

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) phong trào thi đua hướng tới mục tiêu “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Theo mục tiêu đó, phong trào thi đua yêu nước đẩy mạnh các chương trình “Xoá đói giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Trong các lực lượng vũ trang nhân dân “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Doanh nghiệp khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh giỏi”, trong giáo dục thi đua “dạy tốt, học tốt”, trong toàn xã hội “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Vì Trường Sa thân yêu”…

Hơn 50 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nội dung phong trào thi đua yêu nước luôn gắn liền với tinh thần học tập, làm theo Di chúc của Người và chương trình hành động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hàng năm, phong trào thi đua yêu nước vẫn tiếp tục cùng dòng chảy lịch sử dân tộc, luôn đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức, tạo động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đặc biệt, sau Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI thông qua Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26/11/2003 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2004; sửa đổi, bổ sung năm 2005 và 2013) thì công tác thi đua và phong trào thi đua yêu nước được luật hoá bằng cơ chế, chính sách, quy phạm, tiêu chuẩn để thực hiện.

Tiếp đến, Bộ Chính trị ban hành Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” làm cho phong trào thi đua có nền tảng vững chắc mà cốt lõi là bắt nguồn từ quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là thi đua phải hướng về cơ sở, hướng về người lao động, vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc một cách thực chất, lan toả, sâu rộng, hiệu quả, bền vững.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước đưa nước ta thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và quốc gia phát triển vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), toàn dân, toàn quân, các tầng lớp trong xã hội, các ngành, các cấp đang nỗ lực hướng về cơ sở, bám mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, thực hiện 4 phong trào thi đua lớn do Chính phủ phát động: Phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở”. Đây là các phong trào thi đua đồng thời là các cuộc vận động lớn để đất nước phát triển lên tầm cao mới, đồng bộ chính trị - kinh tế - văn hoá, hội nhập quốc tế.

Nhiều phong trào đi vào thực chất, không hình thức, có chiều sâu như xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo. Đáng chú ý là trong những năm đại dịch COVID-19 bùng phát, phong trào thi đua hưởng ứng chủ trương “chống dịch như chống giặc”, xuất hiện nhiều điển hình tập thể, cá nhân trong ngành Y tế, Công an, Quân đội với những chiến công chói lọi để đi tới kiểm soát dịch bệnh, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, vừa khôi phục, phát triển kinh tế vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Phong trào “Ủng hộ Quỹ vaccine” sôi nổi trong cả nước, thu được hơn chục nghìn tỷ đồng; rồi những sáng kiến “Cây ATM gạo”, “Siêu thị không đồng”, “Bữa cơm miễn phí”, “Giải cứu sản phẩm nông nghiệp”… góp phần to lớn vào công cuộc phòng chống dịch, ổn định chính trị, an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho người dân.

Thi đua là một biện pháp vận động cách mạng, khâu kết nối, chuyển tiếp tư tưởng, ý chí thành hành động. Có thể coi thi đua là biện pháp của công tác tư tưởng, đồng thời cũng là công tác tổ chức. Bởi vì, thi đua là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, phát huy tối đa sức sáng tạo của con người, là biện pháp bồi dưỡng, đào tạo, thử thách con người vượt qua khó khăn, gian khổ và có tác dụng nêu gương. Vì thế, đẩy mạnh phong trào thi đua là tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hiện thực hóa mục tiêu của Đảng trong từng giai đoạn của cách mạng.

Để phong trào thi đua yêu nước không ngừng phát triển, cần khắc phục một số hạn chế: Phong trào không đồng đều, thiếu tính liên tục. Có nơi làm còn hình thức, phát động nhưng không cổ vũ duy trì, không sơ kết, tổng kết, không khen thưởng, động viên kịp thời. Mô hình mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt không được nhân rộng. Bệnh thành tích còn mang tính phổ biến. Không ít tổ chức, đơn vị phô trương thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, báo cáo thành tích không trung thực. Có những doanh nghiệp thua lỗ lại được tặng danh hiệu thi đua bậc cao.

Danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Anh hùng lao động chưa tập trung vào người lao động trực tiếp mà thường dành vinh dự cao quý này cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Không ít trường hợp đơn vị hoặc cá nhân vừa được nhận Huân chương, Danh hiệu Anh hùng lao động ít lâu thì sa sút, bộc lộ nhiều tiêu cực, thậm chí một số trường hợp bị khởi tố, truy tố vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham nhũng…               

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất