Bức tường Berlin
Trong những ngày ở Berlin, tôi đã dành thời gian để tới thăm những phần còn sót lại của bức tường Berlin không chỉ một lần. Nếu như không có người quen ở đây dẫn đi và giới thiệu, có lẽ tôi khó có thể biết được đây là bức tường lịch sử, đã từng chia cắt Berlin làm hai phần trong suốt 28 năm ròng.
Lần đầu đến đây là một ngày nắng đẹp. Chúng tôi đi qua cổng Brandenburg rồi xuôi về phía Nam. Chừng năm phút xe chạy, Thọ cho xe đỗ vào một bãi gửi rồi dẫn tôi đi bộ vượt qua mấy con phố vắng, đến một đoạn anh chỉ tay về phía trước: "Nó đấy!".
Tưởng tượng về một bức tường phòng thủ, nghĩ rằng phải có một hình thù gớm ghiếc, nặng nề, hóa ra không phải như vậy. Bức tường không cao lắm, ước chừng 3 mét, chạy dài và có đoạn gấp khuất ngoài tầm mắt. Nhìn hình dáng và kích thước thấy không khác lắm một bức tường bao quanh một xí nghiệp sản xuất nào đấy được xây dựng vào những năm sáu mươi thế kỷ 20, mà ta có thể gặp ở bất cứ một thành phố, thị trấn nào đấy ở Việt Nam. Ven chân bức tường là một dải vỉa hè lát đá chạy sát tới mặt đường trải nhựa rộng thênh thang. Trên mặt tường, nối đuôi nhau là những bức bích họa lớn trải rộng từ đỉnh xuống chân tường. Các bức họa đều vẽ bằng sơn, màu sắc rực rỡ, thể hiện theo đủ phong cách khác nhau. Có bức vẽ hai hình người, đầu chỉ là một chấm tròn, chân tay loằng ngoằng như những rễ cây, ở giữa có hình mặt trời tròn ba màu đen, đỏ, vàng, màu quốc kỳ Đức, kèm theo lời chú thích "Nhảy múa vì tự do". Lại có bức vẽ một bức tường đá bị một chiếc ô tô du lịch đâm thủng, xuyên từ phía sau ra phía trước với lời chú thích: "Không chiến tranh nữa, không cần những bức tường nữa!". Cũng lại có bức không có lời chú thích, vẽ một bàn tay giơ hai ngón hình chữ V vươn ra khỏi khuôn cửa sổ dày đặc chấn song… Có tới vài chục bức bích họa khổ lớn trên đoạn tường như thế, suy ra, đoạn tường còn sót lại này cũng phải dài hàng trăm mét.
Tôi đã đi tới cuối đoạn tường để vòng sang mặt sau, tức là mặt phía Đông của bức tường Berlin. Khác với phía Tây, mặt bên này chỉ thỉnh thoảng mới có những nét vẽ chưa rõ ý của một bức tranh dang dở. Chân tường là một dải đất hoang có dây thép gai và các bụi cây mọc loang lổ. Tôi không dám lại gần dải đất bụi bờ đó, sợ rằng trong đám hoang tàn, biết đâu vẫn còn có mìn sót lại.
Đứng ở bên mặt phía Đông của bức tường, Thọ nói với tôi, trước đây thời Cộng hòa Dân chủ Đức, người dân không ai được đến gần vùng ven bức tường này, đã không ít người vượt qua giới hạn này để mong vượt qua bức tường trốn sang phía Tây Đức và nhiều người đã bị bắn hạ ngay tại chỗ. Trong một thời gian dài, hình ảnh bức tường Berlin đã trở thành một ấn tượng nặng nề trong lòng nhiều người, và nhiều người Đức cả bên Đông lẫn bên Tây đã gọi đó là bức tường xấu hổ, bức tường ô nhục. Khoảng cuối năm 1989, trong bối cảnh chính trị thay đổi phức tạp, nhà cầm quyền lúc đó tuyên bố bỏ ngỏ bức tường Berlin, dân chúng nổi dậy phá đổ bức tường ở nhiều đoạn, rồi dân Đông Đức, trong đó có không ít người Việt Nam đã tràn sang Tây Berlin, tất cả những diễn biến đó, Thọ nói với tôi là anh đều được chứng kiến. Một không khí mới lạ, bừng bừng như không khí của một cuộc khởi nghĩa, một cuộc nổi dậy của quần chúng bao trùm thành phố, mà đến hôm nay, Thọ còn cảm thấy tất cả như mới xảy ra.
Quả thật, về bức tường mang dấu ấn lịch sử này, tôi cũng chỉ biết rất sơ sài. Không hiểu vì sao lại phải xây dựng, để làm gì, ai xây, xây khi nào…? Thành thử khi đứng bên cạnh bức tường đặc biệt đó, cảm nghĩ của tôi hoàn toàn không có gì ấn tượng lắm. Chỉ biết rằng đây là một bức tường nổi tiếng thế giới, mà ai đã đến Berlin là cũng phải đến thăm, thì mình cũng đến và chụp ảnh, để có cái mà kể với bạn bè, những ai chưa có dịp đến đây, thế thôi!
Cho mãi tới sau khi về nước một thời gian, nhân một lần tìm đọc tài liệu tra cứu trong thư viện, thấy có nhiều phần tản mạn nói về bức tường Berlin, tôi mượn đọc, thấy rất lôi cuốn. Dưới đây là phần tôi hệ thống lại, xin được kể với bạn đọc những gì tôi hiểu về bức tường Berlin, nơi tôi đã mục sở thị, đã sờ tận tay, đã chụp ảnh, và cũng lại như nhiều người khác, là đã mua một mẩu tường bê tông về làm kỷ niệm.
Để rõ hơn lịch sử của bức tường lịch sử này, tôi nghĩ là cần thiết phải quay trở lại khoảng thời gian kết thúc đại chiến thế giới thứ hai ở Châu Âu một chút.
Lịch sử thế giới còn ghi, ngày 8-5-1945, nước Đức phát xít đã đầu hàng không điều kiện. Để thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa quốc xã và bảo đảm sự phát triển nền dân chủ cho nước Đức trong tương lai, theo nghị quyết của hội nghị Potsdam, quân đội Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã tạm thời chiếm đóng nước Đức theo 4 khu vực chiếm đóng khác nhau, trong đó Liên Xô chiếm đóng phía Đông nước Đức, phía Bắc, Tây và Nam do Mỹ Anh Pháp chiếm đóng. Mỗi khu vực đều thực hiện chế độ quân quản. Để điều hành chung nước Đức, người ta thành lập Uỷ ban kiểm soát với sự tham gia của 4 người đứng đầu 4 khu vực. Thủ đô nước Đức là Berlin cũng được chia làm 4 phần và cũng bị quân đội 4 nước chiếm đóng, trong đó quân đội Liên Xô chiếm đóng phần phía Đông Beclin, ba nước còn lại chiếm đóng phần phía Tây Berlin, theo thứ tự Pháp phía Bắc, Anh ở phần giữa và Mỹ ở phía Nam. Berlin là một thành phố nằm lọt hẳn trong khu vực chiếm đóng của quân đội Liên Xô, có nghĩa là phần đất phía Tây Berlin do Anh, Pháp, Mỹ chiếm đóng cũng đều nằm lọt hẳn vào khu vực đất chiếm đóng của Liên Xô. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự hình thành bức tường Berlin sau này.
Ở khu vực miền Tây nước Đức, các cường quốc phương Tây, trước hết là Mỹ, đã làm thất bại việc thi hành nghị quyết hội nghị Potsdam. Do đó, tháng 3-1948, Uỷ ban kiểm soát nước Đức đã chấm dứt hoạt động. Tháng 9-1949, với sự ủng hộ của Mỹ, Anh, Pháp, nhà nước Tây Đức được thành lập với tên gọi là Cộng hòa Liên bang Đức, lấy thủ đô là thành phố Bon.
Trước tình hình đó, nhân dân lao động ở vùng chiếm đóng của Liên Xô ở phía Đông, đã không muốn để mất những thành quả của cuộc cách mạng dân chủ chống phát xít, và không cho phép sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản ở miền đất phía Đông, họ đã lập ra nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức vào ngày 7-10-1949. Thủ đô nước Cộng hòa dân chủ Đức đặt tại thành phố Berlin, nói đúng hơn là đặt tại phía Đông thành phố Berlin.
Lực lượng phục thù Tây Đức và những thế lực cổ vũ, trước hết là Mỹ, đã tìm cách phá hoại công cuộc xây dựng ở Cộng hòa dân chủ Đức. Ngày 17-6-1953, các nhóm vũ trang từ Tây Berlin đã xâm nhập lãnh thổ Cộng hòa dân chủ Đức. Được sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô, cuộc tập kích đã bị đập tan.
Tiếp đó, các lực lượng thù địch từ Cộng hòa Liên bang Đức đã lợi dụng tình trạng biên giới mở giữa Cộng hòa dân chủ Đức và Tây Berlin, để hoạt động trinh sát gián điệp, thu gom hàng khan hiếm phá hoại kinh tế… Trước tình hình đó, chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức đã có một quyết định cứng rắn, nhằm kiểm soát biên giới với Tây BerLin. Được sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô, chỉ trong hai đêm 12 và 13-8-1961, một bức tường đá và xi măng đúc sẵn dài 40 km đã được lắp ghép ngăn cách Tây Berlin, thay thế cho những đoạn hàng rào dây thép gai, sắt, gỗ sơ sài trước đó.
Bức tường thành kiên cố ngăn cách Đông - Tây Berlin có 7 cửa thông từ Đông sang Tây, và đấy cũng là 7 cửa kiểm soát quân sự rất ngặt nghèo của hai bên, đó là các cửa khẩu ở các phố: Bornholmer, Chaussee, Invaliden, Heinrich Heine, Oberbaumbrucke, Sonnenallee và Friedrich (tức điểm kiểm soát Charlie).
Căng thẳng quân sự thường vẫn xảy ra tại các cửa khẩu giữa quân đội hai bên. Một trong những vụ đụng độ căng thẳng nhất đã xảy ra ở điểm kiểm soát Charlie vào tháng 11-1961, khi xe tăng của quân đội Mỹ và Liên Xô đã mặt đối mặt trên đường ranh giới trắng, động cơ xe tăng đã khởi động, và đại bác đã lên nòng. Sau này, thế giới đã bình luận rằng, vụ đụng độ điểm kiểm soát Charlie, và vụ đụng độ khi Liên Xô đưa tên lửa hạt nhân vào Cu Ba sau đó, dẫn đến căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ, là hai vụ nóng nhất trong thời kỳ đỉnh điểm chiến tranh lạnh hai phe, đã đặt nhân loại hai lần bên bờ vực chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
Kể từ khi được xây dựng, bức tường Berlin đã được chứng kiến sự phát triển toàn diện của nước Cộng hòa dân chủ Đức trong khoảng 15 năm liên tục. Trong những năm Bảy mươi của thế kỷ 20, thế giới đã được thấy một nước Cộng hòa dân chủ Đức giàu mạnh, có nền kinh tế phát triển, công nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật, văn hóa tiên tiến, thể dục thể thao đỉnh cao thế giới, đời sống nhân dân hạnh phúc. Nhưng từ cuối những năm Bảy mươi, nền kinh tế cộng đồng các nước khối CEB bị khủng hoảng, tiếp theo là những cải cách chính trị, xã hội ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu liên tiếp thất bại, dẫn đến sự khủng hoảng sâu sắc toàn diện của cả hệ thống, cuối cùng đã dẫn đến sự tan rã và suy sụp hàng loạt của các quốc gia này.
Cộng hòa dân chủ Đức cũng là một quốc gia nằm ở trung tâm địa chấn của trận động đất chính trị này. Cơn địa chấn chính trị đã có những triệu chứng từ lâu, nhưng trở nên bùng phát dữ dội sau khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, khi đó là M. Goócbachốp đã tuyên bố vào cuối tháng 9-1989 rằng từ nay, Liên Xô không can thiệp vào công việc nội bộ của Cộng hòa dân chủ Đức và các nước XHCN khác.
Như một sự khích lệ và cổ vũ, ngay từ đầu tháng 10-1989, hàng ngàn người ở Cộng hòa dân chủ Đức rời bỏ đất nước ra đi bất hợp pháp, trốn sang cộng hòa Liên bang Đức bằng mọi cách. Một số người bị giết chết trong những cuộc trốn chạy. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở Berlin, Leipzig, Dresden…
Cùng với đó là sự ra đời của một số tổ chức chính trị không chính thức đòi cải cách chính trị xã hội, đòi chính phủ công nhận nhóm đối lập, đòi chính phủ từ chức…
Tình hình đã không thể kiểm soát nổi, ngày 18-10-1989, Honecker từ chức lãnh đạo Đảng, sau đó bị gạt khỏi chức chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và thay bằng Krenxơ.
Ngày 7-11-1989, Hội đồng bộ trưởng từ chức.
Ngày 8-11-1989, toàn thể Bộ chính trị Uỷ ban Trung ương Đảng XHCN thống nhất Đức từ chức.
Ngày 9-11-1989, nhà cầm quyền tuyên bố bỏ ngỏ bức tường Berlin, việc thống nhất đã đến gần. Một làn sóng người di tản tràn sang Tây Berlin, đồng thời các cuộc biểu tình cũng vẫn tiếp tục nổ ra. Nhân dân hai miền Đông Tây nước Đức kéo đến liên tục ngày đêm phá sập bức tường ở nhiều đoạn. Đến đây bức tường Berlin đã kết thúc 28 năm làm nhiệm vụ lịch sử của mình.
Từ khi bức tường Berlin sụp đổ, các sự kiện chính trị vẫn sục sôi nổ ra ở Berlin, ở khắp nước Đức. Các sự kiện đan chéo vào nhau, nhịp nhàng và nhanh gọn như một kịch bản sắp sẵn, kéo dài cho đến đúng 0 giờ ngày 3-10-1990, tại nhà quốc hội Cộng hòa dân chủ Đức đã diễn ra lễ hạ cờ Cộng hòa dân chủ Đức và kéo cờ Cộng hòa Liên bang Đức, tượng trưng cho sự thống nhất nước Đức đã hoàn thành. Kết thúc 41 năm tồn tại của nước Cộng hòa dân chủ Đức.
Sau những cuộc chính biến liên tiếp xảy ra ở Đức, chủ tịch Đảng XHCN thống nhất Đức Honecker đã phải sang cư trú chính trị ở một nước Nam Mỹ, ông đã qua đời ở đây trước khi các thế lực đối lập chiến thắng, đủ thời gian khép tội ông và dự định đưa ông ra xét xử tại tòa án quốc tế như một tội phạm diệt chủng.
Nếu quay lại với quá khứ, ở vào thời điểm năm 1961, thời kỳ đỉnh cao chiến tranh lạnh, chúng ta sẽ thấy hai nước Cộng hòa dân chủ Đức và cộng hòa Liên bang Đức là hai quốc gia thù địch; Tây Berlin và Đông Berlin là chiến tuyến tập trung thù địch của hai quốc gia, suy rộng ra là của cả hai phe chính trị thù địch của thế giới. Vậy thì có gì là xấu hổ, là ô nhục khi bức tường phòng thủ được dựng lên để ngăn chặn sự phá hoại, tấn công từ bên ngoài, và cũng là để ngăn chặn nguy cơ ly gián từ bên trong?
Những thế lực thù địch phương Tây, đã nhân danh tự do mà phỉ báng và kết tội bức tường phòng thủ Beclin. Cả những người dân muốn thoát ra khỏi một thực tế xã hội trì trệ, đang bị một số người lãnh đạo biến chất, tham nhũng, sa đọa, phản bội lại quyền lợi nhân dân, nhưng lại luôn luôn nhân danh dân chủ và công bằng để rao giảng đạo đức; những người dân đang mang nặng một cảm giác bị xúc phạm, bị đánh lừa đó, muốn thoát sang phía bên kia bức tường để đi tìm tự do phương Tây, cũng đã phẫn nộ phỉ báng và kết tội bức tường phòng thủ Beclin một cách không thương tiếc.
Trên thế giới, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, đã có bao nhiêu bức tường phòng thủ, ngăn chặn mang tính quốc phòng như bức tường Berlin thế kỷ 20? Vạn Lý Trường Thành dài 7.200 km ở Trung Quốc thời cổ đại có nên xếp vào nhóm những bức tường như thế hay không? Xét về tính chất ngăn chặn, phòng thủ quốc phòng, thì Vạn Lý Trường Thành nằm cùng nhóm với bức tường Berlin. Trong bối cảnh các đội quân thiện chiến của người Hồ ở phương Bắc thường xuyên quấy rối biên cương, thì ý tưởng xây dựng một bức tường thành kiên cố, để ngăn chặn những cuộc xâm lăng, đột kích, quấy rối có thể xảy ra bất cứ lúc nào, được đánh giá là một ý tưởng quân sự chiến lược, táo bạo tuyệt vời, mà những người lãnh đạo ở đỉnh cao quyền lực, nếu không có tầm nhìn chiến lược rộng lớn, không có ý chí gang thép và một khả năng tưởng tượng phi thường, đã không thể nghĩ ra, chứ đừng nói chi tới việc tiến hành xây dựng nên Vạn Lý Trường Thành. Để rồi, từ hàng nghìn năm qua, các thế hệ người dân Trung Quốc đã hết sức tự hào về bức tường thành phòng thủ đệ nhất kỳ quan thế giới mà tổ tiên họ đã xây dựng nên, và cho đến nay vẫn nằm vắt ngang đất nước ở phía Bắc thành phố Bắc Kinh.
Theo một lẽ đời thông tục, người ta có thể tin tưởng rằng, sau những vần vũ mây mù bão táp của những năm Tám mươi thế kỷ 20 đó, những người dân Berlin nói riêng và nhân dân nước Đức nói chung, sẽ có đủ thời gian và thực tế để chiêm nghiệm, và do đó sẽ có cái nhìn công bằng hơn về bức tường lịch sử Berlin, từng là một đề tài nổi bật trong đời sống chính trị thế giới nửa sau thế kỷ 20.
Bình luận