Xuân Trường viết đau thương lên ký ức

Với trường ca “Corona”, nhà thơ Xuân Trường dựng lại những thời khắc không thể nào quên của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, từ đó nhắc nhở trân quý hơn những giá trị của đời sống.

Trong hai năm nhân loại chống chọi với đại dịch Covid-19, đất nước Việt Nam cũng chịu đựng những thiệt hại và mất mát lớn, song cả nước đã kiên cường vượt qua, làm lại từ cuộc sống bình thường mới đến hồi phục các hoạt động kinh tế xã hội với những dấu ấn phát triển mới.

Đại dịch, như trận đại hồng thủy quét qua trái đất, là những ký ức không quên với con người hiện đại. Ngày tháng đi qua, đại dịch sẽ chỉ còn ký ức, song vẫn là những tháng ngày không thể quên, những ký ức in dấu đậm sâu lên tâm tư mỗi con người. Chưa bao giờ nhân loại chứng kiến trận đại dịch với sức hủy hoại khủng khiếp như Covid-19, dù nhân loại đã nắm trong tay những tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc, đã hạn chế bớt phần nào thiệt hại do Covid-19 gây ra.

Cũng như nhiều nhà văn khác, nhà thơ Xuân Trường nhập cuộc với những dòng thơ về đại dịch Covid-19 và nhà thơ 77 tuổi này cũng là một chiến sĩ kiên cường, ông nhiễm bệnh và vượt qua; ông viết hẳn một trường ca về cuộc chiến chống đại dịch này, từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh, nơi ông đang sống.

Xuân Trường viết đau thương lên ký ức - 1

Nhà thơ Xuân Trường 

Trường ca “Corona” của Xuân Trường có 9 chương: Thế giới nói gì với đại dịch Covid-19; Việt Nam tổ quốc tôi chống dịch; Những ngày nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế; Những ngày dịch bùng phát trở lại; Có một mùa xuân Covid đi qua; Những tháng ngày đỉnh điểm; Những tri ân của trái tim Sài Gòn; Đêm nguyện cầu; Trạng thái bình thường mới… Đó cũng là những dòng mang tính chất biên niên về đại dịch.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tập trường ca này mang tính ký sự và luận. “Tôi mang cảm tưởng nhà thơ đã viết trường ca này giống như người đang lao vào cứu hỏa: cấp bách và quyết liệt… Nhà thơ Xuân Trường dựng lên cuộc truy tìm nguồn gốc Covid-19 nhưng là để truy tìm nguồn gốc sự phát sinh cái ác của con người”…

“Câu thơ chênh chao theo dịch lên những ngày đỉnh điểm

Viết bao giờ cho hết sự hy sinh cho nhau tảo tần

Viết thế nào cho hết những thương đau một thời mắc dịch

Viết lên trời, xuống đất, những thét gào của nhân gian”

Trong tâm thế đó, nhà thơ tự nhận mình: “Tôi là con chim già hót khúc hoàng hôn trong bụi mận gai Covid-19/ chăm chú làm thơ viết đau thương lên ký ức/ để mai này cho con cháu chúng ta”.

Những câu thơ chân thành, bật ra từ máu tim nhà thơ, từ chống chọi với virus Corona hoành hành thân thể đến nghĩ về những thời khắc như ký ức đau thương của lịch sử loài người.

“Sáng nay tiếp tục viết trường ca và lắng nghe những hồi còi cấp cứu

Đã bảy giờ hơn mà chưa thấy tiếng nào

Có phải báo hiệu bình yên hay tim tôi vội vã?”

Trong những ngày dịch lên đỉnh điểm, nhà thơ xúc động trước những hy sinh của chiến sĩ tuyến đầu cứu sống bệnh nhân, của những tấm gương làm thiện nguyện giúp người nghèo qua cơn khó ngặt.

“Ôi Tổ quốc tôi vẫn phúc hậu muôn đời

Sài Gòn ơi rồi tất cả sẽ bình yên trở lại…

Việt Nam ơi rồi sẽ vượt qua muôn ngàn gian khó”

Nhà thơ cũng bày tỏ lòng biết ơn trước nghĩa tình cả nước với người dân phương Nam, với người Sài Gòn trong những ngày chống chọi với đại dịch:

“Sài Gòn xin cúi đầu tri ân những dũng sĩ thiên thần

Xin thắt lòng trước phút giây tưởng niệm

Những trái tim đã hy sinh trọn vẹn cho Sài Gòn

Những vận đời không may đã hóa thành tro bụi

Ta ôm nhau thật chặt cho bớt nỗi lầm than”

Xuân Trường viết đau thương lên ký ức - 2

Tập trường ca "Corona" của nhà thơ Xuân Trường

Những tâm sự chân thành của nhà thơ dễ được thấu cảm khi ông kể về 7 ngày chống chọi với biến thể Omicron, cũng có lúc đã lo lắng, sợ “trời kêu ai nấy dạ”, song bình tĩnh chống chọi và vượt qua. Tuy nhiên, ác mộng vẫn thỉnh thoảng trở về:

“Hôm nay test PCR đã âm tính

Nhưng giấc ngủ hay chập chờn, cứ ác mộng thường xuyên

Nhớ Covid-19 hay sao mà đêm đêm cứ giật mình toát mồ hôi lạnh

Ác mộng tan rồi còn lại tôi”

Đại dịch qua đi, nhân loại còn đó những nỗi lo chiến tranh, hủy diệt từ những mầm mống, những nguyên cớ và những cuộc đua tranh bá quyền. Những tai ương, hủy diệt đó cũng là những nguy cơ rình rập, những cạm bẫy giương chờ, hậu quả của nó cũng đầy đau đớn, tang thương không kém đại dịch Covid-19.

“Bởi vì nhân loại đang còn bao nhiễu nhương

Tên lửa siêu thanh đang rình rập đầu đạn hạt nhân…

Đã nghe mùi hạt nhân thì có nghe được những mùi gì nữa…

Thôi đừng phân chia thế giới lại nhiều lần…

Xin hãy xếp các đầu đạn hạt nhân vào trái tim nhân hậu”

Và ông cầu mong:

“Xin hãy hủy diệt lòng tham, hủy diệt chiến tranh như hủy diệt Corona vậy”.

Viết lại ký ức đau thương qua trường ca này, cũng là để nhắc nhớ nhau rằng, đời sống con người là quý nhất. Khát vọng sống, khát vọng hòa bình cho nhân loại, luôn là ước mơ cao đẹp nhất của con người.

Xin chúc mừng nhà thơ Xuân Trường với sức sáng tạo dồi dào.

Bùi Phan Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất

Suy ngẫm từ những câu ca xưa

Suy ngẫm từ những câu ca xưa

Trong 12 con giáp, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng, lại được cho là uy quyền của nhà vua, không gần gũi với dân chúng, nên rất ít ca dao, thành ngữ mượn con rồng để bàn chuyện thế sự. Tuy vậy, có mấy câu sau đây, nhân ngày Xuân năm Thìn, đàm luận một chút cũng vui.