Cài đặt ứng dụng giả mạo, khách hàng được bảo hiểm chi trả 20 triệu đồng
Theo cảnh báo từ các cơ quan chức năng, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng thông qua yêu cầu cài đặt ứng dụng giả mạo vẫn tiếp diễn với nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi. Những kẻ xấu đã lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dùng để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Trường hợp của anh H.V.T trú tại xã Easar, tỉnh Đắk Lắk vừa bị đối tượng giả mạo lừa hơn 72 triệu đồng là một ví dụ điển hình.
Ngày xảy ra vụ việc, anh T bất ngờ nhận được một cuộc gọi hình ảnh (video call) từ tài khoản lạ trên zalo yêu cầu anh tải ứng dụng Dịch vụ công qua đường link được gửi đến để thực hiện khai báo định danh mức 2 cho anh và con trai.
Sau khi cài đặt ứng dụng, đối tượng này yêu cầu anh mở ứng dụng ví điện tử quay camera lấy hình ảnh khuôn mặt để hoàn tất sinh trắc học. Sau đó, với lý do tài khoản ví điện tử của anh chưa được liên kết, đối tượng tiếp tục yêu cầu anh chuyển một khoản tiền đến tài khoản của bên thứ ba với lý do “phí thanh toán hỗ trợ định danh”.
Không lâu sau khi thực hiện chuyển tiền, anh phát hiện tài khoản ví điện tử và ngân hàng của anh bị trừ 72,4 triệu đồng.
Sau khi trình báo cơ quan chức năng, anh T được cơ quan xác nhận đường link và ứng dụng đối tượng lạ mặt yêu cầu anh truy cập và cài đặt đều là giả mạo. Và toàn bộ số tiền 72,4 triệu đồng của anh đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.
Do trước đó, anh T đã tham gia gói bảo hiểm an ninh mạng của Bảo hiểm VietinBank – VBI trên ứng dụng Viettel Money, khi nhận thông tin từ bộ phận Chăm sóc khách hàng của Viettel Money, Bảo hiểm VietinBank – VBI đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả bồi thường 20 triệu đồng theo quyền lợi hợp đồng bảo hiểm an ninh mạng mà anh T đã đăng ký.
Anh T đăng ký bảo hiểm an ninh mạng và được chi trả 20 triệu đồng
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
Theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05- Bộ Công an), từ ngày 1/7, lợi dụng việc sắp xếp đơn vị hành chính mới trên cả nước, nhóm tội phạm mạng đã giả mạo lực lượng chức năng xã/phường… để lừa đảo nhiều người dân.
Cụ thể, các đối tượng yêu cầu người dân truy cập vào đường dẫn hoặc cài ứng dụng VNeID giả mạo có chứa mã độc. Sau đó, chúng dụ dỗ người dân nhằm lấy mã OTP tài khoản ngân hàng hoặc dữ liệu sinh trắc học để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05- Bộ Công an) khuyến cáo người dân cảnh giác, không làm theo các yêu cầu qua điện thoại, chỉ thực hiện cập nhật thông tin trực tiếp tại Công an xã/ phường nơi sinh sống.
Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn.
Việc để lộ lọt những thông tin cá nhân sẽ tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo thu thập dữ liệu; từ đó lên những kịch bản lừa đảo phù hợp với từng người dùng.
Vì thế, người dùng tuyệt đối không nên chia sẻ thông tin này, đặc biệt là những hình ảnh quê quán mới trên ứng dụng VNeID để đảm bảo an toàn cá nhân và cho những người thân trong gia đình.
Bình luận