Nguyễn Hữu Thu - Bậc anh hùng kinh tế những năm đầu thế kỷ XX
(Arttimes) - Thủa nhỏ cậu bé Nguyễn Hữu Thu có tư chất thông minh và học giỏi tiếng Pháp. Vì vậy, sau này thời thanh niên được sang Pháp một thời gian để tích lũy kiến thức và trau dồi thêm tiếng Pháp. Chính thời gian này, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Thu đã được mở rộng tầm mắt, thay đổi tư duy về kinh doanh, thương mại, là nền tảng tạo nên một doanh nhân Nguyễn Hữu Thu có bản lĩnh và nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh đa ngành nghề sau này.
Trong cuốn sách “Tìm hiểu giai cấp tư sản Việt Nam thời Pháp thuộc” của tác giả Nguyễn Công Bình, NXB Văn - Sử - Địa, năm 1959 và cuốn sách “Những gương mặt không thể nào quên” của Nhà Xuất bản Kim Đồng 2014 có đề cập đến những doanh nhân tiêu biểu lớn đầu thế kỷ XX như: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín, Trương Văn Bền, Trịnh Đình Kính, Nguyễn Sơn Hà,…Vậy Nguyễn Hữu Thu là ai? Không ai rõ năm sinh và năm mất của Ông (187.. - 194.)., chỉ biết Ông cùng thời và là bạn với Bạch Thái Bưởi.
Qua tìm hiểu các tư liệu lịch sử rất ít ỏi, hiếm hoi viết về Nguyễn Hữu Thu và hỏi những người trong gia tộc của Ông ở thôn Tư Thủy, Tổng Tư thủy, Kiến An, Hải Phòng (nay là phường Hòa Nghĩa, Quận Dương Kinh, Hải Phòng) được biết: Nguyễn Hữu Thu sinh ra và lớn lên ở Thanh Lương, Hà Nội. Bố là Ông Nguyễn Hữu Quang và mẹ là Bà Nguyễn thị Khang. Thủa nhỏ cậu bé Nguyễn Hữu Thu có tư chất thông minh và học giỏi tiếng Pháp. Vì vậy, sau này thời thanh niên được sang Pháp một thời gian để tích lũy kiến thức và trau dồi thêm tiếng Pháp. Chính thời gian này, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Thu đã được mở rộng tầm mắt, hiểu biết về văn minh phương tây, thay đổi tư duy về kinh doanh, thương mại, là nền tảng tạo nên một doanh nhân Nguyễn Hữu Thu có bản lĩnh, thông thạo tiếng pháp và nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh đa ngành nghề sau này.
Theo lời kể của người chắt năm nay ngoài 80 tuổi, Ông Nguyễn Hữu Thu lập nghiệp và lập gia đình ở Hải Phòng, vợ đầu tiên của Ông có tên là Sen và gia đình nhà vợ chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ yếu là vôi. Vì thế, Nguyễn Hữu Thu có biệt hiệu là Ông “thông vôi” do Ông làm nghề thông dịch tiếng Pháp và gia đình kinh doanh vôi. Nhờ giỏi tiếng Pháp và đã từng ở Pháp nên Nguyễn Hữu Thu quen biết nhiều giới chức lãnh đạo người Pháp ở Hải Phòng và nhận được nhiều hợp đồng thầu khoán xây dựng ở đây. Bà Sen sinh được 4 người con và cả 4 người con đều được gia đình gửi sang Pháp ăn học và định cư ở đó. Sau này Bà Sen mất, Ông kết hôn với người vợ thứ hai tên là Nguyễn Thị Thiều xinh đẹp và làm nhiều việc từ thiện: xây chùa Duyên Khánh ở thôn Tư Thủy nơi Bà ở và giúp đỡ người nghèo. Bà Thiều sinh được 4 người con: 3 trai và một gái, Ông đặt tên con là Bảy, Mười, Tám, Chín. Người con trai đầu của Ông tên là Nguyễn Hữu Bảy, học giỏi và thông thạo tiếng Pháp, theo đuổi ngành Dược và có thời gian làm trong quân Dược thời kháng chiến chống Pháp, sau này là PGS. Viện trưởng đầu tiên của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương thuộc Bộ Y tế; hai người con trai tên Tám và Chín đều tham gia kháng chiến và phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, có người là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam; còn người con gái tên Mười theo đuổi ngành kinh doanh giống Ông Thu. Hậu duệ của Ông: Con, cháu, chắt,.. đều thành đạt trong ngành Dược, ngành Ngân hàng, ngành giáo dục, ngành kỹ thuật ở trong và ngoài nước.
Nhà kinh tế Nguyễn Hữu ThuGiàu lên từ nghề thầu khoán và có tiền, Nguyễn Hữu Thu chuyển sang làm chủ xe kéo tay trước năm 1914. Do làm ăn phát đạt, với đầu óc kinh doanh nhạy bén và thông thạo tiếng pháp, Ông quyết định chuyển sang lĩnh vực vận tải thủy vì quen biết Bạch Thái Bưởi và là bạn thân cùng thời. Chính Bạch Thái Bưởi đã giúp đỡ Nguyễn Hữu Thu và nhượng lại một số con tàu cho Ông khai thác, kinh doanh. Chỉ trong vài năm, cơ nghiệp của ông đã có hàng chục chiếc tàu và xà lan, chiếm thị phần lớn các tuyến vận tải chạy từ Hải Phòng đi Nam Hải, Bắc Hải, Hồng Kông, Nam Định, Hải Dương, Hòn Gai, Bến Thủy,… Trong đội tầu vận tải của công ty, có hai chiếc Bảo Thạch và Đồng Lợi, trọng tải 615 tấn; còn lại loại 250 tấn, 140 tấn thì có gần chục cái. Để khai thác các tuyến đường sông, công ty Nguyễn Hữu Thu dùng tầu kéo sà lan thay cho tầu tự hành. Đó là một tiến bộ về mặt khoa học đầu thế kỷ XX (cuối thế kỷ người ta dùng hình thức đẩy thay kéo). Như vậy, nói về lĩnh vực kinh doanh vận tải thủy ở Bắc kỳ thời đó, đứng thứ nhất là Bạch Thái Bưởi và đứng thứ 2 là Nguyễn Hữu Thu. Ông trở lên giàu có và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội và Hải Phòng. Điển hình là Ông mua cả vùng đất, lập nên ấp Tư Thủy nay thuộc phường Hòa nghĩa, quận Dương Kinh, Hải Phòng và giúp đỡ người thân, họ hàng từ Thanh Lương, Hà Nội về đây khai khẩn, lập nghiệp cũng như giúp người dân nơi khác đến đây.
Thành đạt và giầu có từ kinh doanh lĩnh vực vận tải biển, Nguyễn Hữu Thu đầu tư sang lĩnh vực khai thác mỏ vốn là lãnh địa của bọn chủ thực dân Pháp để dành quyền khai thác tài nguyên. Ông có mỏ than “Mùa Xuân” ở Quảng Yên, có hàng trăm công nhân làm việc tại đây. Trong quá trình kinh doanh trên thương trường - thực chất là chiến trường, Nguyễn Hữu Thu cũng như các doanh nhân nổi tiếng thời đó như: Bạch Thái Bưởi, Bùi Huy Tín, Trương Văn Bền, Trịnh Đình Kính, Nguyễn Sơn Hà,… gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của những doanh nhân người Pháp và người Hoa vừa giàu có hơn, có kinh nghiệm hơn và có quan hệ tốt hơn với chính quyền đương thời và là lãnh địa kinh doanh của họ: lĩnh vực vận tải biển và khai thác tài nguyên. Nhưng những doanh nhân người Việt kể trên mà đứng đầu là Bạch Thái Bưởi đầy bản lĩnh, dám đứng lên cạnh tranh ngang ngửa với họ và chiến thắng nhờ vào “bảo bối độc chiêu” là khơi dậy tinh thần tự cường dân tộc và lòng yêu nước của người Việt Nam. Theo tài liệu lịch sử ghi lại, cuộc chiến này kéo dài hơn 30 năm, từ năm 1905 - 1935. Ngoài ra, phong trào tẩy chay hàng ngoại nhập do Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Văn Vĩnh,… là những người chủ chốt trong vụ này ở Bắc kỳ dưới khẩu hiệu:Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Năm 1929, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu cùng với một số nghị viên dân biểu Bắc Kỳ phản đối Hãng Rượu Fontaine của Pháp được độc quyền về rượu và đòi được tự do sản xuất rượu Made in Vietnam. Cuộc chiến này kéo dài 4 năm, đến năm 1933 nhà cầm quyền mới bãi bỏ lệnh độc quyền này. Đây là thắng lợi lớn tạo điều kiện cho ngành rượu của Việt Nam phát triển mạnh những năm sau đó.
Để có tiếng nói với chính quyền Pháp cai trị ở Việt Nam, đấu tranh cho quyền lợi của giới tư sản dân tộc và doanh nhân người Việt, Nguyễn Hữu Thu và một số nhà tư sản lớn được tín nhiệm, Ông và họ đã tham gia và từng giữ chức vụ trong Viện dân biểu Bắc Kỳ, Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ, Viện dân biểu Trung Kỳ, Hội đồng ở Hà Nội, Hải Phòng, có cả người Pháp và người Việt tham gia. Nguyễn Hữu Thu có tên gọi là “Ông Paul Sen”. Những người dân Hải phòng và xứ Bắc Kỳ thường gọi và biết đến Nguyễn Hữu Thu với biệt danh là “Ông thông vôi” và “Ông Paul Sen”- Một doanh nhân nổi tiếng và thành đạt ở Hải Phòng nói riêng và xứ Bắc Kỳ nói chung.
Đầu năm 1920, Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín, Bùi Đình Tá xin giấy phép của Toàn quyền Đông Dương xuất bản tờ Thực nghiệp dân báo, số đầu tiên ra mắt vào ngày 12/2/1920. Đây là tờ nhật báo thông tin kinh tế, thương mại, kỹ nghệ, nông nghiệp và các chuyên mục: phụ nữ, văn học nghệ thuật, văn hóa,... Tờ báo do Mai Du Lâm làm Giám đốc Chính trị và được coi là tiếng nói của giới tư sản, điền chủ Bắc Kỳ. Báo lên tiếng đòi quyền lợi cho tư sản dân tộc Việt Nam. Thực nghiệp dân báo không chỉ đơn thuần có tính chất kinh tế mà đã mở rộng ra nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, mang hơi thở của đời sống xã hội, đôi khi trở thành ngọn cờ tiên phong như phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và đám tang Phan Châu Trinh sau này. Đội ngũ tác giả của báo Thực nghiệp hết sức đa dạng, trong đó có các nhà tư sản lớn, các nghị viên Viện dân biểu Bắc Kỳ, các nhà Nho, các trí thức Tây học như: Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang,.. Sau 13 năm hoạt động báo ra được hơn 3000 số, báo bị đình bản vào tháng 9 năm 1933.
Nguyễn Hữu Thu là nhà tư sản dân tộc lớn, giàu có và có uy tín nên đã được người Pháp giao chăm sóc Bà Hoàng Thị Thế - con gái Hoàng Hoa Thám, thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế khi cuộc khởi nghĩa này thoái trào năm 1909. Mẹ bà bị chết trên đường đi đày ở Alger năm 1910 và Cha Hoàng Hoa Thám bị giết năm 1913. Sau Bà Hoàng Thị Thế được Albert Sarraut sang làm toàn quyền Đông dương năm 1911 nhận làm con nuôi rồi đưa sang Pháp học khi 16 tuổi.
Như đã nói ở trên, tài liệu lịch sử viết về Nguyễn Hữu Thu rất hạn chế, ngay cả những người trong gia tộc Nguyễn Hữu biết rất ít về cuộc đời và sự nghiệp của ông, họ chỉ kể lại những giai thoại về ông với lòng tự hào về người con nổi tiếng của dòng họ Nguyễn Hữu. Như vậy, để phác họa đầy đủ về chân dung Ông Nguyễn Hữu Thu - bậc anh tài về kinh doanh những năm đầu thế kỷ XX thật khó. Có thể nói Nguyễn Hữu Thu là một nhân tài của đất Bắc trong kinh doanh. Cuộc đời và sự nghiệp của Ông đáng nể phục và kính trọng. Cũng như Bạch Thái Bưởi, ở Ông toát lên một doanh nhân có tài, có tâm, có tầm, với lòng yêu nước và một ý chí và khát vọng làm giàu của doanh nhân người Việt muốn hội nhập quốc tế và vươn ra biển lớn. Ở các lĩnh vực kinh doanh ông tham gia đều thành công và ghi dấu ấn rõ nét trong lịch sử ngành công thương Việt Nam như: lĩnh vực thầu khoán xây dựng, vận tải thủy, bất động sản, khai thác mỏ, báo chí,… một bậc trượng phu trên thương trường và tên tuổi của Ông đã trở thành huyền thoại và được ghi tên trong sử sách và xứng đáng là một trong những “Bậc anh hùng kinh tế” trong những năm đầu thế kỷ XX.
Nguyễn Danh Thuận NoneBình luận