Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật

Tối 28/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Chương trình gồm những tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng công phu, hoành tráng, với sự góp mặt của những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng...

Chương trình có sự tham gia của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương.

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 1

Đoàn Nghệ thuật trống hội Học viện Cảnh sát nhân dân biểu diễn bên ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội chào mừng các đại biểu đến dự Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Văn hóa tạo nên cốt cách con người Việt Nam

Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Văn hoá đang từng bước thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, cùng với mặt trận chính trị và kinh tế tạo thế “kiềng ba chân” góp phần đưa đất bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách vững bước vươn lên.

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 2

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của Nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, cốt cách của con người Việt Nam, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của lòng yêu nước, nhân ái, sẻ chia; tính cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, chịu thương, chịu khó và khả năng sáng tạo, ứng phó, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Chúng ta có nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự được gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại. Đó là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người và vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; Nhân dân ngày càng được ấm no và hạnh phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

“Những dấu ấn lịch sử” – Chương trình nghệ thuật đặc sắc, công phu

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” với chủ đề “Những dấu ấn lịch sử” được chia thành 3 chương. Đặc biệt, chương trình có hai ca khúc được Ban tổ chức đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho chương trình là "Ngọn đuốc soi đường" (lời: NSND Trần Bình, nhạc: Đức Trịnh) và "Văn hoá trường tồn cùng dân tộc" (Trọng Đài).

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 4

Màn nghệ thuật chào mừng "Huyền thoại Việt Nam bay lên" biểu diễn bởi hợp ca và đoàn múa Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam. 

Chương I với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã tái hiện bối cảnh lịch sử trước khi ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, với hình ảnh người công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức... rơi vào cảnh bế tắc, bần cùng khi mâu thuẫn gay gắt với thực dân Pháp và phát-xít Nhật. Độc lập dân tộc và tự do dân chủ trở thành nhu cầu, khao khát của mỗi người dân Việt Nam.

Chương II chủ đề “Văn hóa kháng chiến, kháng chiến văn hóa” tái hiện tinh thần khẩu hiệu này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, động lực để huy động mọi nguồn lực dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ 1940-1975, góp phần phát huy vai trò của văn hóa Việt Nam để vừa kiến quốc vừa kháng chiến, huy động được các binh chủng, các lực lượng làm công tác văn hóa toàn dân tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chương III với chủ đề "...Văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn..." với liên khúc được dàn dựng công phu gồm các ca khúc "Văn hoá trưởng tồn cùng dân tộc", "Tôi tự hào là tương lai Việt Nam"; “Việt Nam ơi, ta bước tiếp” đã thay lời kết khép lại chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa.

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 5

Các tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại chương trình khẳng định sức sống mãnh liệt của bản Đề cương trong sự nghiệp văn hóa nước nhà.

Các tiết mục trong chương trình nghệ thuật đã làm nổi bật giá trị những luận điểm cơ bản từ bối cảnh năm 1943 - tiền đề quan trọng để văn hóa Việt Nam phát triển qua nhiều giai đoạn với những điều chỉnh đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, chương trình giúp khẳng định những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các nghệ sĩ tham gia chương trình đã tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của “Đề cương về văn hóa” trong suốt chặng đường 80 năm qua. Qua đó khẳng định sức sống mãnh liệt của bản Đề cương trong sự nghiệp văn hóa nước nhà.

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 6

Chương trình khẳng định thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

Hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam của Đảng là dịp để các cấp các ngành, toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Một số hình ảnh tại Chương trình nghệ thuật “Những dấu ấn lịch sử”:

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 7

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 8

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 9

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 10

Nhìn lại 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bằng ngôn ngữ nghệ thuật - 11

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất