Nhớ nhà thơ Phạm Phát: Một giọt, một đời (Kỳ 1)

(Arttimes) - Người xưa nói, Văn chương thiên cố sự/ Đắc thất thổn tâm tri (Tạm hiểu: Chuyện nghìn năm của văn chương/ Được mất là ở một tấc lòng). Tấc lòng của thi nhân Phạm Phát cô lại là một giọt, nhưng một giọt sau khi đã vắt ra từ biển cả.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến nay, tôi còn nhớ nguyên cảm giác sung sướng bàng hoàng khi mở lá thư đầu tiên của anh Phạm Phát. Đó là những ngày cuối thu năm 1962 khi tôi mới vớc vào kỳ học đầu của năm học cuối cấp III, hệ phổ thông 10/10, tại trường Trần Phú, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh viết trên một tờ giấy nhỏ, do báo Người giáo viên nhân dân in mẫu sẵn để trả lời cộng tác viên. Nét chữ to, phóng khoáng, rành rọt; giọng văn thân mật, ân cần. Anh nói đã nhận được bài thơ của tôi, nhưng chất lượng thì chưa thể đăng được, cần phải cố gắng nhiều thêm nữa. Trước mắt, cần tập trung vào học tập để thi tốt nghiệp, thi đại học. Còn làm thơ là chuyện lâu dài. Như thế có nghĩa là tôi không gặp may mắn từ những bài thơ đầu tay. Phải một người khác thì rất buồn. Nhưng với tôi, tuy cũng buồn, nhưng được an ủi rất nhiều vì thơ gửi đi và được một nơi “kín cổng cao tường” hồi âm với nhiều tình cảm khích lệ ấm áp. Khác hẳn với bảy năm trước đó, khi còn học cấp I tại một trường làng trung du hẻo lánh, tôi đã bạo gan viết một “truyện ngắn” dài hơn hai chục trang vở học trò, gửi về một Nhà xuất bản ở Hà Nội. Một cuộn giấy không dày lắm lại được dán bằng bốn con tem của các anh bộ đội đóng trong nhà và trong một trưa tháng sáu bỏng rát một mình nón lá chân đất cuốc bộ lên tận Phòng Bưu điện huyện Tam Dương để gửi, thì hẳn cái thằng bé nhà quê ấy phải có đủ sự rồ dại và liều lĩnh đến đâu. Thế rồi thấp thỏm chờ đợi hết năm này sang năm khác, không hề nhận được một tin tức nào cả. Lần này, thơ không được đăng, nhưng lại được đối xử bình đẳng như mọi người thì sự cảm động đã được nhân lên nhiều lắm. 

Nhớ nhà thơ Phạm Phát: Một giọt, một đời (Kỳ 1) - 1 Chân dung nhà thơ Phạm Phát 

Thế rồi mối dây liên hệ giữa tôi và anh Phạm Phát con đường nối thêm nhiều năm tháng nữa. Đó là tình cảm của một của một đứa em với một ông anh, một học trò đối với một người thầy. Rồi chiến tranh ập đến. Tôi đi bộ đội. Anh Phạm Phát về dạy học ở Hải Phòng. Tiếp đó, hai anh em cùng đi B, cùng đói khát và bom đạn ở chiến trường miền Trung Trung bộ, vậy mà kỳ lạ đến khó hiểu là phải hơn 10 năm sau giải phóng mới gặp lại nhau tại Đà Nẵng. Với tình nghĩa ấy, khỏi phải nói tôi đã vui mừng và trân trọng như thế nào khi nâng hai tập sách “Một giọt” và “Trầm” của anh trên tay. Đây không chỉ là đứa con tinh thần, mà là những giọt tinh túy chắt ra từ máu và nước mặt của một con người đã lội qua sống chết trong chiến tranh và bão táp trong thời bình. Có đắng cay và ngọt bùi, có tri kỷ và nghịch cảnh, có mất mát đến khó bề trụ vững, có tri ân từ những miền lửa ấm. Cho nên tác phẩm của anh là sinh mệnh của anh, là gia tài, là kho báu phải đánh đổi cả một đời mới có được. Tôi đã tâm niệm như thế, thao thiết như thế, trong nhiều ngày, trước khi bắt gặp lời dạy sau đây của Goeth “Người nào có kinh nghiệm phong phú thì cần đọc sách với hai con mắt, một mắt đọc những lời trên giấy, một mắt đọc những lời phía sau tờ giấy”. 

Một giọt là một cách nói khiêm nhường hay là sự cô đặc thế giới trong một tinh thể. Là cái cuối cùng trong cuộc phù vân hay là cái cá thể duy nhất không gì thay thế được trong đa sự kiếp người? Là cái bất biến trong vạn biến? Là cái có thể trong mọi cái khả thể? Vân vân và vân vân. Bạn đọc có thể bảo tôi liệu có thật cần thiết phải đặt ra nhiều câu hỏi đến thế? Tôi cho là rất cần. Một bài thơ hay, nhiều hàm ý, được chọn làm tên cho cả tập, chắc hẳn phải có cái duyên do của nó. Hỏi để tìm một chiếc chìa khóa, một lối ngõ, một ô cửa để đi vào thế giới của tập thơ. Người làm thơ không đặt bút theo một định đề có sẵn. Vậy người đọc thơ cũng không nên tự gò mình trong một thói quen chật hẹp nào. 

Một giọt. Một giọt nước mắt sau một trận mưa rào, một sợi đàn bầu bắc ngang trời, một nhành hoa mai khi xuân đến. Một ánh mắt, trao gửi buổi thiếu thời. Một đôi dép bên cạnh một chiếc áo quan. Một 

Thơ của anh giàu tình thương và nỗi đau, nhiều suy tư; đa nghĩa mà không rườm, vững chãi mà rất ấm. Đó là thơ của một người có nền tảng văn hóa vững chắc, từng trải, vừa truyền thống vừa thể nghiệm Tôi muốn làm rõ hơn cái tính chuyên nghiệp mà anh Thanh Quế đã nói về thơ anh Phạm Phát. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng quan trọng nhất là cấu trúc. Cấu trúc là bộ khung của tư tưởng, là nghệ thuật lập tứ, là phát sáng của tài năng. Cấu trúc trong Một giọt chặt chẽ, là phương án tốt nhất có thể. Xét trong cả tập, nó đa dạng, mỗi bài có một vị trí riêng, mở ra rất nhiều góc cạnh của đời sống, tạo nên sự phong phú muôn màu với sự ứng biến linh hoạt trong biểu cảm. Xét trong một bài thì ý nghĩa chặt chẽ, triển khai hợp lý, nhưng lại khá bất ngờ trong một kết thúc mở. Người ta có thể còn chưa thật hài lòng ở chữ nọ chữ kia nhưng người ta khó bắt bẻ về câu. Chứng tỏ một một khổ công rất lớn, một kỹ lưỡng đáng kính trọng của tác giả. Tất cả những nhận xét lý tính này là cái người ta rút ra sau khi đọc một bài thơ, còn bản thân từng bài thơ nó tồn tại và hiện diện như một sinh mệnh tươi tốt sống động. Trong Một giọt, có những ý có thể nắm bắt ngay được với một cách nói trực diện. 

- “Ai bỏ gì lá là la nhặt tất

Đời bỏ ta, ai nhặt lá là la...”

Hỡi ai đó có nghe tiếng hát

Theo gió lùa lạnh buốt lòng ta?                                    (Tiếng hát lạnh) - Vàng lộng lẫy vàng ròng vàng thật

Vàng để gửi trời ngàn năm không mất

Thăm chùa vàng về Không nhớ vàng

Chỉ nhớ câu

Nước chúng tôi không có ăn cắp

                                   (Vàng Myanma) 

Nhưng có khá nhiều trường hợp tác giả lại buông cho dòng cảm xúc, cảm xúc tuôn chảy tự nhiên, mở rộng biên độ cảm nhận

 - Hỏi có bao nhiêu mây trắng mây đen

Bay qua một đời người

Ngửa mặt nhìn trời

Nhìn mây bay

                             (Ngửa mặt nhìn trời) 

- Một dây chỉ vậy đơn sơ

Mà âm thanh chạm tận bờ tâm linh                              (Nghe đàn bầu) - Ôi những giọt sinh sôi

Tưởng như là không có

Đang lung linh giữa đời

Trong giọng còn nho nhỏ                                 (Một giọt)  - Ai dồn chi những vu vơ

Để mình thành nhện bâng quơ giăng mình                                 (Tự họa) 

Bên này và bên kia, thế này và thế khác, rõ rệt và gợi mở theo kiểu phương Đông. Trong trường hợp này tâm thể trở thành một đối tượng thẩm mỹ, mọi năng lực biểu cảm đều tập trung làm bật lên tiếng ngân rung của nội tâm. Đây là cơ hội để mổ rộng cái vùng liên tưởng, một đòi hỏi cao nhất nhằm tạo lên mối tương giao  với bạn đọc. Với hai đặc điểm nà tác giả tự làm phong phú mình, và một giọt mới thành những giọt sinh sôi là bởi vậy. 

Hữu Thỉnh  None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Không chỉ là người đầu tiên viết tiểu thuyết về lực lượng Cảnh sát biển, mới đây nhà văn Trần Khánh Toàn lại tiếp tục thành công (giải B của Bộ Công an) với tiểu thuyết đầu tiên viết về lực lượng Cảnh sát Cơ động - một đề tài mới lạ còn ít người khám phá.