Tiếp tục định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam

Tối 5/9/2023, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (10/9/2003 - 10/9/2023).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu tại buổi lễ.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng nhiệm kỳ đầu tiên; đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam...

Tiếp tục định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam - 1

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. (Nguồn ảnh: Báo Hànộimới)

20 năm xây dựng, trưởng thành 

Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nêu rõ, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương được Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) quyết định thành lập ngày 10-9-2003. Việc thành lập Hội đồng là quyết định kịp thời, đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén, chủ động và sáng suốt của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật được Đảng ta khẳng định là “bộ phận rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa”.

Tiếp tục định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam - 2

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đọc diễn văn kỷ niệm.

20 năm qua, Hội đồng đã tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước xây dựng và lãnh đạo thực hiện nhiều nghị quyết, chính sách ở tầm chiến lược, vĩ mô về văn hóa, văn nghệ; tư vấn và hỗ trợ nhiều ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ.

Phát hiện, biểu dương, nhân rộng các nhân tố mới trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đấu tranh chống quan điểm sai trái, lệch lạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết, định hướng cho đội ngũ sáng tác, quảng bá và tiếp nhận giá trị văn học, nghệ thuật. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Tiếp tục định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam - 3

Tiết mục nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Hội đồng cũng đã tổ chức các hội nghị tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ lĩnh vực tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thông, nghiên cứu, giảng dạy về văn học, nghệ thuật; bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ. Tính đến nay đã có 23 hội nghị tập huấn ở cả hai miền Nam, Bắc, mỗi kỳ trung bình từ 200 - 300 học viên tham dự. 

Hằng năm, Hội đồng tổ chức thẩm định và trao Tặng thưởng các tác giả có tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc và hỗ trợ xuất bản cho các bản thảo sách có chất lượng cao. Tính đến tháng 9/2023, có 248 tác phẩm đã được trao Tặng thưởng; có 147 bản thảo được hỗ trợ xuất bản thành sách chuyên khảo.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và biểu dương nỗ lực, sáng tạo và thành tích mà Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã đạt được trong 20 năm qua.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với 5 nhiệm kỳ hoạt động, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tập hợp, kết nối trí tuệ, tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà lý luận, phê bình, văn nghệ sỹ cả nước; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần định hướng và thúc đẩy sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.”

Tiếp tục định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam - 4

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Nguồn ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Về phương hướng hoạt động của Hội đồng trong thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cùng các cơ quan tư tưởng, văn hóa, văn nghệ và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước cần quán triệt, thấm nhuần sâu sắc bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và tại Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; hiện thực hóa thành phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác của Hội đồng trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng huy động tối đa kinh nghiệm, trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong cả nước; nâng cao năng lực phát hiện, dự báo, tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách khoa học và có tính hệ thống, lý giải thấu đáo và thuyết phục những vấn đề lớn đang đặt ra trong đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà; coi trọng tư vấn cho Đảng, Nhà nước các vấn đề quan trọng, chuyên sâu, cấp thiết; phát huy vai trò nền tảng, chủ đạo của mỹ học Mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; tổ chức nghiên cứu thấu đáo tư tưởng văn nghệ truyền thống của cha ông; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận văn hóa, văn nghệ trên thế giới.

Cùng với đó, Hội đồng cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam và hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam; chú trọng tư vấn cơ chế, chính sách phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới...

“Hội đồng phát huy tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ; thường xuyên cung cấp, cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; đồng thời nắm bắt, phản ánh, dự báo tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tổ chức nghiên cứu, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình nói riêng và lực lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Ban Biên tập Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chính thức khai trương Tạp chí Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật điện tử với tên miền https://lyluanphebinh.vn. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới về nội dung, hình thức, công nghệ của Tạp chí, nối dài kênh thông tin, mở rộng diễn đàn nghiên cứu, trao đổi học thuật về văn học, nghệ thuật trên nền tảng số và kết nối internet.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Sự tích cây dừa

Truyện cổ tích: Sự tích cây dừa

Đặc biệt cây cho trái trên cao, nước trong vắt ngọt lịm, như tấm lòng thơm thảo trọng nghĩa nhân và giữ tiết sạch giá trong khi cô bé còn sống.