Trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 1/11, Quốc hội tiến hành thảo luận Hội trường về Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.


Trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 - 1

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình

Bốn đối tượng thụ hưởng

Trình bày tờ trình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, có 4 đối tượng thụ hưởng đó là: Người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; 

Đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân hoạt động trực tiếp trong hoặc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ;

Các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; Các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng; đội tuyên truyền lưu động; các đồn biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Về phạm vi, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.

Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…

Về quy mô, Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình dự kiến là 256.250 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn. Theo đó, trong năm 2025: thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030: tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

Giai đoạn 2031-2035: tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Chương trình đề ra 7 mục tiêu tổng quát: (1) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; (2) Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc; (3) Huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; (4) Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; (5) Xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài; (6) Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, với nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng; (7) Hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng đề ra 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2035. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, cụ thể là:

Thứ nhất, Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp.

Thứ hai, Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả.

Thứ ba, Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa.

Thứ tư, Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Thứ năm, Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật. 

Thứ sáu, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ bảy, Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ tám, Phát triển nguồn nhân lực văn hóa.

Thứ chín, Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Thứ mười, Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

Về một số kiến nghị, đề xuất, theo Bộ trưởng, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội chấp thuận thời gian thực hiện Chương trình là 2025-2035. 

Về thống nhất quản lý các Chương trình, dự án liên quan đến phát triển văn hóa đã được phê duyệt, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt được nêu tại Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (mục 4.1.b Phần I) nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai cụ thể trong giai đoạn 2026- 2030 sẽ được thực hiện thống nhất trong Chương trình này để tập trung cao nhất các nguồn lực hướng tới hiệu quả đầu tư tốt hơn và sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Về nội dung chưa được quy định trong Luật Đầu tư công, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công./.

Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 100-KL/TW về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Tại Phiên họp ngày 18/10/2024, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã có kết luận.

Theo Bộ Chính trị, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới; chú trọng phát triển hài hòa, toàn diện giữa kinh tế với văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng thể chế chính sách về văn hóa ngày càng hoàn thiện; ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa ngày càng tăng; đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Tại Kết luận này, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Giao Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa trong thực hiện Chương trình.

Phát triển văn hóa phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng đổi mới sáng tạo trên cơ sở giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc; trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa; huy động, phát huy tối đa nguồn lực nhà nước và xã hội để đầu tư phát triển văn hóa.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; quan tâm lựa chọn đầu tư xây dựng một số tác phẩm văn hóa đại chúng, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, góp phần nâng cao giá trị, bản sắc và năng lực hội nhập của văn hóa Việt Nam.

Quá trình thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình, Bộ Chính trị yêu cầu cần tính toán kỹ lưỡng về tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực; bảo đảm có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phân cấp trách nhiệm cho địa phương về phân bổ nguồn lực và tổ chức thực hiện.

Bộ Chính trị cũng giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị và các cơ quan, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; chỉ đạo triển khai thực hiện theo thẩm quyền sau khi Chương trình được phê duyệt.

"Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, coi việc triển khai thực hiện Chương trình là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình" - Bộ Chính trị nêu rõ tại Kết luận.

Theo Thế Công - Xuân Trường, Báo điện tử Tổ quốc

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Từ Quảng Nam ra Huế phải qua đèo Hải Vân, có thể đi ô tô hoặc tàu lửa. Con đường quanh co men theo sườn núi, nhìn sang phía bên kia là biển xanh bao la, và ngang đầu mây trắng lửng lơ bay…