Về với “Thủ đô văn nghệ kháng chiến”

Hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023), nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, sáng 30/5, đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có chuyến hành hương về nguồn tại xã Yên Kỳ và xã Gia Điền thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Tham gia đoàn công tác có PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp (Trưởng đoàn); TS Đoàn Thanh Nô - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp; NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; NSNA, nhà báo Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - nguyên Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam; Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật… cùng các văn nghệ sĩ và cán bộ trực thuộc Liên hiệp.

Cách đây 3/4 thế kỷ, trong thời điểm gian nan, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất chiến khu Hạ Hòa đã được nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam lựa chọn làm nơi trú chân, đặt trụ sở, triển khai các hoạt động kháng chiến, kiến quốc. Trong đó có trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam với những tên tuổi văn nghệ sĩ đã trở thành huyền thoại trong lịch sử văn học nghệ thuật của dân tộc.

Về với “Thủ đô văn nghệ kháng chiến” - 1

Tại xã Yên Kỳ, thay mặt Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã trao tặng những tác phẩm, tài liệu quý về lịch sử Liên hiệp cho Đảng bộ và nhân dân xã.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ …”, cả dân tộc đã đồng lòng đứng lên trường kỳ kháng chiến, đối đầu với quân xâm lược tàn bạo có sức mạnh quân sự vượt trội. Trong dòng người rời bỏ cuộc sống nơi phố thị lên chiến khu bền gan kháng chiến có các văn nghệ sĩ - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, quyết dùng ngòi bút để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân lao động.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 (16 - 20/7/1948) thành lập Hội Văn hóa Việt Nam, trong 3 ngày từ 25 - 27/7/1948 Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được triệu tập, tiến hành Đại hội tại làng Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, với sứ mệnh tập hợp toàn bộ giới văn nghệ sĩ cả nước đoàn kết xây dựng nền văn nghệ cách mạng, góp phần cùng toàn dân thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng và kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và vùng đất Gia Điền của Hạ Hòa đã được chọn làm nơi để đóng trụ sở của Hội văn nghệ Việt Nam và trụ sở của tạp chí Văn nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội.

Về với “Thủ đô văn nghệ kháng chiến” - 2

Trong chuyến công tác, đoàn đã đến thăm nơi đặt tấm bia ghi dấu sự kiện Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam vào năm 1948 tại làng Dộc Phát (nay là Khu 1) xã Yên Kỳ.

Kể từ đó đến nay liên tục có các chuyến trở về nguồn của các lớp văn nghệ sĩ sau này, thăm lại cái nôi của nền văn nghệ Việt Nam, từ đó để thế hệ ngày nay hiểu được những năm tháng sống và sáng tác trong điều kiện kháng chiến vô cùng khó khăn thiếu thốn của văn nghệ sĩ thời chiến.

Trong lần trở lại này, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân xúc động cho biết: “Chuyến đi về nguồn lần này của Liên hiệp với mục đích là để trở lại nơi phát tích Hội Văn nghệ Việt Nam, tiếp đến là để gặp gỡ và cảm ơn các thế hệ lãnh đạo của xã Yên Kỳ và xã Gia Điền, huyện Hà Hòa, tỉnh Phú Thọ nơi cưu mang các thế hệ văn nghệ sĩ của kháng chiến chống Pháp, cũng như đã có công giữ gìn di tích lịch sử ghi dấu nơi ra đời Hội Văn nghệ Việt Nam”.

Về với “Thủ đô văn nghệ kháng chiến” - 3

Sau khi rời xã Yên Kỳ, đoàn công tác di chuyển tới xã Gia Điền. Tại đây, đoàn đã có buổi làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ xã. 

75 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức, kỷ niệm đẹp của một thời khó khăn, gian khổ mà hào hùng mãi lắng đọng trong lòng người dân Hạ Hòa. Bà Bủ Gái, người dân xóm Gốc Gạo (nay thuộc khu 1, xã Gia Điền) đã nhường căn nhà tranh vách đất đơn sơ cho Hội Văn nghệ Việt Nam trú chân năm xưa giờ đã thành người thiên cổ. Cách đây 26 năm (1997), nhà thơ Tố Hữu về thăm lại nơi sống và làm việc năm xưa đã cùng với chính quyền địa phương dựng tấm bia có nội dung “Tại thôn Gia Điền, trong kháng chiến chống Pháp đã đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1949) cùng với cơ quan thường trực Hội, có cơ quan Tạp chí Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn nghệ” ngay trên nền nhà cũ của bà Bủ Gái, nơi ông đã viết nên tác phẩm nổi tiếng: “Bầm ơi”, “Bà Bủ”…

Về với “Thủ đô văn nghệ kháng chiến” - 4

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại tấm bia lưu dấu nơi đặt trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và trụ sở của tạp chí Văn nghệ (khởi nguồn của tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam và Thời báo Văn học nghệ thuật) tại xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền.

Chuyến về nguồn của đoàn công tác Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc với Đảng bộ và nhân dân địa phương, nơi nuôi giấu, che chở, đùm bọc các văn nghệ sĩ trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Ngày hôm nay, những tấm lòng đó vẫn vẹn nguyên đối với các văn nghệ sĩ của đoàn công tác. Sự đón tiếp nồng hậu và cởi mở của cán bộ và người dân xã Yên Kỳ và xã Gia Điền, chắc chắn sẽ luôn là những kỷ niệm khó phai nhòa trong lòng các nghệ sĩ.

Dấu mốc thời gian về một thời kỳ oanh liệt, tấm bia lưu niệm nơi thăng hoa cho văn nghệ kháng chiến, không chỉ ghi dấu mà như để nhắc nhở thế hệ trẻ luôn tự hào và có ý thức giữ gìn và tiếp nối “dấu chân” của những nghệ sĩ một thời…

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất