Cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ của nhà văn Áo Mira Lobe

Khi bắt đầu làm mẹ, Mira Lobe viết truyện thiếu nhi và dù ở truyện dài hay truyện tranh, tác phẩm của bà đều thể hiện một cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ.

Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Kỉ niệm 67 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (17/6/1957 – 17/6/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giới thiệu sách thiếu nhi của nhà văn Áo Mira Lobe với độc giả Việt Nam.

Các tác phẩm của Mira Lobe được giới thiệu gồm truyện dài Bà ngoại trên cây táo và ba tác phẩm sách tranh “Lại đây nào!” Mèo bảo, Tôi là tôi bé nhỏ, Thành phố quanh vòng quanh với sự tham gia của dịch giả Chu Thu Phương trong vai trò diễn giả.

Cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ của nhà văn Áo Mira Lobe - 1

Buổi ra mắt sách diễn ra đúng dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Ảnh: Huyền Thương

Cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ của nhà văn Áo Mira Lobe - 2

Đông đảo độc giả ở nhiều lứa tuổi đã đến tham dự chương trình. Ảnh: Huyền Thương

Bà ngoại trên cây táo kể về khao khát có một người bà của cậu bé Andi. Nỗi khao khát ấy đã đưa cậu đến với những trò chơi tuyệt đẹp, cùng những trải nghiệm vô cùng thú vị. Kết thúc câu chuyện, nhà văn Mira Lobe đã hiện thực hóa giấc mơ của Andi, cậu có hai người bà: một người bà trên cây táo và một người bà hàng xóm.

Tại chương trình, dịch giả Chu Thu Phương cho rằng, nhà văn Mira Lobe đã vô cùng khéo léo khi gắn kết Andi với một người bà có thực, ở bức tranh cuối sách, hai người bà dắt tay cậu đi vào tương lai, cùng đồng hành với cậu đến với những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.

“Câu chuyện cho chúng ta hiểu rằng, những ước mơ, khát khao của trẻ nhỏ sẽ đưa các em đến với cuộc sống tươi đẹp hơn, nhân văn hơn. Chúng ta, những người lớn, những bậc cha mẹ nên trân trọng và gìn giữ điều đó”, dịch giả Chu Thu Phương nhắn nhủ.

Cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ của nhà văn Áo Mira Lobe - 3

Dịch giả Chu Thu Phương (thứ hai từ trái qua) tại chương trình. Ảnh: Huyền Thương

Vì những ý nghĩa sâu sắc đó, Bà ngoại trên cây táo đã nhận được giải thưởng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên Áo năm 1965 và được xếp trong Danh sách danh dự Giải thưởng Nhà nước Áo năm 1971.

Cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ của nhà văn Áo Mira Lobe - 4

Cuốn sách "Bà ngoại trên cây táo". Ảnh: NXB Kim Đồng

Bên cạnh đó, ba cuốn sách tranh “Lại đây nào!” Mèo bảo, Tôi là tôi bé nhỏ, Thành phố quanh vòng quanh của Mira Lobe cũng là những tác phẩm tiêu biểu của bà với rất nhiều giải thưởng và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ của nhà văn Áo Mira Lobe - 5

Các cuốn sách khác của Mira Lobe cũng được giới thiệu trong chương trình. Ảnh: NXB Kim Đồng

Mira Lobe (1913-1995) sinh ra tại thành phố Görlitz (Đức) và có thời gian sinh sống tại vùng Palestine (khi ấy thuộc Anh). Năm 1951, bà theo chồng là diễn viên, nhà sản xuất kịch Friedrich Lobe về Viên làm việc. Bà đã chọn thủ đô của Áo làm nơi sinh sống và nơi đây đã có ảnh hưởng lớn tới các sáng tác của bà. Bà đã viết hơn 100 cuốn sách và các tác phẩm của bà đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng khác nhau. Mọi câu chuyện của Mira Lobe luôn mang một ngôn ngữ đặc biệt và tràn đầy yêu thương.

Cách biểu đạt đặc trưng của Mira Lobe là với một vấn đề có thể khá phức tạp nhưng lại được bà diễn đạt một cách đơn giản và dễ hiểu cho trẻ em. Mà theo dịch giả Chu Thu Phương, nếu được tiếp cận với những thông điệp đó ngay từ nhỏ, sẽ là một điều ý nghĩa với trẻ em.

Trong các tác phẩm của mình, Mira Lobe đều thể hiện một cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ. Đối với bà, thế giới chỉ có thể tốt đẹp hơn khi những công dân nhí được có tiếng nói của riêng mình. Vì lẽ đó, văn chương của bà đề cao tinh thần bác ái, hòa bình và nhân văn sâu sắc.

Mira Lobe từng tâm sự: “Ý nghĩa sâu sắc của những truyện viết cho trẻ em, theo tôi là giúp trẻ có lòng tự tin. Viết văn là một công việc đẹp đẽ, thật sự rất đẹp, khi viết, người ta cảm thấy mình đang sống. Đấy là cảm giác đẹp đẽ thứ nhì, chỉ sau cảm giác được yêu”.

Cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ của nhà văn Áo Mira Lobe - 6

Nhà văn Mira Lobe. Ảnh: NXB Kim Đồng

Đồng hành chính trong các sách tranh thiếu nhi của bà là họa sĩ Susi Weigel – người đã biến những cuốn sách trở thành tác phẩm giàu nghệ thuật thị giác cho trẻ nhỏ. Là một họa sĩ đồng hành với trẻ em, màu sắc của Susi Weigel luôn tươi sáng, với những nét vẽ ngây thơ và dễ dàng đón nhận được sự đồng cảm của trẻ nhỏ, tạo nên ấn tượng đẹp đẽ trong lòng các em.

Tại buổi ra mắt sách, các bạn nhỏ cũng được xem kịch do Câu lạc bộ tiếng Đức – Học viện Ngoại giao biểu diễn và tham quan triển lãm tranh minh họa các tác phẩm của Mira Lobe của hai họa sĩ Susi Weigel và Angelika Kaufmann.

Chương trình là cơ hội giới thiệu đến độc giả Việt Nam nền văn học thiếu nhi Áo, đồng thời, góp phần kết nối giao lưu hai nền văn hóa Áo - Việt.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi