Con đường tơ lụa xuyên Á thế kỷ 21

22 năm trước, sau chuyến đi khảo sát thị trường một số nước khu vực cùng đoàn doanh nghiệp trẻ Việt Nam, tôi có viết một bài ký sự mang tên Con đường tơ lụa xuyên Á thế kỷ 21. Bài viết sau đó đã đăng trên báo Công Thương và nột số báo khác. Khoảng thời gian ấy, chiến tranh Đông Dương đã kết thúc được 25 năm, Đông Nam Á bước vào thời kỳ ổn định, quan hệ giữa các nước trong vùng trở nên thân thiện và hòa hiếu, những dự án kinh tế lớn nhỏ song phương và đa phương giữa các nước bắt đầu khởi động.

Đại dự án đường sắt và đường bộ cao tốc kết nối nhiều quốc gia trong vùng với Trung Quốc, giống như một “Con đường tơ lụa” thời hiện đại, là một trong những dự án khổng lồ, hứa hẹn mở ra một tương lai phát triển kinh tế thịnh vượng cho cả vùng. Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam trong chuyến đi tìm hiểu thị trường Lào và Thái Lan ngày ấy đã có thời khắc được sống trong niềm suy tưởng phơi phới về đại dự án “Vành đai và con đường” này, bởi thấp thoáng đâu đấy người ta ngộ nhận nó có những nét tương đồng với những huyền thoại “Con đường tơ lụa” thời cổ đại. Hơn hai chục năm đã trôi qua, độ lùi thời gian đủ để nhiều người ra nhận ra, cái gọi là Con đường tơ lụa thế kỷ 21 ấy, hóa ra cũng không phải hoàn toàn là như vậy.

Dưới đây xin gửi tới bạn đọc trích đăng bài báo tôi viết năm xưa để thấy được sự thay đổi nhanh chóng của các hiện tượng kinh tế và chính trị trên thế giới ngày nay.

Chúng tôi đi qua cửa khẩu Cầu Treo thuộc địa phận huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh để vào nước Lào. Con đường nhựa vắt ngang dẫy núi dài nhất Đông Dương nối liền Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, mặt đường chỉ rộng già chục mét, ngoằn ngoèo trên đỉnh đèo Kẹo Nưa, một bên là thành núi cao, một bên là vực thẳm của bờ sông cạn dòng, hai chiếc xe con tránh nhau giữa đèo còn cảm thấy dễ va quệt, thế mà các xe chở gỗ dài cả chục mét, vẫn cứ nườm nượp đi về. Cửa khẩu Hữu Nghị nằm trong một thung lũng. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, xe chúng tôi vào đất bạn.

Con đường số 8 bên ta nhỏ và khúc khuỷu, sang bên bạn vẫn gọi là đường 8, nhưng mặt đường rộng hơn. Hai bên đường thoai thoải những cánh rừng chạy tít tắp vào sườn núi xa. Con đường không có hệ thống rãnh thoát nước hai bên, đã vô tình trở thành một dòng suối mỗi khi trời mưa lớn. Điều đó giải thích vì sao, mặt đường nhựa bị bóc từng mảng lớn, để lộ ra phần đá lát tận đáy nền. Trời đã tạnh mưa từ lâu, nhưng nước vẫn róc rách chẩy ngầm dưới lớp mặt đường bong rộp, để rồi đọng lại thành từng vũng nước sâu theo vết xe lăn.

Con đường tơ lụa xuyên Á thế kỷ 21 - 1

Gặp gỡ doanh nhân trẻ Việt Nam và Lào tại Viêng Chăn 

Hai bên đường chỉ có rừng. Rừng đại ngàn, rừng nguyên sinh, với những cây gỗ cao lớn, vươn thẳng. Thỉnh thoảng lắm mới có một vài nếp nhà sàn đùm dúm cạnh nhau, nép mình bên bìa rừng vắng lặng. Càng xa biên giới, núi càng dần lùi xa, thung lũng rộng dần, và đường cũng như bằng phẳng hơn. Tuy vậy, cảnh mặt đường bị băm nát bởi mưa rừng và xe hạng nặng chở gỗ, cũng còn kéo sâu vào xa biên giới tới bảy tám chục cây số nữa.

Qua chặng đường xuống cấp tự nhiên, xe chúng tôi bắt đầu đi vào khu vực công trường làm đường. Hàng chục xe thi công cơ giới hiện đại, vàng rực cả một vùng rừng núi. Từng tốp công nhân mặc quần áo bảo hộ lao động và đội mũ cối, chúng tôi nhận ra ngay là những người đồng hương. Đúng vậy, các xe thi công đều in chữ Tổng Công ty 8 và mang biển số xe 29.

Anh Nguyễn Duy Uẩn, người cùng đi trong đoàn, hiện là Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, trước đây anh đã từng là đội trưởng thi công một đơn vị thuộc Tổng Công ty 8, đã từng lăn lộn nhiều năm trên các công trường làm đường bên Lào, cho tôi biết: Tổng công ty 8 là một trong những đơn vị thi công Việt Nam, từ nhiều năm nay đã trúng nhiều gói thầu xây dựng cầu đường trên đất bạn Lào.

Công trường làm đường kéo dài khoảng 2 km, tiếp đấy là phần đường đã hoàn thiện. Trước mắt chúng tôi vẫn chỉ có rừng và rừng, nhà cửa vẫn thưa thớt. Con đường nhựa rộng lớn, bằng phẳng, mang dáng dấp thị thành, dường như bản thân nó đã xua đi cảnh hoang vắng của núi rừng vùng biên ải. Xe chúng tôi cứ theo đà con đường mới mà tăng tốc vùn vụt. Tới ngã ba Na Thon, xe rẽ phải theo hướng Bắc để bắt đầu đi vào con đường số 13 còn rộng và đẹp hơn nữa. Hai bên đường là hệ thống cống rãnh thoát nước đã được kè đá thẳng tắp. Cột cây số trắng lốp loang loáng chạy lùi về phía sau xe. Các biển báo giao thông cũng đang được lắp đặt. Hình ảnh của một tuyến giao thông đường bộ hiện đại đã hiện ra trước mắt.

Anh bạn cùng đường còn cho tôi biết thêm, con đường 13 là con đường quốc lộ chạy dọc nước Lào, từ biên giới phía bắc giáp Trung Quốc, qua cố đô Luang Prabang, tới thủ đô Viên Chăn, xuống Thakhek, Savannakhet, kéo tiếp xuống biên giới phía Nam, nối sang Campuchia. Xét về ý nghĩa chiến lược, đường số 13 của Lào, cũng giống như quốc lộ 1A của Việt Nam. Từ trục đường số 13 toả ra nhiều đường nhánh, vươn tới các cửa khẩu nối sang 5 nước láng giềng Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Tất cả các tuyến đường bộ chạy ngang dọc khắp nước Lào, rồi từ Lào nối sang các quốc gia chung biên giới, đang được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại, và bằng nhiều phương thức, nhiều nguồn vốn từ các quốc gia và các tổ chức tín dụng quốc tế khác nhau, trong đó vốn của chính phủ Trung Quốc là nguồn quan trọng nhất. Hệ thống đường bộ này sẽ toả rộng ra các vùng đất xa xôi, hẻo lánh, nhưng giàu tiềm năng của Lào, để rồi qui tụ vào hệ thống đường xuyên Á của khu vực. Hệ thống đường xuyên Á này được các nước khu vực phối hợp quy hoạch, thiết kế và cùng đầu tư xây dựng, sẽ được bắt đầu từ Singapore, qua Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam rồi thông sang Trung Quốc.

Mấy ngày sau, trong cuộc gặp gỡ giữa đoàn doanh nghiệp trẻ Việt Nam với các doanh nhân Lào ở thủ đô Viên Chăn, ông Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên cách mạng Lào còn hào hứng thông báo chi tiết về hệ thống đường sắt bộ liên Á, theo đó thì cùng với hệ thống đường bộ xuyên Á, sẽ có một hệ thông đường sắt hiện đại xuyên Á, bao gồm 3 tuyến: Tuyến thứ nhất Singapore - Kuala lumpur - Bangkok - Campuchia - Việt Nam - Côn Minh, Trung Quốc. Tuyến thứ hai Singapore - Kuala lumpur - Bangkok - Lào - Việt Nam - Côn Minh, Trung Quốc. Tuyến thứ ba Singapore - Kuala lumpur - Bangkok - Myanmar - Côn Minh, Trung Quốc.

Được nghe những thông tin mang niềm vui phơi phới giới thiệu về mạng lưới giao thông sắt - bộ hiện đại đang dần hình thành, nối liền các quốc gia khu vực, trong đó có cả nước Lào, chẳng biết từ lúc nào, suy nghĩ của tôi lại chuyển sang một hướng khác. Tôi bỗng nhận ra rằng, trong khi các khu vực khác ở các nước Âu, Mỹ, từ hàng trăm năm trước, người ta đã xây dựng những tuyến đường chạy thông qua nhiều quốc gia. Những tuyến đường như thế đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, góp phần tạo lập sự cảm thông và hữu nghị giữa nhiều quốc gia láng giềng. Thì ở châu Á, ở vùng Đông Nam Á này, chiến tranh, nghi kỵ và nghèo nàn vẫn còn đang khoanh vùng, chia rẽ các quốc gia, các dân tộc.

Những nẻo đường mòn vượt biên giới, chỉ dành cho thổ phỉ và dân buôn hàng quốc cấm. Nhưng thật là may mắn, quá khứ ảm đạm đó đã lùi dần vào dĩ vãng. Không khí cởi mở và hoà nhập giữa các quốc gia khu vực dường như là vận hội ngàn năm. Khi các chính phủ ký các hiệp định hoà bình, hữu nghị biên giới, thì chẳng bao lâu người dân hai bên đã nườm nượp qua lại thăm viếng, buôn bán, trao đổi. Và thế là các con đường ra đời, lớn lên và dài mãi ra. Đường mòn sơn cước trở thành đương liên thôn. Đường liên xã lớn bằng đường liên huyện. Sự hoà nhập và tin cậy là cái nền vững chắc, để các con đường xuyên quốc gia ra đời và vươn xa.

Bảng lảng về một viễn cảnh hoà hợp, phát triển của miền đất địa đầu sóng gió châu Á này, mạch suy tưởng lại đưa tôi về với dĩ vãng huy hoàng, đượm sắc màu huyền thoại của con đường tơ lụa xuyên Á những thế kỷ xa xưa mà tổ tiên những người Trung Quốc hiện nay đã từng sáng  tạo ra…

…Lịch sử văn hoá và kinh tế thế giới còn ghi lại rằng, hơn 3000 năm về trước, người đời Ân, đời Chu bên Trung Quốc đã biết nuôi tằm, dệt lụa, sản phẩm của họ có hoa văn, màu sắc rất đẹp. Đến đời nhà Hán (thế kỷ thứ III trước Công nguyên), sản phẩm tơ lụa của người Trung Hoa đã đạt đến mức tinh xảo và hoàn mỹ. Tơ lụa Trung Hoa đã làm cho người Trung Á, Ả Rập và châu Âu vô cùng ưa chuộng. Họ gọi Trung Quốc là xứ sở của tơ lụa, và con đường thông thương mà những nhà buôn đi lại để buôn bán tơ lụa từ Trung Quốc sang các nước phía Tây được gọi là “Đường tơ” hoặc “Con đường tơ lụa”.

Lịch sử còn cho ta biết thêm, vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, những nhà buôn Trung Quốc đầu tiên đã tổ chức những chuyến đi đầu tiên mang tơ lụa sang các nước Tây vực. Hành trình của họ thường bắt đầu từ kinh đô Tây An (tức thành Trường An), đi theo hành lang Hà Tây vào vùng lòng chảo Ta Rim của Tân Cương, vượt qua Thông Lĩnh để sang Trung Á. Hành trình tiếp tục vượt qua một loạt quốc gia Trung Á rồi tiến thẳng ra cửa biển Địa Trung Hải của Siry và Libăng. Toàn tuyến đương dài trên 7000 km này được coi là con đường thông thương kinh tế dài nhất, quan trọng nhất của thế giới thời cổ đại. Từ bờ biển Đông Địa Trung Hải, các nhà buôn có thể đem tơ lụa đi tiếp về phía Tây bằng đường biển tới Ai Cập và bán đảo Italia.

Con đường tơ lụa xuyên Á do các thương nhân người Trung Hoa khai phá, tồn tại trong khoảng trên dưới 1000 năm. Nhưng trong quá trình tồn tại, ý nghĩa lịch sử của con đường đã vượt khỏi tầm vật chất ban đầu của những người sáng tạo ra nó. Sự trao đổi về kinh tế đã dẫn đến sự giao lưu về văn hoá. Sự cảm thông về văn hoá và ngôn ngữ, lại giúp các dân tộc có cơ hội để xích lại gần nhau hơn trong sự cảm thông về tư tưởng.

Nói về sự xuất hiện của những con đường xuyên Lào, xuyên Thái, xuyên Á thế kỷ XXI, người ta có thể nhắc tới nhiều lý do. Từ góc độ những người làm kinh tế, chúng tôi nghĩ, có lẽ lý do bao trùm lên tất cả là động lực lợi ích kinh tế. Các nhà đầu tư Trung Quốc và các quốc gia khu vực, hẳn là phải thấy rõ tính khả thi của những dự án giao thông tiêu tốn những số tiền khổng lồ, và hẳn là họ cũng phải là người thấy rõ hơn ai hết, khả năng thu hồi vốn, khả năng sinh lợi to lớn của các dự án đó? Và thế là, một khi điều kiện chính trị và xã hội cho phép, mà người ta gọi là môi trường đầu tư cho phép, thì những người làm kinh tế, những nhà đầu tư, hay hiểu theo một nghĩa rộng hơn là các nhà doanh nghiệp, các thương nhân, họ thường vẫn lại là những người đi tiên phong trong việc bắc những nhịp cầu, nối những con đường - hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng - để các dân tộc xích lại gần nhau hơn.

*

Sau những ngày khảo sát, hội thảo, làm việc có kết quả tại Lào, chúng tôi lại tiếp tục lên đường sang Thái Lan, nơi chúng tôi biết là hệ thống đường sắt và bộ hiện đại của đại dự án Vành đai này đang được triển khai với qui mô và tốc độ rất nhanh.

Trên thế giới này, không biết còn có quốc gia nào có thủ đô nằm ngay trên vạch biên giới như nước Lào? Ăn sáng tại một quán hàng trung tâm thành Phố Viên Chăn, sau đấy chỉ 10 phút xe chạy là đoàn chúng tôi đã có mặt tại cửa khẩu Hạt Xạt Phoong bên bờ sông Mekong - biên giới chung của hai nước Lào - Thái.

Chiếc cầu bê tông kiên cố mang tên Hữu Nghị, rất đồ sộ nhưng lại thật thanh thoát mềm mại, bắc ngang dòng sông lớn, nối liền thủ đô Viên Chăn với tỉnh Nong Khai - Thái Lan. Sau khi làm thủ tục xuất cảnh khỏi Lào, xe chúng tôi bắt đầu vượt cầu Hữu Nghị. Mặt cầu rộng 4 làn xe, trải thảm nhựa Asphalt phẳng lì. Xe leo dốc thoai thoải tiến dần lên đỉnh cầu - nơi phân định biên giới hai quốc gia. Lên tới đỉnh điểm cầu, có một chi tiết vô cùng thú vị hiện ra trước mắt chúng tôi, đó là con đường sắt chạy từ đất Thái Lan, sau khi vượt một nửa phần cầu, đến đúng đỉnh cầu thì dừng lại.

Tất cả tà-vẹt, đinh tán ri-vê đều lẩn chìm trong lòng thảm nền đường, chỉ có hai tuyến ray thép lộ ra bằng đúng mặt đường nhựa. Không có bất cứ một vật gì gợn lên chặn con đường sắt dở dang. Điều này gợi cho tôi một suy nghĩ, có lẽ đây là điểm nối của tuyến đường sắt và đường bộ xuyên Á, chạy qua Thái Lan để vào nước Lào mà tôi đã nói tới ở phần trên? Nếu điều đó là đúng, thì chúng tôi quả sẽ là những người may mắn, được chứng kiến vị trí và thời khắc lịch sử, chuẩn bị đặt những mét đường sắt xuyên Á đầu tiên của nước Cộng hoà này.

Làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Nong Khai thật đơn giản, vì từ tháng 7/2000, nước ta và Thái Lan đã ký hiệp định miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước. Thế là chúng tôi đã vào đất nước Thái Lan bằng đường bộ từ hướng Đông Bắc.

Từ cửa khẩu tới thành phố Udon Thani, đường cao tốc kéo dài khoảng 50 km. Chiều tối hôm đó chúng tôi ra sân bay Udon để bay đi Bangkok. Tôi cũng không nghĩ rằng trong đời mình lại có lần được đặt chân tới sân bay này, nơi cách đây trên dưới 30 năm, đặc biệt là năm 1972, máy bay Mỹ đã cất cánh từ đây, ngày đêm mang bom đạn đánh phá miền Bắc và thủ đô Hà Nội. Thái Lan khi đó là đồng minh của kẻ thù số một của đất nước chúng ta. Những địa danh U-Tapao, Khorat, Udon... đã một thời gợi cho chúng ta những nỗi căm hận nung nấu.

Hôm nay tôi đứng đây, nhìn những chiếc máy bay dân sự hiện đại bay lên bay xuống, và chỉ chốc lát nữa thôi, một trong những chiếc máy bay đó sẽ đón các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam bay tới thủ đô Bangkok để tính chuyện làm ăn. Có ở vào địa vị và hoàn cảnh chúng tôi lúc này, chắc các bạn cũng sẽ cùng chung một cảm xúc như cảm xúc trong lòng tôi. Tôi thầm cảm ơn Tổ quốc và dân tộc anh hùng, đã biết chiến thắng kẻ thù khi cần phải chiến đấu, cũng lại biết độ lượng, ân tình, hoà hiếu để cảm hoá kẻ thù thành bè bạn, để cho mọi người dân đất Việt chúng ta, đều có thể thanh thản ngẩng cao đầu, mỗi khi có dịp đi xa đất nước.

Đã đến lúc các nhà doanh nghiệp trẻ chúng tôi lên đường đi Bangkok, nơi tôi được biết, đang có nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị đợi các anh sang bàn soạn và ký kết. Máy bay nâng dần độ cao. Ở dưới kia thành phố Udon lấp lánh trong muôn triệu ánh đèn màu, còn trong khoang hành khách sang trọng trên này, lẫn vào đám người đủ màu sắc Âu, Á là những gương mặt rất đỗi quen thuộc của các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Tôi không có ý định kể chuyện về các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, đó không phải là mục đích của bài viết này. Nhưng trong chuyến đi công tác xa cùng họ trên những cung đường dang dở thuộc tuyến đường xuyên Á tương lai, cảm xúc về những con người bình thường, dám chấp nhận thách thức, điều chỉnh số phận, vươn lên làm giầu cho bản thân và cho xã hội, đóng góp cho xã hội nhiều hơn phần nghĩa vụ đóng góp của những người bình thường, cảm xúc đó cứ rộn lên trong tâm thức của tôi. Thế rồi hình ảnh của họ cứ chập chờn, chập chờn, nhoà dần vào hình ảnh của những thương nhân thời cổ đại, cần mẫn bước theo đoàn lạc đà, khai phá con đường tơ lụa xuyên Á trong những thế kỷ xa xăm.

Nguyễn Đắc Như

Chuyện bên lề Hội nghị Paris
Chuyện bên lề Hội nghị Paris

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris, tôi được NXB Văn hóa thông tin phân công sưu tầm biên soạn cuốn sách ảnh Hội nghị...

Tin liên quan

Tin mới nhất