Giá trị văn học của những cổ thư vừa bị mất tại Viện Nghiên nghiên cứu Hán Nôm

Ngày 21/12/2022, Viện Nghiên cứu Hán Nôm ra Thông cáo về sự việc 25 cuốn sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị thất lạc. Trong đó, đặc biệt là những cuốn sách thuộc Bộ “Việt âm thi tập” là cổ thư “độc bản” – cũng là tập thơ cổ nhất ở nước ta; cùng với đó là Bộ sách “Toàn Việt thi lục” bản viết tay (vì chưa bao giờ được khắc in) do Nhà bác học Lê Quý Đôn soạn theo lệnh vua Lê Hiển Tông. Đây đều là những cổ thư chữ Hán đặc biệt giá trị, có thể xếp vào hàng bảo vật của quốc gia. TS. Nguyễn Xuân Diện - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn bản học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã chia sẻ với Thời báo Văn học Nghệ thuật về giá trị văn học là lịch sử của những di sản này.

Giá trị văn học của những cổ thư vừa bị mất tại Viện Nghiên nghiên cứu Hán Nôm - 1

TS. Nguyễn Xuân Diện

PV: Xin Tiến sĩ cho biết giá trị của những cổ thư mà Viện Hán Nôm vừa thông báo bị thất lạc?

TS. Nguyễn Xuân Diện: Trong số 24 cuốn sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị "thất lạc", có những cuốn sách vô cùng giá trị, có thể xếp vào hàng bảo vật của quốc gia. Đó là, bốn cuốn “Toàn Việt thi lục” thuộc 3 bộ khác nhau do Nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập và biên soạn, hoàn tất vào năm 1769 theo lệnh của vua Lê Hiển Tông. Một cuốn “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên đời Trần soạn là bản in và là sách độc bản. Ngoài ra, có hai cuốn địa chí bị thất lạc (hiện đã mới thấy một bản – PV) là sách ghi chép địa lý, cương vực, bờ cõi rất quý liên quan đến cương vực chủ quyền tổ quốc...

“Việt âm thi tập” là cổ thư, tập thơ ghi lại âm thanh của nước Việt Nam. Đây là tuyển tập thơ chữ Hán do Nhà sử học Phan Phu Tiên (1370 -1462) khởi đầu biên tập, sau đó tiếp tục được Thị Ngự sử Chu Xa (1407 - ?) kế tục biên soạn. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên của dân tộc ta, và nó là một bản in mộc bản. Bản “Việt âm thi tập” được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm là độc bản, tức là bản duy nhất. Không có bản thứ hai, và là bản in nên có giá trị rất cao.

Căn cứ bài biểu dâng sách của Chu Xa, thì “Việt âm thi tập” gồm 6 quyển, với 624 bài thơ của 119 nhà thơ dưới các triều đại, từ Trần đến Lê sơ. Trước khi xảy ra vụ việc thất lạc sách, ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ còn lưu giữ được một bản nhưng không đầy đủ (chỉ còn 3 quyển), mang ký hiệu số A.1925. Đây là bản in lại một bản in năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Bản A.1925 in bằng ván gỗ, giấy dó, khổ 24cm x 16cm, tổng cộng 68 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 10 dòng.

Đánh giá về văn bản “Việt âm thi tập”, Nhà thư tịch học Trần Văn Giáp viết: Bộ “Việt âm thi tập” là một vốn cổ quý giá, không những về thơ văn, mà nó còn là một tài liệu quý hiếm về cả mặt sử học, vì lời chú dẫn có trong sách. Ngoài ra, nó cho biết kỹ thuật in ấn của Việt Nam lúc bấy giờ (“Tìm hiểu Kho sách Hán Nôm”, tập 2, tr. 170).

Trong “Từ điển Văn học Việt Nam – Bộ mới”, tập thơ được đặt riêng một mục từ là “Việt âm thi tập”, GS. Nguyễn Huệ Chi nhận định về thi tập này: “Đó là niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống văn hóa, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn con người Việt Nam... Ngày nay, có thể nói hầu như thơ ca của số lớn nhà văn ở thời đại Lý – Trần và đầu đời Lê còn giữ lại được, không bị mất đi, cũng là nhờ “Việt âm thi tập” (trang 1993).

Rất tiếc là bản này đã bị mất trong khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm chưa kịp số hóa, hiện chỉ còn bản photocopy thôi.

Về bộ “Toàn Việt thi lục” (Sao lục toàn tập thơ Việt) là một bộ sách vô cùng giá trị. “Toàn Việt thi lục” là bộ sách lớn do Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) sưu tập và biên soạn theo lệnh của nhà vua. Bộ sách này hoàn thành năm Mậu Tý (1768), dâng lên vua Lê Hiển Tông đọc, nhưng chưa được khắc in. Bộ sách có quy mô đồ sộ với 2303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11.000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), chưa từng được biên dịch và công bố toàn bộ.

“Từ điển Văn học Việt Nam – Bộ mới”, cũng đặt riêng một mục từ là “Toàn Việt thi lục”, PGS. TS Trần Thị Băng Thanh nhận định: Trong những hợp tuyển thơ Việt Nam được biên soạn từ trước thế kỷ XIX, “Toàn Việt thi lục” là đỉnh cao về quy mô sưu tập và tính khoa học… Sách chưa được in, quá trình sao chép có ít nhiều nhầm lẫn, mất mát về văn bản, nhưng vẫn là một kho báu của nền văn hóa dân tộc và là một tài liệu hết sức quý cho công tác nghiên cứu (trang 1746).

“Toàn Việt thi lục” hiện còn 11 bộ, trong đó riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 10 bộ, bộ còn lại hiện lưu trữ tại Hiệp hội Châu Á ở Paris (Pháp). Sách “Toàn Việt thi lục” lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị mất các bản: A.393; A.3200/2; VHv.777/1; VHv.777/2.

Hiện nay bộ “Toàn Việt thi lục” này mới được phần nhỏ ra chữ quốc ngữ, đã in ra ba tập do nhóm ông Mai Quốc Liên ở TP Hồ Chí Minh thực hiện. Cho đến thời điểm này chưa có ai công bố bản dịch toàn bộ “Toàn Việt thi lục” ra chữ quốc ngữ. Ngoài ra, khi biên soạn các hợp tuyển “Thơ văn Lý Trần”; “Tổng tập Văn học Việt Nam” (42 tập), thì các nhà biên soạn có dịch và công bố một số tác phẩm của các tác gia có chép thơ trong “Toàn Việt thi lục”. Cùng với đó đã có một Luận án Tiến sĩ Ngữ văn nghiên cứu văn bản của bộ sách này.

PV: Việc một số cuốn sách đã được tìm thấy với lý do là bị xếp nhầm ô. Tiến sĩ đánh giá thế nào về sự việc này?

TS. Nguyễn Xuân Diện: Sở dĩ có sự xáo trộn là vào năm 2018, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện dự án số hóa với kinh phí 29 tỷ đồng, bao gồm mua sắm trang thiết bị và thuê nhân công scan tài liệu. Trong quá trình số hóa các văn bản, xảy ra việc sách để lộn xộn – sự xáo trộn này âu cũng là bình thường. 

Ngay từ sau thời điểm đó, tôi đã đề nghị Lãnh đạo Viện chỉ đạo kiểm kê lại kho sách. Tôi đề nghị rất riết róng nên Viện mới chỉ đạo và tiến hành kiểm kê. Đây là đợt kiểm kê sau hơn 10 năm chưa thực hiện tổng kiểm kê. Kết quả kiểm kê ban đầu thấy báo cáo mất 29 cuốn. Tôi đề nghị cứ phải tìm, nếu ai đã trót lấy thì hãy lén mà trả lại giá. Nếu không tìm thấy thì đề nghị trình ra công an, cơ quan chức năng để truy tìm. Sau đó, người ta tìm thấy 4 cuốn nữa, nhưng từ 15/7 cho đến ngày 20/12/2022 thì không có ai lén trả sách vào nữa, và Thông cáo còn 25 cuốn bị thất lạc.

Sự việc trước ngày 15/7 đã tìm thấy 4 cuốn “rơi vào khe giá sách”, và đến ngày 21/12 tìm thấy thêm một cuốn xếp nhầm chỗ thì tôi cho rằng là một điều bất thường. Tôi nghĩ rằng sẽ không thể có chuyện 24 cuốn sách kia vẫn còn trong kho và đang bị xếp nhầm ô. Bởi vì, Viện đã thực hiện cuộc tổng kiểm kê kéo dài tới mấy tháng, đã đếm đầu sách, trước hết thấy số lượng thiếu 29 cuốn so với tổng số sách. Thứ hai là người ta đã lật từng cuốn sách ra để xem, nên nếu có chuyện xếp nhầm giá thì người ta cũng đã phát hiện ngay khi kiểm kê rồi.

Sách cổ bị mất hay thất lạc chỉ là một sự việc, nghiêm trọng hơn là theo Thông cáo của Viện cho biết có khoảng 4.000 quyển sách (tức là hơn 10% số sách gốc toàn kho) bị xuống cấp, hư hại vật lý có thể bị rách một vài trang, bị hỏng bìa, hoặc bị mủn, mối mọt một vài trang hoặc toàn quyển. Số này mới thật thảm hại, bởi chiếm hẳn 10% tổng số sách trong kho cổ thư ở đây. Trong khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm có hẳn một phòng bảo quản, chỉ có làm mỗi một việc là bảo quản sách thế mà để xảy ra tình trạng như vậy. Những người trân trọng di sản của cha ông không thể cầm lòng được khi nhìn thấy tình trạng này.

PV: Xảy ra tình trạng hư hỏng sách theo ông nguyên nhân do đâu, do thiếu công nghệ bảo quản hay do thiếu ý thức, thưa ông?

TS. Nguyễn Xuân Diện: Tôi cho rằng, nguyên nhân trước hết về mặt ý thức, chứ đừng đổ cho công nghệ bảo quản. Với số tiền đầu tư của nhà nước rất cao, kho sách có máy hút ẩm, lúc nào cũng giữ nhiệt độ nhất định, độ ẩm và diệt khuẩn theo yêu cầu.

Kho sách cổ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm vừa là hiện vật bảo tàng (cổ vật) vừa là tài liệu lưu trữ (bản gốc, bản chính) vừa là thư viện (phục vụ nghiên cứu khai thác). Đây là kho sách rất đặc trưng có một không hai ở Việt Nam. Kho sách cổ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm là cổ vật, và ở đây được trang bị thiết bị bảo quản sách tốt nhất ở Việt Nam.

Với công tác bảo quản, lẽ ra hàng năm trong báo cáo phải mô tả tình hình từng kho sách, và nếu phát hiện có vấn đề xuống cấp thì cần có đơn khẩn cấp và kiến nghị các biện pháp đặc biệt để cứu vãn khẩn cấp đối với các bản sách có nguy cơ hỏng nát. Thế nhưng Phòng bảo quản ở đây hàng năm họ báo cáo kết quả việc bảo quản sách và tình trạng các bản sách không rõ ràng, cũng không khẩn thiết đề nghị lãnh đạo Viện có biện pháp xử lý, cho nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.

Theo Thông cáo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân công, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách cổ và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục.

Vào khoảng tháng 3-4/2020, cán bộ quản lý kho sách phát hiện có dấu hiệu không tìm thấy một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá. Đến tháng 4/2022, Viện đã cho tổng kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Đây là lần tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua. Thông qua 3 tháng rà soát, phát hiện không thấy trên giá 29 quyển (tập sách đóng rời), trong đó có 13 quyển thuộc kho A và kho V, 16 quyển thuộc kho ST. Số sách ít nhiều bị xuống cấp, hư hại vật lý (theo tình trạng tự nhiên của bảo quản) là khoảng 4.000 quyển (hơn 10% số sách gốc), có thể bị rách một vài trang, bị hỏng bìa chưa tu bổ, hoặc bị mủn, mối mọt một vài trang hoặc toàn quyển; nhóm này cần thực hiện tu bổ sớm để bảo quản lâu dài.

Sau đó, Viện tiếp tục cho rà soát, tìm thêm được 5 quyển (do để sai chỗ trên giá). Như vậy tổng số sách chưa thấy trên giá (mất, hoặc thất lạc) đến thời điểm ngày 21/12/2022 là 24 quyển. Đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có ý kiến chỉ đạo Viện tiếp tục rà soát tìm sách, xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Viện sẽ lập hội đồng riêng để xem xét cụ thể vấn đề này. Sự việc đang được tổ chức giải quyết.

Chu Minh Khôi (thực hiện)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).